Tìm lại tình yêu thuở ban đầu

 

Trong sách Khải huyền, đoạn viết cho thiên thần của Hội Thánh Êphêxô có lời của Đấng cầm trong tay hữu bảy vì sao, Đấng đi giữa bảy cây đèn vàng như sau: “Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” (Kh 2, 4) Tình yêu ấy là gì? Tình yêu ấy chính là tình Thiên Chúa yêu thương con người và tạo vật. Tự bản chất, Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa quá trào tràn đến nỗi Ngài không muốn giữ mãi cho riêng mình nhưng muốn thông chia niềm hạnh phúc ấy cho các tạo vật của mình qua công trình tạo dựng. Chúng ta là kết quả của tình yêu ấy. Chúng ta được dự phần, chia sẻ và hưởng dùng cách nhưng không tình yêu của Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa cũng mong muốn chúng ta nhận ra và chia sẻ cho các tạo vật khác.

Thế nhưng, Tổ Tông loài người đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu ấy vì sự kiêu ngạo của mình. Kể từ đó, mối dây liên kết giữa con người với Thiên Chúa, thiên nhiên và tha nhân bị rạn nứt. Con người đã tự cho mình là “tạo hóa” có quyền thay Thiên Chúa định đoạt số phận của muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Lòng đố kỵ đã len lỏi vào tâm hồn con người, khiến nó trở nên ghê tởm. Cain đã nhẫn tâm giết chết em mình là Aben vì sự ganh tị. Con người ngạo mạn muốn xây dựng một tháp Baben đến tận trời. Hay con người ăn chơi sa đọa, chẳng còn quan tâm gì đến luân lý cả trong thời ông Nôê. Còn nhiều câu chuyện khác nữa trong Kinh Thánh cho thấy khi phạm tội con người đã rời khỏi tình yêu thuở ban đầu với Thiên Chúa. Con người nghĩ rằng chỉ cần yêu mình thôi là đủ.

Thực tế đời sống hiện nay cho thấy tình trạng ấy. Con người dần quên Thiên Chúa, hay đúng hơn con người đã gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Con người cho mình là “thiên chúa” nên muốn làm gì tùy ý. Con người nghĩ rằng mình có tự do tuyệt đối trong việc chọn lựa sống hay chết, thậm chí còn quyết định luôn cả sự sống của người khác. Hậu quả là các vấn nạn như phá thai, tự tử, hay an tử càng ngày càng trầm trọng. Bởi vì có tự do tuyệt đối nên con người nghĩ rằng Thiên Chúa không tồn tại. Thiên Chúa chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người mà thôi.

Từ đó, con người cho mình vị thế tuyệt đối trên thiên nhiên. Muôn loài muôn vật chỉ là phương tiện phục vụ cho nhu cầu của con người. Con người không còn thấy được mối tương liên hiệp nhất với vũ trụ nữa. Con người khai thác đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên, chặt phá cây rừng để làm nông nghiệp, v.v. Nhiều mối liên hệ bị phá vỡ. Con người là tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài. Mẹ thiên nhiên đang kêu gào cho sự tàn phá khủng khiếp ấy. Mặc dù nhiều người đã nhận ra tiếng kêu than ấy và đã lên tiếng, thế nhưng tiếng nói của họ vẫn chưa đủ vang vọng giữa một biển đen im lặng của các nhà lãnh đạo và số đông còn lại bởi vì lợi ích kinh tế vẫn là ưu tiên.

Tương tự, tương quan giữa người với người cũng có những rạn nứt. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa nước giàu và nước nghèo càng ngày càng lớn. Trong khi nhiều người có đồ ăn thức uống dư thừa thì số khác lại sống trong tình trạng đói nghèo trầm trọng. Nhiều người đã cầu xin lòng thương xót của người khác nhưng họ chỉ nhận lại câu trả lời là sự im lặng. Dù nhiều người, nhiều tổ chức đã đứng lên đấu tranh cho họ, thế nhưng vẫn còn đó bất công và đói khổ. Nhân loại cần tìm được tiếng nói chung, nhưng tiếng nói chung ấy có lẽ còn lâu lắm mới được vang lên. Chiến tranh và xung đột vẫn còn. Viễn cảnh về một nền hòa bình vĩnh cửu “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2, 4) có lẽ còn xa vời. Lòng ích kỷ và thù hận vẫn còn mặc cho tiếng kêu khóc của biết bao nạn nhân vô tội.

Dù thực tế có tồi tệ đến mấy thì chúng ta vẫn còn niềm hy vọng vì Thiên Chúa đã gieo hạt mầm tình yêu vào công trình tạo dựng của mình. Thiên Chúa đã mong ước hạt mầm ấy sẽ nảy nở thật nhiều. Mùa Vọng đã đến. Đây là thời gian để chúng ta nhìn vào máng cỏ, nơi có Hài Nhi Giêsu được sinh ra cho chúng ta. Ngài chính là hạt mầm đó. Ngài được gieo vào thế gian để nhắc nhớ và lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn vào Ngài để duyệt xét lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, thiên nhiên và tha nhân.

Hài Nhi Giêsu đã đến và ở lại với chúng ta. Qua Ngài, con người được giao hòa với Thiên Chúa. Chính Hài Nhi Giêsu đưa con người trở lại tình yêu thuở ban đầu với Thiên Chúa. Mặc dù là Thiên Chúa nhưng Ngài chấp nhận trở nên bé nhỏ, được sinh ra nơi máng cỏ, đón nhận sự sưởi ấm từ hơi thở bò lừa. Qua đó, chúng ta cũng nhìn lại tương quan của mình với các tạo vật khác trong vũ trụ. Con người cần tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị vĩnh cửu của tự nhiên như món quà từ Thiên Chúa. Mỗi tạo vật đều có vị trí đặc biệt và bất khả thay thế trong công trình tạo dựng. Chúng giúp tô điểm cho vũ trụ thêm hoàn hảo. Nếu thiếu đi một trong những tạo vật này, dù là nhỏ bé nhất thì vũ trụ cũng sẽ mất đi vẻ đẹp hoàn hảo nhất của nó. Đặc biệt, chúng ta hãy luôn nhớ mình cũng là một phần của vũ trụ vì đều là công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Thêm nữa, Thiên Chúa đã giáng trần để làm con của con người. Ngài đã đón nhận sự che chở và bảo vệ của Đức Mẹ và thánh Cả Giuse để vượt qua những thách đố của cuộc sống. Thiên Chúa đã đến và ở giữa dân Ngài. Thiên Chúa là Tình yêu và Thiên Chúa cũng cần đến tình yêu của con người. Do đó, chúng ta cũng ý thức mình là tình yêu và biết chia sẻ tình yêu ấy cho người khác. Đừng để những ích kỷ, tham lam và lòng đố kỵ che mờ tình yêu đó. Thiên Chúa đã chết để con người được sống thì con người cũng được mời gọi sống hy sinh cho người khác, đồng thời tôn trọng tự do và sự sống của con người. Hãy dùng tình yêu mà đối xử với nhau vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13)

Chúng ta đã bước đến những ngày cuối Mùa Vọng. Đây là thời gian quý báu để chúng ta duyệt xét đời sống của mình. Thiên Chúa đã đến trong thế gian và Ngài sẽ lại đến trong ngày sau hết để phán xét mọi người. Tiêu chí của cuộc phán xét ấy sẽ là tình yêu. Thiên Chúa đã gieo tình yêu vào thế gian thì Ngài cũng đến để thu hoạch hoa lợi của tình yêu. Vì vậy, chúng ta cần luôn ý thức về việc sống yêu thương vì luật Chúa hệ tại ở điều răn “mến Chúa, yêu người.” Đừng để tình yêu của chúng ta trở nên cằn cỗi. Đừng để thế giới này mất đi căn tính tình yêu của nó. Để khi Thiên Chúa đến Ngài không phải thất vọng mà thốt lên những lời như trên: “Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” (Kh 2, 4) Ước mong mỗi người sẽ có khoảng thời gian Mùa Vọng thật ý nghĩa để tìm lại và sống trong niềm vui sướng của tình yêu thuở ban đầu với Thiên Chúa.

Philip

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …