Vầng trăng nối liền những bàn tay và những trái tim

Từ hai tháng nay, qua chương trình trồng cây cải tạo môi trường tại trung tâm bảo trợ người nghèo, chúng tôi có dịp làm quen với các ông bà đang cùng nhau chia sẻ cuộc sống nơi đây.

 

Chúng tôi muốn đến giúp vui dịp Trung thu, nhưng phải đợi tới Chúa Nhật sau đó mới sắp xếp xong mọi chuyện, để trong khi đến chơi Trung thu, thì cũng cùng nhau dâng thánh lễ, sau đó tặng cho mỗi người một chút quà gồm gói cà phê  hòa tan và miếng cơm cháy. Quà Trung thu chỉ nhiêu đó thôi, nhưng người nhận vui ra mặt, vì một bóng dáng đơn nghèo và ân cần giữa những bóng dáng đơn nghèo, làm trào lên mạch nước cho mọi người no thỏa.

 

Cuộc gặp gỡ luôn bắt đầu bằng thánh lễ dành cho các ông bà Công giáo, tuy nhiên, phân nửa trong số những người cùng tham dự chưa một lần đến nhà thờ. Trước cảnh bà con lên rước lễ mà chỉ có phân nửa được tham dự bàn tiệc Thánh Thể, số còn lại thì cứ ngồi im tại chỗ. Đã 9 tháng nay rồi, lòng chúng tôi không khỏi phân vân tự hỏi xem mình phải làm gì đây để một ngày nào đó, tất cả cùng tuyên xưng một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha.

 

 

Một tháng mới gặp nhau một lần trong thánh lễ, thời gian quá ngắn, đủ để dắt nhau tới bàn tiệc thánh, nhưng thời giờ đâu để giúp nhau hiểu được những bài giáo lý căn bản? Hơn bao giờ hết, chúng tôi cảm thấy xót xa trước nỗi khổ khi đối diện với cái nghèo về thời gian. 

 

Thực ra, khi phải đối diện với những giới hạn của bản thân và của cuộc sống chung quanh, đối diện với nỗi trơ trụi nghèo nàn của chính mình, chúng tôi lại thấy trào lên ngay trong lòng niềm tin yêu hy vọng, khi nhớ lại những bước chân của tông đồ Phê-rô và Gio-an trong khoảnh khắc gặp anh què ở cửa đền thờ:

 

“Anh nhìn chúng tôi đây!”…“Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” (x.Cv 3:4-6)

 

Chúng tôi, các linh mục tu sĩ được mời đến đây, chúng tôi cũng không có gì để trao ngoài Danh Thánh Giê-su. Nhân danh Giê-su, nhân danh Đấng Phục Sinh, Đấng đã “dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các môn đệ thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình”, để người môn đệ qua mọi thời đại, như chúng tôi hôm nay, trên mọi nẻo đường, tiếp tục minh chứng rằng mình vẫn sống với một Giê-su vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.

 

Nhớ lại lần gặp mặt bà con đầu tiên cách đây hai tháng, chỉ sau một buổi sáng trồng cây và đi thăm viếng, bà con đã tiếp đón chúng tôi như những người thân thiết từ lâu lắm rồi. Thêm một lần và hôm nay một lần nữa, nhiều người đã gọi trúng tên tôi: “Bố ơi”, đây là cái tên nhiều bà con đã đặt cho tôi lâu lắm rồi. Cái tên để lộ một cung cách hành xử của người môn đệ trên đường, noi theo gương của vị thánh tông đồ dân ngoại:

 

“…chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quý mến anh em, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con…” (x.1Tx 2).

 

Tình cảm của bà con nơi đây xem ra sâu đậm hơn đâu hết, vì tất cả đều không cửa không nhà, không cha không mẹ, và một số người không còn ai thân thích. Anh chị em tu sĩ chúng tôi đến đây với tư cách là người của Hội thánh: mang trái tim người cha và hình hài người mẹ, chúng tôi cảm nhận cơn khát tình yêu và sự sống đang tuôn trào trong trái tim mỗi người. Ai có thể lấp đầy cơn khát lòng người? Tại sao Kitô hữu chúng ta lúng túng nhiều chuyện mà không lo “chỉ ra một chân trời của cái đẹp và mời gọi mọi người tới dự một bữa tiệc ngon” (EG 15). 

 

Câu trả lời và cũng là tiếng gọi tôi nghe vang dội ngay chốn này: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…” (Mt 10,28). Vâng nghe lời Chúa dạy, chúng tôi biết việc phải làm ngay là dẫn đưa mọi người đến với Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

 

Chúng tôi đem thưa chuyện này với Ban Loan báo Tin Mừng giáo hạt để xin trợ giúp, và may mắn được nhiều người đồng thuận.

 

 

Một tháng một lần có ít lắm không? Điều này không tùy thuộc anh chị em tu sĩ chúng tôi. Tuy nhiên ngoài những buổi hẹn chính thức, vẫn có những dịp lễ hội, chẳng hạn như hôm nay là Tết Trung thu, rồi lễ Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán…Có thêm người chung sức chung lòng, các thánh lễ hàng tháng sẽ thêm sinh động, nhờ có người chuẩn bị sẵn các bài thánh ca và sinh hoạt; đồng thời khi cần tổ chức lễ hội thì cũng sẵn các nhóm thuộc Ban Loan báo Tin Mừng.

 

Thật vậy, một khi hợp sức trong sứ vụ thì mọi cản trở lớn nhỏ đều dễ dàng vượt qua. Nói chi xa! Ngay trong việc cử hành thánh lễ và trao quà Trung thu cho bà con sáng nay, ngay dịp các nữ tu vẫn thường đứng ra tổ chức lại có việc đột xuất vắng mặt, may mà có hai nữ tu thuộc Ban Loan báo Tin Mừng thay thế, nếu không thì phải dời lại ngày khác, và ngày mừng Trung thu đã trễ càng thêm trễ.

 

Vẫn biết rằng, Trung thu là lễ hội của thiếu nhi, nhưng với 195 ông bà lớn tuổi thuộc khu 1 nơi đây, thì là dịp để anh chị em chúng tôi trao cho mỗi người một chút quà nhỏ, một cơ hội để gõ cửa trái tim.

 

Món quà trao tay, nhưng hơn thế, đó là món quà được trao từ trái tim đến trái tim. Để rồi, người trao sau khi đã rời xa, vẫn ôm ấp mãi những bóng hình, và người nhận nhớ mãi những ánh mắt trìu mến. 

 

Thương lắm! Cứ như họ đã thuộc về nhau trong mối tình muôn thuở của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.

Đa Minh Trần Văn Tân, S.J.

Kiểm tra tương tự

Thông báo: Dự định phong chức linh mục

THÔNG BÁO DỰ ĐỊNH PHONG CHỨC LINH MỤC Kính thưa quý Đức Cha, Quý Cha, …

Biến nỗi đau thành hành động bác ái theo gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Lần tới khi một giáo dân hoặc thành viên trong gia đình làm điều gì …