Hôn nhân không phải là một trò chơi để “chiến thắng”

Gần đây, nhiều tác giả và diễn giả nổi tiếng đang nhấn mạnh đến tình trạng người trẻ sống thiếu  ý nghĩa và định hướng, bằng việc trở lại với điều rất quan trọng mang tính truyền thống: hôn nhân. Tuy nhiên, khi bàn đến hôn nhân, những diễn giả này lại đề cập đến “trò chơi hôn nhân” và cách người trẻ phải cạnh tranh với nhau để tìm được người bạn đời cho mình.

 

Theo quan điểm này, việc hẹn hò giống như một sân vận động. Những cầu thủ giỏi nhất cuối cùng sẽ có được những người bạn đời “tốt nhất”, có mối quan hệ lành mạnh nhất, và phần lớn trong số đó là ổn định và lâu bền. Rõ ràng là không phải ai cũng đứng ở đỉnh cao của trật tự xã hội – và do đó, có một hệ thống phân cấp giảm dần từ các mối quan hệ có trật tự đến những mối quan hệ hỗn loạn và rời rạc.

 

Nguồn: Getty Images Signature

Nguồn: Getty Images Signature

 

“Trò chơi” ấy kết thúc bằng cuộc hôn nhân, nhưng nó chưa dừng lại ở đó. Theo Jordan Peterson: Hôn nhân là một trò chơi mà nguyên tắc cơ bản là bạn không được rời đi. Và như thế, toàn bộ nỗ lực phụ thuộc vào quy tắc này. Cụ thể, điểm mấu chốt mà Peterson đưa ra trong các bài viết của ông (ví dụ: Beyond Order) việc cùng nhau chịu trách nhiệm làm cho cuộc sống trở nên dễ đón nhận và do đó luôn có khả năng khuyến khích nhau hướng tới sự phát triển lành mạnh và sống có ý nghĩa.

 

Đức tin Công giáo nói gì?

Ở đây tôi cho rằng quan điểm này không chỉ vô lý mà còn rất thế tục và đi ngược lại với đức tin Công giáo.  Đầu tiên và quan trọng nhất, quy tắc cơ bản của hôn nhân là sự chung thủy dường như có vấn đề nếu chúng ta thực sự nghĩ về nó; bởi vì khi tước bỏ khỏi hôn nhân quan niệm quan trọng là việc có con một cách tự nhiên, thì mọi thứ đều có thể chấp nhận được. Lúc ấy, ai sẽ bảo vệ quan điểm của Giáo hội về hôn nhân đồng tính?

 

Hơn nữa, khi nghĩ như thế, hôn nhân bị chi phối quá nhiều bởi cách nghĩ “cho đi và nhận lại”. Thương lượng có thể là một từ thích hợp để mô tả việc này. Bởi vì hôn nhân là một hợp đồng dựa trên sự chấp nhận lẫn nhau thứ quy tắc được đề cập ở trên (nguyên tắc cơ bản là bạn không được rời đi), nên để tiếp tục “trò chơi”, thương lượng sẽ trở thành điều quan trọng tiếp theo. Những diễn giả này thường không đề cập đến thực tế là có thể có sự quá tính toán, quá rào trước đón sau về mọi khía cạnh của hôn nhân. Đúng là sẽ rất tốt khi có một bản kế hoạch, nhưng tình yêu và sự tự phát của tình yêu có thể bị bóp nghẹt bởi sức nặng quá lớn của việc lập ra những kế hoạch

 

Hơn nữa, ai là người được kỳ vọng sẽ giành“chiến thắng” trong các cuộc đàm phán này? Về mặt sinh học, đàn ông có cơ bắp và mạnh mẽ hơn so với phụ nữ – và nói chung là nóng nảy hơn trong việc giải quyết các vấn đề (khoa học thần kinh rất hữu ích ở đây – chúng ta được tạo ra khác biệt nhau!). Vì vậy, bằng cách nói rằng thương lượng và lập kế hoạch liên tục là những cách duy trì hôn nhân khi gặp khó khăn, thì một cách nào đó chúng ta nói rằng người chồng hoặc là nhượng bộ nhiều hơn, hoặc là gây hấn hơn với vợ mình trong việc giải quyết vấn đề.

 

Những diễn giả này cũng cho rằng hôn nhân là hành trình kéo dài suốt cuộc đời – tuy nhiên, theo quan điểm thế tục này, lý do gì để tiếp tục duy trì hôn nhân nếu quy tắc cơ bản bị phá vỡ hoặc nếu các cuộc đàm phán không còn hấp dẫn hoặc hiệu quả nữa?

 

Có vẻ như các diễn giả này nghĩ rằng hôn nhân khiến bạn trở nên trọn vẹn vì nó đáp ứng những nhu cầu của bạn và bằng việc đón nhận trách nhiệm với người khác, nó khiến bạn sống chân thực hơn và giúp bạn sống một cuộc sống trọn vẹn hơn. Đây là những mục tiêu đáng rất đáng khen. Nhưng tất cả những điều này chỉ nhằm biện minh cho một hợp đồng pháp lý và việc sống chung với người khác mà thôi. Bằng những lập luận này, không có bất kỳ lý do tôn giáo nào cho hôn nhân; và thậm chí khó có thể biện minh cho sự tồn tại của hôn nhân như một cơ chế, ngoại trừ cho rằng “nó đã luôn như thế”.  Chỉ vì một thứ đã từng có thì không có nghĩa là nó sẽ tiếp tục như vậy – cũng giống như việc lịch sử là một quá trình không ngừng phát triển.

 

Bạn chỉ yếu đi khi dễ lung lay và mất cân bằng trong mối quan hệ

Ngược lại với quan điểm này là quan điểm của Giáo hội Công giáo; được thể hiện một cách tuyệt vời trong Giáo lý Hội Thánh:

“Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích”  (GLHTCG, số 1601).

 

Khác với quan điểm mà chúng ta đã bàn, có rất nhiều điều cần phải được xem xét ở đây. Quan điểm về hôn nhân như là bí tích nâng hôn nhân lên thành điều được chính Chúa Kitô chúc lành và thánh hóa bằng quyền năng thiên tính của Ngài. Nhưng hãy lưu ý những gì Giáo lý dạy: Hôn nhân nhắm đến (1) lợi ích của vợ chồng cũng như (2) việc sinh sản và giáo dục con cái suốt cuộc đời. Đó là một cuộc hành trình suốt đời, và lợi ích của vợ chồng bao gồm việc đón nhận trách nhiệm, và cũng có chỗ cho những hy sinh. Bạn không phải là người yếu đuối khi sống tử tế và cố gắng giúp giảm bớt gánh nặng cho vợ/chồng mình; bạn chỉ yếu đi khi mình dễ bị lung lay và mất cân bằng trong mối quan hệ.

 

Bằng cách đặt trụ cột thứ hai của hôn nhân vào việc sinh sản và giáo dục con cái, rõ ràng là khoảng cách giữa nam và nữ đã được thu hẹp lại, và sẽ còn tiếp tục sau độ tuổi sinh đẻ. Nếu bạn nghĩ rằng việc giáo dục con cái sẽ kết thúc khi chúng chuyển ra ngoài sống thì bạn hoàn toàn sai rồi đó. Những kỷ niệm đẹp nhất của tôi đến từ việc lắng nghe và học hỏi từ ông bà tôi qua những câu chuyện và kinh nghiệm của họ.

 

Hôn nhân là Bí Tích và là một Ơn Gọi

Về cơ bản, trụ cột được nhắc đến ở trên làm cho quan điểm Công giáo khác với quan điểm được đưa ra lúc đầu. Thoạt đầu, hẹn hò và kết hôn là những hành động mang tính tư lợi, và tư lợi được thể hiện qua việc chấp nhận trách nhiệm và chia sẻ cuộc sống với người khác. Đó là một quan điểm mang tính chất rất tư bản và duy vật về hôn nhân, mặc dù những tác giả nổi tiếng này đang cố gắng biện minh cho nó bằng thần học và những câu chuyện huyền thoại. Theo quan điểm Công giáo – hôn nhân là một Bí tích và mang tính xã hội căn bản. Nó không chỉ đơn giản là sự trao đổi và thăng tiến bản thân. Đây là một ơn gọi, mà ở đó, người ta được kêu gọi tham gia trực tiếp vào đời sống của Giáo hội qua đời sống gia đình – bao gồm cả đại gia đình, và tập trung chủ yếu vào các khía cạnh gia đình của hôn nhân và bản chất hy sinh của nó thay vì chỉ cố gắng đóng khung vấn đề như “nếu tôi hy sinh thì tôi sẽ được lợi gì nhất.”

 

Hẹn hò với mục đích kết hôn cũng được nhìn dưới một góc độ rất khác.  Theo quan điểm thứ nhất, lập luận có vẻ là sẽ có lợi nếu tìm được ai đó để cùng chia sẻ cuộc sống; nên kết hôn sớm để có thể cùng nhau học hỏi, hiểu nhau nhiều hơn. Theo nghĩa đó, hôn nhân trở thành một trò chơi, và bởi vì con người thay đổi theo thời gian, nên có thể xảy ra trường hợp hôn nhân chấm dứt nếu nó không còn có lợi nữa.  Theo quan điểm thứ hai, việc hẹn hò để kết hôn không chỉ là câu hỏi “tôi có thực sự muốn xây dựng một gia đình và một xã hội thu nhỏ với người này trong suốt quãng đời còn lại của mình không?” – nó không tập trung vào lợi ích – nó tập trung vào sự hiểu biết đích thực về việc muốn trao đi mọi thứ cho người khác để xây dựng Giáo hội tại thế. Đây không phải là một trò chơi để chiến thắng, một danh sách cần phải hoàn thành; nó là điều thực sự có tính hiến thân (hy sinh) và anh hùng trong những khía cạnh tầm thường của cuộc sống hàng ngày.

 

Óc thực tế rất quan trọng! Những cuốn sách và bộ phim lãng mạn thường vẽ ra hình ảnh hôn nhân dường như hoàn hảo hơn rất nhiều so với thực tế.  Nhưng thực tế cho thấy, cuộc sống đời thường đầy những xáo trộn, nhàm chán và đầy những bất đồng. Đàm phán là quan trọng. Nhưng việc nghĩ rằng hôn nhân là điều cần phải được sắp xếp, được dàn dựng và tổ chức chính là lý do khiến nhiều gia đình Công Giáo thường bảo bọc con cái mình, thậm chí cộng đoàn giáo xứ của mình xa rời thế giới rộng lớn hơn. Đôi khi, một chút hỗn loạn cũng tốt bởi nó giữ cho mỗi ngày sống trở nên mới mẻ. Chúng ta không thể chạy trốn khỏi thế giới rộng lớn hơn ấy, và thậm chí làm như thế không phải là một ý tưởng hay.

 

 

Trong việc tìm người bạn đời cho mình. Họ đã nghe những lập luận này của những diễn giả nói về việc “kết hôn sớm” và “hôn nhân là tốt cho bạn”. Còn văn hóa thế tục ngày nay thì lại nhấn mạnh đến tình dục không cam kết và không cần phải thực sự chung thủy với bất kỳ mối quan hệ quan trọng nào. Họ chỉ cảm thấy…buồn. Nhưng theo quan điểm Công giáo, hẹn hò và hôn nhân là những mảnh ghép của cuộc sống. Thế giới không nợ chúng ta một người phối ngẫu như là đối tượng mà ta nhắm tới. Chúng ta cũng không yếu đuối khi không có người yêu. Nhưng hôn nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia vào đời sống của Giáo hội trên trái đất thông qua tình yêu hy sinh dành cho người khác, chứ không phải coi ai đó là người “để chinh phục” vì mục đích “giành chiến thắng” trong cái trò chơi hẹn hò ấy. Điều này làm cho chúng ta hiểu được rằng việc sống độc thân không hẳn liên quan đến việc “không tìm được người phù hợp”, nhưng là không được mời gọi kết hôn ở giai đoạn này của cuộc đời.

 

Để thực sự lội ngược dòng: Một mối quan hệ và hôn nhân bền chặt, vui tươi và dâng hiến, hy sinh cho nhau, với tất cả những khó khăn và gánh nặng kèm theo, không nên là thứ gì đó bị che giấu khỏi phần còn lại của thế giới – nó nên là mẫu gương! Trong một thế giới mà quan điểm tự nhiên về hôn nhân đang bị tấn công, nơi mà sự “cho và nhận” theo hợp đồng trở thành thứ luật duy nhất – những người Công giáo chúng ta cần cho thế giới thấy rằng ngoài kia có điều gì đó tốt đẹp hơn đang chờ đợi và mặc dù những kết thúc có hậu có thể không diễn ra giống trong phim – chúng vẫn có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tại gia đình.  Hôn nhân không phải là một trò chơi để giành chiến thắng – nhưng là khiêm tốn dâng hiến cuộc sống của chính mình cho người khác và cùng người khác để vinh danh Chúa hơn.

 

Tác giả: Joshua Nelson

Chuyển ngữ: Kim Linh

Nguồn: catholicexchange.com

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …