Hoán cải

Khi nghe đến việc Dòng Tên kỷ niệm 500 năm thánh Inhaxio thành Loyola (thánh I-nhã) hoán cải, có người đã thắc mắc: “Vì sao lại kỷ niệm vào dịp hoán cải mà không phải là một dịp nào khác?”. “Dịp nào khác” có thể được hiểu là dịp ngài được tuyên phong hiển thánh chẳng hạn. Câu hỏi ấy còn có thể làm rõ hơn: “Hoán cải có gì hay ho mà kỷ niệm?”. Chắc chắn phải có gì hay ở đây…

Đã nhắc đến hai tiếng “hoán cải” thì người ta liền gợi nhắc đến hai khoảnh khắc khác biệt là trước và sau hoán cải. Mà gọi là “hoán cải” thì khúc sau phải hay hơn hoặc tiến bộ hơn khúc trước. Trong những bộ phim kiếm hiệp hoặc truyện tiểu thuyết dài tập, thường xuất hiện những nhân vật có quá khứ được nhuộm bởi: trộm cướp, giết người… trở về đường ngay nẻo chính để làm người lương thiện. Quá trình mà họ “trở về” được gọi là “cải tà quy chính” hoặc cũng được hiểu là “hoán cải”. Chính thời khắc ấy làm nên một con người mới, là bước ngoặc của đời người. Đôi khi biến cố “hoán cải” còn là điểm tựa để soi vào trên tiến trình hoán cải, vì trên hành trình ấy có biết bao sóng gió khiến họ ngã lòng. Đôi khi biến cố ấy lại là kỷ niệm đẹp để nhắc trước khi kể về quá khứ xấu xa. Vì những lẽ trên, biến cố hoán cải của thánh I-nhã, biến cố khúc sau giã từ khúc trước, cũng đáng được mừng nhớ lắm!

Lấy kinh nghiệm “hoán cải” làm điểm tựa cũng là một phương pháp để vực dậy ý chí mạnh mẽ của con người. Trong những lúc cám dỗ mà con người có những suy nghĩ ấy trong đầu thì mừng quá! Thành công được phần nào rồi ấy nhỉ! Luật lương tâm và lời cam đoan với chính mình cũng đã tiếp phần nào động lực cho hành trình hoán cải. Hoán cải khác với ray rứt hay thù ghét chính bản thân mình, hoán cải là sống hướng tới một lý tưởng cao hơn và hoàn thiện hơn. Chắc chắn, chính lý tưởng ấy sẽ lấp đầy cả những quá khứ và những cám dỗ còn vởn vơ trong tâm trí mình. Thánh I-nhã đã sống kinh nghiệm hoán cải ấy trong suốt cuộc đời mình. Đặc biệt hơn nữa, kinh nghiệm hoán cải ấy không ai khác ban cho I-nhã ngoài Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới đủ khả năng sắp xếp cuộc đời I-nhã theo ý Người muốn. Thiên Chúa là động lực nguyên tuyền và cao nhất mà phần con lại cuộc đời I-nhã theo đuổi.

Hơn nữa, kinh nghiệm của thánh I-nhã mà hôm nay chúng ta kỷ niệm là dịp mừng ngài đã hoán cải tận căn. Nói hai tiếng “hoán cải” là một điều dễ dàng. Phân tích ý nghĩa của nó cũng không quá khó. Tuy vậy, để sống được kinh nghiệm hoán cải thực tế lại là một chuyện khác. Chỉ có những ai đã thực sự đi trên con đường hoán cải mới hiểu được chân giá trị thực sự của vấn đề, rằng không thiếu mồ hôi và nước mắt, thậm chí là máu để thành công trong hành trình biến đổi bản thân. Chính vì thế, để kiên trì sống đến hơi thở cuối cùng điều mình đã quyết tâm là điều không mấy dễ dàng, vì biết đâu phút nào đó trong cuộc đời ta lại khao khát trở về con người cũ. Cụ thể nơi những ai đang phải nghiện hoặc cai nghiện một thứ gì đó, cứ hỏi họ để hiểu rõ hơn về khó khăn mà họ phải đối mặt. Không dễ để một người nghiện ma túy có thể rời bỏ cam giác lâng lâng thỏa thích mà bước vào trại cai nghiện. Cũng đâu dễ để bỏ cờ bạc nếu máu thắng thua đã đi tới mức lớn hơn sự làm chủ bản thân. Thế đấy, cứ như một vòng lẩn quẩn để người ta sa vào những đam mê của cuộc đời, dứt ra rồi lại sa vào. Thánh I-nhã cũng đã vất vả để chiến đấu với cái vòng lẩn quẩn ấy, nhưng cuối cùng ngài đã chiến thắng.

Người sống theo linh đạo I-nhã, cách riêng là tu sĩ Dòng Tên, cũng noi gương thánh nhân để can đảm sống tinh thần hoán cải. Họ phải ý thức và thực hành việc hoán cải trong suốt cuộc đời mình. Những cuộc Linh Thao mỗi năm là phương thế tốt nhất để dẫn đưa họ sống lại kinh nghiệm hoán cải đặc biệt này. Nếu không có kinh nghiệm trở về với Thiên Chúa trong thân phận là những con người tội lỗi được Chúa yêu, họ sẽ không biết trân quý những điều mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Từ đó họ càng không biến đổi mình triệt để trong mỗi ngày sống. Bên cạnh những cuộc Linh Thao, những khắc xét mình trong ngày cũng là dịp để nhìn nhận con người yếu đối của chính mình. Những ơn tôi đã nhận, những tội tôi đã phạm, những quyết tâm tôi sẽ làm để thay đổi… tất cả đều hướng đến việc hoán cải này. Như thế, dịp Dòng Tên kỷ niệm 500 năm thánh I-nhã hoán cải không là điều quá khác thường với người sống trong linh đạo này. Tuy nhiên, đây lại là dịp quan trọng nhắc nhớ mỗi người hãy tiếp tục nhận ra và dám sống kinh nghiệm ấy, hãy kiên trì tới chặng đường cuối cùng nơi thế gian này. Cuộc hoán cải tận căn không phải là chuyện tôi đã làm được gì, nhưng nằm ở chỗ tôi có thái độ và quyết tâm như thế nào cho cuộc hoán cải của đời mình.

“Hoán cải ” có bao giờ tôi có khái niệm ấy trong đầu hay chưa? Tôi đã hiểu sự “hoán cải” ấy có giá trị gì với tôi? Nếu tôi đã hiểu điều ấy, thì tôi sẽ hiểu dịp kỷ niệm 500 năm thánh I-nhã hoán cải có tầm quan trọng như thế nào, nhất là với những ai đang sống theo tinh thần I-nhã.

“Kính dâng cha I-nhã”

Kiểm tra tương tự

Giới Truyền thông: Những người mang Hy Vọng và Sự Thật

  Nói về Năm Thánh của giới Truyền thông, diễn ra từ ngày 24 đến …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *