Tác giả: Hồng Y Avery Dulles, S.J.
Những thách đố: Thời của Thánh I-nhã và Thời nay
Những thách đố trong thời đại của chúng ta chắc chắn khác với những thách đố của thế kỷ 16; nhưng tôi tin rằng chúng vẫn có những điểm tương đồng, và vì lý do này, tôi cho rằng Dòng Tên dư sức để đương đầu với chúng. Đặc sủng này sẽ không bị lỗi thời. Thế kỷ 16, giống như chúng ta hiện nay, là thời kỳ thay đổi văn hóa nhanh chóng và toàn diện. Thời điểm đó chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy nhân bản, sự ra đời của nhà nước thế tục và quyền tự chủ của khoa học xã hội và vật lý. Các Giêsu hữu khi tìm hiểu về truyền thống của mình có thể nhận ra nhiều tấm gương học giả xuất sắc. Họ đã chuẩn bị mình để dấn thân vào lĩnh vực mới mẻ này và cho thấy sự gắn kết giữa những ngành học mới và truyền thống đức tin Công giáo. Chúng ta phải nhắc tới triết lý kinh tế và luật pháp của Luis de Molina (1535-1600) và Juan de Lugo (1583-1660), những thành tựu thiên văn của Christopher Clavius (1537-1612), thuyết nguyên tử của Roger Boscovich (1711) -87), và rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác của Dòng Tên trong quá khứ. Họ đã phát biểu một cách thấu đáo về các vấn đề trong thời đại của họ, tạo cầu nối giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và khoa học. Trong thời đại hôm nay, một số Giêsu hữu đang can đảm tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ và con người cũng như các vấn đề phức tạp về hóa sinh và kỹ thuật di truyền, tất cả đều rất quan trọng đối với tương lai của đức tin và luân lý.
Thế kỷ 16 bắt đầu có những kinh nghiệm về toàn cầu hóa. Đó là thời kỳ khám phá vĩ đại. Các Giêsu hữu, nao nức loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới, đã tiên phong trong tác vụ tông đồ truyền giáo tại Châu Mỹ, tại các thuộc địa của Châu Phi, tại Ấn Độ và vùng Viễn Đông. Dòng Tên không chỉ gửi những vị thừa sai mà còn huấn luyện họ cách trình bày Tin Mừng sao cho phù hợp với văn hóa bản địa. Thánh Phanxicô Xaviê (1506-22) là người nổi tiếng nhất, nhưng ngài không phải là người duy nhất. Matteo Ricci (1552-1610) và Robert de Nobili (1577-1656) chỉ là hai trong số hàng chục vị thừa sai kiệt xuất đã rao giảng Tin Mừng bằng hình thức hội nhập văn hóa, vốn được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc của Thánh I-Nhã.
Công bố Tin Mừng theo hướng hội nhập trong bối cảnh ngày nay cũng không kém phần quan trọng so với ngày xưa. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Ai có thể đáp ứng tốt nhu cầu cấp bách về linh mục để loan báo Tin Mừng và phân phối các bí tích trong các lục địa như Châu Phi, nơi mà số người cải sang Kitô giáo quá nhiều và quá nhanh? Tại các giáo điểm, nếu các Giêsu hữu được đào tạo bài bản, họ có thể đảm nhận những tác vụ mà các vị thừa sai ngoại quốc để lại.
Thời thánh I-nhã cũng không xa lạ gì với các cuộc chạm trán giữa các nền văn minh. Hồi giáo và Kitô giáo giao chiến liên miên. Người Do Thái bị ngược đãi và đàn áp ở nhiều quốc gia. Các vị thừa sai Dòng Tên đều gặp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lãnh đạo tôn giáo ở mọi quốc gia mà họ hoạt động. Theo thời gian, họ trở thành những người đi đầu trong vấn đề đối thoại liên tôn. Các vị thừa sai học cách tôn trọng những điều tốt đẹp trong nền văn hóa bản địa nhưng không quên sàng lọc những điều chưa phù hợp. Đó vẫn là một nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay. Dòng Tên có cả một bề dày lịch sử về điều gì nên và không nên khi tương tác với những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Phải tránh xung đột đẫm máu và khiêu khích vô ích, mặt khác, các Kitô hữu phải thẳng thắn loại bỏ các yếu tố mê tín và bất công trong mọi nền văn hóa và tôn giáo.
Thế kỷ 16 chứng kiến sự phân chia của thế giới Kitô giáo phương Tây giữa các quốc gia theo đạo Tin lành ở Bắc Âu và các quốc gia Công giáo ở phía nam. Các tu sĩ Dòng Tên, dù ít ỏi, nhưng đã làm được những điều vĩ đại bằng lòng nhiệt thành và quả cảm của mình. Peter Faber (1506-46) đã làm việc cật lực để ngăn chặn làn sóng dị giáo ở Đức và Hòa Lan. Ngài truyền cảm hứng cho Peter Canisius (1521-97) và nhiều người khác nối tiếp bước chân ngài. Người ta tự hỏi các tu sĩ Dòng Tên ngày xưa nếu sống trong thời đại hôm nay thì họ sẽ làm gì khi chứng kiến bao nhiêu người Công giáo gốc Latinh rời bỏ nhà thờ tại Hoa Kỳ và ở Trung – Nam Mỹ. Nhu cầu thì hiển nhiên là có; các nguyên tắc thì cũng rõ ràng; nhưng vấn đề là có quá ít người dám gánh vác nhiệm vụ.
Vào thời Thánh I-Nhã, quyền lực tập trung trong tay Giáo Hội. Ngài nhận thức rõ về tầm quan trọng của Đức Giáo Hoàng với tư cách là chủ chăn của giáo hội hoàn vũ. Ngài thấy rằng Công giáo phải trở nên phổ quát, và nơi đó không có chỗ cho chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc. Ngài thành lập một dòng tu gồm người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Ý, Anh và nhiều dân tộc khác cùng nhau hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của vị Bề trên Cả. Một trong những phúc lành lớn lao của Dòng Tên, ngày nay cũng như trong quá khứ, là phạm vi hoạt động toàn cầu. Các tu sĩ Dòng Tên là “những người bạn trong Chúa” không phân biệt quốc tịch, chủng tộc hay địa vị xã hội.
Một lỗ hổng lớn của Giáo hội tại Châu Âu vào thời Thánh I-nhã đó là thiếu hiểu biết về đức tin. Nhiều linh mục hầu như không biết chữ, và giáo dân ở một số quốc gia không biết các yếu tố cơ bản của Kinh Tin Kính. Thay vì phàn nàn và bài xích, I-nhã thích xây dựng hơn. Ngài nhận thấy giáo dục phổ cập đang trên đà phát triển. Tận dụng xu hướng học hỏi mới này, I-nhã nhanh chóng bắt tay vào việc thành lập các trường học, cao đẳng và chủng viện. Những nỗ lực giáo dục của các Giêsu hữu trong quá khứ được xem là một trong những đóng góp lớn nhất của họ đối với Giáo Hội. Tôi tin rằng những cơ sở giáo dục này vẫn là một trong những phúc lành chính yếu mà Dòng Tên mang lại cho Giáo hội cũng như nền văn hóa đại chúng.
Trong quá khứ, các tu sĩ Dòng Tên đã dấn thân rất sâu vào hoạt động tông đồ tri thức. Nhiều vị là người đứng đầu trong các ngành khoa học thực nghiệm như lý luận chính trị. Các Giêsu hữu có thể nhìn lại cả một truyền thống hào hùng kéo dài từ Francisco Suárez ở thế kỷ 16 đến John Courtney Murray ở thế kỷ 20. Không có gì cho thấy hoạt động tông đồ này đã mất đi sự thức thời của nó. Hội thánh cần những học giả trung thành và tận tụy. Họ sẽ gánh vác trọng trách này trong cái nhìn mới mẻ và ứng phó với những tình huống phát sinh. Một lần nữa Dòng Tên có khối việc để làm nếu có đủ người lắng nghe tiếng gọi.
Vào thế kỷ 16, Dòng Tên là đội ngũ tiên phong trong Giáo Hội về việc giải quyết các vấn đề đặt ra bởi cuộc Cải cách Tin lành, bởi các ngành khoa học mới và bởi việc tìm ra các lục địa mới mà người châu Âu chưa hề biết từ trước tới nay. Ngày nay, Giáo Hội đang phải đương đầu với chủ nghĩa thế tục ngày càng gia tăng, với những tiến bộ mới trong công nghệ, sự lớn lên của toàn cầu hóa và sự xung đột giữa các nền văn hóa. Nếu có ai hỏi liệu những biến chuyển này có làm cho đặc sủng I-nhã trở nên lỗi thời hay không, tôi sẽ trả lời bằng một từ mạnh mẽ, KHÔNG.
Dòng Tên có thể trường tồn với thời gian nếu như Dòng trung thành với mục đích và lý tưởng ban đầu của mình. Hạn từ “Giêsu hữu” thường bị hiểu nhầm. Không kể những kẻ thù địch xem “Giêsu hữu” là chướng ngại vật, ngay cả những người bạn của Dòng Tên đôi khi cũng hiểu thuật ngữ này theo nghĩa độc lập trong tư tưởng và tự hào đoàn thể, cả hai điều này Thánh I-nhã đều không tán thành. Những người khác thì thu hẹp hạn từ Giêsu hữu thành vấn đề của phương pháp giáo dục, chẳng hạn như chăm sóc riêng cho học sinh, quan tâm đến con người toàn diện, đúng đắn trong tư tưởng và thuyết phục trong diễn đạt. Những phẩm chất này thật đáng quý và có cơ sở trong giáo huấn của Thánh I-Nhã. Nhưng họ đã quên không nhắc đến một thực tế rằng Dòng Tên là một dòng tu trong Giáo Hội Công Giáo. Họ buộc phải trung thành đặc biệt với Đức Giáo Hoàng, Giám mục thành Vatican. Và trên hết, cần phải nhắc lại rằng vị thủ lãnh đích thực của Dòng Tên là Chúa Giêsu, Đấng cứu độ trần gian. Nếu Dòng Tên đánh mất lòng tôn sùng đặc biệt của mình đối với Chúa (điều mà tôi tin chắc là sẽ không bao giờ xảy ra) thì khi ấy đặc sủng I-nhã mới thực sự lỗi thời. Nó giống như muối đã mất đi độ mặn vậy.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2007/01/15/what-distinguishes-jesuits
Chuyển ngữ: Huy Văn
Hiệu đính: Trung Thu