Vào những năm đầu thế kỷ XXI, ta vẫn đang chứng kiến một trong những hiện tượng lạ nhất trong hiện sinh của con người, một nhóm nhỏ tách mình ra khỏi đời sống thường lệ để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình trong một thứ niềm tin nào đó, vào một hệ giá trị nào đó rất lạ lùng, lắm khi điên rồ, có khi cũng tầm thường, vô định. Người ta gọi là tu sĩ. Nhưng, liệu họ có đang chạy trốn bổn phận với thế giới, họ có bớt là người hơn khi tìm kiếm một thứ hạnh phúc dường như chẳng ăn nhập gì với trăn trở của thế giới?
Triết gia Simone Weil trong một bức thư dài gửi cho linh mục Purin lý giải về lý do bà dù rất muốn gia nhập Ki-tô giáo, nhưng vẫn không thể bước qua ngưỡng cửa ấy, bởi vì bà thấy rằng “dù thế nào, khi con hình dung một cách cụ thể về việc con sắp bước vào Giáo Hội, thì không có ý nghĩ nào làm con khổ sở hơn ý nghĩ rằng con tự tách mình ra khỏi những người lương dân đang khốn khổ… thiên mệnh của con là sống giữa họ, cùng mang với họ một ít sắc mầu, tan biến giữa họ… để yêu thương họ như họ là”. Như thế, nguy cơ của việc tách biệt là ta chẳng bao giờ có thể kinh nghiệm được cái giằng xé của con người thời đại, những tâm trạng lo lắng họ phải nếm trải từ lúc rạng đông tới buổi chiều tà, từ nơi chợ búa đến hành lang nhà thương. Sự thiếu vắng kinh nghiệm hiện sinh của con người thời đại có thể làm cho một người bớt người hơn.
Tràn ngập những chỉ trích cho hàng giáo sĩ, tu sĩ vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này, dường như cho thấy đi tu có khi chỉ là phương tiện chỉ để làm cho con người bớt là người hơn, bớt đồng cảm hơn với nỗi đau của đồng loại. Đi tu có khi chỉ nới rộng khoảng cách giữa người với người ngày càng xa vời. Cái vỏ bọc đạo đức, và sự an toàn của một đời sống không còn bận tâm đến cơm áo gạo tiền đôi lúc xóa luôn khỏi cảm thức của nhiều tu sĩ cái sự thật : tu sĩ là con người, chỉ là con người thôi.
Nhưng những chỉ trích lắm khi đúng ấy, không làm phai nhạt cái vẻ đẹp tự thân của đời sống tu trì. Đúng hơn, những chỉ trích phải là chiếc dao gọt rửa tất cả những sần sùi trên thân đời sống tu trì. Trong cái ngột ngạt của một thế giới bị tục hóa, ta thấy thế giới ấy cần lắm những con người có thể hiến thân cho một hạnh phúc trọn vẹn, một niềm tin không hề lay chuyển vào con đường họ theo đuổi, cần lắm những con người trả lại vẻ đẹp cho thế giới Thiên Chúa đã từng gọi là đẹp. Thế giới này cần lắm những Gioan Thánh Giá biết liên lỉ tìm đến kết hợp thâm sâu với Chúa Giêsu chịu đóng đinh để biến đời sống thần bí thành khao khát của biết bao tâm hồn say đắm Thiên Chúa, cần lắm những gương mặt khác lạ nhưng hết sức đơn sơ như Têrêsa hài đồng Giêsu để biến thế giới thành một vườn hoa xinh đẹp, hay như một Têrêsa Calcuta tìm kiếm Chúa Giêsu trong những người nghèo nhất, để người nghèo lại tìm thấy tình yêu trong thế giới dường như đã đẩy họ vào chân tường.
Tôi thử hỏi, những ưu tư của Simone Weil cùng lắm chỉ khuyến khích cho con người gần nhau trong cái nếm trải cách hiện sinh của nhau, mà chẳng thể đưa nhau tới một lối thoát đầy hy vọng trong đời sống con người. Nhưng, một lần nữa, thực sự, sự thánh thiện của đời tu, phải được định nghĩa lại. Đúng hơn, sự thánh thiện ấy phải chạm đến được những vết thương của nhân loại, những cái chết không thể đếm xuể của đại dịch covid, những cơn đau không thể hiểu trọn của các bệnh nhân ung thư,… chạm đến biết bao nhiêu người đang cô đơn trong thế giới, và chạm đến chính những người anh chị em của tôi. Sự thánh thiện ấy phải được tái khám phá lại trong khuôn mặt của người Samari nhân hậu chứ không phải của người Pharisiêu và người thông luật đi qua cái thân phận đau khổ của nạn nhân, vốn bị thế giới tục hóa hành hạ và bỏ lại bên đường. Đền thờ đích thực mà người tu sĩ phải tìm kiếm là nơi những đau khổ của con người, nơi đó có Chúa Giêsu! nơi đó, họ mới tìm thấy ý nghĩa của đời tu.
Đi tu, người tu sĩ có bớt là người hơn? Nó tùy thuộc vào cách người đó biết ôm lấy tất cả những đau khổ của thế giới và đặt để nó trọn vẹn vào một thế giới rộng lớn hơn. Họ có thể làm người trọn vẹn hơn, cũng có thể bớt là người hơn!
Maria Trang Trịnh
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
Cám ơn bài viết thật đánh động của Tác Giả.
Vâng, “Đền thờ đích thực mà người tu sĩ phải tìm kiếm là nơi những đau khổ của con người, nơi đó có Chúa Giêsu! nơi đó, họ mới tìm thấy ý nghĩa của đời tu.”
Chúa Giêsu đang ở đó với những con người nghèo, hèn, khổ, đau, vì lỗi của chính mình hay lỗi của người khác gây ra cho họ. Ngài vẫn đang trở nên Bánh cho họ hằng ngày, nên Thuốc chữa trị những cơn đau đến nỗi dẫn đến cái chết đời đời. Ngài là và Ngài tạo ra Bánh và Thuốc ở cả hai chiều kích thiêng liêng và vật chất.
Tu sĩ có phải là môn đệ của Chúa Giêsu không? Những vị chân tu, tu kín hay tu tông đồ xã hội, là những người ở bên cạnh Chúa Giêsu cùng lao tác với Ngài. Nghĩa là nhờ ơn của Ngài, tu sĩ cũng phải trở nên Bánh và Thuốc ở cả hai chiều kích thiêng liêng-vật chất, trong khả năng (môi trường, điều kiện) mà Ngài ban, cho anh chị em đồng loại của Ngài và của mình. Người tu kín lao tác trong môi trường, điều kiện, những lời khấn, linh đạo của họ. Tương tự, người tu tông đồ xã hội lao tác trong xã hội của họ. Tất cả đều cần tâm niệm một điều: Chúa Giêsu, vị Thầy và Anh Cả của tôi, đang lao tác để thăng tiến nhân loại của Ngài, nhân loại mà Ngài đã sáng tạo và hy sinh chịu chết để làm cho họ được thăng hoa hồn, xác cách dồi dào ở đời này, và cho họ thăng thiên vui vẻ về Quê Hương của Cha trên trời. Tôi cũng noi gương Ngài, cùng lao tác với Ngài vì lợi ích cho anh chị em tôi và cho chính tôi. Vì tôi muốn làm môn đệ của Ngài. Thì ra tôi không phải là tu sĩ danh giá cho đời, đúng hơn tôi là môn đệ và là người em nhỏ của Thầy cũng là Anh Cả Giêsu, “lẽo đẽo” theo Ngài để “học việc”. Và tôi mãi luôn học việc với Ngài vì tôi có nhiều giới hạn mà người ta thấy hoặc không thấy. Vì tôi là con người.
Nếu được vậy thì đời tu quả là “rất tốt đẹp”, điều mà Thiên Chúa vẫn nói trong công trình sáng tạo của Ngài.
Ưu tư của Simone Weil chưa “đưa nhau tới một lối thoát đầy hy vọng trong đời sống con người” là vậy.