Ngày con xa cha…

 

Đó là một buổi chiều trên con đường trở về quê, sao con thấy lòng mình có nhiều nỗi trống vắng không gì có thể bù đắp được. Hoàng hôn vẫn rọi như mọi khi, gió vẫn mơn man trên da thịt, những chú chim vẫn ríu rít trên cành, nhưng… một màn đen trùm vây tâm hồn con với những cơn bỏng da thịt cứ thiêu đốt bên trong, những tiếng thánh thót lại trở thành những thứ tiếng phiền phức khuấy động chính tâm hồn con lúc này. Thường mỗi khi bước ngang con đường quê, con sẽ thích hít một hơi thật dài để hưởng chút bầu không khí quê hương, nhưng hôm nay dường như cái sở thích ấy cũng biệt tăm… Con chợt rùng mình vì thực cảnh con sắp đối diện: “Con mất Cha!”

 

Dù có đi xa đến chân trời ta hay chân trời tây; dù có thành một kỹ sư, bác sĩ; dù có thành công đến tột bậc, … nhưng chính lúc này con thấy mình thất bại khủng khiếp. Tâm trí con giờ đây gạt bỏi mọi suy nghĩ, tính toán để mưu sinh; Cũng gạt sang một bên những muộn phiền. Dường như con rơi vào một cảm thức: “mặc kệ đời!”, rằng đời muốn trôi về đâu cũng được, muốn biến đổi sao cũng được, bởi điều sở hữu quý giá nhất đời con giờ này – đó là Cha – không còn nữa, thì còn thiết gì đến những thứ phù hoa ấy nữa phải không Cha?

 

Đó là lý do tại sao trong mắt Cha con luôn là đứa bé. Khi thấy con sa vào vòng đời để tự lo cho cuộc sống, kiếm nhiều tiền và gửi về cho Cha ở quê, con cứ ngỡ Cha mừng. Không! Cha không mừng vì tiền nhiều hay ít, nhưng Cha mừng vì thấy con kiếm được những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi nước mắt của con. Lần nào con trở về thăm Cha đều dặn: “Thôi! Đời ra sao thì kệ đời! Con nhớ sống đàng hoàng là được. Cha ăn mắm múc giòi cũng được, đừng lo ngại gì. Miễn sao con đứng thẳng lưng trong trời đất là được rồi”. Giờ, ngồi ngẫm lại điều Cha dạy, con thấy mình vẫn là đứa trẻ Cha à! Bởi cái suy tưởng muốn hơn thua, muốn giành giật phần lợi cho mình và phần hại cho người khác vẫn chiếm lĩnh trong con hàng ngày. Lời Cha dặn ngày Cha còn sờ sờ ra đó mà con còn chưa làm được, thì nay Cha mất rồi liệu con có hoàn tất được không Cha?

 

Khăn trắng đã đậy kín từ đầu tới chân, mắt đã nhắm nghiền sau cái vuốt nhẹ. Bất động. Lạnh căm. Con gào, thét, kêu… bằng mọi phương cách nhưng Cha vẫn nằm đấy thôi. Không hồi đáp, không đưa tay vuốt đầu con, không mở miệng cười rồi hỏi: “Thằng Hai về hồi nào hả con?”. Chắc chắn cũng chẳng còn ai nhắc cho con bao nhiêu điều xương máu, điều mà một người đàn ông từng trải như Cha nói lại cho con trai của mình. Nắp quan tài đóng kín, Cha nằm im lìm, Cha nghĩ gì hả Cha? Cha có biết con nghĩ gì không? Con không còn một ý tưởng cố định nào trong đầu mình, chỉ biết hồi tưởng thoáng đến thoáng đi, rồi khóc. Giờ con càng thấy mình giống trẻ con hơn bao giờ hết Cha à!

 

“Sinh – lão – bệnh – tử” ai mà không thuộc nằm lòng, nhưng đối diện với thực tại rồi con mới thấy nó khó chấp nhận biết chừng nào. Đứng quan sát đời người khác thì thấy đó là một quy luật, nhưng chỉ khi đứng trong mối tương quan thì con – đứa trẻ khờ dại – thấy định luật ấy đau đớn quá Cha à! Con ước gì có một phép lạ để thấy da thịt Cha hồng hào trở lại, thấy mắt Cha đẫm lệ vì hạnh phúc khi thấy khuôn mặt đầy khao khát của con nhìn qua tấm kính quan tài; hay chí ít, con chỉ muốn Cha còn sống với con, nhưng… làm gì có thứ phép màu ấy?

 

Hành trình kết thúc. Con tiễn Cha về lòng đất. Cha chỉ còn trong tâm trí con. Con sẽ nhớ Cha nhiều! Nỗi khiếm khuyết tâm hồn hẳn khó lành, nhưng đâu đó trên đường đưa Cha đi, con nghe bà con nói với nhau: “Coi kìa! Thằng Hai có nét y như Cha nó!”.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

Phút hồi tâm cuối năm: Những người bạn trong Chúa

  Những Người Bạn Với Chúa – Những Người Bạn Trong Chúa Phút Hồi Tâm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *