Suy Tư Chúa Nhật 28 TNC: Văn hóa biết ơn

 

Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên kể về câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành. Nhìn chung, họ được nhận lãnh quyền năng và tình thương của Chúa giống nhau. Tuy nhiên, thông điệp của bài Tin Mừng này không chỉ nhắm đến sự giống nhau đó, nhưng còn là sự khác biệt của kinh nghiệm gặp gỡ với ân sủng nơi mỗi người. Suy tư lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn về văn hóa biết ơn của mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn, hoặc môi trường chúng ta đang sống. Nhìn để thấy lối sống này lành mạnh như thế nào đối với tâm hồn và cuộc đời của mỗi con người.

Văn hóa biết ơn trong Thánh Kinh

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy được một tâm tình biết ơn thật đẹp của quan lãnh binh Naaman, người vừa được chữa khỏi bệnh phong cùi đã nhanh nhẹn quay trở lại gặp người của Thiên Chúa để bày tỏ lòng sùng kính và tri ân. Và từ nay ngoài Chúa, ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác. Hay như trong bài đọc hai (2 Tm 2, 8-13), Thánh Phaolô đã xác quyết về tình thương và lòng trung tín của Thiên Chúa là mãi mãi, dù con người có biết ơn Người hay không, có chối bỏ hay bất trung với Người, thì Người vẫn không ngừng ban phát mọi ơn thiêng. Do đó, thái độ “tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Thes. 5,18) cũng là điều mà thánh Phaolô luôn khuyên nhủ các tín hữu qua các tâm thư của ngài. Vì biết ơn là tâm tình của những con người nhận ra mình thật có phúc vì được Thiên Chúa yêu thương, và hơn thế nữa, đó là nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong mọi sự.

 Xây dựng văn hóa biết ơn đích thực

Trở lại bài Tin Mừng, ta biết rằng bệnh phong cùi là căn bệnh làm cho con người thời bấy giờ “dễ xa nhau”, và chắc hẳn người mắc phải căn bệnh này đã rất đau khổ vì không thể giao tiếp, hay gần gủi thân tình với người thân trong gia đình và những người xung quanh mình. Họ buộc phải giữ khoảng cách theo như luật đòi hỏi, để bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Trong cái gọi là khoảng cách đó, họ có dịp nhìn lại và nhận ra cơn khát tự do và mong muốn được kết nối với Thiên Chúa, với anh chị em mình. Chính những điều này thôi thúc họ dám đặt trọn niềm tin vào Chúa, để đang khi trên đường đi trình diện tư tế, họ được lành sạch. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong số mười người được khỏi bệnh, thì chỉ duy nhất một người quay lại cám ơn Chúa Giêsu. Nơi người phong cùi Samaritano này, chúng ta có thể học được cách thức sống văn hóa biết ơn một cách chân thật nhất:

  • Bước đầu tiên của văn hóa biết ơn đích thực, đó là thừa nhận những gì Chúa làm trên cuộc đời mỗi người, trong mọi cảnh huống xảy ra. Điều này giúp mỗi người đếm và gọi tên từng phúc lành Chúa ban để thấy Chúa thương mình nhiều như thế nào, và Người đã làm biết bao điều tuyệt vời trên cuộc đời từng người. Để rồi ta không lãnh nhận ơn Chúa cách thiếu ý thức, hoặc biết ơn một cách mơ hồ, chung chung.
  • Thứ hai, biết ơn người làm ơn hơn là chỉ chú tâm vào những điều ta được ban. Điều này giúp ta tránh được thái độ vô ơn, hoặc cho rằng sự giúp đỡ của Chúa, hay của người khác dành cho mình là điều gì đó rất hiển nhiên, và đương nhiên.
  • Và thứ ba, biết ơn với tấm lòng khiêm nhường. Như người Samaritano khiêm tốn sấp mình dưới chân Chúa Giêsu để tỏ lòng biết ơn Ngài, mỗi người cũng ý thức mình không có gì mà không do nhận lãnh. Khiêm tốn chấp nhận sự giúp đỡ của người khác sẽ giúp ta thể hiện lòng biết ơn một cách tự nhiên và sâu sắc.

Rèn luyện văn hóa biết ơn mỗi ngày

Như người Samaritano, anh không được chỉ dẫn để quay lại tạ  ơn Chúa Giêsu, nhưng lòng biết ơn thôi thúc anh tự nguyện tự giác quay về nơi ban phát ơn lành. Thái độ sống này có thể tóm gọn trong hai bước sau:

Thứ nhất, tập quan sát để xác nhận ngay những gì mình được trao tặng, từ những điều nhỏ bé.  Như vậy sẽ giúp ta luôn ý thức để trân trọng những ai đã từng giúp đỡ mình, dù đó là những việc tầm thường trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn như cám ơn Chúa cho ta một đêm ngủ bình an, hay tạ ơn Ngài vì một ngày sống trôi qua với nhiều niềm vui…

Thứ hai, thừa nhận vai trò đóng góp của người khác nơi cuộc sống mình. Điều này giúp chúng ta có sự kết nối với những người chung quanh mình, rằng không ai có thể đứng vững hay sống cuộc đời mình mà không cần đến người khác. Biết ơn và cám ơn nhau là một nét đẹp của tương giao.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời kêu xin của mười người phong cùi và giúp họ được sạch. Tuy nhiên, chỉ có một người phong cùi Samaritano biết quay lại tạ ơn Chúa. Điều này dạy cho con biết:

  • Không phải mọi sự giúp đỡ hay làm ơn của mình đều được đón nhận và ghi ơn.
  • Văn hóa biết ơn là một quá trình, không phải lý thuyết suông. Con người chúng con thường rất dễ quên Chúa khi trên đỉnh thành công, khi quá vui, hay khi thuận lợi trong cuộc sống…
  • Con cần phải học cách tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh: tạ ơn Chúa vì những gì Ngài đã ban cho con, những gì Ngài chưa ban, sẽ ban, và sẽ chẳng bao giờ ban tặng. Vì con tin, những gì Chúa thấy tốt đẹp nhất, người sẽ làm nơi con.
  • Và sau cùng, xin cho con sống kinh nghiệm gặp gỡ với ân sủng bằng tâm tình biết ơn, để con được biến đổi, và được lành sạch. Amen.

Quỳnh Thoại, CĐM

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *