Truyện ngắn: Níu…!


-“Cô là ai?”

Bà Hai với hai gò má bầu bĩnh và đôi mắt hồn nhiên hết sức. Miệng móm mém không còn chiếc răng nào, nên thi thoảng cứ đưa hai môi bập bập như thể luyến tiếc chiếc răng cuối cùng đã rụng cả năm về trước. Thu Lan- con gái thứ hai của bà– vừa lấy lược chải đầu cho má, vừa nhại lại giọng vui vui trả lời bà Hai:

-“Con là con Lan Lùn, hồi đó má đẻ con ở bụi chuối, má nhớ hông?”

Bà Hai nhăn nhăn trán suy nghĩ, hồi sau lại hỏi:

-“Ủa! Má cô là ai vậy cà?”

Lan chỉ biết lắc đầu cười trừ:

-“Là cái bà mà con đang chải tóc đây nè.”

-“Ủa! Là tui hả cô?”

-“Đúng rồi! Là cái bà đó đó!”

-“Tui đẻ hồi nào mà hổng nhớ à hén!” Câu chuyện cứ thế kéo dài mà chẳng có hồi kết.

Năm nay bà Hai đã gần bước sang tuổi tám mươi. Đi đứng vẫn còn rất khỏe, việc ăn uống với bà không là chuyện khó. Thu Lan thay cho chị em ở cạnh để lo cho má tuổi già, chăm sóc cho má gần hai mươi năm nay. Bà Hai bắt đầu quên quên nhớ nhớ từ chục năm trước, dần dà tính cách của bà như một đứa trẻ ngây ngô và dễ thương. Mỗi ngày chứng hay quên của bà càng nhiều, đến nỗi Thu Lan – đứa con kề cận ngày đêm bên mình – bà Hai cũng chẳng nhớ. Nhiều lúc cô nghĩ: “Thôi! Má vậy cho khỏe chứ… lo lắng cả đời rồi!”. Hồi Thu Lan mới về ở với má, thuở ấy bà Hai còn rất minh mẫn, thì bà cứ nhắc hoài mấy đứa con ở xa. Mỗi độ nhắc người cũ, chuyện cũ thì bà lại khóc. Con cả của bà – Chị Hai của Thu Lan đã lập gia đình ở Mỹ, lâu lắm mới về thăm má một lần. Đa phần là gọi điện thoại để nghe tiếng má. Em trai kế và em gái út của Thu Lan cũng có gia đình và lập nghiệp tận Sài Gòn. Cuộc sống cũng chật vật khó khăn, lo làm việc nuôi gia đình riêng nên mấy tháng mới tranh thủ về thăm má một lần. Nhưng chủ yếu là cho mấy đứa cháu về thăm bà chứ chẳng khi nào đủ cả vợ chồng, họa chăng chỉ có dịp lễ tết mới có đủ các thành viên trong gia đình.

Thu Lan sống độc thân nên không phải lo chuyện gia đình riêng như chị em mình. Trước đây cô đi làm công nhân ở một xưởng may, khi đó bà Hai còn khỏe mạnh và tự lo cho mình được. Nhưng sau đợt bà Hai bị trợt té thì Thu Lan thấy không ổn, cô quyết định về với bà Hai để ở với bà cho đến cuối đời. Bà Hai vui lắm khi có con gái về ở cùng. Thu Lan lo chăm mảnh vườn trái cây cùng với ao cá sau nhà. Ao cá do ba để lại còn rất nhiều cá, cô tựa vào số cá ấy để có tiền xoay sở cho bà Hai. Cuộc sống giản dị của hai má con ở vùng quê nghèo. Cô hiểu việc chăm má không phải là hy sinh thay cho anh chị em, nhưng là bổn phận chữ hiếu phải vuông tròn. Nhiều lúc cô tâm sự với chị em ở xa qua điện thoại: “Má lo cho chị em mình cả đời rồi! Việc lo cho má tuổi về già là đúng mà! Chị em cứ lo việc của mình đi! Đừng bận tâm việc ở quê làm chi!”. Thu Lan là vậy, mộc mạc, chân quê và dễ thương biết nhường nào.

-“Má ơi! Ăn cơm nha! Con dẻ cá cho má!”

Bà Hai nhìn mâm cơm với mấy con cá rô phi kho quẹt, hới lên mấy tiếng:

-“Trời! Đồ quỷ này mà ăn gì?”

Thu Lan cười tít mắt trước điệu bộ của bà Hai, vì cô biết món cá rô phi kho quẹt, với canh mồng tơi nấu tép là món mà má thích nhất. Không bao giờ má ăn món này dưới hai chén cơm. Thu Lan nói lại vài câu chọc:

-“Để coi hén! Coi dở hay ngon.”

-“Hới! Thứ quỷ này dở ẹt, tui ăn hoài ăn quỷ, tui biết cô làm hổng có ngon đâu.”

Khuôn mặt chê bai với những nếp nhăn của tuổi già lại gợi lên cho Thu Lan bao nhiêu điều để nhớ. Cô nhớ hồi nhỏ mình cũng không chịu ăn cá, chỉ đòi ăn thịt, mà nhà nghèo đào thịt đâu ra. Có bà Hai là chiều con nên lén ông Hai mua thịt nấu cho con ăn, chứ mọi khi ông không cho bà chiều con như vậy. Có lần ông phát hiện thì cấm ngặt: “Từ đây đép tới tui mà thấy bà mua thịt cho nó ăn, tui đổ cho chó ăn hết!”. Bà Hai ngậm ngùi múc thịt cho vào chén Thu Lan, ông Hai giận bỏ ra cửa châm điếu thuốc rê kéo mấy hơi, rồi than: “Trời! Nhà đã nghèo mà còn đua đòi!”. Thu Lan biết ba má đều thương và lo cho mình, mỗi người mỗi cách, nên chỉ thấy mỗi mình có lỗi. Nhưng ngẫm lại thương nhất là má vì ngậm ngùi chịu ba rầy rà mà lo cho mình ăn ngon. Nghĩ tới đó, Thu Lan chảy nước mắt.

-“Ủa! Tui chê vậy mà cô khóc hả?”

Sẵn đà bà Hai hỏi, Thu Lan trả lời:

-“Khóc chớ, tại má chê đồ con nấu!”

Bà Hai quay sang vỗ vai rồi nói: “Thôi cô! Tui ráng ăn cho cô vui nha! Dở cũng ăn hén!” Đúng như Thu Lan đoán biết, trưa hôm đó bà Hai ăn hai chén canh và hai chén cơm, chảo cá gần như hết.

-“Trời! Con nhỏ khùng khùng vậy mà nấu ăn cũng được má hén!” Cô hỏi chọc bà Hai.

-“Ờ! Nhìn khùng khùng vậy mà kho cá cũng có lý chớ bộ.”

Bưng mâm cơm xuống bếp, Thu Lan cười không ngớt vì tính cách dễ thương của bà Hai.

Lịch trình một ngày của Thu Lan gần như kín mít, mà hầu hết là túc trực bên bà Hai. Chỉ trừ lúc bà ngủ là cô tranh thủ ra vườn làm việc, rồi nhanh chóng trở vô với má. Cô biết bà Hai muốn làm gì và làm vào giờ nào, vì tính cách của bà hồi còn minh mẫn rất đúng giờ, nên dù quên nhiều nhưng thói quen ấy vẫn đi vào tiềm thức. Thậm chí, có hôm làm cơm trễ bà Hai lại nhắc: “Cô gì ơi! Sao chưa cho tui ăn cơm?” Thu Lan mới ngoài vườn chạy vô, quần còn ống cao ống thấp, áo đẫm mồ hôi hỏi: “Ủa! Cô gì là cô nào vậy cà?”. Bà Hai có hơi mắc cỡ vì không nhớ tên cô gái ở chung với mình, nên ậm ờ trả lời: “Ờ thì… Cô Mít, cô Xoài gì đó!” Thu Lan chạy lại xoa hai bờ vai của bà Hai, “Trời ơi! Đẻ con ở bụi chuối mà cứ kêu Mít với Xoài. Buồn à nha!” Có hôm bà Hai còn quên cả việc mình mới ăn cơm xong, Thu Lan vừa dọn chén xuống thì có người tới thăm bà Hai, người đó hỏi: “Thím Hai ăn cơm chưa?” Bà Hai lắc đầu chối bai bải: “Trời! Con nhỏ ác dễ sợ, nó chưa nấu cơm xong nữa. Cái con gì đó ơi!… Mày nấu cơm xong chưa?  Nấu cho khách ăn với!” Người khách biết bà Hai đã lẫn, nhìn quanh bà thấy mấy hạt cơm còn rơi trên ván mà Thu Lan chưa kịp lau dọn, người khách đã biết chuyện. Giả vờ ủng hộ bà, người khách nói: “Trời! Cái con nó ác thiệt! Bỏ đói bà già muốn chết. Để tui gặp tui đánh nó cho thím nha, con gái gì hư thấy ớn.” Thu Lan dưới bếp nghe mà cười nắc nẻ. Chạy lên chào khách, vị khách giả bộ đánh vào lưng Thu Lan mấy cái: “Mày! Hư nghen con! Bỏ bả đói muốn chết!” Thu Lan giả bộ khóc, bà Hai bênh: “Thôi! Đừng đánh cổ! Tội nghiệp!” Cả nhà lại cười ồ lên vì tính tình dễ mến của bà Hai.

Mỗi tối, sau khi giăng mùng và đuổi muỗi rồi đưa bà Hai vô mùng ngủ, Thu Lan vẫn là người quạt cho má ngủ. Dù có quạt máy nhưng bà Hai không chịu sử dụng, vì lý do đơn giản: “Đồ quỷ này hổng có mát mẻ gì hết trơn hết trọi!”. Thu Lan chỉ cười rồi cầm quạt giấy quạt cho bà, bà khen: “Ờ! Cái này mới mát nè! Cô này hiểu ý tui ghê!”. Đợi khi bà Hai thiu thiu ngủ, cô mới lén mở quạt số nhỏ nhất, để thật xa tránh gió thổi mạnh vào người bà Hai. Cô nằm cạnh chiếc giường của bà Hai, vì sợ nằm chung giường khi cử động thì bà sẽ thức. Ngó qua khuôn mặt của má đang chìm sâu trong giấc ngủ, khuôn mặt hiền hậu, dễ thương với hai gò má bầu bĩnh, thi thoảng lại bập bập hai môi rồi ngáy đều vào giấc ngủ, cô lại cười khúc khích. Có hôm thấy khung cảnh ấy dễ thương quá, Thu Lan chạy sang vén mùng hôn lên gò má đầy đặn của bà Hai, bà giật mình mở mắt từ từ, miệng lầm bầm: “Cái cô này, tối không để tui ngủ làm gì vậy?” Thu Lan biết mình vừa làm má thức giấc, cô nhanh chân chạy lại tắt bóng đèn ngủ, căn phòng tối thui, bà Hai láp giáp vài câu không nghe ai trả lời rồi ngáy đều. Có đêm, Thu Lan nghe rõ mồn một má gọi tên từng đứa con một trong mơ: “Diễm Hương – Thu Lan – Thái Đỉnh – Diễm Quỳnh”. Cô giật mình vì hai lý do. Thứ nhất vì má không hề quên các con, trong vô thức và trong tim của bà vẫn luôn có hình ảnh các con. Thứ hai, lâu lắm rồi, má chẳng khi nào gọi tên mình, vậy mà bây giờ… Cô khóc thút thít trong đêm.

Có những buổi sáng, vừa mở mắt ra Thu Lan đã thấy bà Hai đứng bên cạnh lấy tay đét vào mông cô: “Dậy coi! Trời ơi! Giờ này mà còn nướng!” Thu Lan cười vì tuổi thơ của cô đã từng như vậy. Sáng nào cũng bị bà Hai đét vài roi trước khi rửa mặt, thay đồ đi học. Ngày xưa cái đét mông còn mạnh tay, còn bây giờ sao nhẹ hều. Mà cũng khác là ngày xưa đét hết sức thì cô mới mở mắt dậy, còn bây giờ, má chỉ rờ nhẹ là cô đã dậy rồi. Nhiều buổi sáng cố tình nằm thêm chút nữa để bà Hai đét mông nhiều hơn, nhưng những cái chạm nhẹ dần, bà Hai bỏ ra ngoài, miệng không quên biểu: “Cái thứ lì như trâu. Nướng khét nghẹt mà còn nướng!” Thu Lan vội chạy theo ôm chầm lấy bà Hai từ sau lưng, hôn lấy hôn để lên gò má của bà Hai. Ráng dứt ra không được, bà đành xụi lơ cho Thu Lan hôn đã rồi thôi.

Thu Lan chăm cho bà Hai rất kỹ, từng chi tiết một đều được cô quan tâm và chuẩn bị trước. Nhiều lúc bà bị hốc cơm, sặc nước hay suýt té ngã, Thu Lan sợ đến xanh mặt. Cô biết sức khỏe của người già sẽ xuống dốc rất mau sau những biến cố không hay, nên lúc nào cũng kè kè bên má như hình với bóng. Nhiều khi bà Hai đi trước, Thu Lan đi sau lưng bà nhại lại tướng đi của bà, vừa chậm chậm, lưng hơi cúi, miệng móm mém, môi bập bập, tay run run… bà Hai không hay Thu Lan đi sau lưng mình và đang nhại lại hành động của mình, nên bà cứ hồn nhiên thế mà đi đầu làng cuối xóm. Bà con thấy thì cười tí ta tí tửng: “Trời! Hai má con nhà này vui hết biết!”.

Chiều nay, hai má con ngồi bên hè nói chuyện với nhau, Thu Lan chải tóc cho bà Hai. Mái tóc dài và bạc trắng phếu, mấy sợi rụng cuốn vào lược sau mỗi lần chải, Thu Lan gom lại thành một nhúm để bên cạnh chiếc ghế bà Hai đang ngồi. Cuộc trò chuyện của hai má con cứ loay hoay như mọi khi, không hồi kết. Gió chiều mơn man thổi nhúm tóc rụng bay đi. Theo quán tính, Thu Lan với tay chụp lại, nhưng không kịp. Cô quên rằng đó là những sợi tóc rụng bỏ đi. Nhưng cô muốn níu mớ tóc ấy, như níu… khi còn có thể.

Little Stream

 

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *