Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ Latinh, làm sao chúng ta có thể lý giải được sự khan hiếm ơn gọi ở những vùng đất đã từng có truyền thống Công giáo xa xưa? Bên cạnh yếu tố nhân khẩu học – gia đình có ít hơn hai con, bối cảnh địa vị linh mục bị suy yếu hậu công đồng, và tình trạng giáo sỹ trị cùng lạm dụng, giờ đây chúng ta tiếp tục xem xét vấn đề dưới góc độ văn hoá và thần học. Điều này có lẽ sẽ dẫn đến một cách tiếp cận mới về vấn đề ơn gọi mang tính triệt để và tươi mới hơn theo tinh thần Phúc Âm.

 

Ảnh: Jescom

 

Bối cảnh văn hóa

 

Bất kỳ suy nghĩ nào về vấn đề ơn gọi, cũng như việc chuẩn bị cho hôn nhân, đều phải tính đến thực trạng mới của giới trẻ, trước hết ở Phương Tây, nhưng phần còn lại của thế giới cũng ngày càng gia tăng do quá trình toàn cầu hóa các thực hành và phong tục. Nhà tâm lý học người Mỹ Jeffrey Arnett đã suy tư suốt 25 năm về những người trẻ trong độ tuổi 18-28.[7] Họ không còn là thanh thiếu niên nhưng cũng không hẳn là người lớn. Khái niệm về tuổi trưởng thành trẻ (young adulthood), hay trì hoãn tuổi trưởng thành (emerging adulthood), có vẻ rất phù hợp để hiểu thực trạng của các thế hệ mới.[8] Arnett nghiên cứu những người trẻ này, những người đang tiếp tục đi học hoặc vẫn sống với cha mẹ, gặp khó khăn trong việc tìm nhà ở và việc làm, hoặc những người không có ý định thực hiện cam kết lâu dài về lựa chọn cuộc sống trước tuổi 30. Tại sao lại trở nên khó khăn và tốn thời gian như vậy để trở thành người lớn? Nhà tâm lý học giải thích rằng những người trẻ này thường không chắc chắn về căn tính của chính mình và do đó khá ái kỷ – không nhất thiết ám chỉ tới sự phán xét về mặt đạo đức – khá bất ổn và cảm thấy họ không đáp ứng được yêu cầu của thế giới “người lớn”. Do đó, họ gia tăng nhiều lựa chọn và kinh nghiệm của mình và trì hoãn càng lâu càng tốt thời điểm dấn thân dứt khoát, được coi là khó khăn hoặc không thực tế.

 

 

 

Không còn phải thiết lập những nghi lễ để bước vào tuổi trưởng thành, cũng như không còn nghĩa vụ quân sự bắt buộc (đối với nam giới). Trong một nền kinh tế ngày càng theo hướng dịch vụ, việc học kéo dài hơn và việc khái quát hóa của chương trình giáo dục đại học dẫn đến lạm phát bằng cấp, hiện tượng này càng nổi bật nơi tầng lớp thượng lưu. Việc lựa chọn đời sống thánh hiến sau một thời gian dài học tập và trải qua nhiều kinh nghiệm tình cảm, có vẻ khó khăn hơn nhưng không phải là không thể. Trên thực tế, số ơn gọi muộn đã gia tăng ở các nước Thế Giới Thứ Nhất. Nhưng số lượng nhỏ ấy chưa đủ để các giáo phận hoặc các dòng tu thực hiện chức năng của mình. Hơn nữa, chương trình huấn luyện không thực sự được thiết kế  cho những người đi tu trong độ tuổi từ 30 đến 40.

 

‘Con voi trong phòng’: điều cấm kỵ của việc từ bỏ

 

Điều đáng ngạc nhiên là chỉ có một số ít cuộc tranh luận hoặc tài liệu về vấn đề ơn gọi đề cập đến vai trò của tính dục. Như thường thấy trong Giáo hội Công giáo – nhưng không phải là trường hợp duy nhất – vấn đề trinh khiết đối với Nước Trời, “lời khấn khiết tịnh” của tu sĩ, là một chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, nó phải được giải quyết một cách rõ ràng và không có những giả định mang tính ý thức hệ.

 

Toàn bộ quá trình phát triển của văn hóa Phương Tây kể từ năm 1968 đã đặt câu hỏi về sự thỏa mãn tình dục ở trung tâm của căn tính và đấu tranh cá nhân, trong đó bao gồm khả năng lựa chọn hoặc nhận thức về căn tính giới tính của bản thân. Hơn bao giờ hết, giờ đây lựa chọn một đời sống khổ hạnh và huyền nhiệm dựa trên sự tiết dục là một lựa chọn hoàn toàn nghịch văn hóa, ngoại trừ các nhóm theo phong cách truyền thống coi trọng việc duy trì các quan niệm xa xưa về trinh khiết trước hôn nhân và đời sống thánh hiến. Càng có nhiều xã hội đặt sự thỏa mãn tình dục ở trung tâm các giá trị của mình, càng tìm kiếm nhiều giá trị thiêng liêng và thực hành suy niệm nhằm hỗ trợ cá nhân trong việc tìm kiếm hạnh phúc riêng, thì việc tự nguyện lựa chọn lời khấn khiết tịnh càng trở nên khó khăn hơn.

 

Linh mục Công giáo khấn sống độc thân khi chịu chức linh mục. Ảnh: Jescom

 

Ơn gọi thường được trình bày như một sự lựa chọn tích cực với lòng quảng đại lớn lao dành cho Chúa Kitô và vì Nước Trời. Hình ảnh những người trẻ đồng hành với người tị nạn hoặc trẻ em đường phố, hoặc một nhóm leo núi và luyện tập thể thao được đề xuất. Tất cả những điều này đều tốt, nhưng không thể phủ nhận chiều kích từ bỏ bản thân mà đời sống thánh hiến đòi hỏi. Nhà thần học người Tây Ban Nha Gabino Uribarri đã trình bày điều này một cách xuất sắc trong một bản văn có độ dày lịch sử, có tựa đề “El celibato del Señor Jesús y vocaciones.”[9] Ông nhận xét rằng rất hiếm khi các nhà giảng thuyết và nhà đào tạo kết nối các phép lạ và sự dấn thân xã hội của Chúa Giêsu cũng như sự tập trung của Người vào Nước Trời với cam kết sống độc thân vì Nước Trời. Và ông còn đi xa hơn khi nói: “Nếu một người giữ vững con đường đức tin sống động nơi Chúa Giêsu mà nhiều Kitô hữu đang dấn thân theo đuổi, người ấy sẽ có ấn tượng rằng hình ảnh của họ về Chúa Kitô sẽ không khác đi chút nào nếu Người không sống độc thân. Trên thực tế, tôi thậm chí còn đi xa hơn khi bao gồm trong nhóm Kitô hữu này cụ thể một số nam nữ tu sĩ và linh mục”. G. Uribarri nói thẳng rằng: “Sự độc thân là một trong những đặc điểm nhận dạng rõ ràng nhất của đời tu. Nó đi ngược lại văn hóa và đi ngược lại với tự nhiên.”

 

Nhà thần học người Tây Ban Nha tìm cách khôi phục lại tầm quan trọng của cách diễn đạt đầy khiêu khích mà Chúa Giêsu đã sử dụng để nói về sự lựa chọn cánh chung này đối với Nước Trời, đó là “hoạn vì Nước Trời”. Trong thế giới cổ xưa, thái giám bị coi thường và hầu như không xứng đáng với danh hiệu đàn ông. Tự mình thừa nhận hoặc chấp nhận một định nghĩa như vậy là một tuyên bố đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu. “Trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo này, Chúa Giêsu tự ý không kết hôn là điều hoàn toàn trái với lẽ thường, gây tai tiếng. Hơn nữa, đời sống độc thân của Chúa Giêsu không thể là một điều gì xa lạ đối với đức tin của Ngài, dù có ý nghĩa như một giai thoại hay một vấn đề được ghi chép. Ngược lại, chúng ta phải đối mặt với một trong những lựa chọn trưởng thành nhất, dứt khoát nhất, rõ ràng nhất, khiêu khích nhất và sáng tạo nhất của Chúa Giêsu. Đối với Ngài, nguồn gốc của việc lựa chọn sống độc thân phải được đặt trên nền tảng: ý thức về Nước Trời và ý thức về Thiên Chúa. Sự độc thân của Chúa Giêsu xuất phát từ trung tâm cuộc đời và sứ điệp của Ngài.”

 

Sự cấp bách của Nước Trời và lựa chọn huyền nhiệm

 

Người ta không thể tách rời việc loan báo Nước Thiên Chúa khỏi sự lựa chọn hiện sinh này của Chúa Giêsu. Như Søren Kierkegaard đã hiểu rõ ràng, Giáo hội của Chúa Kitô không thể là chính mình nếu không có khả năng sống độc thân thánh hiến.[10] Nói cách khác, ngày nay cũng như trong quá khứ, điều duy nhất có thể khiến một tín hữu đưa ra một lựa chọn như vậy là có chung cảm thức cháy bỏng về tính khẩn cấp tông đồ, biến những cảm xúc nội tâm của Chúa Giêsu thành của riêng mình, chấp nhận tự huỷ và chết trên thập giá, chịu sỉ nhục cả chiều kích cá nhân và xã hội, thiếu hụt sự dịu dàng về mặt tính dục cũng như sự thiếu vắng của con cái. Đó là một sự lựa chọn chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm nội tâm về sự thần bí, tương tự như kinh nghiệm của chính Chúa Kitô. Theo nghĩa này, việc hướng dẫn mục vụ về ơn gọi chỉ có thể có một mục đích duy nhất: cho phép người trẻ sống một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc về Chúa Kitô, [11] một kinh nghiệm mạnh mẽ đến nỗi tất cả các thực tại thụ tạo khác đều mờ nhạt khi so sánh.

 

 

Đó là vì Nước Trời có vị trí đầu tiên. Chính nơi Thiên Chúa uy nghi và Hằng Hữu mà ta tìm thấy Sự Tuyệt Đối. Như Uribarri viết: “Chúa Giêsu không giải thích đời sống độc thân của Người dựa trên đặc tính của việc loan báo Nước Trời. Ngài không độc thân để được tự do hơn khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác, hoặc tự do hơn để chuyên tâm cầu nguyện: Ngài độc thân vì thời gian đã mãn; Ngài độc thân vì tính chất cánh chung của việc loan báo Nước Trời, chứ không phải vì nhu cầu thánh hiến bản thân một cách cụ thể và mạnh mẽ hơn cho lời loan báo này. Đây là cách tôi hiểu đoạn trích trong Tin Mừng Mátthêu: ‘Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời’ (Mt 19:12). Chính là để thể hiện trong cuộc sống và thân xác họ sự hiện diện của Nước Trời giữa chúng ta là thực tại vĩ đại nhất, quan trọng nhất, dứt khoát nhất, tương đối hóa mọi thứ khác.”

 

Có lẽ ơn gọi sẽ nảy sinh một cách tự nhiên trong các gia đình và cộng đoàn tín hữu, nơi đức tin và phụng sự Thiên Chúa là những giá trị chính yếu và khiến chúng trở thành một lựa chọn phản văn hóa. Trong bối cảnh văn hóa xã hội toàn cầu, rất khó để chấp nhận bất kỳ khẳng định tôn giáo nào – ít nhất là ở châu Âu [12] – do đó vấn đề là tránh đi vào logic của chủ nghĩa tân chính thống (neo-orthodox) hoặc chủ nghĩa truyền thống thoái lui, cho rằng tách mình ra khỏi thế giới là một giá trị. Thách đố của Giáo hội ngày nay là lựa chọn đời sống độc thân không nên xuất phát chủ yếu từ logic xã hội học của một số nhóm nhằm duy trì bản thân như một sự “lội ngược dòng” sống động, mà nên từ ý thức sâu sắc về Nước Trời nhiều hơn, từ một đức tin được sinh ra và nuôi dưỡng bởi những kinh nghiệm nội tâm mạnh mẽ, tương tự như những kinh nghiệm mà Linh thao tìm cách thúc đẩy nơi thao viên. Suy cho cùng, đối với Chúa Giêsu cũng như đối với chúng ta, đó là một câu hỏi thiêng liêng, huyền nhiệm: “Thiên Chúa đã hoàn toàn chiếm hữu cuộc sống và tâm hồn của Chúa Giêsu, chinh phục trái tim Ngài, khiến Ngài thực sự không thể dung hòa được sứ mạng mà Ngài đã nhận được từ Thiên Chúa, mối quan hệ dịu dàng và tình cảm của Ngài với Chúa Cha, với những chiều kích lành mạnh và tốt đẹp khác của cuộc sống. Một cách huyền nhiệm, Thiên Chúa chiếm hữu toàn bộ hữu thể và mọi khát vọng của Chúa Giêsu, và chính vào điều này mà Ngài tập trung mọi cảm xúc của mình, để mở lòng ra với mọi người thuộc mọi tầng lớp”.

 

Kinh nghiệm nội tâm mạnh mẽ giúp người sống đời thánh hiến tập trung mọi cảm xúc của mình vào Thiên Chúa. Ảnh: Pexels.com

 

Vấn đề ơn gọi thánh hiến chủ yếu không phải là vấn đề truyền thông hay phương tiện. Nó thách thức Giáo hội Công giáo về những vấn đề nhức nhối trong cơ cấu thể chế và chức năng vận hành của nó. Giáo hội có muốn duy trì các linh mục như nền tảng cho nhiệm vụ thừa tác vụ của mình, đồng thời loại bỏ những nguy cơ của chủ nghĩa giáo sĩ trị và lạm dụng quyền lực không? Làm thế nào Giáo hội có thể tiếp tục đưa ra một lộ trình đào tạo ở cả các nước Phương Tây, nơi mà ơn gọi rất hiếm và rất khác so với cách đây nửa thế kỷ, đồng thời cũng lâu đời hơn và truyền thống hơn, cũng như ở các nước có dân số đông, vẫn còn non trẻ và vẫn còn quan niệm truyền thống về linh mục? Số lượng nữ tu cũng đang suy giảm mạnh mẽ. Vậy đâu là chỗ đứng của họ và phụ nữ có vai trò gì trong đời sống Giáo hội? Sự thiếu vắng của một diễn ngôn thần học về nữ tu cũng cần được lưu ý ở đây.[13]

 

Ngay cả vào thời Chúa Giêsu, việc sống độc thân vì Nước Trời không phải là một lựa chọn dễ dàng hay phổ biến. Phản ứng của các môn đệ trước cách Chúa Giêsu nói về vấn đề này thật đáng chú ý. Mặc dù chúng ta biết chắc chắn rằng nhiều tông đồ tiên khởi sống độc thân và lưu động, nhưng cũng không kém phần chắc chắn rằng một số lượng lớn các nhà lãnh đạo cộng đoàn đã kết hôn, như các bức thư mục vụ đã nêu lên rõ ràng. Và trong lịch sử sau này của Giáo hội, thể chế giáo sĩ độc thân chưa bao giờ được thực thi một cách bắt buộc hoặc không bị thay đổi. Theo một nghĩa nào đó, có lẽ đó là thế kỷ 19 và 20 – những thế kỷ dân số tăng trưởng mạnh mẽ và sự chú trọng nhiều hơn của giáo sĩ – trong đó đời sống độc thân được nhiều linh mục lựa chọn và dấn thân nhiều nhất. Tuy nhiên, thời đại này đã kết thúc.

 

Phần kết luận

 

Bối cảnh giáo hội, thần học, nhân khẩu học và xã hội học ủng hộ việc lựa chọn sống độc thân theo Tin Mừng đối với một số lượng lớn những người thánh hiến đã trải qua một sự thay đổi căn bản trong những thập kỷ gần đây, và sẽ không có sự quay trở lại. Bất kỳ diễn ngôn thực tế nào về ơn gọi đều phải lưu ý đến điều này. Làm thế nào việc lựa chọn đời sống thánh hiến vẫn có thể được thực hiện, bất chấp những khía cạnh ngày càng đòi hỏi của nó, cả về mặt xã hội và giáo hội? Cuối cùng, đó là một lựa chọn huyền nhiệm, triệt để và lội ngược dòng vốn chỉ có thể được thực hiện trong bối cảnh của mối tương quan thân mật cá vị với Chúa. Đó là lý do tại sao tất cả những gì thúc đẩy sự thân mật cầu nguyện của người trẻ với Chúa Kitô sẽ giúp thực hiện sự lựa chọn này, tự huỷ chính mình, nhưng vẫn khả thi và đáng trân trọng. Vấn đề đào tạo người Công giáo trẻ, từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành, trở thành yếu tố then chốt trong huấn luyện. Nơi đào tạo nào có thể thúc đẩy sự trưởng thành về tâm cảm và giúp họ tự do trong những lựa chọn quyết định trong cuộc sống? [14]

 

Như chúng ta có thể thấy, vấn đề về ơn gọi thánh hiến không thể tách rời khỏi vấn đề hôn nhân, và cả hai đều liên quan đến vấn đề đào tạo và đạo đức trong một xã hội mà những lựa chọn mà Nước Trời đòi hỏi đã trở nên nghịch văn hóa hơn bao giờ hết. Làm thế nào những xã hội già cỗi – vốn coi sự thỏa mãn cá nhân và chủ nghĩa tiêu dùng là những giá trị then chốt và nơi những người trẻ đấu tranh để tìm ra bản sắc của mình – vẫn có thể hình thành những người trẻ có khả năng tận hiến một cách triệt để? Và trên hết, làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn việc giảm thiểu các tín hữu Công giáo thành các nhóm nhỏ, nhiệt thành và Tân Chính thống (neo-Orthodox) khỏi giải pháp duy nhất là quay trở lại mô hình Trentô cổ điển?

 

Việc giải quyết vấn đề ơn gọi thánh hiến trong Giáo hội Công giáo đòi hỏi phải có một phân tích nghiêm ngặt về các xã hội ngày nay ở các chiều kích nhân khẩu học, xã hội học và văn hóa. Nó cũng dẫn đến những vấn đề cấp tiến có tính chất thần học và giáo hội học, liên quan đến quan niệm của Giáo hội về chính mình. Điều này có lẽ sẽ dẫn đến việc khám phá ra một cách tiếp cận mới về vấn đề ơn gọi mang tính triệt để và tươi mới theo tinh thần Tin Mừng. Có lẽ chúng ta vẫn chưa viết xong Công đồng Vaticano II trong “thân thể” của Giáo hội.

 

Tác giả: Marc Rastoin, SJ

Chuyển ngữ: Nhóm Dịch Thuật Ứng Sinh Dòng Tên

Nguồn: La Civiltà Cattolica

 

[7].       See J. J. Arnett, “Emerging adulthood: A theory of development from the late teens through the twenties”, in American Psychologist 55 (2000) 469-480; Id., Adolescence and Emerging Adulthood: A Cultural Approach, Boston, Prentice Hall, 20104.

[8].      It is interesting that the French term adulescents was coined by advertisers to designate, in a rough way, this age group. The Italian equivalent “adultescenti” seems to be little used. Cf. M. Ammaniti, Adolescenti senza tempo, Milan, Raffaello Cortina, 2018.

[9].       Cf. G. Uribarri Bilbao, “El celibato del Señor Jesús y vocaciones”, in Promotio Iustitiae 59 (1995) 25-27. All the following quotations are taken from this text.

[10].    The distinction between religious consecration and presbyteral priesthood should be noted. Celibacy is intrinsic to religious life, but the relationship is of a different nature for the presbyteral priesthood. In the latter case, rather than an absolute necessity, it is a matter of profound theological convenience.

[11].    It is always surprising to note that young people reflecting on the priesthood – or religious life – have often thought about a vocation or had a personal experience of God (in the form of consolation) when they were young.

[12].    Actually, the evolution in the United States has been very rapid over the past decade, with the percentage of  those without religion(Nones) increasing from 15 percent to 26 percent of the surveyed population. See www.pewforum.org/2019/10/17/in-u-s-decline-of-christianity-continues-at-rapid-pace

[13].    As one religious sister pointed out to me on reading these lines, the question of female religious vocations would require a specific article.

[14].    In a country like France, the large number of vocations coming from the scout movements makes one think of scouting as a good school of renunciation and learning to live a life “for” others.

Kiểm tra tương tự

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …