Nhân đức (virtue) là thói quen, đam mê làm những điều tốt, điều tích cực. Nói rộng hơn, nhân đức chính là hành động phản ánh trung thực hình ảnh của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em là đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Sống trên đời, con người không thể là một hòn đảo cô lập, nhưng phải có tình liên đới, mối tương quan đối với Chúa và tha nhân.
Điều đáng buồn là thế giới hiện đại đã sản sinh ra chủ nghĩa vô thần, là quái thai rúc rỉa lương tâm con người. Tuy nhiên, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ghép vào tâm khảm mỗi người chúng ta khát vọng trau dồi bản thân, rèn luyện tính nết. Nhân đức không phải tự mình mà có, nó phải trải qua rèn luyện, hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, là được ơn trên ban tặng. Người Việt Nam có câu “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Sách Huấn ca trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng có một câu tương tự: “Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Hc 2, 5). Ý nói rằng con người phải nỗ lực cả đời để hoàn thiện nhân đức. Và “người sáng giá” phải thể hiện được nhân đức của bản thân trong tương quan cuộc sống, trước là với đấng tạo hóa, sau là với tha nhân. Vậy, đối với Thiên Chúa, con người phải có 3 nhân đức, được gọi là nhân đức đối thần, đó là Tin, Cậy, Mến.
Đức Tin (Faith) vừa là nỗ lực của lý trí, vừa là ân sủng Chúa ban. Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma có chép: ”Ông Abraham đã tin vào Thiên Chúa, vì thế ông được xem là người công chính” (Rm 4, 3). Quả vậy, nếu như 3 nhân đức đối thần là những nấc thang mang con người đến với Thiên Chúa, thì đức Tin là nấc thang đầu tiên. Muốn được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử, thì trước tiên ta phải tin vào Người là người cha nhân lành đã. Dĩ nhiên, ân sủng của Thiên Chúa thì dạt dào vô tận và Người không bao giờ keo kiệt trong việc ban phát ân sủng của Người. Nhưng liệu con người chúng ta có sẵn sàng đón nhận, làm một bước nhảy niềm tin để tin vào Thiên Chúa tình yêu hay không?
Chỉ tin hay không vẫn chưa đủ. Đời sống của mỗi người chúng ta còn cần phải luôn làm chứng cho đức tin mà mình đón nhận và tuyên xưng nữa. Vì thế, thánh Giacôbê tông đồ có viết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Con người luôn phải tiến sâu trong mối tương quan thân tình với Thiên Chúa.
Một khi đã tin, chúng ta phải luôn trông cậy (hope) vào Người. Hope, nghĩa gốc là hy vọng, được dịch rất hay là cậy trông, hay đức Cậy. Chúng ta ai cũng có hy vọng. Nhưng tôi cảm thấy ý nghĩa của từ hy vọng chỉ là hướng về một điều gì đó mông lung, không biết nó có tốt không, không biết có thành hiện thực không. Nhưng trông cậy thì khác. Trông cậy là hướng tới một điều mà chúng ta có thể luôn chắc rằng nó sẽ là điều tốt đẹp, ngay cả khi chúng ta không biết liệu Chúa có thực hiện điều chúng ta xin không, hay khi nào Chúa mới thực hiện điều đó? Trông cậy còn là phó thác vào sự quan phòng (providence) của Chúa. Như một sợi dây liên kết giữa các nhân đức, chúng ta cậy trông vào Chúa, và tin rằng, dù bất cứ con đường nào mà chúng ta chọn, Thiên Chúa luôn dự sẵn một điều tốt đẹp cho chúng ta. Và khi năm tháng phôi pha, nhìn lại quãng đời đã qua, chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta có trông cậy vào Người để Người cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho bản thân. Nhưng hơn hết, đó là chúng ta dám take risk, dám mạo hiểm để cùng đồng hành với Chúa trên con đường Ngài mời gọi. Và khi giông tố ập tới, chúng ta bình an nhìn lại những dấu chân trên cát: chỉ còn mỗi dấu chân của Thiên Chúa, còn chúng ta thì được Người bồng trên tay cùng nhau đi hết quãng đường trần thế này.
Và nhân đức cao trọng nhất, có thể nói là chi phối mọi nhân đức khác, đó là đức Mến (love). Thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” ( 1Ga 4, 16). Ai thực hành đức Mến chính là thực hành lời Chúa tới tột cùng. Ai yêu tha nhân, người ấy chu toàn lề luật. Yêu tha nhân chính là yêu mến Thiên Chúa. Thực hành đức mến chính là sống hiền lành, khiêm nhường, không vênh vang tự đắc, yêu mến sự công chính…Đúng như Thánh Phaolô đã chép: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 4-8).
Thật vậy, tình yêu thì trường tồn theo năm tháng. Như Thiên Chúa đã luôn đi bước trước, Ngài luôn yêu thương nhân loại, và Ngài yêu chúng ta tới cùng. Một thần học gia đã nói: giả như một ngày, chúng ta mất hết tất cả sách Kinh Thánh, nhưng chỉ cần một câu: Thiên Chúa là tình yêu, thì cũng đủ rồi. Quả vậy, chỉ có đức Mến mới có đủ khả năng khỏa lấp sự trống trải của tâm hồn. Và cũng chỉ có đức Mến là mãi tồn tại, ngay cả khi trên thiên đàng. Như trong sách Đối thoại của Thánh Nữ Catarina thành Sienna, nơi thiên quốc, con người không còn và cũng không cần làm một việc thiện nào nữa, vì tất cả đã chấm dứt. Chỉ còn đức Mến chi phối tâm hồn. Và khi đó tâm hồn chúng ta chỉ còn hướng về Chúa. Khi đó linh hồn chúng ta sẽ mãi yêu, mãi khao khát điều mà Thiên Chúa luôn khao khát: đó là sự nên thánh của mỗi người. Và chính tình yêu sẽ luôn làm đổi mới tâm hồn, để chúng ta mãi khát khao nhưng không bao giờ no thỏa tình yêu của Thiên Chúa. Không phải điều này cũng giống như những gì chúng ta thường nghĩ hay sao: khi yêu, ngay cả khi có gánh nặng, người ta yêu luôn cả gánh nặng của nhau?
LDT
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)