Lửa 26 – Hiệp Nhất

(mp3) Nghe bài Lửa 26 – Hiệp nhất

Bạn trẻ thân mến,

Sự chia rẽ gây nên đổ vỡ, bất hạnh, kỳ thị, và nhiều điều xấu khác. Con người thời nay, một mức độ nào đó, bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng và vị kỷ. Chính thái độ quy về mình làm chắn tầm mắt chúng ta hướng về người khác, làm con tim chúng ta không tìm thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi người thân cận. Bạn trẻ, mang trong mình hình ảnh Giê-su, ắt hẵn muốn vượt qua sự ích kỷ nhỏ nhoi để vươn đến một điều lớn hơn: sống cho Chúa và cho tha nhân. Để có được như thế, bạn trẻ được mời gọi sống yêu thương và hiệp nhất.

Yêu thương và hiệp nhất nằm trong căn tính của người môn đệ. Chúa gọi các môn đệ, chẳng những để họ sống với Người, nhưng còn để họ kết thành cộng đoàn sống hiệp nhất với nhau. Nhu cầu của tình yêu chính là hiệp nhất. Nếu chúng ta yêu ai, chúng ta sẽ có nhu cầu nên một với người đó. Vì yêu chúng ta nên Thiên Chúa đã nên giống chúng ta về mọi phương diện chỉ trừ phạm tội (Dt 4,15). Người đã được một phụ nữ sinh ra y như chúng ta. Người đã hòa nhất với nhân loại tội lỗi ở sống Gio-đan, và cũng đã chịu cám dỗ như chúng ta. Trước cái chết, Người đã kêu van khóc lóc (Dt 5,7). Người đã bị xử án, đã bị đóng đinh, đã chết. Tuy là thân phận Thiên Chúa, Ngài cũng đã đón lấy thân phận phải chết của chúng ta. Tuyệt vời hơn, đó là cái chết vì tình yêu – chết vì muốn hiến mạng sống cho những người Người thương yêu. Và cuộc phục sinh của Ngài cũng vì chúng ta, để từ đó ai tin vào Người sẽ được sống đời đời.

Hiệp nhất với nhau trong tình yêu không phải là là điều gì mới và xa lạ đối với con người. Từ thuở ban đầu, con người đã có sự hiệp nhất này. Con người sống hài hòa với nhau, với tạo vật và với Thiên Chúa. Hiệp nhất với nhau trong tình yêu chính là tình trạng đầu tiên Thiên Chúa dựng nên loài người, nơi đó con người nói với nhau “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.”

Hiệp nhất mang lại hạnh phúc. Con người thuở ban đầu hiệp nhất với nhau nên con người không thấy mình trần truồng, thô thiển khi đối diện nhau. Chính vì đánh mất sự hiệp nhất ban đầu, con người đánh mất luôn đời sống thân tình với Thiên Chúa. Lòng của Thiên Chúa vẫn hướng về con người, và Ngôi Lời đã quyết định làm người để mang con người trở về với Thiên Chúa, đầu mối của sự hiệp nhất. Lời trăn trối của Chúa trước cuộc khổ hình:

“Lạy Cha chí thánh, (20) Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, (21) để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. (22) Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: (23) Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,20-23)

Từ khi từ bỏ tình trạng hiệp nhất ban đầu, con người đã có hướng chiều theo sự phân rẽ. Vì thế, khi đi theo con đường Thiên Chúa muốn chúng ta đi, khi đi theo con đường hiệp nhất, chính là đi ngược chiều với thế đời. Vì thế, không chỉ cần có ước muốn hiệp nhất, con người còn cần dấn thân vào con đường ngược chiều ấy. Hiệp nhất là kết quả của chuỗi ngày sống cho nhau và vì nhau. Hiệp nhất đòi hỏi chúng ta từ bỏ những ích kỷ bản thân, để quy tụ về đầu mối hiệp nhất là Thiên Chúa.

Đi đường ngược chiều ấy không dễ chút nào. Đức Giê-su hiểu được điều đó, hiểu được những vất vả chúng ta đang chịu trong thân phận con người, nên Người đã ban cho chúng ta Thánh Thần, Đấng là nguồn mạch năng lực của chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiệp nhất, chính Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta trong những lúc chúng ta đuối sức trên con đường dài ngược chiều.

Suy nghĩ về sự hiệp nhất, chúng ta nghĩ đến những cản trở nơi chính chúng ta. Câu hỏi chúng ta cần tự khám phá “Nơi bản thân tôi, cái gì là mầm mống gây chia rẽ, ngăn cản sự hiệp nhất? Tôi sẽ làm gì để vượt qua những trở ngại đó?” Với sự trợ lực của ơn Chúa Thánh Thần, bạn trẻ chúng ta cố gắng loại bỏ dần những trở ngại để tiến đến gần nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn và sống cho nhau nhiều hơn.

RADIO VATICANA

CHUYÊN MỤC: LỬA

PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *