Các bạn thân mến!
Triết Gia Hy Lạp Socrates nói rằng “người ơi hãy biết mình.” Biết mình là người khôn ngoan. “Ở trên đời, chúng ta thường rơi vào ba cái dốt. Cái dốt đầu tiên là chúng ta không biết những gì cần phải biết. Cái dốt thứ hai là chúng ta tò mò muốn biết những gì không nên biết, và cái dốt cuối cùng là chúng ta cứ tưởng rằng mình đã biết những gì mình thực sự chưa biết”[1] Tuy nhiên cái biết mà người môn đệ cần có không chỉ là cái biết về mặt tri thức nhưng là biết đường lối Thiên Chúa, biết con đường thập giá và biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô.
1. Người khôn ngoan là người biết mình
Tác giả sách Khôn Ngoan cho rằng, người khôn ngoan là người biết mình, người nhận ra bản chất thật của chính mình. “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” Người khôn ngoan nhận ra bản tính phải chết của mình, từ đó biết khiêm tốn để đón nhận sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Người khờ dại là người không nhận ra bản chất đích thực của mình mà muốn biến mình thành Thượng Đế.”
Dù muốn dù không bạn cũng phải thừa nhận rằng, con người là một hữu thể mang đầy giới hạn vì thế nào có ai hiểu được ý định của Thiên Chúa. Những giới hạn thuộc về “kiện tính” và những giới hạn của việc dùng tự do. Nói như sách Khôn Ngoan, những điều thuộc hạ giới mà chúng con còn chưa hình dung nổi huống hồ những gì thuộc thượng giới. “Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề. Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng ?”[2] Cho nên tự do và đời sống con người mang đầy giới hạn chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt được mọi sự.
Đường lối của Thiên Chúa bộc lộ trong sự khiêm hạ. Và chính Chúa Giê-su đã tự hạ để cho bạn được giàu có. “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.”[3] Và cũng chính trong sự khiêm hạ của kẻ khiêm nhường mà Thiên Chúa được tôn vinh.“Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.” Kẻ khiêm nhường mở lòng ra đón Chúa và để cho ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời mình. Như thế khiêm hạ không chỉ là một phạm trù đạo đức nhưng là thái độ sống đức tin, nhận ra bản chất thật của chính mình và quyền năng của Thiên Chúa.
2. Thập giá con đường dẫn đến sự khôn ngoan
Đối với thánh Phao-lô, lời rao giảng về thập giá là sự khôn ngoan và là đường lối của Thiên Chúa. Thập giá làm đảo lộn hệ thống giá trị giữa sự khôn ngoan và điên rồ của con người. “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.”[4]
Thập giá dẫn đến sự khôn ngoan và sự khôn ngoan đó cần một sự chọn lựa. Chọn lựa ở đây không chỉ là chọn lựa tốt xấu[5] nhưng là chọn lựa cái hơn. Chọn lựa điều dẫn chúng ta tới sự sống đời đời. Để có được sự chọn lựa này, Chúa Giê-su nêu lên hai điều kiện đó là dứt bỏ và mang lấy. Dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và mang lấy thập giá mình. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Cái dứt bỏ mà Chúa Giê-su mời gọi mang tính tận căn. Sự dứt bỏ không chỉ là cái ngoài mình nhưng là chính mình, nó đụng đến da thịt và sự sống của bạn. “Người ta không đạt đến Thiên Chúa bằng việc bổ xung thêm cái gì vào linh hồn mình, nhưng là bằng việc bớt đi.” (Meister Eckhart).
Mang lấy ở đây chính là mang lấy thập giá và Chúa Ki-tô. Đôi khi chính sự dứt bó cũng là thập giá. Sự dứt bỏ không chỉ là sự dứt bỏ điều gì, chẳng hạn như một thói quen xấu nhưng là dứt bỏ một ai. Sự dứt bỏ đôi khi không phải điều mà chúng ta được mời gọi dứt bỏ là xấu nhưng nó không phù hợp với bậc sống, với ơn gọi và làm cho bạn lớn lên trong tương quan với Chúa. Chúa Giê-su đặt ra điều kiện để đi theo Chúa có vẻ quyết liệt và tận căn. Chúa Giê-su mời gọi bạn cân nhắc lựa chọn giữa giá trị nhân bản, huyết thống và giá trị vĩnh cửu.“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy.” Chúa mời gọi bạn yêu Người hơn những người khác, ngay cả những người gần gũi nhất, thậm chí ngay cả bản thân mình. Việc theo Chúa đòi hỏi dứt khoát với những mối quan hệ để trung thành với Chúa và anh chị em.
Điều làm cho chúng ta khó dứt bỏ không phải là yếu tố khách quan, “trở ngại không phải là cha mẹ, nhưng là trong trái tim, cái tôi, là sự ích kỷ, lòng yêu mình.” Việc Chúa mời gọi bạn từ bỏ không phải là một phần nhưng là tất cả những gì mình có. Việc yêu mến cũng thế, không phải yêu mến một phần nhưng là yêu mến hoàn toàn. Như thế con đường làm môn đệ Chúa đòi hỏi khá tận căn, không phải từ bỏ điều gì nhưng là tất cả không phải là những cái bề ngoài nhưng là những cái bề trong, cái chưa làm cho con người mở ra với chân lý cứu độ và Đức Ki-tô.
3. Đức Ki-tô đối tượng cho việc tìm kiếm sự khôn ngoan
Nói đến việc tìm kiếm sự khôn ngoan bạn không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm điều gì nhưng là việc tìm kiếm ai. Đấng khôn ngoan ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô. Nếu khôn ngoan chỉ dừng lại ở khả năng phán đoán và kỹ năng xử thế thì điều này chỉ dừng lại ở chiều kích nhân bản, khôn ngoan đích thực cần dẫn đến Đức Ki-tô, nguồn cứu độ của Thiên Chúa. Nói cách khác tri thức khôn ngoan và con đường tìm kiếm sự khôn ngoan cần giúp cho con người đạt được sự tự do và ơn cứu độ, nếu không sự khôn ngoan đó sẽ không thể nhấc bổng con người vươn lên tới chiều kích siêu việt.
Việc theo Chúa và làm môn đệ của Ngài cũng mời gọi chúng ta phải tính toán. Ngài mời gọi bạn cân nhắc trước khi làm môn đệ của Ngài. Hình ảnh tháp canh và vị vua ra trận là hình ảnh minh họa cho thái độ sẵn sàng của chúng ta khi đi theo Chúa. Việc đi theo Chúa có quyết tâm thôi chưa đủ nhưng cần sự dứt khoát, lòng yêu mến và khả năng để hiện thực hóa khao khát.
Việc nhận ra điều tốt chưa đủ nhưng việc nhận ra điều tốt nơi Thiên Chúa đòi hỏi bạn vượt lên trên những giới hạn để dấn thân trọn vẹn cho Vương Quốc Thiên Chúa. Vương quốc Thiên Chúa không bị giới hạn cho những tương quan huyết thống gia đình, những tư lợi cá nhân hay một ý thức hệ hoặc những nỗ lực cá nhân mà quên mất sự can thiệp và quà tặng từ Thiên Chúa. Vương Quốc Thiên Chúa đòi hỏi bạn có cái nhìn hướng vào bên trong, hướng ra bên ngoài và hướng lên phía trên để giải thoát bạn khỏi thế giới nhỏ bé của riêng mình mà đưa mắt nhìn lên trên, ưu tiên và sáng tạo để cho Thiên Chúa là tâm điểm và trục xoay của cuộc đời chúng ta.[6]
Khi bạn nói đến thái độ từ bỏ mọi sự để vác thập giá, bạn tiền giả định tình yêu đi bước trước. Thái độ của việc từ bỏ cần có tình yêu. Nếu không có tình yêu khó có thể từ bỏ được. Cho nên tình yêu vừa là khởi điểm và điểm tới của việc dấn thân. Một người chồng hay người vợ không thể bỏ một thói quen xâu nếu thiếu tình yêu. Người tu sỹ khó có thể từ bỏ mọi sự nếu thiếu lòng yêu mến để sẵn sàng bước theo sát Đức Ki-tô trên con đường thập giá. Nếu thiếu tình yêu thập giá sẽ trở thành khổ giá, chắc chắn bạn sẽ khó có thể đạt được mục đích cuối cùng.
Giữa những nhộn nhịp, ồn ào của cuộc sống, những lôi cuốn và mời chào của thế giới phù hoa, bạn không còn thời gian cho Chúa và cho nhau. Chính việc đánh mất tương quan tình yêu với Chúa Giê-su làm cho đời sống của bạn mất đi sức sống vì thế bạn không dám đánh đổi những giá trị thuộc về thế gian để dấn thân cho Đức Ki-tô. Chính việc lựa chọn Chúa và dấn thân cho Ngài là con đường dẫn đến sự khôn ngoan và cũng là nguồn mang lại bình an. “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào.” (Hc 1, 18). Dĩ nhiên bạn không thể đạt được sự khôn ngoan đích thực nếu thiếu nền tảng của sự thật. “Khôn ngoan chỉ tìm thấy ở trong sự chân thật.” (Goethe) Sự thật đó được khai mở nơi Đức Giê-su Ki-tô. “Thầy là đường là sự thật và là sự sống.”[7]
Gioan Phạm Duy Anh SJ
[1] G.B Trần Văn Hào, SDB, Khôn ngoan đi theo Chúa, http://giaophanthaibinh.org/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-23-thuong-nien-nam-c.html (27/08/2022)
[2] Kn 9, 15-16
[3] 2 Cr 8:9
[4] 1 Cr 1, 18
[5] Người khôn ngoan là người có“một quả tim biết phân biệt lành dữ” (1V 3, 9)
[6] Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Tin Mừng Chúa Nhật và Lễ Trọng, Năm Phục Vụ C, Huấn Từ của Đức Giáo Hoàng, (G. Bao-ti-xi-ta Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, NXB Đồng Nai, Tr. 245
[7] Ga 14, 6