Hỏi: Làm việc bác ái là cần thiết trong năm. Tại sao mỗi lần đến Mùa Chay, con thường nghe Giáo hội mời gọi chúng ta bố thí, làm việc bác ái? Xin giải thích giúp con về ý nghĩa của việc này có khác với làm công quả bên Phật không?
Không khó để chúng ta tìm thấy những giáo huấn trong Kinh Thánh liên quan đến việc bác ái, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Cha của ông Tôbia được mọi người ca tụng là người hay bố thí (x.Tb 7,6; 9,6). Chính ông cũng dạy con cái mình phải thường xuyên bố thí để giúp đỡ người khác: “Tùy con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít” (Tb 4,8), hoặc “hãy chia cơm sẻ áo cho người đói rách…đừng có so đo trong việc bố thí của con” (Tb 4,16). Trong Tân Ước, rất nhiều lần Chúa Giêsu cũng nhắc đến việc bố thí (x.Lc 11,41), hay việc tích trữ kho tàng trên trời (x.Lc 12,33). Hẳn chúng ta còn nhớ dụ ngôn về ngày Cánh Chung, khi Chúa đến trong vinh quang, phân chia người công chính với kẻ bất chính. Tiêu chí để phân tách là việc thực thi lòng bác ái với những người nghèo, đói, khát, trần truồng, tù đày… (x.Mt 25,31-46). Thánh Phaolo cũng dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Sở dĩ có việc bố thí là do có sự xuất hiện của nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã hội và lời mời gọi tỏ bày lòng thương xót lẫn nhau. Không ai muốn nghèo đói, nhưng vì nhiều lý do, tình cảnh này đã luôn tồn tại trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong khi không ngừng nỗ lực để giải thoát con người khỏi sự nghèo đói, một điều rất ý nghĩa mà tất cả chúng ta được mời gọi để làm là giúp những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn bằng một ít tiền hay thực phẩm hay bất cứ hiện vật gì. Thiên Chúa yêu quý và chúc phúc cho những người quảng đại rộng tay giúp đỡ người khác, một mặt, vì Ngài luôn có mối bận tâm lớn lao dành cho người nghèo; mặt khác, Ngài hài lòng khi nhân loại chúng ta biết sống liên đới và nâng đỡ nhau, nghĩa là sống giới răn yêu thương một cách tuyệt vời nhất.
Lúc nào người Công Giáo cũng được mời gọi để sống tình bác ái ngang qua một chút giúp đỡ về vật chất, nhưng trong mùa Chay, việc làm tốt lành này được khuyến khích hơn bao giờ hết. Trong mùa Chay, con người được gợi nhớ về thân phận tro bụi của mình. Đời người như hoa cỏ, sớm nở chiều tàn, tất cả những của cải vật chất và danh vọng cũng vậy. Một chút hãm mình phần xác qua việc bố thí sẽ giúp người ta ý thức về điều này rõ hơn. Mùa Chay cũng nhắc chúng ta về việc mình không thể để tiền tài thống trị mình. Thói thường, người ta thích tích góp tiền bạc và cảm thấy như thế là tốt. Tuy nhiên, một mối nguy sẽ xảy đến là dần dần người ta bị lệ thuộc vào nó, không dám buông ra. Bố thí sẽ giúp người ta vượt thắng lòng tham, đánh bại sự kiềm kẹp của đồng tiền, giúp mình tự do với nó hơn. Ngoài ra, bố thí trong mùa Chay sẽ giúp người ta biết được rằng, trong khi mọi thứ sẽ qua đi thì đức ái là còn mãi. Cách thức để xây dựng tình thương hay đức ái, chính là chia sẻ, là hiệp thông, là liên đới. Số tiền mà mình giúp người nghèo có thể không là gì với mình, nhưng sẽ giúp người khác được no bụng, được ấm lòng, làm cho họ tin vào những giá trị tốt đẹp giữa cuộc đời tối tăm này.
Để cho việc bố thí được ý nghĩa, chúng ta hãy nhớ những điều Chúa Giêsu dạy. Khi làm việc lành phúc đức (bố thí), thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm (x.Mt 6,3). Ở đây có ý muốn nói đến sự khoe khoang, bố thí không phải vì thương cảm anh em đồng loại nhưng chỉ cốt yếu để phô trương bản thân, để nhận lãnh lời khen từ người khác. Ngoài ra, khi bố thí, chúng ta đừng làm như thể đang ban phát ơn lành. Hãy làm như thể đang làm cho Chúa, xuất phát từ lòng tốt của bản thân, chứ không mong chờ một sự đáp đền nào. Đây chính là ý nghĩa của dụ ngôn mời khách dự tiệc cưới (x.Lc 14,12-14). Làm việc thiện mà trông chờ người ta ghi nhận và đền đáp công ơn thì dường như đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Về mặt thực tiễn, sự bố thí sẽ có ý nghĩa khi chúng ta hy sinh chút gì đó, chứ không phải chỉ là cho đi cái dư thừa, nhưng chúng ta cũng không cần phải giúp đỡ người nghèo một số tiền quá lớn, vượt quá khả năng của mình. Bớt đi một chi tiêu không cần thiết và sử dụng nó để giúp người khác sẽ là điều rất tuyệt vời. Ngoài ra, việc giúp đỡ người khác, dù là điều rất tốt, cũng cần phải có sự cân nhắc và thận trọng. Nên ưu tiên giúp những người thật sự cần, chứ không phải bạ ai cũng giúp. Thái độ khi giúp cũng rất quan trọng: phải thể hiện một sự chia sẻ huynh đệ, chứ không phải một kiểu bố thí coi thường nhân phẩm người khác. Cũng không nên giúp một người mà khiến người đó ỷ lại, lợi dụng lòng tốt của mình.
Từ “công quả” mà anh em Phật tử sử dụng, theo nghĩa hẹp, là việc đến chùa để làm những công việc như dọn dẹp, nấu nướng, phục vụ… với dụng ý tích đức cho mình. Điều này cũng giống như bên Công giáo, có nhiều người, đặc biệt là các phụ nữ, tự nguyện đến nhà thờ để quét dọn, lau chùi đồ thánh, trang hoàng, cắm bông. Theo nghĩa rộng, “công quả” cũng bao hàm việc thực thi những điều tốt với cái tâm ngay lành. Thực ra, việc bố thí, giúp đỡ người khác tồn tại trong mọi nền văn hoá và tôn giáo chân chính. Nó không phải là một hoạt động do con người sáng chế ra, nhưng là cái nảy sinh tự trong thâm tâm của con người khi chứng kiến một hoàn cảnh bi đát. Nếu chúng ta để lòng mình mở ra trước một tình cảnh đáng thương nào đó, tự khắc chúng ta thấy mình cần phải làm cái gì đó để giúp đỡ họ.
Thánh Inhaxio Loyola nói rằng: “Tình yêu hệ ở hành động hơn lời nói” [LT 230]. Nói yêu ai là một điều tốt đẹp và đôi khi cũng rất cần thiết. Nhưng nếu biết biến tình yêu đó thành hành động, ngang qua sự phục vụ là điều quý hơn rất nhiều. Sự bố thí cũng nằm trong chiều kích này. Giúp đỡ người khác bằng hiện vật hay hiện kim với một ý hướng ngay lành, thì dù ít hay nhiều, đều đáng quý. Nó cho thấy sự liên đới và tình yêu mến mà con người dành cho nhau. Một sự cho đi, có vẻ là một mất mát, nhưng đích thực là một cách làm giàu bản thân. Có những đồng tiền ít ỏi mà ta đã từng giúp ai đó, có lẽ bây giờ chúng ta đã quên. Nhưng Đấng thấu suốt những gì kín đáo là Cha của chúng ta luôn ghi nhớ. Thánh Âu-tinh đã từng dạy rằng “cách thức để gửi tiền vào ngân hàng trên trời là giúp đỡ người nghèo khó”. Không phải vì chúng ta bỏ một ít tiền để giúp người khác mà chúng ta trở nên cao cả, nhưng cái làm chúng ta nên vĩ đại chính là tình yêu ẩn chứa nơi động cơ, thái độ và ý hướng khi chúng ta làm điều đó.
Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ