Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

 

Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Ngang qua những chia sẻ của nhà thần học linh mục Jean-Paul Hernández, S.J, chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc Kinh Thánh và ý nghĩa của ngày lễ này đối với Dòng Tên.

 

Trong truyền thống Do Thái giáo, người ta không được gọi Tên Thiên Chúa, vì việc xướng tên ai đó đồng nghĩa với việc làm cho người ấy hiện diện, định nghĩa người ấy, và trong một nghĩa nào đó là chiếm hữu họ. Nhưng Thiên Chúa thì không thể bị định nghĩa hay bị chiếm hữu. Ngay cả ngày nay, bốn chữ cái tạo nên Thánh Danh (יְהוָֽה), vốn được đọc là “Yahweh” không được xướng lên cách trực tiếp. Thay vào đó, khi xướng lên, người ta dùng từ “Adonai” (nghĩa là “Đức Chúa”) để thay thế. Cách thức này nhằm gìn giữ căn tính vô biên và huyền nhiệm của Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, chính vì Thánh Danh không thể được gọi tên, nên đã khơi dậy trong dân Chúa một nỗi “cấm kỵ đến mức ám ảnh”, dẫn đến vô số nỗ lực diễn đạt mà không bao giờ thực sự gọi tên. Sách Thánh Vịnh là một ví dụ tiêu biểu, và có thể nói rằng toàn bộ Kinh Thánh là một hành trình “vòng quanh Thánh Danh Thiên Chúa”. Thánh Danh tựa như trung tâm của một “cơn lốc sáng tạo”, từ đó phát sinh các lễ nghi, phong tục, và cả lịch sử của dân Israel. Ngay cả tên gọi “Giu-đa” xuất phát từ gốc “yada”, nghĩa là kêu cầu, tuyên xưng, hay nhận biết. Đối tượng ngầm hiểu ở đây chính là Danh Thiên Chúa. Dân Israel chính là dân mà căn tính của họ ở chính việc tuyên xưng Danh Thánh. Vì vậy, trong Kinh Thánh Do Thái, Thiên Chúa thường gọi Israel là “dân được mang Danh Ta”. Có thể nói rằng, lý do tồn tại của Israel chính là để tuyên xưng Tên không thể diễn tả của Thiên Chúa.

 

Chương 3 sách Xuất Hành kể lại biến cố Thiên Chúa mặc khải Danh Người cho ông Môsê: “Ta là Đấng Hằng Hữu” (tiếng Do Thái: “Ehyeh asher ehyeh”). Lời mặc khải này tựa như một dạng “phi danh”, thậm chí là một sự từ chối được đặt tên. Thiên Chúa như muốn nói: “Ta là Đấng Hoàn Toàn Khác Biệt”, và vì thế không có một danh hiệu nào như các danh hiệu khác; Căn tính của Ta không thể “giới hạn” trong một thanh âm hay một danh hiệu nào, nhưng chính là sự hiện diện tự thân.

 

Đồng thời, gốc tiếng Do Thái mà chúng ta dịch là “Ta là” chỉ về sự “thành tín”. Đây không phải là “Ta hiện hữu” theo kiểu “triết học”, như đôi khi được giải thích ở Kitô giáo Tây phương. Không phải “Ta là nguồn gốc của tồn tại” mà đúng hơn phải là: “Ta hiện diện”, hoặc “Ta là Đấng luôn ở bên con”. Danh Thiên Chúa, căn tính sâu thẳm nhất của Người, là khả năng làm cho Người hiện diện, là ở cùng. Vì vậy, việc tự trao ban Danh của Người cũng chính là ý nghĩa của Danh. Có thể nói: Thiên Chúa trao ban chính căn tính của Người, căn tính ấy nằm ở việc trao ban chính mình.

 

Một lần nữa, tại núi Sinai, Thiên Chúa mặc khải trọn vẹn hơn về Danh của Người với Môsê, khi ông dẫn dắt toàn dân: “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông, Người xướng Danh Người: ‘Đức Chúa! Đức Chúa là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu tình thương và thành tín'” (Xh 34:5-6). Các “phẩm tính” này của Tetragrammaton giống như một vòng tròn đầu tiên bao quanh “mắt bão sáng tạo” không thể tiếp cận của Danh Thiên Chúa. Đây là những nỗ lực để “nói về Thiên Chúa là ai”, nhưng tất cả đều chỉ là những nỗ lực một phần. Các từ ngữ Do Thái được dùng, như “rhm” (dịch là “nhân hậu”, gợi về “cung lòng mẫu tử”), “hen” (dịch là “ân lành” hoặc “xót thương”), “hesed” (dịch là “ân sủng”, liên quan đến lòng nhân hậu trong mối quan hệ), và “emet” (nghĩa là “thành tín”, “sự thật”).

 

Danh Thiên Chúa không được gọi “cách vô ích”, nhưng phải được tuyên xưng bằng chính đời sống. Trong biến cố Giacóp vật lộn với Thiên Chúa, ông khẩn nài: “Xin cho con biết tên Ngài!” (St 32:30). Nhưng câu trả lời ông nhận được không phải là một danh hiệu. Câu trả lời thần linh là: “Rồi Ngài chúc phúc cho ông.” Giacóp bước ra khỏi cuộc gặp gỡ này với một căn tính hoàn toàn mới: “Israel”. Có thể nói: Danh Thiên Chúa là Danh duy nhất thay đổi căn tính của những ai xướng lên.

 

Trong lịch sử Israel, Thánh Danh chỉ được xướng lên mỗi năm một lần bởi Thượng Tế trong ngày lễ “Yom Kippur” (ngày lễ xá tội), khi ông bước vào “Debir” (Nơi Cực Thánh) trong Đền Thờ. Trước Hòm Bia Giao Ước, Thượng Tế xướng lên Tetragrammaton – bốn chữ cái thánh danh Thiên Chúa được giữ trong Hòm Bia. Chính trong không gian giữa hai thần hộ giá trên Hòm Bia, Thiên Chúa hiện diện qua Thánh Danh và đáp lời. Vì vậy, Kinh Thánh nhiều lần mô tả Đền Thờ là “nơi Người đã chọn để Thánh Danh Người ngự trị”. Thiên Chúa bằng cách nào đó “cư ngụ” trong Đền Thờ qua Thánh Danh của Người, như một sự hiện diện “hữu thể”.

 

Đối với dân Israel, Thánh Danh ấy còn là “hình ảnh” của toàn thể vũ trụ: “Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp địa cầu!” (Tv 8,2). Vì vậy, Đền Thờ được xem như biểu tượng của “toàn thế giới”, được quy tụ quanh Thánh Danh.

 

 

Nếu Thánh Danh Thiên Chúa là sự hiện diện trung tín của Người, là mạc khải căn tính thần linh và đồng thời là hình ảnh của toàn thể công trình tạo dựng, chúng ta không ngạc nhiên khi Kitô giáo thời kỳ sơ khai đã gán cho Chúa Giêsu Kitô tất cả những gì Israel gắn với Thánh Danh. Trong một bài giảng ẩn danh ở thế kỷ thứ hai, có đoạn viết: “Danh của Chúa Cha nay chính là Chúa Con.” Và trong Tin Mừng Gioan, mọi lời của Chúa Giêsu mở đầu bằng “Ta là” đều ám chỉ đến Thánh Danh Thiên Chúa, được Người mạc khải qua các hành động như các mặt khác nhau của cùng một lăng kính.

 

Trong thư gửi tín hữu Philípphê, thánh Phaolô nhấn mạnh một đoạn sẽ đánh dấu linh đạo Kitô giáo mãi mãi. Trong chương 2, ngài trích dẫn một bài thánh ca Kitô học nhắc đến sự Phục Sinh của Đức Kitô với hình ảnh “Thiên Chúa ban cho Người một Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9). Điều này có nghĩa là ban cho Người Thánh Danh Thiên Chúa, tức là căn tính thần linh của Người. Qua sự Phục Sinh, căn tính thần linh của Chúa Giêsu được mạc khải. Nhưng đoạn văn tiếp tục (Pl 2,10): “Để khi nghe danh thánh Giêsu…” Ở đây, người đọc mong đợi sẽ thấy từ “Thiên Chúa” hoặc “Chúa” (Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu). Nhưng bất ngờ thay, đoạn văn ghi “…Giêsu,” rồi tiếp tục: “Mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ đều phải bái quỳ.” Đoạn văn này thực hiện một sự chuyển đổi ý nghĩa đầy bất ngờ, từ “Adonai” sang “Giêsu”. Tất cả những gì Thánh Danh Thiên Chúa từng mang ý nghĩa và khơi dậy, nay Thánh Danh “Giêsu” thực hiện.

 

Tên “Giêsu”, được đặt cho con trai của Đức Maria, vốn là một tên thông dụng trong dân Israel. Truyền thống Kinh Thánh đặc biệt nhắc đến Giêsu Ben Sirach (Sách Huấn Ca), biểu tượng của sự khôn ngoan, và Giôsuê, người kế vị Môsê. Hai nhân vật này hội tụ nơi Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng mà Tân Ước nhìn nhận là Đức Khôn Ngoan nhập thể và là sự hoàn tất của công trình Môsê.

 

Không có gì khó hiểu khi trong sách Công Vụ, thánh Phêrô tuyên bố: “Chỉ nhờ Danh Người, chúng ta mới được cứu độ” (Cv 4,12). Động từ “cứu” ở đây ám chỉ ý nghĩa tiếng Do Thái của tên Giêsu (Jeshua), nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Vì vậy, chính Danh Giêsu đã là một lời cầu nguyện, vừa là khẩn cầu, vừa là tạ ơn. Truyền thống của “Kinh Nguyện Danh Thánh,” tức là việc lặp lại Danh Chúa Chúa Giêsu, hoặc một công thức khẩn nguyện chứa đựng Danh Thánh này, đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu. Lời khẩn cầu như “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” và những biến thể của nó, được gọi là “lời nguyện bình an” (esichia), nghĩa là “bình an trong tâm hồn.”

 

Trong truyền thống phụng vụ, chính “nhờ Danh Giêsu” mà các tân tòng được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và các mầu nhiệm được cử hành. Khi Sách Khải Huyền nhắc rằng những người được cứu độ mang “Thánh Danh Thiên Chúa trên trán” (Kh 14,1; 22,4), có lẽ điều này đề cập tới thói quen phụng vụ xưa “đánh dấu” những người được rửa tội bằng chữ “X” – ký tự đầu của “Christos” trong tiếng Hy Lạp, đồng thời nói đến Thánh Giá. Điều này dẫn đến việc thường xuyên kết hợp Thánh Danh với Thánh Giá trong truyền thống phụng vụ và nghệ thuật, như biểu tượng “staurogram”, vốn nhấn mạnh rằng nơi Chúa Kitô mặc khải trọn vẹn Thánh Danh – tức căn tính của Người – chính là Thập Giá.

 

Vào cuối thời Trung Cổ, lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu phát triển mạnh mẽ ở phương Tây, đặc biệt trong truyền thống các thầy dòng Phanxicô, nhờ sự giảng thuyết của thánh Bênađinô thành Siena. Thánh nhân đã chọn ba chữ cái Hy Lạp đầu tiên của tên “Iesous” (Giêsu) – IHS – để thiết kế các biểu tượng đạo đức thay cho các biểu tượng huy hiệu gia đình vốn gây tranh cãi thời đó. Dạng ‘trigram’ này vốn là chữ viết tắt của “IHSOUS” trong các bản thảo Tân Ước. Trong đó, những người sao chép thường thêm một dấu ngã hoặc gạch sóng phía trên ba ký tự để chỉ rằng “IHS” là một dạng rút gọn. Từ thế kỷ thứ 10, khi các bản thảo Hy Lạp chuyển sang dạng chữ thường, dấu gạch ngang phía trên chữ “IHS” giao với trục đứng của chữ “h”, tạo nên hình ảnh Thánh Giá. Từ đó, mối liên kết giữa Thánh Danh và Thánh Giá được khôi phục.

 

 

Kiểu “trigram-thánh giá” này, thường được bao quanh bởi các tia sáng, đã lan truyền từ miền trung nước Ý sang các vùng khác ở Tây Âu. Tại Paris, Calvin đã sử dụng biểu tượng này làm huy hiệu cho “thành phố Geneva của ông”. Trong khi đó, thánh I-Nhã thành Loyola bắt đầu dùng biểu tượng này để ký các lá thư của ngài. Sau này, biểu tượng IHS trở thành huy hiệu chính thức của Dòng Tên, Dòng Chúa Giêsu.

 

Ngoài ý nghĩa Hy Lạp, IHS cũng được hiểu là từ viết tắt tiếng Latinh của “Iesus Hominum Salvator” (Giêsu – Đấng Cứu Độ Nhân Loại). Như vậy, trong một biểu tượng duy nhất, ba nền văn hóa Hy Lạp, La Tinh và Do Thái cùng hội tụ (cf. “Salvator”). Thánh Giá trên chữ “H” – giờ đây được viết hoa – luôn gắn liền Thánh Danh với Thánh Giá, và ba chiếc đinh thường được khắc bên dưới gợi nhớ đến cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, đồng thời tượng trưng cho ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục của các tu sĩ Dòng Tên.

 

Thánh I-Nhã và các bạn đường đầu tiên của Dòng Tên đã tìm thấy căn tính sâu xa của họ nơi biểu tượng này bởi họ tự gọi mình là “Những người bạn đường của Chúa Giêsu” (Giêsu-hữu), chứ không phải “I-Nhã-hữu” (theo tên thánh I-Nhã) hay bất kỳ danh hiệu nào khác. Chính con người của Chúa Giêsu – Thánh Danh của Người, tức “căn tính được mặc khải” – đã đốt cháy tâm hồn thánh I-Nhã, trở thành trọng tâm của Linh Thao, điểm nối kết các bạn đường đầu tiên, và là lời duy nhất mà Dòng Tên muốn loan báo. Như Định Thức Thể Chế của Dòng Tên đã xác định:

 

“Chúng tôi được gọi là Dòng Chúa Giêsu.”

 

Do đó, IHS hiện diện khắp nơi trong các tác phẩm nghệ thuật Dòng Tên, trong các văn kiện chính thức, và vẫn còn trong nhiều biểu tượng của Dòng ngày nay. Như các tu sĩ Dòng Tên đầu tiên từng nói: “Danh Thánh Chúa Giêsu đẹp hơn bình minh và ánh sáng,” và “chúng ta, những tu sĩ Dòng Tên, phải sẵn sàng đổ máu mình vì Danh Thánh này.”

 

Nguồn: jesuits.global

Kiểm tra tương tự

Tội phạm Mafia và bài học tha thứ

  Liệu chúng ta có thể học cách tha thứ ngang qua Mafia?   Trích …

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …