[Suy Tư TM CN31TNA] Ý nghĩa của quyền bính

Các bạn thân mến! Cách đây gần 2 năm thế giới đã chứng kiến cuộc chiến giữa Nga – Ukraine. Cho đến nay số người bị chết hoặc bị thương ở cải hai phía đã lên đến khoảng hơn 500.000 người.[1] Cách đây không lâu thế giới lại chứng kiến một lần nữa cuộc chiến giữa Hamas và Israel. Khoảng 5000 người bị giết và hơn 15000 người bị thương tính đến hôm nay 27/10/2023. Con số chưa dừng lại ở đó nhưng sẽ tiếp tục tăng lên khi chiến tranh vẫn tiếp diễn. Đức Thánh Cha Phanxico trong cuốn sách “Bạn không đơn độc” phát hành bằng tiếng Ý (24/10/2023) kêu gọi mọi người “đừng trở nên quen thuộc với chiến tranh.”“Chúng ta không được trở nên quen thuộc với chiến tranh, với bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Chúng ta không được phép để trái tim và khối óc của mình trở nên tê liệt trước sự lặp lại của những nỗi kinh hoàng vô cùng nghiêm trọng chống lại Thiên Chúa và con người”.[2] Cách đây hơn 1 năm ngài cũng viết: “Chúng ta cần từ chối chiến tranh, một nơi của sự chết chóc, nơi những người cha và những người mẹ chôn cất con cái của họ, nơi con người giết hại lẫn nhau, giết hại chính anh em của mình mà chẳng thèm ngó ngàng tới, nơi những người nắm quyền lực đưa ra quyết định và những người nghèo phải vong thân.” Chiến tranh dù chính nghĩa hoặc phi nghĩa cũng là một sự thất bại đối với thường dân vô tội. Quyền lực từ cổ chí kim vẫn là thứ dai dẳng cám dỗ con người. Ở đây chúng ta không bàn đến chiến tranh nhưng chúng ta bàn đến người ra quyết định. Quyền lực của những người ra quyết định có ảnh hưởng đến sự sống và an toàn của người khác. Khi chúng ta nhìn quyền lực trong tương quan với hiện hữu và nguồn gốc siêu nhiên của chúng, chúng ta sẽ đặt quyền lực vào đúng vị thế của nó, đồng thời mỗi người sẽ chọn cho mình một thái độ đúng đắn với quyền lực được trao.

Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su cũng đề cập đến phẩm tính của người lãnh đạo và nguồn gốc của quyền lực.

Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư là những người có quyền và sự ảnh hưởng nhưng thay vì sử dụng quyền lực đó để dẫn người khác đến với Thiên Chúa họ lại sử dụng quyền lực và phạm vi ảnh hưởng của mình để phục vụ cho bản thân mình. Chúa Giê-su không chủ trương phê bình tính nghiêm khắc của lề luật nhưng Ngài lên án sự thiếu thống nhất của họ. Nói cách khác họ không biết mình và không biết nguồn gốc của quyền lực mà mình đang có.

Chúa Giê-su chỉ ra ba cám dỗ của người lãnh đạo qua hình ảnh những người Pha-ri-sêu. Thứ nhất,  đó là việc thiếu thống nhất giữa lời nói và việc làm.” “Họ nói mà không làm.” Thứ hai là việc chất gánh nặng. Họ chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính họ “không buồn động ngón tay.” Những người Pha-ri-sêu là người có thẩm quyền về mặt lề luật. Họ giải thích những lề luật quá chi li đến nỗi lề luật trở thành gánh nặng đôi khi chính họ chưa thực hiện những đòi hỏi đó. 8Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy.”[3] Cám dỗ thứ 3 là sự bành trướng cái tôi cá nhân. Đó là thái độ quá trú trọng đến hình thức, những cái bên ngoài. Cách người khác nghĩ về mình ảnh hưởng đến quyết định, sự tự do và cách mình thẩm định giá trị về mình. Giá trị của mình phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài do cách người khác nghĩ về mình hoặc do giá trị tự nội mà mình là. Chúa Giê-su đưa ra hình ảnh những người Pha-ri-sêu không phải để các môn đệ tự hào rằng “mình không giống như họ” nhưng là để các môn đệ có thể nhìn lại chính mình và định vị chính mình. “Giữa anh em thì không như thế.” Trên hết Chúa Giê-su mời gọi những người môn đệ Chúa vâng phục Lề Luật và sống tinh thần huynh đệ đơn sơ của những người có cùng một Thầy và một Cha trên trời.

Chúa Giê-su lại đưa ra giáo huấn khác về tương quan huynh đệ, phẩm tính của người lãnh đạo và nguồn gốc của quyền lực. 8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô.” Chắc chắn khi nói điều này Chúa Giê-su không có ý phủ nhận mối tương quan huyết thống, mối tương quan thầy trò hoặc quyền bính hợp pháp trong Giáo Hội nhưng Ngài mời gọi các môn đệ nhìn nhận đúng đắn vị trí của quyền lực và cách sử dụng quyền bính. Anh em chỉ có một Thầy dậy chân lý và Người dẫn đến sự thật toàn vẹn là chính Đức Giê-su. Còn giữa anh em, anh em sống tinh thần huynh đệ đơ sơ. “8Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.”[4] Khi người môn đệ xác định vị trí của mình trong tương quan với Thiên Chúa thì họ sẽ chọn lựa cách thức tương quan phù hợp với anh chị em mình.

Hơn nữa, Chúa Giê-su cũng mặc khải cho các môn đệ về tương quan phụ tử Cha Con. Tương quan thâm sâu này vượt lên trên mọi tương quan phàm nhân và huyết thống. Khởi từ mối tương quan sâu kín giữa Ngài và Cha, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ thiết lập tương quan giữa các môn đệ với nhau bằng việc phục vụ như chính Ngài đã sống. Điều này khác hẳn với cách hành xử của những người Pha-ri-sêu. “45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”[5] Phục vụ như Chúa Giê-su là sẵn sàng chết cho người mình yêu để đem lại sự sống cho họ.

Ngoài ra, Chúa Giê-su nói đến người lãnh đạo phục vụ. Người lãnh đạo phục vụ là người biết mình, biết mình đến từ Thiên Chúa, biết mình thuộc về Thiên Chúa và sống cho Ngài. Sẽ là nguy hiểm cho bạn khi bạn không biết nguồn gốc và lý do hiện hữu của mình. Sự hiện hữu của mình đến từ Thiên Chúa cho nên bạn cần sử dụng đời mình và những phương thức Chúa ban để phụng sự Thiên Chúa. Bạn nhận biết mình là ai do bạn biết Thiên Chúa. Chính Ta là Đức Vua cao cả, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân.”[6]

Người lãnh đạo là người phục vụ khiêm nhường như chính Chúa Giê-su. Khiêm nhường không có nghĩa là nhún nhường nhưng nhìn nhận sự thật về mình, về anh chị em mình và về Thiên Chúa. Khi bạn nhìn nhận sự thật về chính mình thì đồng thời bạn cũng mở ra với Thiên Chúa và Thánh Thần.

Cũng chính vì thế điều giúp bạn nhận ra sự thật về mình cũng đồng thời giúp bạn nhận ra nguồn gốc của quyền lực. Nguồn gốc của quyền lực là đến từ bên trên, là do được thông chia và bạn có quyền là do được chia sẻ. Mục đích của quyền lực là để phục vụ. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” Phục vụ như Chúa Giê-su là hiến mình cho Cha và cho nhân loại. Phục vụ đem lại sự sống cho anh chị em mình. Phục vụ cho chân lý và Vương Quốc Nước trời.

Quyền lực của Giáo Hội có được là để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cho Vương Quốc của tình yêu và sự sống. Cha mẹ xét một cách nào đó là những người dùng quyền lực và sự ảnh hưởng của mình để hướng dẫn con cái nhằm hướng nó đến cùng đích mà Thiên Chúa muốn cho nó. Cũng thế các tu sỹ nam nữ là những người cũng có quyền và sự ảnh hưởng, quyền lực này nhằm phục vụ cho lợi ích phổ quát, chính vì thế họ được mời gọi sử dụng quyền bính và sự ảnh hưởng của mình để giúp anh chị em của mình đạt được hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn cho họ. Quyền lực chúng ta có để xây dựng Vương Quốc Nước Chúa, là cho Ý Chúa được thể hiện. “Ý muốn của Thiên Chúa là con người được sống và sống dồi dào,” là sống đúng với nhân phẩm, với quyền làm người và làm con Chúa. Đây chính là ý nghĩa của sự phục vụ. Phục vụ là cúi xuống nhưng cúi cuống theo nghĩa Tin Mừng. Cúi xuống vì tình yêu và vì phần rỗi các linh hồn. Tuy nhiên, thực tế ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, một số nhà lãnh đạo sử dụng quyền bính nhằm thúc đẩy văn hóa sự chết, chiến tranh bạo lực hơn là mang lại văn hóa sự sống. Phải chăng sâu xa của những điều này là kết quả của sự khước từ một nền tảng của quyền lực tuyệt đối siêu nhiên.

Một điều cũng không kém phần quan trọng bên cạnh đặc tính quyền lực là do được chia sẻ thì quyền lực không tồn tại mãi. Quyền lực về mặt quản trị, phục vụ, giảng dạy cũng có thời rồi sẽ hết. Thay vì tìm kiếm quyền lực làm bành trướng cái tôi, bạn được mời gọi sử dụng quyền lực mà Chúa ban cho để giúp cho bản thân mình và anh chị em của mình đạt được hạnh phúc.

Các ban thân mến! Giáo huấn của Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi chọn lựa thái độ đúng đắn đối với lề luật, chính mình và với Thiên Chúa. Người môn đệ được mời gọi thống nhất đời sống trong việc tuân phục Lề Luật. Chính Chúa Giê-su trở nên mẫu mực cho bạn và tôi về việc tuân phục Lề Luật, đồng thời Ngài mặc khải tương quan mới giữa các môn đệ dựa trên tương quan của Ngài và Chúa Cha. Anh em chỉ có một Thầy và một Cha trên trời còn anh em là anh em với nhau. Ý thức về sư hiện hữu và nguồn gốc quyền bính của mình đến từ bên trên, người môn đệ được mời gọi sống tinh thần phục vụ như chính Chúa Giê-su. “14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”[7]

[1] Theo Reuters ngày 19/08/2023

[2] ĐTC Phanxicô: Đừng trở nên quen thuộc với chiến tranh, , 24/10/2023, (Vaticannews.va)

[3] Ml 2, 8

[4] 1 Th 2, 8

[5] Mc 10, 45

[6] Ml 1, 14b

[7] Ga 13, 14

Kiểm tra tương tự

Ai tín: Ông cố Phê-rô Nguyễn Duệ, thân phụ linh mục Phê-rô Nguyễn Xuân Anh, SJ

Anh em Dòng Tên Việt Nam Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê xin kính báo:      …

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …