Lữ hành

(Tưởng nhớ cha cố Micae Nguyễn Thế Minh, S.J.)

 

“Lữ hành” hai từ mà tôi chợt nghĩ đến trước sự ra đi của cha Micae Nguyễn Thế Minh, S.J. Giờ đây cha hân hoan bước sang một đời sống đích thực nơi Đức Ki-tô. Chợt, ngay chính lúc này, tôi được mời gọi suy ngẫm về cuộc lữ hành của cha cố Micae, sau đó là ngẫm đến cuộc lữ hành đương thì của đời tôi.

Đồng mạch cảm xúc ấy, tôi nhớ Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết những tâm tư như thế thật súc tích trong bài hát mang tên “Lữ hành”[1].

 

Hành trình cuộc đời cha cố Micae là một cuộc nối kết giữa quá khứ và tương lai. Chính con người đang trong cuộc lữ hành được hưởng “làn gió ngàn năm” và “hương nắng như lửa sống”. Ngọn gió và hương nắng là dòng lịch sử trải qua bao thế hệ, ngọn gió của Thần Khí và sức sống mà Thần Khí tuôn tràn cách nồng nhiệt trong người lữ khách. Ngọn gió và hương lửa ấy nhắc nhớ người lữ khách hai điều: niềm hạnh phúc của kẻ được hưởng, lẫn bổn phận của kẻ được hưởng ấy phải truyền cho thế hệ tiếp sau. Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho cha cố một đôi chân đủ khỏe, con tim đủ rộng mở và tâm hồn đủ nhạy cảm để cảm nếm hạnh phúc và thi hành bổn phận của kẻ lữ khách trong tám mươi tư năm nơi lữ hành này.

 

Chính vì căn nguyên cốt lõi ấy mà lữ khách đi tới đâu cũng “thấy lòng lên phơi phới” và như thể say hương tình yêu. Cái “thiên thu” đã khắc cốt ghi tâm nhờ ơn Chúa, để tương lai những kẻ lữ hành tiếp sau được đan dệt bằng nỗ lực hiện tại hóa nơi đôi tay của người lữ khách hôm nay. Cứ thế, người lữ khách dù đi có mấy “xa xăm” cũng “chưa thấy bồn chồn chân”, để “bước đi trong thời gian” mà còn “vướng”  lại “biết bao nhiêu lòng thương” dành cho Thiên Chúa và tha nhân trên con đường mà lữ khách đi qua.

 

Một quãng đường đã qua, người lữ khách đã đi bằng tấm lòng chân thành và tín thác vào Thiên Chúa. Dù có những lúc đối diện với đa trạng thái cả bên ngoài lẫn bên trong, nhưng người lữ khách một lòng ý thức rằng mình đang dần về cuối đoạn đường. Nhìn thấy cách hiển hiện nơi lẽ đời rằng hễ có “bánh xe tang ngoại ô” thì liền đó là “chiếc nôi trong vườn hoa”, còn “sức tuôn trên cánh đồng” thì sẽ có ngày “lúa thương vạt nâu sồng”.

 

Tới nơi rồi, đoạn đường về quê đã gần lắm rồi! Trước mắt là những dấu chỉ thân quen dù có sơn phết hay đặt để lung tung thì người lữ khách vẫn nhận ra. Quen lắm! Quê ta! Bước tiến không thôi để “lên đường về quê!

 

Tôi mang ơn cha cố Micae bởi cha đã tháp mình vào dòng chảy lịch sử để thừa hưởng và góp phần thông truyền hạnh phúc mà cha đã được hưởng. Hôm nay, khi nhìn “bánh xe tang ngoại ô”, xin cho tôi biết mình đang là “chiếc nôi trong vườn hoa”; khi nhìn “sức tuôn trên cánh đồng” xin cho tôi là những “cây lúa” biết “thương vạt nâu sồng”.

 

Cha! Con mừng cha đã về tới Quê Nhà!

Little Stream

[1] Nghe bài hát tại https://www.youtube.com/watch?v=qcfDp3ZeDjc hoặc https://www.youtube.com/watch?v=Yw5zWb3GM6k

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …