Kinh nghiệm ơn soi sáng Cardoner của Inhã quả thực là một kinh nghiệm mang đầy ý nghĩa cho riêng ngài cũng như cho toàn thể những ai bước theo con đường thiêng liêng của ngài. Ai cũng phải thừa nhận rằng chính nó đã khởi nguồn cho rất nhiều điều quý báu góp phần hình thành nên một nền linh đạo vừa sâu sắc lại cũng rất gần gũi, bình dân. Nhưng tất cả sẽ trở nên vô nghĩa khi chúng ta chỉ nhìn về nó như một biến cố của quá khứ hoặc của riêng Inhã, mà không nghiền ngẫm xem kinh nghiệm có liên hệ gì đến mình, nói gì với mình và có tác động gì đến sứ mạng của mình. Hay nói cách khác, liệu có một giá trị mang tính “hiện tại” của biến cố Cardoner của 500 năm trước?
Sứ mạng của dòng Tên xuất phát căn bản từ khao khát muốn chia sẻ những gì mình đã cảm nghiệm được về Thiên Chúa cho người khác. Cụ thể, nó khởi xuất từ “lòng yêu mến và giúp đỡ các linh hồn” mà Thiên Chúa khơi lên. Có thể nói, tất cả những đặc tính đòi hỏi nơi một tu sĩ dòng Tên cũng như nơi vận hành của Dòng đều xoay quanh trục “sứ mạng” này.
Thật vậy, điều quy tụ các bạn đầu tiên lại với nhau cũng chính vì lòng khao khát muốn giúp đỡ người khác. Cũng vì sứ mạng nên họ khao khát đến Giêrusalem, và khi không đi được vì lý do khách quan, như đã dự tính trước, họ đến Roma để đặt mình dưới quyền điều động của Đức Thánh Cha. Chính hành vi này đã làm khai sinh cái làm nên một trong những đặc nét của dòng Tên vốn gây ra nhiều tranh cãi từ trước đến nay trong cũng như ngoài dòng: lời khấn thứ Tư – vâng phục Đức Thánh Cha liên quan đến sứ mạng. Mỗi một người trong nhóm đều khao khát giúp ích cho các linh hồn trong khả năng của mình. Đặc tính sứ mạng của Dòng làm cho Dòng trở nên những con người đi tiên phong trong các cuộc hành trình truyền giáo, chinh phục những miền đất xa xôi, tiếp cận những nền văn hoá khác lạ để cải hoá các linh hồn. Toà Thánh cũng rất ưu ái dòng Tên khi ban cho Dòng rất nhiều đặc ân, nhằm giúp cho việc thực thi sứ mạng được diễn ra cách thuận lợi hơn.
Cũng chính yếu tố “sứ mạng” này đã góp phần chi phối cách mạnh mẽ tinh thần cũng như cung cách hành xử, huấn luyện và quản trị của Dòng. Quả vậy, nhìn lại toàn bộ nội dung của Hiếp Pháp, ta thấy đích nhắm đều nhắm đến việc thực thi sứ mạng. Tiêu chí nào để nhận ứng viên? Chỉ nhận người nào được xem là có thể thực thi sứ mạng trong tương lai; và tương tự, sẽ thải hồi những ai nhận thấy không có khả năng này. Đâu là đích nhắm của đào tạo “những người được giữ lại” (Tập sinh)? Hướng họ đến lòng yêu mến sứ mạng cũng như chuẩn bị cho họ những phương tiện hữu ích để thực thi sứ mạng trong tương lai. Nội dung của HP nói về Học Viên (phần IV), thể thức tuyên khấn và cách sống của những người đã được tháp nhập hoàn toàn vào Dòng (phần V và VI) càng làm nổi bật hơn yếu tố sứ mạng này. Cách thức quản trị của Dòng, tố chất của người đứng đầu Dòng, gìn giữ và phát triển Dòng (phần VIII, IX, X) cũng được thánh Inhã vạch rõ để giúp việc thực thi sứ mạng của Dòng được diễn ra cách đúng đắn và thích hợp. Và hiển nhiên, phần VII – những chỉ dẫn trực tiếp của thánh Inhã liên quan đến sứ mạng – làm rõ mối bận tâm của ngài về vấn đề này.
Khi quyết định đặt mình dưới quyền điều động của Đức Thánh Cha, các cha đầu tiên chỉ nghĩ đến sứ mạng. Nhưng cũng chính yếu tố này đã khiến các ngài phải bận tâm về “tình bạn” mà mình đang có. Cuộc bàn luận vào mùa Chay năm 1539 đi đến kết quả là tất cả sẽ khấn tuân phục một người và thành lập một dòng tu mới. Xem ra đây là một kết cục tốt đẹp. Nhưng vấn đề dường như chỉ mới bắt đầu. Gánh nặng đè trên vai Inhã – người được anh em bầu chọn là bề trên – khi phải suy xét để phác hoạ chân dung một tu sĩ dòng Tên đứng giữa rất nhiều những xung khắc do yếu tố sứ mạng này mang lại. Điển hình như: làm sao sống đời sống cộng đoàn khi mỗi người phải thực thi sứ mạng ở những phương trời xa xôi? Đâu là cách thức sống các lời khuyên Phúc Âm cho phù hợp với đòi hỏi của sứ mạng? Phải có cung cách hành xử thế nào để giúp ích cho việc thực thi sứ mạng? Dòng nên được cơ cấu thế nào, huấn luyện ra sao, hoạt động theo phương thức nào để giúp ích nhiều nhất cho sứ mạng?…
Quả vậy, có một mối liên hệ giữa sứ mạng của Dòng và sự đòi hỏi dung hợp những xung khắc vừa nói. Đây vốn dĩ là điều không dễ dàng, nên lịch sử Dòng đã chứng kiến nhiều trường hợp ngay từ lúc mới thành lập những ý kiến trái chiều từ nhiều thành phần về sự hiện diện của một Dòng tu mới với cung cách hành xử mới, có phần rất khác biệt so với các dòng tu khác trong Giáo Hội. Làm sao có thể chấp nhận một tu sĩ mà không đọc kinh phụng vụ chung, không có tu phục, không thực hiện việc hãm mình phạt xác thường xuyên và cầu nguyện lâu giờ? Rồi việc quản trị theo hướng tập quyền có thể sẽ trở thành chuyên chế? Phải vâng phục “tối mặt” bề trên? Cả cá nhân lẫn cộng đoàn không được hưởng lợi tức cố định? Chẳng một chút “đả động” đáng kể nào để hướng dẫn các thành viên sống khiết tịnh?… Tất cả đều tạo nên những căng thẳng không dễ giải quyết.
Thánh Inhã, với tư cách là bề trên và là một bậc thầy trong đời sống thiêng liêng, đã đề xuất ra một phương thức khả dĩ có thể giải quyết phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) những khúc mắc vừa nêu. Nhưng vì phương thức ấy quá mới lạ trong thời điểm đó, thậm chí còn khó hiểu và khó thực thi bây giờ, nên các thành viên trong Dòng cũng tỏ ra e dè và không muốn áp dụng. Tuy nhiên, để phục vụ cho mục đích sứ mạng, Inhã đã buộc mọi thành viên trong Dòng phải có được tinh thần này. Thậm chí, ngay từ giai đoạn mới vào Dòng, các Tập Sinh phải tập “tìm kiếm Thiên Chúa là Chúa chúng ta trong mọi sự, hết sức giũ bỏ khỏi mình lòng yêu mến mọi thứ thụ tạo, để đặt trọn lòng yêu mến nơi Đấng tạo dựng nên chúng, yêu mến Người trong mọi sự và mọi sự trong Người, phù hợp với ý muốn rất thánh thiêng của Người” (HP, 288). Phương thuốc chữa trị những căng thẳng được Inhã diễn tả thành châm ngôn “tìm Chúa trong mọi sự”, và cha Nadal – một người thân cận và cũng là trợ tá đắc lực của Inhã – diễn dịch thành “chiêm niệm trong hoạt động”.
Phải chăng có mối liên hệ nào đấy giữa “thấy Chúa trong mọi sự” với kinh nghiệm “thấy mọi sự đều mới” trong Chúa tại Cardoner? Cũng như I-nhã đã không thể nào khơi nguồn cảm thức sứ mạng của mình theo cách Chúa muốn nếu không nhờ kinh nghiệm “thấy mọi sự đều mới” tại Cardoner thì người Giêsu hữu cũng chẳng thể nào chu toàn sứ mạng của mình nếu không biết “tìm Chúa trong mọi sự”, và dĩ nhiên, nó bao hàm một thái độ “có cùng cái nhìn của Thiên Chúa” về thế giới và thấy thế giới như đang được bao bọc bởi chính Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, là nguồn mạch sự sống, nên nơi Ngài luôn là cái mới. Thiên Chúa không bao giờ bị đóng khung trong suy nghĩ, quan niệm hay thậm chí là cảm nghiệm của con người. Bởi thế, tương quan với Ngài cần phải luôn được làm mới trong từng khoảnh khắc; nếu không, nó sẽ trở nên cũ kỹ và lỗi thời. Một cái nhìn “cũ rích” về Thiên Chúa tức khắc cũng sẽ dẫn đến một quan niệm cổ hũ về vũ trụ, về thế giới và môi trường mà chúng ta đang sống và thuộc về. Trong đời sống thiêng liêng, luôn luôn cần một sự “ngạc nhiên” như trẻ thơ khi khám phá ra những sự mới mẻ đang diễn ra chung quanh, tuôn chảy ra từ Đấng luôn không ngừng làm nên những điều khác lạ. Đây chính là sức năng động sáng tạo vô biên của Thánh Thần mà người nào càng mở ra và ngoan nguỳ với Ngài, càng được năng động ấy lôi cuốn.
Xuất phát từ niềm xác tín ấy, Inhã dường như muốn chia sẻ với chúng ta, từ chính kinh nghiệm của Ngài, một điều hết sức cần thiết, để khởi đầu mọi công cuộc canh tân bản thân cũng như tông đồ, chính là “có cùng cái nhìn như Ba Ngôi Thiên Chúa”. Ai cũng có thể có cái nhìn của riêng bản thân mình. Nhưng phần lớn, cái nhìn của con người thường là chỉ trích, phê bình, trách móc… dẫn đến một thái độ tiêu cực như rũ bỏ trách nhiệm, thoái thác… Ngay cả đối với người có tinh thần lạc quan, những vấn đề quá to lớn đặt ra trước mắt cũng có thể khiến họ lúc nào đó cảm thấy mình bất lực, không đủ khả năng để hoàn thành. Có cái nhìn của Thiên Chúa sẽ giúp khắc chế được điều này, bởi lẽ, đó không đơn thuần là có cùng một góc nhìn với tất cả lòng cảm thương, nhưng còn hàm chứa trong đó một sự trợ lực của Thiên Chúa, Đấng “không có gì là không thể” (x.Lc 1,37) và là Đấng luôn khơi lên những niềm hy vọng mới:“Chuyện cũ đã qua rồi, nay Ta loan báo những điều mới (Is 42,9). “Có cùng cái nhìn với Ba Ngôi” hơn hết cũng bao hàm một tương quan gắn bó khăng khít với Ngài trong sâu thẳm tâm hồn.
Chính việc “có cùng cái nhìn với Ba Ngôi” sẽ làm cho những hoạt động của Dòng mang ý nghĩa “tông đồ”, chứ không đơn thuần là một phong trào bác ái, thiện nguyện xã hội… dù những điều này vốn dĩ là rất tốt. Cái nhìn của Ba Ngôi cũng trở thành nền tảng cho mọi cuộc nhận định tông đồ và là tiêu chí không thể thiếu để quyết định điều nên làm và điều không nên làm. Bởi lẽ, trong tâm thức của Inhã, chúng ta đang làm điều Chúa muốn chúng ta làm, chứ không phải làm điều chúng ta thích cách bâng quơ. Công cuộc xây dựng Nước Trời là của Chúa Kitô, còn chúng ta chỉ là người cộng tác để công cuộc đó được thành toàn. Như thế, có cái nhìn như Chúa, cũng đồng thời là biết được ý muốn của Chúa, có cùng một tâm tình và khát khao như Chúa, cùng một động lực, sức mạnh để thực thi công cuộc cứu rỗi toàn thể nhân loại.
Khi nói về sứ mạng, chúng ta được gợi nhắc lại về hình ảnh một Thiên Chúa đang không ngừng lao tác được Inhã nhắc đến trong bài Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu. Đó là một Thiên Chúa luôn hoạt động như lời Chúa Giêsu khẳng định: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Thiên Chúa ấy không đứng từ xa hay trên cao quan sát thế giới rồi nảy sinh chút thương cảm, nhưng đã thật sự nhập thể vào trong thế giới vốn đầy dẫy những vấn đề và làm việc không ngừng để cải tạo nó. Chính từ nhãn quan này mà Inhã đi đến xác tín là chúng ta hoàn toàn có thể kết hiệp với Ngài ngay khi hoạt động và giá trị của nó không hề thua kém sự kết hiệp có được nơi nhà nguyện.
Với Giêsu hữu, sự hoàn thiện bản thân không đến từ sự phạt xác bỏ mình trong cô tịch, càng không phải là cái buộc phải thủ đắc được rồi mới có thể thực thi sứ mạng. Nó là cái được hình thành cách tiệm tiến trong hành trình sát cánh cùng Đức Giêsu thực thi sứ mạng được uỷ thác. Dĩ nhiên, giả định là Giêsu hữu phải có một số những đòi hỏi nhất định làm nền tảng, đủ để có thể đảm nhận vai trò gì đó, nhưng sự hoàn thiện sẽ đến ở một khoảnh khắc nào đó khi tương quan với Chúa đủ chín muồi trên chặng đường dựng xây Nước Chúa. Bởi lẽ, Giêsu hữu không dừng lại ở việc thánh hoá bản thân như một thành quả của riêng mình, nhưng còn là trở thành một môn đệ đúng nghĩa của Chúa Giêsu, nghĩa là đi sâu vào trong mối tương quan cá vị với Ngài và được sai đi cùng Ngài thi hành sứ mạng.
Quả vậy, không một Giêsu hữu nào có thể được xem là Giêsu hữu đúng nghĩa khi tách ly khỏi thế giới; trái lại, họ chỉ thật sự sống đúng căn tính của mình và mỗi ngày tiến gần hơn với căn tính ấy khi thực thi sứ mạng được trao phó. Người Giêsu hữu và sứ mạng có mối liên hệ biện chứng với nhau. Sứ mạng không phải là cái gì đó nằm bên ngoài căn tính Giêsu hữu nhưng là cái làm cho một người trở nên Giêsu hữu đích thực. Đang khi thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu cùng với Ngài, Giêsu hữu được kết hiệp với Ngài. Chính sứ mạng khuôn đúc Giêsu hữu, giúp họ nên giống Chúa hơn. Sự bỏ mình, hy sinh, hiến thân, các lời khuyên Phúc Âm, tinh thần thập giá, niềm hy vọng cánh chung… vừa là điều kiện cũng vừa là thành quả đạt được mà chính việc thi hành sứ mạng sẽ dạy cho họ. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy trong Luật Dòng, thánh Inhã luôn có lời khuyên dành cho mọi thành phần trong Dòng phải sống và hành xử thế nào để không đánh mất đi cơ hội tìm vinh danh Chúa, từ lúc chập chững vào Dòng cho đến khi ở trên giường bệnh và chuẩn bị lìa đời. Tất cả đều có sứ mạng của riêng mình.
Tuy vậy, cần phải nhớ rằng chỉ có một sứ mạng duy nhất là sứ mạng của Đức Kitô. Chúng ta cần ý thức điều này để sẵn sàng bỏ đi sở thích, dự tính riêng, nhanh chóng loại trừ tính cục bộ để được linh hoạt và mau mắn đến những chân trời mới, vùng đất mới. Cũng từ cái nhìn này, một sự mở ra và cộng tác với những linh đạo khác cũng rất cần thiết, vì nó giúp phát huy được sự phong phú các đặc sủng của Thánh Thần. Đối với Dòng Tên, một điều thiết yếu là sống cảm thức thuộc về Giáo Hội, đặc biệt là sự vâng lời dành cho Đức Thánh Cha và các bề trên hợp pháp khi các ngài nhân danh Chúa trao sứ mạng. Lời khấn thứ 4 trong dòng Tên hoá ra lại là lời khấn nền tảng; lịch sử Dòng đã cho thấy, nếu không có nó, cũng sẽ không có ba lời khấn tu sĩ bình thường. Quan trọng hơn cả việc chỉ đơn thuần làm theo những gì được truyền lệnh, thánh Inhã nhấn mạnh đến một kiểu vâng lời trong ý muốn và phán đoán, mà chiều sâu của nó chính là nhạy bén với nỗi lòng của các vị đại diện Đức Kitô để hướng dẫn sứ mạng cho mình.
Thiết nghĩ, cũng rất quan trọng khi mỗi cá nhân cần năng để cho tinh thần của Dòng được bừng cháy trong mình, tập sống ngay từ bây giờ hình mẫu “con người của sứ mạng”, phải luôn gìn giữ ngọn lửa yêu mến các linh hồn, không để cho một kiểu dửng dưng chi phối tâm trí và lối sống. Phải để lòng mình được hoán cải nhờ năng tiếp xúc với người nghèo, lắng nghe câu chuyện của họ và nhờ nhạy bén với tác động của Chúa, chúng ta tự hỏi bản thân về điều mà Chúa đang khơi lên trong lòng mình. Thực ra, không nhất thiết cứ phải xông pha trên các biên cương xa xôi mới gọi là sứ mạng. Mỗi Giêsu hữu có thể đóng góp sức mình bao nhiêu có thể mà hoàn cảnh hiện tại cho phép. Các công việc nhỏ lẻ có thể bổ túc cho nhau làm nên một công trình lớn. Nếu được gợi mở nhờ một biến cố hay hoàn cảnh nào đó về một sứ mạng trong tương lai, có thể tiếp tục nuôi dưỡng nó và nỗ lực hết sức để thủ đắc những phương thế cần thiết. Khi mệt mỏi trên con đường sứ mạng chông gai, việc nghĩ đến các linh hồn đang cần được giúp đỡ cũng có thể là một động lực cho mình. Hơn hết, xác tín của Inhã có lẽ cũng là xác tín của từng Giêsu hữu: xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa, vì như thế là đủ cho con. (LT 234)
Tập sinh SJ 2019 – 2021
& Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Đọc các bài trước để biết thêm:
https://dongten.net/2021/05/20/thay-moi-su-deu-moi-trong-duc-kito/
https://dongten.net/2021/06/05/mac-lay-cai-nhin-moi/
https://dongten.net/2021/05/28/mot-su-bien-doi-ben-trong/
bài viết cùa Pr, Lê Hoàng Nam lột tả được trách nhiệm canh tân bản thân để thực hiện sứ mạng của một Giê-su Hữu, nhưng cũng giúp ích cho tất cả những ai đang tìm kiếm cho mình một cuộc sống giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời này.
Xin cảm ơn!