Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

 

“Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu.

Chúc tụng suối mạch hằng sống đổ tràn mọi thánh ân.

Là nơi ẩn trú, chốn nương náu độc nhất của chúng con. 

Là vầng dương hy vọng giãi chiếu trên nhân loại chúng con.”

 

Khi tôi tuyên hứa để trở thành trinh nữ thánh hiến vào hôm Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa năm nay, ca đoàn đã hát vang những lời ca này do Donna Cori Gibson sáng tác, dựa trên nhật ký của thánh nữ Faustina Kowalska (NK 1321).

 

Thánh nữ Faustina của Bí Tích Thánh Thể (1905-1938), người mà chúng ta mừng kính vào ngày 5 tháng 10, là một nữ tu, một trinh nữ, một nhà thần bí, một thị nhân, và là một tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa. Chị thánh đã dành phần lớn thời gian cuộc đời sống ẩn dật tại quê hương ở Ba Lan. Dù đã cảm nhận được ơn gọi trở nên Hiền Thê của Chúa Kitô từ thuở thiếu thời, thánh nhân lại phân tâm bởi những trách nhiệm với gia đình đông anh chị em của mình và những mối bận tâm của đời sống thế tục. Nhưng rồi khi Đức Giêsu hiện ra với ngài trong một buổi khiêu vũ, cuộc đời chị thánh đã hoàn toàn thay đổi. Chị đã viết thế này trong quyển Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi (Divine Mercy in My soul) của mình:

 

“Giữa lúc ai nấy đang tươi vui thì linh hồn tôi lại cảm thấy những ray rứt đay nghiến. Khi bắt đầu khiêu vũ, tôi bỗng thấy Chúa Giêsu ở ngay bên cạnh, Người đang chịu cực hình, y phục bị tước lột, toàn thân đầy thương tích, và Người than van với tôi những lời này: Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây? Lúc ấy, tiếng nhạc dìu dặt bỗng ngưng bặt, [và] những người khiêu vũ với tôi chẳng còn thấy đâu cả; ở đó chỉ còn Chúa Giêsu và tôi.” (NK 9)

 

Người ta thường nói rằng không phải chúng ta tìm kiếm các thánh, mà chính các ngài tìm đến chúng ta. Điều này hoàn toàn đúng với mối tương quan giữa tôi và thánh nữ Faustina trên hành trình đức tin của tôi. Một người bạn đã gợi ý tôi đọc quyển nhật ký của chị thánh, và tôi đã đọc từ đầu đến cuối hai lần, và tham khảo lại nhiều lần khác nữa. Khi tôi tiến đến những bước cuối cùng của việc phân định ơn gọi, một người bạn khác đã nhận xét rằng câu chuyện của tôi nhắc họ nhớ đến câu chuyện của thánh nữ Faustina ở buổi khiêu vũ.

 

Mặc dù thánh Faustina có vẻ như đã sống một cuộc đời không có gì nổi bật và thường xuyên đau yếu, và hầu như không được học hành bài bản hay làm được điều gì phi thường, nhưng chính nhờ lòng tín thác của chị thánh với lời mời gọi của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận được thông điệp về Lòng Thương Xót Chúa. Ngày 22/02/1931, Chúa Giêsu hiện ra với chị thánh Faustina khi chị đang cầu nguyện trước Thánh Thể, và truyền cho chị thông điệp về tình yêu và lòng thương xót với thế giới. Từ Trái Tim của Đức Giêsu tỏa ra hai luồng sáng, một đỏ và một trắng. Chúa Giêsu sau đó đã tiết lộ:

 

“Hai luồng sáng này phát xuất từ Lòng Thương Xót dịu hiền sâu thẳm của Cha lúc Trái Tim thống khổ của Cha bị lưỡi đòng mở ra trên thập giá” (NK 299).

 

Cha Tôma R. Szydlik, linh mục quản xứ Thánh Gioan Tẩy Giả tại Clinton, Illinois, đã nhiều lần đến viếng thăm Ðền thánh Lòng Chúa Thương Xót tại Ba Lan. Khi suy ngẫm về thánh nữ Faustina, ngài đã chia sẻ:

 

“Khi suy ngẫm về cuộc đời và ơn gọi của chị thánh, tâm trí tôi lập tức nảy ra mấy điều đáng chú ý: Thiên Chúa đã không chọn gọi thánh nữ Faustina vì thánh nhân đủ khả năng làm việc đó. Kì thực, các bề trên của ngài có nhiều kỹ năng hơn ngài trong việc truyền đạt thông điệp của lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa vẫn chọn gọi ngài. Thánh nữ đã được dẫn dắt để bước đi trên con đường hoán cải và tín thác trọn vẹn vào Đức Giêsu. Ở những giai đoạn khác nhau trên hành trình ấy, ta vẫn có thể thấy rõ thánh nữ chưa hoàn toàn tín thác vào Chúa. Trong cuốn nhật ký và xuyên suốt cuộc đời của chị thánh, ta có thể nhận ra Đức Giêsu đã kiên nhẫn sửa dạy và dẫn dắt thánh nữ dần đến sự tín thác sâu xa hơn vào Ngài. Điều này thực là một nguồn khích lệ lớn cho những ai đang chật vật trong việc phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa.”

 

Đức Giêsu đã mời gọi thánh Faustina bước đi trong đức tin để truyền bá cho thế gian được biết về Tình Yêu và Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, thông qua việc loan truyền sự sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Nhiều thị kiến về Chúa Giêsu của thánh Faustina đã diễn ra khi thánh nhân cầu nguyện trước Thánh Thể. Mỗi lần có người bước vào nhà nguyện và chiêm ngắm Đức Giêsu đang hiện diện trong mặt nhật, thánh nhân lại thấy những luồng sáng thần linh của Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bừng tỏa, bao bọc cả thế gian và mọi phận người trong nguồn ơn thiêng và phúc ân đầy tràn của Ngài.

 

“Trái Tim Cha tuôn trào tình thương xót lớn lao cho các linh hồn, nhất là các tội nhân khốn cùng. Ước chi họ có thể hiểu được Cha là hiền phụ rất nhân lành của họ và vì họ, Máu và Nước đã từ Trái Tim Cha trào đổ… Vì họ, Cha ẩn ngự trong nhà chầu như Quân Vương Từ Ái. Cha ước ao ban phát những ân sủng của Cha cho các linh hồn… Họ dành thời giờ cho mọi thứ, nhưng lại không có thời giờ đến với Cha để lãnh nhận các ơn thánh” (NK 367).

 

Qua những lần hiện ra với thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chị thánh bức hình Lòng Chúa Thương Xót, Chuỗi hạt, Tuần Cửu nhật, và mong muốn của Ngài về một ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Chúa Giêsu đã yêu cầu chị cho họa lại một bức tranh, trong đó Trái Tim đầy lòng từ ái và lân tuất của Ngài đang tỏa chiếu những luồng sáng của sự dịu dàng và chữa lành, với dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.” Đức Giêsu cũng yêu cầu chị đọc chuỗi kinh Thương Xót vào lúc vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày, giờ của Lòng Chúa Thương Xót Vô Biên, và cầu nguyện liên lỉ với lời kinh ấy. Chúa Giêsu đã hứa rằng:

 

“Bất cứ ai đọc chuỗi kinh này sẽ nhận được lòng thương xót bao la trong giờ lâm tử. Các linh mục sẽ giới thiệu chuỗi kinh ấy cho các tội nhân như niềm trông cậy sau cùng cho ơn cứu rỗi.”

 

Trong quyển sách Chúa Giêsu Nói Với Thánh Faustina và Bạn (Jesus Speaks to St. Faustina and You), Susan Tassone đã trình bày các bài suy niệm hàng ngày từ những câu trích dẫn từ nhật ký của chị thánh Faustina. Bà giải thích cách mà “Thánh Faustina mời gọi chúng ta kêu cầu với Lòng Thương Xót Chúa bằng việc xưng tội cách sốt sắng. Sau khi được ân sủng Thiên Chúa phục hồi, Đức Giêsu lại dưỡng nuôi ta bằng của ăn thiêng liêng bổ sức linh hồn, là Mình và Máu Chí Thánh Ngài. Thánh nữ Faustina nhấn mạnh với chúng ta rằng toàn bộ bí quyết nên thánh của linh hồn đều nằm ở Bí tích Thánh Thể.”

 

 

Vài năm trước, khi tham gia một chương trình mùa hè tại Áo do Đại học Franciscan Steubenville, Catherine Bracy, một nữ sinh đến từ Carthage, New York, đã tham gia một chuyến hành hương đến Ba Lan. Cô kể lại trải nghiệm của mình ở Ðền thánh Lòng Chúa Thương Xót nguyên bản như sau: “Khi chúng tôi bước vào nhà nguyện tuyệt đẹp nơi đang lưu giữ một trong các bản gốc của các Bức tranh, các nữ tu đang hát kinh chiều bằng tiếng Ba Lan. Sau đó, có một khoảng thời gian Chầu Thánh Thể ngắn trước khi bắt đầu lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Đó thật là một khoảnh khắc được thánh hiến, và một suy nghĩ nảy ra trong tôi, ‘Giá tôi có thể ở lại chốn này mãi mãi, hoặc chí ít là trong một quãng thời gian.’ Thật tuyệt vời khi nhìn thấy vây quanh mặt nhật, ở cánh trái là bức tranh Lòng Chúa Thương Xót, ở phía sau là tượng Đức Mẹ Ban Ơn, và ở cánh phải là tượng Thánh Cả Giuse.”

 

Xuyên suốt quyển nhật ký của thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định tình yêu vô biên Người dành cho chị thánh và tất cả chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Người đã nhắc nhớ chị thánh rằng “Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với lòng thương xót của Cha với niềm tín thác.” Đức Giêsu cũng nói rằng Bí tích Thánh Thể chính là “một ngai tòa của lòng xót thương nơi trần thế” và mời gọi ta hằng ngày “thờ lạy Thánh Thể, mà hiện diện nơi đó là Trái Tim đầy lân tuất của Cha” – “ Cha muốn có giờ chầu được tổ chức… để kêu nài quyền toàn năng lòng thương xót Cha cho toàn thế giới” (NK 300, 1485, 1572, 1070).

 

Thiên Chúa cũng mời gọi từng người chúng ta hiệp nhất trong cùng sứ mạng với thánh nữ Faustina:

 

“Con hãy nhân danh các tội nhân mà kêu nài lòng thương xót của Cha; Cha ước mong cho họ được ơn cứu rỗi. Khi con nhân danh một tội nhân nào đó đọc lời kinh này trong tâm tình thống hối và tin tưởng, Cha sẽ ban cho họ ơn hoán cải. Lời kinh ấy như thế này: Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh tâm Chúa Giêsu như thác nguồn thương xót chúng con, con tín thác vào Chúa.” (NK 186)

 

Thánh Faustina đã nói rằng sứ mạng của chị sẽ không kết thúc sau khi chị rời bỏ thế gian này, và chị cũng sẽ không bao giờ quên chúng ta (NK 281, 1582). Noi gương vị thánh bảo trợ của mình, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, con đường phó thác đơn sơ như con trẻ của chị thánh nhắc nhớ chúng ta về lời Thiên Chúa mời gọi ta hãy đến với Người với niềm tín thác trọn vẹn. Natalie Batt, một người vợ, người mẹ, và là một biên tập viên tại chuyên trang Copyedit Mom, LLC, chia sẻ:

 

“Lòng can trường, ý chí kiên cường, cùng với tình yêu và sự tín thác không gì lay chuyển được của thánh nữ Faustina vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – ngay cả trong những lúc thánh nhân phải đối diện với những yếu đuối trong thân phận con người còn nhiều giới hạn của mình – là những điều tôi đã bám vào trong những lúc ngặt nghèo nhất của đời mình. Chị thánh thực là một người bạn chân chính, và tôi luôn biết ơn rẳng cả thánh nữ lẫn chị thánh Têrêsa đều đã (và đang) là những sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa. Thế giới đang rất cần biết đến Thiên Chúa trên phương diện đó.”

 

Ở mặt sau tấm thiệp kỷ niệm ngày tôi tuyên hứa bước vào bậc sống đồng trinh giữa đời có in lời Chúa Giêsu từng nói với chị thánh Faustina: “Hãy nép mình vào trong Trái Tim đầy lân ái của Cha, và Cha sẽ đổ đầy bình an” (NK 1074). Nguyện xin cho mỗi người chúng ta biết bước theo con đường của thánh nữ Faustina và rao truyền Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

 

Nguồn: catholicexchange.com

Tác giả: Mary Breth Bracy

Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV Jescom – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …