Thầy đến và đánh thức

Câu chuyện anh La-da-rô sống lại được Tin Mừng thánh Gio-an thuật lại một cách chi tiết.[1] Câu chuyện này có nhiều điểm giống với câu chuyện người mù bẩm sinh được chữa lành.[2] Phần mở đầu của hai câu chuyện là lời tiên báo của Đức Giê-su về  ý nghĩa và dấu chỉ của bệnh tật „là dịp để Thiên Chúa được tôn vinh”. Tất nhiên, mỗi câu chuyện hé mở một sự thật về Đức Giê-su. Trong câu chuyện anh mù được sáng mắt, tỏ lộ Đức Giê-su là ánh sáng thực; còn câu chuyện anh La-da-rô sống lại, vén mở Ngài là Đấng ban sự sống.

Thánh sử Gio-an ghi lại bảy dấu lạ Đức Giê-su đã thực hiện. Mỗi dấu lạ tỏ lộ một phần về danh tính đích thực của Ngài. Câu chuyện anh La-da-rô sống lại là dấu lạ cuối cùng và vĩ đại nhất. Tuy nhiên, phép lạ này cũng gây ra sự chống đối lớn nhất: Các thủ lãnh Do-thái quyết định giết Đức Giê-su. Sau đó, họ cũng tìm cách giết anh La-da-rô nữa.[3]

Đây là dấu lạ quan trọng, nên thánh Gio-an mô tả rất chi tiết. Ngài ghi lại những tình tiết xung quanh, từ những ý kiến và phản ứng của các nhân vật, cho đến diễn biến nội tâm của họ. Sự tỉ mỉ này giúp người đọc có thể hình dung được toàn cảnh bức tranh sự sống lại của anh La-da-rô một cách chính xác, và hiểu rõ thông điệp phép lạ vĩ đại và độc đáo này. Độc giả sẽ nhận ra, sự kiện sống lại của La-da-rô, là lời tiên báo trực tiếp về sự phục sinh của Đức Giê-su. Cho nên, mỗi chi tiết được khắc họa trong bức tranh về sự sống lại của anh La-da-rô đều hé mở những bí mật về Đức Giê-su.

Khi nghe tin La-da-rô đang trong tình trạng nguy kịch, Đức Giê-su vẫn bình thản. Ngài ở lại đó hai ngày. Điều này không bình thường tí nào! Nó không giống như những gì chúng ta thường suy nghĩ. Nếu Đức Giê-su yêu mến ba chị em nhà Mát-ta, tại sao Ngài không lên đường đến với họ ngay lập tức? Tại sao Ngài lại để cho những người thân yêu phải sống trong đau khổ?… Những câu hỏi này rất gần gũi với kinh nghiệm thường hằng của mỗi người chúng ta. Chẳng có lời giải thích nào thỏa đáng, nếu xét trên bình diện lý trí. Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của sự chậm trễ này, khi chúng ta nhận ra Đức Giê-su là Đấng làm chủ sự sống lại và là sự sống. Cho nên đối diện với sự chết, Ngài không nhìn nó theo con mắt và lối suy nghĩ như chúng ta. Ngài không coi đó là nỗi sợ hãi đáng sợ nhất. Bên cạnh đó, Đức Giê-su tỏ cho chúng ta biết, Ngài làm chủ cả thời gian. Nhưng tại sao, một khi đã tin tưởng vào Thiên Chúa, mà cuộc sống chúng ta vẫn còn quá nhiều sợ hãi và hấp tấp? Chúng ta cần học cách tin tưởng và phó thác. Hãy kiên nhẫn, đừng vội vàng!

Mát-ta và Ma-ri-a đều xác tín: „Nếu Thầy có ở đây, thì em con không chết!”  Tuy nhiên, điều mà họ nghĩ đến sự sống lại vào ngày sau hết, chứ không phải vào lúc này và ngay bây giờ. Tầm nhìn của họ còn nhiều giới hạn. Họ không thể nghĩ rằng Đức Giê-su là chủ tể mọi sự. Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Ngài có thể làm cho em La-da-rô sống lại từ cõi chết. Ngay cả các môn đệ, đôi lúc họ vẫn còn hoài nghi về Ngài. Đức Giê-su biết rõ điều đó! Sau mỗi lần thực hiện phép lạ, có người tin vào Ngài, nhưng cũng nhiều người nghi ngờ. Chúng ta ngày nay cũng thế! Nếu không có lòng tin, chúng ta không thể xây dựng mối tương quan thân thiết với Đức Giê-su. Vì đức tin giúp chúng ta có một tầm nhìn sâu sắc, để nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong các sự kiện xung quanh chúng ta. Ngay cả trong những biến cố đau khổ nhất.

Câu chuyện anh La-da-rô sống lại, là một bài học quý cho chị Mát-ta và cho mỗi người chúng ta. Đức Giê-su dạy cho chị Mát-ta hiểu thế nào là sống trong tin yêu. Sự tin tưởng phải đi đôi với lòng kiên nhẫn đợi chờ. Niềm tin vào ơn phục sinh, ơn chữa lành, và sự sống đời đời cũng vậy. Đức tin và lòng kiên nhẫn không phải là hai điều đối nghịch nhau, nhưng hòa làm một. Mát-ta không nghi ngờ gì về sự phục sinh, và tuyên xưng điều đó với Đức Giê-su, nhưng một điều gì đó vẫn còn thiếu trong cuộc sống của chị Mát-ta. Chị rất tin tưởng, nhưng vội vàng hấp tấp và còn lo lắng nhiều chuyện quá. Đó là lý do mà Mát-ta lo lắng về mùi của người chết, và không mặn mà với lời đề nghị của Đức Giê-su: „hãy lăn tảng đá cửa mộ ra!” Nhưng sau đó, cô đã nhẫn nại và thực hiện điều Đức Giê-su mời gọi: Lăn tảng đá ra khỏi mộ để cho sự sống mới của Thiên Chúa đi vào. Có lẽ, sự sống mới của Chúa Phục Sinh chưa tỏ hiện trong đời sống chúng ta, vì có những tảng đá đang cản lối! Mùa Chay mời gọi chúng ta nhận ra những tảng đá đang chắn lối, đang ngăn cản cuộc gặp gỡ của ta với Đấng Phục sinh. Mùa Chay cũng là thời gian để học thinh lặng và kiên nhẫn chờ đợi như Mẹ Ma-ri-a. Chúng ta phải lăn những tảng đá ra, chứ không chỉ ngồi khóc lóc than vãn, như chị Mát-ta trước đó.

Khi chứng kiến phép lạ anh La-da-rô sống lại, các môn đệ thấy rõ Đức Giê-su là ai, và biết rõ: Thầy ý thức mọi điều đang xảy ra xung quanh. Trước đó, các môn đệ đã lên tiếng can ngăn quyết định lên Giê-ru-sa-lem, vì họ đã nhìn thấy những gì có thể xảy đến với Đức Giê-su, vì Ngài thực sự đang bị tìm giết ở miền Giu-đê. Nhưng Đức Giê-su muốn tỏ cho họ biết, Ngài là Đấng làm chủ cả sự chết.

Trong sự tin tưởng và phó thác, chúng ta thân thưa với Đức Giê-su: „Thưa Thầy, người Thầy thương đang bị đau nặng[4].” Sự đau bệnh có thể hiểu là những yếu đuối. Nhất là yếu đuối trong đức tin. Những yếu đuối này chỉ có thể vượt qua, nếu chúng ta cộng tác lăn tảng đá và phá bỏ những trở ngại, để Ngài đến và ban thêm ơn đức tin cho chúng ta. Anh La-da-rô đã sống lại, không phải để chết một lần nữa, nhưng để tôn vinh Thiên Chúa bằng sự sống mới trong đức tin. Xin Đức Giê-su đến và đánh thức sự sống mới đang ngự trong chúng con.

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Anh La-da-rô sống lại. Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A (Ga 11,1-45).

[2] Câu chuyện Đức Giê-su chữa lành người mù từ thủa mới sinh. Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm A (Ga 9,1-41)

[3] Các thủ lãnh Do-thái quyết định giết Đức Giê-su (Ga 11,45-54), và sau đó họ quyết định giết cả anh La-da-rô nữa (Ga 12,9-11).

[4] Động từ Hy-lạp ἀσθενεῖ có nghĩa là bị bệnh, bị đau yếu, yếu đuối.

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …