Con người bị chi phối bởi một mớ hỗn độn phức tạp các động cơ, cả trong những việc thường ngày lẫn những quyết định quan trọng. Điều gì thúc đẩy một cô gái trẻ trở thành bác sĩ hoặc một chàng trai trẻ trở thành kỹ sư? Có nhiều yếu tố đóng góp vào như sự thành công, lòng vị tha, hay hứng thú. Hay điều gì thúc đẩy một người phụ nữ nhiều năm hút thuốc lá quyết định bỏ thuốc hoặc một người đàn ông béo phì giảm cân? Một lần nữa, có nhiều yếu tố góp phần làm nên điều ấy như sợ chết, mong muốn khỏe mạnh, hay lo lắng cho gia đình. Nhưng tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng lẫn nhau trong một kiểu tác động thúc đẩy người đó hành động. Thánh I-Nhã học cách nghĩ về sự phức hợp dày đặc của các động cơ đó – hình ảnh, ý tưởng, ham muốn, sự ghê tởm – như là các “thần” hoặc “tinh thần”.
Tất cả chúng ta đều có thể kể tên nhiều loại tinh thần. Có tinh thần học đường, nơi mọi người cùng nhau cổ vũ cho đội bóng đá. Có nỗi sợ hãi, thứ có thể khiến cả một thành phố chán nản, và có sự hân hoan, thứ có thể khiến cả một dân tộc vùng lên. Nhưng tinh thần không chỉ mang tính thế tục. Khi một ai đó được phong thánh, niềm hân hoan sùng kính tràn ngập Quảng trường Thánh Phêrô. Tinh thần cầu nguyện thôi thúc người ta đi tĩnh tâm. Những người Kitô hữu dưới chế độ độc tài vô thần được thúc đẩy kiên định với đức tin.
An ủi và Sầu khổ
Thánh I-Nhã nhận thấy rằng những phức hợp dày đặc của động cơ và năng lượng này mang hai trạng thái, mà ngài xác định là an ủi và sầu khổ. Ngài khám phá ra rằng cả an ủi và sầu khổ đều có thể đưa bạn đến gần Chúa hoặc đẩy bạn ra xa Ngài. Sau đó, ngài lưu ý rằng sự an ủi đôi khi đến từ thần lành và đôi khi đến từ thần dữ, và ngài cũng lưu ý điều tương tự về sầu khổ.
Linh đạo I-Nhã áp dụng điều này vào việc giải thích các quyết định quan trọng và cả những trải nghiệm hàng ngày. Rõ ràng, sự tác động của các thần liên quan đến một loạt các yếu tố phức tạp như an ủi và sầu khổ, thần lành và thần dữ, chuyển động đến gần hoặc xa Chúa.
Cách thức hoạt động của các thần
Có một vài quy tắc cơ bản dễ nắm bắt hoạt động của các thần. Ví dụ, như bạn nghĩ, thần lành thường mang lại tình yêu, niềm vui, sự bình an, v.v. Ngược lại, thần dữ được cho là mang đến sự bối rối, nghi ngờ, ghê tởm, v.v. Một quy tắc khác: khi bạn đang sa đà trong tội trọng, thần lành sẽ mang đến cho bạn sự buồn chán khiến bạn thay đổi. Còn thần dữ sẽ khiến bạn hài lòng để bạn tiếp tục phạm tội.
Một quy tắc rõ ràng khác ngược lại với điều trên: khi bạn đang nghiêm túc phụng sự Chúa, vai trò của các thần sẽ thay đổi. Thần dữ sẽ phủ đầy ngày sống của bạn bằng sự buồn chán để kéo bạn xa Chúa, trong khi thần lành sẽ lấp đầy ngày sống của bạn bằng lòng phó thác và tình yêu đối với Chúa. Và cuối cùng, một quy tắc dễ hiểu: thần hoạt động dưới ánh sáng và sự cởi mở là thần lành, trong khi thần núp trong sự bí mật và lừa dối là thần dữ.
Cách ứng xử với các cảm xúc
Một số cách thực hành cơ bản cũng dễ dàng giúp nhận ra thần loại. Khi bạn đã đưa ra một quyết định đúng đắn để phụng sự Chúa tốt hơn và sau một thời gian bạn rơi vào sầu khổ, bạn không nên thay đổi quyết định đó; đó khó có thể là thần lành đang dẫn dắt bạn. Khi bạn cảm thấy chán nản, tốt nhất là bạn nên cầu nguyện nhiều hơn một chút và gia tăng việc giúp đỡ người khác. Khi không có bất kỳ sự chuẩn bị hay báo trước nào nhưng bạn cảm thấy được an ủi với việc yêu Chúa trên hết mọi sự, bạn có thể tin rằng đó là do hoạt động của thần lành (đặc biệt nếu nó đi kèm với nước mắt). Thế nhưng khi bạn đang suy nghĩ hoặc cầu nguyện và cảm thấy được an ủi hay buồn chán, hãy dò xét những chuyển động đó. Như chúng ta đã biết, chúng có thể đến từ một trong hai loại thần.
Còn rất nhiều điều để bàn về sự phân định theo thánh I-Nhã và nó không hề đơn giản. Tuy nhiên, đó không thuần túy là nguyên tắc do con người nghĩ ra. “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Côrintô 2:12). Những người môn đệ nhiệt thành sẽ trân trọng ơn này và sử dụng nó một cách hữu ích.
Tác giả: Joseph A. Tetlow, SJ
Chuyển ngữ: Mai Ni
Nguồn: ignatianspirituality.com