Những nhận xét về tông đồ xã hội, công bình và các sắc lệnh của các tổng hội từ Tổng hội 31 đến Tổng hội 35

Bài báo này đưa ra một mô tả ngắn gọn cách nhìn về công bình trong các tổng hội từ TH 31 đến TH 35, trình bày mười nhận xét và phản tỉnh lên quan đến những kết quả hiện nay trong lãnh vực tông đồ xã hội và thăng tiến công bình, cuối cùng, đúc kết bằng một lưu ý về tính tương đương giữa linh đạo và công bình cho những thành viên Cộng đoàn sống đời Kitô (Christian Life Community) (CLC) cùng nhau suy xét.

 NHỮNG NHẬN XÉT VỀ TÔNG ĐỒ XÃ HỘI, CÔNG BÌNH VÀ CÁC SẮC LỆNH

CỦA CÁC TỔNG HỘI TỪ TỔNG HỘI 31 ĐẾN TỔNG HỘI 35

 Thật không dễ dàng để tìm ra được một Giêsu hữu không hay biết gì về cam kết dấn thân cho việc “phục vụ đức tin và thăng tiến công bình”, là điều được ghi trong Sắc lệnh (SL) 4 của Tổng hội (TH) 32. Cam kết này đã trở nên thiết yếu cho sự đáp trả của Dòng Tên chúng ta, khi chúng ta được yêu cầu xác định sứ mạng hiện nay của Dòng. TH 32 đã làm cho việc thực hiện SL này và việc thăng tiến công bình trở thành một trách nhiệm trong mọi lãnh vực tông đồ của Dòng, không chỉ đơn thuần trong phạm vi của Tông đồ Xã hội. Đây là một ơn ban lớn lao cho toàn bộ sứ mạng của chúng ta, khi mọi thành phần trong Dòng được trao nhiệm vụ thăng tiến công bình, và nhìn chung, chúng ta đã thực thi nhiệm vụ này với lòng hăng say. Tuy nhiên, thật trớ trêu, SL 4 – “sắc lệnh về công bình” – cũng đã dẫn đến một sự thiếu rõ ràng về khía cạnh công bình của tông đồ xã hội, và dĩ nhiên, dẫn đến việc thu hẹp sứ mạng của tông đồ xã hội.

 Bài báo này không có ý như một tranh luận ngoài cuộc cho tông đồ xã hội. Rõ ràng, đa số các tổ chức giáo dục, các giáo xứ, các nhà tĩnh tâm, và các công việc tông đồ khác đã đáp lại lời kêu gọi thăng tiến công bình trong một vài hình thức. Nếu người ta hỏi một người nào đó trong Dòng đang làm việc trong những phạm vi tông đồ vừa kể trên, anh ta sẽ sẵn sàng đưa ra một ví dụ về việc anh ta đã làm như thế nào để thăng tiến công bình trong những nỗ lực liên quan đến sứ vụ của mình. Vì việc thăng tiến công bình đòi hỏi một sự liên kết chính trị, trong đó một bên là những người, hoặc thể chế, ở vị thế của nhà lập pháp ảnh hưởng đến người nghèo, còn bên kia là những người liên quan đến việc truyền đạt cho các sinh viên những “tài liệu về công bình” của Dòng. Các trường trung học và đại học đang duy trì những chương trình chú trọng đến mô hình nhắm đến việc thăng tiến công bình, hoặc đề ra những yêu cầu về lượng thời gian phục vụ (cho việc thăng tiến công bình) như điều kiện xét ra trường. Một Giêsu hữu tại một nhà tĩnh tâm dâng lễ hằng tháng trong một trại giam của địa phương, và anh ta coi đó như là cách thăng tiến công bình. Có phải những cách thế thăng tiến công bình này có giá trị ngang nhau không? Hay là chỉ một vài sứ vụ mới chính xác hơn với những lý tưởng về công bình được nêu trong những văn kiện của các tổng hội? Hay những lãnh vực tông đồ khác nhau được mời gọi để diễn tả trong những cách thế khác nhau về công bình? Tôi không có tham vọng làm người phân xử cho những câu hỏi này, và tôi tin rằng có nhiều cách thế hữu hiệu trong đó công bình được thăng tiến. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều bằng chứng, nơi các Giêsu hữu và những người giáo dân cộng tác từ tất cả những lãnh vực thăng tiến cho công bình tranh luận với nhau về một phương pháp nhất định nào đó, và điều này có thể là một tranh luận vô bổ. Tuy nhiên, tôi mong ước làm nổi bật giá trị riêng biệt mà tông đồ xã hội đã mang lại trong những nỗ lực đấu tranh cho công bình của Dòng. Và tôi  nhấn mạnh đến tất cả các lãnh vực tông đồ đã và đang tiếp tục duyệt xét lại tính chân thật của việc thực thi sứ mạng của mình, nhằm thăng tiến công bình, dưới ánh sáng của việc xét xem các lãnh vực tông đồ này đã phù hợp như thế nào với việc hiểu về công bình, như đã được diễn tả trong những văn kiện của các tổng hội, xuyên suốt từ TH 31 đến TH 35.

 Bài báo này đưa ra một mô tả ngắn gọn cách nhìn về công bình trong các tổng hội từ TH 31 đến TH 35, trình bày mười nhận xét và phản tỉnh lên quan đến những kết quả hiện nay trong lãnh vực tông đồ xã hội và thăng tiến công bình, cuối cùng, đúc kết bằng một lưu ý về tính tương đương giữa linh đạo và công bình cho những thành viên Cộng đoàn sống đời Kitô (Christian Life Community) (CLC) cùng nhau suy xét.

 CÔNG BÌNH TRONG TỔNG HỘI 31-35

TH 31 đã trao cho tông đồ xã hội một sứ mạng cụ thể về công bình, “bằng mọi nỗ lực, trực tiếp cố gắng xây dựng một sự diễn tả đầy đủ hơn về công bình và bác ái nơi cơ cấu của đời sống nhân loại [SL 32/569]” và TH đã dành cả SL 32 để bàn về việc thực hiện điều này. Tuy nhiên, không một Tổng hội kế tiếp nào chú tâm rõ ràng vào tông đồ xã hội, cũng như không nhắc đến chỉ thị đặc thù của tông đồ xã hội đã được đặt ra ở TH 31. Dĩ nhiên, TH 32 đã tuyên bố, thăng tiến công bình là một “đòi hỏi tất yếu và tuyệt đối” và là một “yếu tố gắn liền” với toàn bộ các sứ vụ, một yếu tố yêu cầu toàn Dòng phải toàn tâm và bén rễ trên lòng tin và các hình thức phong phú khác nhau. (SL 4/53-57). Tổng hội đã khuyến khích “dấn thân xã hội và liên đới với người nghèo”, nhưng thuật ngữ công bình vẫn mơ hồ và không xác định, và tôi tin rằng thuật ngữ này có tầm quan trọng trong lãnh vực tông đồ xã hội.

Như một hệ quả đương nhiên của tình trạng mù mờ này, TH 33 đã mong muốn xác chuẩn và làm rõ về SL 4, và thừa nhận sự giải thích về SL này, đôi khi, có điểm “chưa hoàn chỉnh, chủ quan và thiếu quân bình” (Đời sống Giêsu hữu và Sứ mạng hôm nay, 414 – Jesuit Life and Mission Today). Những văn kiện của Tổng hội nhắc nhở các Giêsu hữu rằng, việc thăng tiến công bình không thể được diễn tả bằng một “tinh thần xa rời thực tế hay đơn thuần là chủ nghĩa duy hoạt động theo nghĩa thế tục”, và trong một văn bản, Tổng hội đã bày tỏ “mong ước về một tuyên bố súc tích chứa đựng những tiêu chuẩn, chỉ thị hướng dẫn…và một vài lượng giá về việc áp dụng SL 4… ” (Đời sống Giêsu hữu và Sứ mạng hôm nay, tr. 430). Có một vấn đề dễ gây tranh cãi là liệu tông đồ xã hội có tiếp thu những chỉ thị hướng dẫn trong các văn kiện hay không. Các sắc lệnh chứa đựng một huấn dụ chung về mục vụ thiêng liêng và mục vụ giáo xứ “nhằm củng cố đức tin để thực thi công bình” (SL 1/46), và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tông đồ trí thức và giáo dục trong việc thăng tiến công bình (47). Tuy nhiên, không hề có một tuyên bố tương đương nào liên quan đến tông đồ xã hội, cũng như không có một sự thừa nhận nào về vai trò của tông đồ xã hội trong việc thăng tiến công bình.

TH 34 đã một lần nữa xác nhận tranh đấu cho công bình như là một việc “khôn ngoan và thiện hảo” (SL 1/3), và “làm mới lại cam kết” cho viễn tượng công bình, một viễn tượng được “bén rễ sâu” trong đức tin Kitô giáo và “vượt lên trên những khái niệm về công bình được rút ra từ ý thức hệ, triết học, hay từ những phong trào chính trị cụ thể nào” (SL 3/52-53). Tổng hội giới thiệu “những khía cạnh mới” của công bình, như các quyền con người, toàn cầu hóa, đời sống con người, môi trường và những cộng đồng có liên đới với nhau (54-59), và nhấn mạnh đến “tình trạng khẩn cấp” ở Châu Phi, Đông Âu, nơi có các dân tộc bản địa, những người nghèo bị loại bỏ, những người tị nạn, và những người bị mất nhà cửa (60-65). Tổng hội cũng đề nghị việc thực thi công bình ngang qua việc không ngừng hoán cải bản thân, tiếp tục kinh nghiệm huấn luyện, tạo ra những cộng đoàn liên đới, đào tạo những người nam và người nữ nhằm phục vụ tha nhân, tiếp tục lượng giá cộng đoàn, và đề ra những kế hoạch tông đồ (66-74), liên kết công bình với những ưu tiên cấp thiết về hội nhập văn hóa và đối thoại. Do đó, thăng tiến công bình được gắn liền với “thông truyền đức tin, chuyển biến các nền văn hóa, và cộng tác với các truyền thống khác nhau” (SL 2/47).

TH 35 một lần nữa tái khẳng định rằng, phục vụ đức tin và thăng tiến công bình là “hợp nhất đến mức không tách rời nhau”, và “vẫn là điểm chính yếu của sứ mạng chúng ta” (SL 2/32), ngoài ra Tổng hội còn đưa vào tiếng nói của hòa giải và nhu cầu về các mối quan hệ, xét như là những yếu tố cấu thành của việc thăng tiến công bình. Các văn kiện nhắc lại gia sản của Dòng chúng ta như là những người hòa giải, và nhấn mạnh sứ mạng hòa giải ngang qua việc thiết lập các mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thụ tạo như là điểm then chốt cho một viễn tượng đích thực về công bình (SL 3/56-80).

Đây là bài tóm tắt rất vắn gọn của những văn kiện, nhưng tôi tin rằng ngôn ngữ của những Sắc lệnh được trích dẫn ở trên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nhìn lại những điểm phản tỉnh và những điểm nhận xét dưới đây, về việc thăng tiến công bình của tông đồ xã hội.

 MƯỜI NHẬN XÉT VÀ PHẢN TỈNH VỀ CÔNG BÌNH VÀ TÔNG ĐỒ XÃ HỘI

 1. Thuật ngữ “công bình” là một thuật ngữ không rõ ràng

Như đã được lưu ý ở trên, SL 4 không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về công bình, và do đó, ý nghĩa của thuật ngữ này vẫn còn mơ hồ. Cha Peter-Hans Kolvenbach đã phát biểu rằng: “Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ từ ngữ công bình vẫn còn mơ hồ…Tôi có ấn tượng rằng TH 32 đã nhất trí tán thành thuật ngữ ‘thăng tiến công bình’ cũng chỉ vì tính mơ hồ gắn liền với từ ngữ ‘công bình’. Dựa vào sự nhập nhằng của ngôn ngữ…mà thuật ngữ công bình được thông qua.” (Promotio Iustitiae 96, 2007/3,p.14)

Sự mơ hồ này tạo cơ hội cho việc mở rộng phạm vi và óc sáng tạo trong các lãnh vực tông đồ xã hội ở tất cả những sứ vụ liên quan đến công bình, tuy nhiên, nó cũng đưa đến phản ứng “để mặc tôi” khi các cá nhân hay các nhóm tông đồ không thống nhất thừa nhận về những cam kết liên quan đến công bình. Do đó, các cá nhân hay các nhóm đều có thể tuyên bố, với tư cách cá nhân hoặc với tư cách nhóm, những gì họ nghĩ là không ai có thể công kích được, dựa trên những giải thích về công bình, những giải thích đến từ tính nhập nhằng của thuật ngữ công bình. Vì vậy, sự mơ hồ của thuật ngữ làm nổi bật sự thăng tiến công bình, nhưng cũng làm cản trở sự phân tích có tính phê bình về những cách thế trong đó công bình được thăng tiến.

 2. Trừu tượng hóa công bình thì dễ dàng hơn là thăng tiến!

Các Giêsu hữu, nhìn chung, đều nhạy cảm với vấn đề công bình, tuy nhiên, họ thường nhạy cảm với công bình ở mặt trừu tượng, và như cha Pedro Arrupe nhắc nhở chúng ta, “công bình xã hội không mang lại một mối nguy hiểm nào một khi nó vẫn còn nằm ở mức độ lý thuyết trừu tượng”. (Những người nam và người nữ cho người khác, Lời mở – Men and Women for Others)

Các Giêsu hữu có thể đồng ý rằng, thăng tiến công bình phù hợp với các văn kiện của chúng ta, và việc chúng ta đứng về phía người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội là một phần của sứ mạng. Tuy nhiên, nhiều cộng đoàn và cá nhân các Giêsu hữu dè dặt trong việc dấn thân trong việc biện hộ hay đảm trách một vị trí công khai trong vấn đề công bình (ví dụ như  vấn đề di dân, ngân sách quốc phòng, cải cách ruộng đất…) bởi vì họ thấy điều này có nhiều khả năng dẫn đến tranh luận, bàn cãi, hay có tính chính trị.

Một phần của vấn đề nảy sinh từ ngôn ngữ của TH 33, SL 3, khi cho rằng, những nỗ lực cho công bình của chúng ta nên vượt lên trên những khái niệm về công bình được rút ra từ ý thức hệ, triết học hay từ những phong trào chính trị cụ thể. Sự dịch chuyển từ trừu tượng đến cụ thể nghĩa là liên quan đến các ý thức hệ, các nền triết học, và các phong trào chính trị. Tông đồ xã hội, cách chung, thường liên quan đến những lãnh vực xảy ra xung đột – về địa lý, văn hóa, hoặc về chính trị. Khi Nhà nước phủ nhận quyền của cá nhân hay nhóm người bị gạt ra bên lề xã hội, thì chúng ta phải nỗ lực để tìm ra giải pháp hầu giải quyết xung đột này. Việc giải quyết xung đột thường yêu cầu đôi bên phải gỡ mình ra khỏi những lý lẽ chủ quan và đưa ra những chứng cứ độc lập ủng hộ cho lập trường của mình. Đối với chúng ta, nguồn chứng cứ là những giáo huấn đức tin và những văn kiện của Dòng; tuy nhiên, đây có thể không phải là nguồn thuyết phục đối với những người không có tín ngưỡng. Lấy ví dụ, trong cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề di dân ở Hoa Kỳ, chúng ta được thúc đẩy bởi những cam kết đức tin của chúng ta, tuy nhiên, chúng ta không thể đơn giản trích dẫn sách Lêvi hay Dụ ngôn người Samaria nhân hậu cho các nhà lập pháp trong một nền dân chủ thế tục để thuyết phục họ thừa nhận bài diễn thuyết của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần đứng trên lập trường về kinh tế, chính trị, hay triết học, là những lập trường vốn không đi ngược lại những cam kết đức tin của chúng ta.

Chúng ta cũng tạo ra những mối liên kết và hợp tác với các tổ chức khác, những tổ chức mà tôn chỉ hoạt động của chúng được rút ra từ một quan điểm triết học đặc thù hay từ một sự xác tín chính trị nào đó. Chúng ta được thúc đẩy bởi những cam kết đức tin của chúng ta, và những người cộng sự với chúng ta được thúc đẩy bởi cam kết đến từ các nguồn khác. Điều khó khăn là  những người khác sau đó chỉ có thể nhìn nhận về những nền tảng chính trị hay triết học của công việc chúng ta mà thôi, là những điều chúng ta đã coi như những tiêu chuẩn độc lập ủng hộ cho lập trường của chúng ta, và họ không nhìn thấy cam kết đức tin của chúng ta, là điều đã củng cố họ, bởi vì chúng ta đã giữ kín những cam kết này nhằm đáp ứng những đòi hòi của tiến trình chính trị và để giải quyết những vấn đề còn đang tranh cãi. Phải thừa nhận rằng tình thế này đều ảnh hưởng đến cả đôi bên, và do đó tông đồ xã hội cần phải duy trì sự tỉnh thức, để những công việc của mình vẫn dựa trên những nguyên tắc của đức tin, Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, và dựa trên sứ mạng của Dòng.

Tóm lại, công bình về mặt trừu tượng được xác nhận khá rộng rãi như là một lý tưởng tôn giáo và như một phần của sứ mạng Giêsu hữu chúng ta, tuy nhiên điều này lại làm giảm đi sự ủng hộ, và nó có thể được nhìn nhận như là một vấn đề thế tục khi công bình mặc lấy một hình thức cụ thể trong một lãnh vực công khai. Đây có thể là một thách đố cho tông đồ xã hội, khi chúng ta nỗ lực đáp lại lời mời gọi hành động để biến ngôn ngữ trừu tượng của các sắc lệnh thành những nhiệm vụ cụ thể trong những trường hợp có bất công xảy ra.

 3. Thăng tiến công bình là một cơ hội hơn là một bổn phận

Những cuộc thảo luận diễn ra giữa những người biện hộ cho công bình xã hội có thể làm cho việc thăng tiến công bình trở nên một bổn phận hơn là một cơ hội. Rõ ràng, những văn kiện của Dòng và đức tin Kitô giáo buộc chúng ta hành động cho công bình, tuy nhiên, cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa trong người nghèo và kinh nghiệm biến đổi như một hệ quả theo sau nên trở thành động lực chính yếu, và điều này bị phủ lấp một khi việc thăng tiến công bình được coi như là một nghĩa vụ hay một bổn phận. Các mối phúc nói với chúng ta rằng, chúng ta thật có phúc khi chúng ta nỗ lực vì hòa bình, hay khi chúng ta gặp gỡ người nghèo, và chúng ta cần đảm nhận công cuộc thực thi công bình như là một cơ hội được chúc phúc. Tôi biết rằng trong sứ vụ của mình, có những lúc tôi tương quan với người nghèo, và kinh nghiệm này vẫn ở lại trong tôi một vài năm sau đó, và đã vén mở cho tôi rõ ràng nhất hình ảnh của Chúa Kitô, và rất thường xuyên, tôi quay trở lại những giây phút ấy nhằm duy trì đời sống thiêng liêng của tôi.

 4. Công bình được bén rễ sâu trong tình bạn và trong đời sống của người dân

TH 33 chọn cách diễn đạt của Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội Trong Thế giới Ngày Nay (Gaudium et Spes) để nói với chúng ta rằng, chúng ta “cần dấn thân sâu hơn vào đời sống của những người dân sống chung quanh chúng ta, nhằm nghe thấy ‘những niềm vui và niềm hy vọng, những đau khổ và lo âu của con người thời đại hôm nay, đặc biệt những người nghèo và những người đang bị áp bức dưới nhiều hình thức khác nhau” (SL 1/44). Bất cứ ai có kinh nghiệm về những mối tương quan cũng điều biết rằng, những điều này là những điều được nói với những người bạn. Rất hiếm khi chúng ta thấy người dân sẵn sàng chia sẻ với những người lạ, hay những người mà họ rất ít khi gặp gỡ, về những ước ao, niềm vui, hy vọng, và những nỗi buồn sâu kín nhất của họ. Những điều này chỉ thường được chia sẻ một khi tương quan tin tưởng nhất đã được thiết lập, và khi đó người ta sẽ thổ lộ tất cả với những ai thực sự quan tâm đến mình nhất. Theo truyền thống, điều này đã trở nên một vốn quý của tông đồ xã hội, là lãnh vực kết hợp chủ yếu giữa các Giêsu hữu và những người bạn, những người sống và làm việc giữa người nghèo. Tình bạn, một cách tự nhiên, phát sinh từ việc sống gần gũi trong cộng đồng của những người nghèo.

Tình bạn chiếm vai trò quan trọng trong cách thế chúng ta nhìn nhận và lượng giá công bình. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và tăng trưởng nhanh chóng của những tổ chức, đoàn thể và trường học, có một cách thức tinh vi nhắm vào việc có hay không những kiểu thể chế hiện diện ở đó. Tuy nhiên, “công bình được nối kết gần gũi nhất với đời sống của người dân, và không đơn thuần với bản chất của những thể chế bao quanh họ.” (Quan niệm về Công bình, Amartya Sen, Lời tựa – The Idea of Justice)

David Hollenbach, S.J đã đưa ra một nhận định tương tự khi cho rằng “những đòi hỏi của công bình, vì vậy, hoàn toàn không phải là những kết luận được rút ra từ những nguyên lý triết học chung chung được diễn tả trong hình thức mệnh đề. Những đòi hỏi này đến từ yêu cầu hay từ tiếng kêu, nơi đó phẩm giá của những người này làm nảy sinh tự do nơi những người khác.” (Đức tin Thực thi Công bình, 211 – The Faith That Does Justice). Vì công cuộc thực thi công bình của chúng ta chuyển dần vào các trường đại học và các tổ chức, do đó, có thể có một sự lệch hướng tinh vi khỏi việc hiểu rõ về công bình, điều mà trước tiên được thấy rõ qua việc nhìn vào đời sống của người nghèo. Rõ ràng, những tổ chức có liên quan (toà án, nhà trường, v.v.) là những thành phần quan trọng của công bình, tuy nhiên, sự hiện diện của những tổ chức này không tạo nên ý nghĩa của sự công bình.

 5. Công bình có tính tương quan chứ không phải là một thỏa ước

Khái niệm công bình, xét như tình bằng hữu, liên quan gần gũi với khái niệm công bình xuất phát từ mối tương quan, chứ không phải là một bổn phận thỏa ước. TH 35 nhắc nhở chúng ta rằng, công bình được hiểu đúng nhất khi có sự trung tín với những đòi hỏi của mối tương quan giao ước, và TH cũng nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng, sứ mạng của Dòng là thiết lập mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, với tha nhân và với thụ tạo. Vì thế, sự hiểu biết về công bình này dẫn đến những cam kết có thể không được tìm thấy nơi những khái niệm thế tục, chuyên môn, hay các khái niệm mang tính thỏa thuận về công bình. Một giáo sư đại học nghiên cứu về tình trạng nghèo đói ở thành thị bởi vì bà ta đã nhận được tài trợ để thực hiện việc nghiên cứu đó. Chắc chắn, động lực của vị giáo sư đó đến từ sự quan tâm của bà dành cho người nghèo; tuy nhiên, về cơ bản, bà ta dấn thân vào công việc phân tích xã hội về công bình bởi vì nghĩa vụ đã thỏa thuận là phải làm như vậy. Khi thời hạn cho việc nghiên cứu đã hết, liệu vị giáo sư đó có còn tiếp tục lưu lại với những người dân mà bà đang khảo sát hay không? Hơn nữa, chẳng mong đợi gì việc trong hợp đồng có ghi rằng vị giáo sư đó sẽ sống giữa người nghèo, cùng ăn uống với họ, đi lễ với họ, chia sớt cùng họ những niềm hy vọng, niềm vui và lo âu, v.v. Trong thực tế, việc làm như vậy có thể  là một sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hoặc vi phạm những quy định được ghi trong giấy phép.

Một hiểu biết mang tính giao ước về công bình thì có tính khác thường, bởi vì công bình có tính tương quan. Đối với tông đồ xã hội, bổn phận bảo vệ di dân, đứng về phía những người bị gạt ra bên lề xã hội, hay tìm hiểu về những cơ cấu bất công không được coi như là tiền đề cho sự trả công về tài chính hay về hợp đồng. Nó không được quan niệm như là một phần của yêu cầu nghề nghiệp, nhưng đúng hơn phải nảy sinh tự nhiên từ ơn gọi Dòng Tên và từ sứ mạng của chúng ta. Điều này không có ý chê bai những nghiên cứu tầm cỡ chúng ta đang nhiệt thành và tận tụy thực hiện nhân danh người nghèo, nhưng đúng hơn là có ý làm rõ giá trị độc đáo mà mối quan hệ giao ước dành cho việc thăng tiến công bình. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng tông đồ xã hội không loại trừ những thỏa thuận cơ bản mang tính giao kèo về công bình, đặc biệt khi một số trung tâm xã hội của chúng ta ngày càng dựa vào những công nhận đòi hỏi tính giao kèo.

 6. Cần đến khiếu hài hước!

Những nỗ lực của chúng ta nhằm thăng tiến công bình phải được thực hiện với sự vui vẻ, với việc duy trì khiếu hài hước, và với khả năng cười với chính mình và những hoàn cảnh trong đó chúng ta tìm thấy chính chúng ta. Chúng ta thường xuyên gặp những người biện hộ giận dữ vì mạnh mẽ đấu tranh cho công bình, nhưng lắm khi anh ta chỉ to tiếng hơn là tập trung bàn luận về những vấn đề mà anh ta đang dấn thân. Kiểu hành xử này làm người khác khó chịu hơn là khuyến khích họ trở nên gắn bó hơn vào những vấn đề công bình quan trọng mà anh ta đang thúc đẩy. Một điều khá mỉa mai là, nhìn chung, người nghèo có nhiều óc hài hước về cuộc sống của họ hơn chúng ta.

Đó cũng từng là một kinh nghiệm của tôi, khi tôi ở trong những cộng đoàn Giêsu hữu tại những nơi nghèo nhất, tôi đã khó nở một nụ cười. Có những lúc trong hoàn cảnh nghèo khó, nơi mà nhu cầu cấp bách về cuộc sống, và nơi mà chiến tranh đã xé nát tất cả, nơi đó lại đem lại một cảm thức bén nhạy, và cho phép chúng ta cảm thấy thú vị hơn về những điều giản đơn của Thiên Chúa. Trong một vài cách thức, tông đồ xã hội đã không chuyển tải tốt, hay đã không mời gọi người khác đến để chia sẻ niềm vui và sự hài hước, là những điều cần phải có khi chúng ta làm việc với người nghèo.

 7. Bao gồm yếu tố hòa giải

SL 4 của TH 32 nhắc nhở chúng ta “không thể nào có sự thăng tiến công bình theo nghĩa tròn đầy và Kitô giáo, trừ khi chúng ta rao giảng về Chúa Giêsu Kitô và mầu nhiệm hòa giải mà Ngài mang đến.” Hai mươi năm sau, TH 34 thừa nhận “đôi khi việc thăng tiến công bình đã bị tách ra khỏi nguồn gốc đức tin của nó” (SL 3). Những mối quan tâm này bây giờ vẫn còn, và có thể luôn luôn là một mối căng thẳng cho công cuộc thực thi công bình của tông đồ xã hội.

Vào năm 2000, những người hoạt động trong lãnh vực tông đồ giáo dục trung học ở Hoa Kỳ đã xuất bản một cuốn sách nhỏ với tựa đề: “Điều Gì Làm Cho Một Trường Dòng Tên Là Dòng Tên? – What Makes a Jesuit School Jesuit?”, trong đó chỉ ra những đặc điểm xác định của một trường Dòng Tên, và những đặc điểm phân biệt một trường Dòng Tên với một trường công hay với trường tư khác. Những lần thăm viếng các trung tâm xã hội của Dòng ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài đã gợi lên trong tôi cùng một câu hỏi – “Điều gì làm cho một trung tâm xã hội Dòng Tên là Dòng Tên?” Đâu là điểm phân biệt giữa một trung tâm xã hội Dòng Tên với Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), hay các tổ chức phi chính phủ khác (NGO)? Cách chúng ta thăng tiến công bình khác với những tổ chức đó như thế nào? Tinh thần hòa giải của Chúa Giêsu hiện diện trong công việc biện hộ của chúng ta ra sao?

Những câu hỏi này sẽ được trả lời theo nhiều cách khác nhau, trong những nền văn hóa khác nhau, nhưng dường như, khía cạnh của sự hòa giải sẽ luôn là một đặc điểm xác định. Nhiều tổ chức làm rất tốt trong việc lên án những bất công và viết ra những báo cáo về vi phạm nhân quyền, nhưng lại thất bại trong việc đề ra những kế hoạch toàn diện cho công cuộc hòa giải. Các văn kiện của TH 32, trong mối bận tâm này, mang tính rất thách đố khi tuyên bố rằng, sứ vụ thực thi công bình “đòi hỏi một sự mở ra và quảng đại với tất cả những ai có nhu cầu, thậm chí đó là một người xa lạ hoặc một người thù nghịch. Nó đòi hỏi việc hướng về những ai đã làm tổn thương chúng ta, và tha thứ cho họ; hướng về những người mà chúng ta đang có xung đột với họ, với một tinh thần hòa giải.” Vậy lần cuối cùng chúng ta viết một bài báo về một nhóm mà chúng ta đã tha thứ cho họ là khi nào? Khía cạnh hòa giải của công cuộc thực thi công bình là khía cạnh sống động của tông đồ xã hội, và phải là một trong những đặc điểm xác định của chúng ta.

 8. Sự cần thiết của việc tôn trọng mọi người và hành trình tìm kiếm công bình của họ

Chúng ta nhìn nhận rằng đời sống thiêng liêng như là một cuộc hành trình và chúng ta cũng nên công nhận như vậy trong lãnh vực công bình. Mỗi người chúng ta đang trên hành trình tìm kiếm và thực thi công bình, như một khách hành hương, chúng ta đang cố gắng xác định điều đúng để làm và lập trường đúng để nắm lấy. Luôn có một mối quan hệ gần gũi giữa sự thách đố và sự khích lệ lẫn nhau nơi một người nỗ lực thực thi công bình xã hội, và thách đố thì luôn đe dọa tiêu diệt nỗ lực ấy. Điều này là rất thật nơi người trẻ, là những người mới bắt đầu dấn thân vào nỗ lực thăng tiến công bình. Tôi thực sự lấy làm buồn khi nhìn thấy một vài người đã dập tắt ngọn lửa đã từng được bùng lên nơi một người qua việc kinh nghiệm về những người nghèo. Một người trẻ trở về từ chuyến đi thực tế của trường trung học và cảm thấy được đánh động bởi kinh nghiệm và những điều “tốt lành” về chính mình, vì những việc anh ta đã làm. Sau đó, một người đã từng biện hộ cho công bình xã hội đến gặp anh ta, và chỉ trích kinh nghiệm của anh ta, cho đó chỉ như là lòng tốt ở bề mặt, và phê phán rằng lòng tốt này không thể làm gì được trước một cơ cấu xã hội đang lôi kéo cộng đồng đi xuống. Mặt dù tôi có thể đồng ý với lập trường của vị này, nhưng tôi khó chấp nhập cách thức tiếp cận của ông ấy.

Điều này cũng giống như một ông bác sĩ chữa mắt mắng mỏ bệnh nhân, vì họ đã không thể đọc những chữ nhỏ ở trên bảng kiểm tra thị lực. Điều này thật ngớ ngẩn. Bệnh nhân đâu có lỗi gì, cũng không phải vì anh ta không có khả năng đọc các mẫu tự. Anh ta đơn giản chỉ cần những thấu kính phù hợp để giúp anh ta nhìn thấy. Điều này nên là mục tiêu của tông đồ xã hội – giúp người khác có được những thấu kính để họ có thể thấy những gì bất công đang diễn ra xung quanh họ.

 9. Thừa nhận và khoan dung với những vai trò và chiến lược khác nhau nhằm đạt đến công bình

Có nhiều công cụ trong việc biện hộ và tất cả đều cần thiết để tiến hành sứ mạng thực thi công bình. Đôi khi chúng ta cần một lực xoay nhẹ nhàng của một tua vít nhỏ để đọc thấu suốt những văn bản pháp luật hay các văn kiện thỏa ước; vào những lúc khác, chúng ta lại cần một cái búa tạ để làm cuộc phản kháng xã hội nhằm bày tỏ sự tức giận chính đáng trong một hoàn cảnh bất công. Chúng ta thường trở nên chia trí, xét như là những cá nhân hoặc những nhóm, khi chúng ta phê bình các thức tiếp cận công bình của những người hoặc nhóm khác, và chúng ta không thể nhận ra sự đa dạng của những năng lực biện hộ, vốn là những gì cần thiết để mang lại sự thay đổi. Nhóm với đặc điểm sử dụng cách tiếp cận búa tạ lên tiếng chê bai nhóm khác, vì cho rằng nhóm này đã im lặng khi đối mặt với bất công, nhưng họ không biết rằng nhóm kia đã thực sự có những bước dài trong việc dấn thân vào việc đối thoại trực tiếp. Nhiệm vụ của tông đồ xã hội là phải phối hợp nhiều hơn nữa, tạo ra nhiều mạng lưới hơn, và hiểu biết về các vai trò, các năng lực, và tài năng độc đáo của mỗi tổ chức và mỗi cá nhân, để thực hiện công việc biện hộ cho công bình xã hội.

10. Nhận ra gốc rễ thiêng liêng của sự bất công và những dính líu của bất công trong đường lối

Vào năm 2010, tôi có cơ hội đi cùng với một anh em Giêsu hữu, người này là cựu giám đốc của một trung tâm xã hội, và anh ta đã từng dấn thân mạnh mẽ vào tiến trình hòa bình và hòa giải ở Colombia. Tôi chú ý lắng nghe khi anh ta mô tả việc người ta đưa ra những kế hoạch và xếp đặt một chương trình cho những cuộc xung đột dữ dội, có vũ trang, điều đã khiến cho hàng ngàn người Colombia mất nhà cửa. Cuộc trò chuyện vẫn tiếp diễn khi tôi đang mong đợi một phân tích chính trị – xã hội rõ ràng và thuyết phục thì anh ta đột nhiên dừng lại và nói: “Nhưng này, Tom, vấn đề này xét cho cùng là một vấn đề thiêng liêng.” Có thể điều quý vị đọc ở đây không có sức đánh động giống như khi tôi nghe anh ta tuyên bố như vậy, nhưng tuyên bố này đã đánh động tôi một cách sâu xa, và vẫn còn lay động tôi cho tới bây giờ. Đây chính là một người đã từng dấn thân vào trong những thực tế gai góc của chiến tranh và tình trạng di tản, là người có kinh nghiệm trực tiếp trong thực tế kiến tạo hòa bình, và là người hãy còn đang tóm kết lại những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết những xung đột xét như là những vấn đề thiêng liêng trong bản chất của nó.

Công bình thường được nhìn như là một vấn đề pháp lý, triết học hay chính trị, là những vấn đề đòi hỏi một phản ứng có tính đường lối. Tuy nhiên, yếu tố thiêng liêng của công bình (và bất công) không thừa nhận cách thức xử lý được cho là của tông đồ xã hội, cũng như không công nhận đường lối biện hộ cho công bình, vốn chỉ càng làm cho người ta không chú ý vào yếu tố thiêng liêng của công bình.

TH 32 nhắc nhở chúng ta rằng “những nỗ lực thăng tiến công bình và tự do con người của chúng ta phải ở mức độ xã hội và cơ cấu, bất chấp những nỗ lực này có được coi là đã đủ hay không đủ. Bất công phải bị tấn công từ nơi gốc rễ của nó, đó là trong con tim nhân loại, ngang qua việc thay đổi những thái độ và thói quen dẫn đến bất công và nuôi dưỡng những cơ cấu áp bức” (SL 4/32). Đây là một kinh nghiệm đáng học hỏi cho cả tông đồ xã hội cũng như cho công việc mục vụ của tông đồ xã hội. Cụ thể là công việc biện hộ cho công bình của chúng ta cần phải thừa nhận và nhắm đến những gốc rễ thiêng liêng của sự bất công, trong lúc các nhà tĩnh tâm và các sứ vụ thiêng liêng của chúng ta có thể đóng góp rất nhiều trong việc thực thi công bình, bằng cách cho thấy những vấn đề thiêng liêng cũng dính dáng đến những vấn đề chính trị.

 LINH ĐẠO, CÔNG BÌNH VÀ CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI KITÔ (CLC)

 Vậy công bình có ý nghĩa gì với CLC? Trong “Oscar Romero, Tôn giáo và Linh đạo – Oscar Romero, Religion and Spirituality”, J. Matthew Ashley kể ra bốn yếu tố[*] xác định một nền linh đạo trưởng thành, và tôi tin các yếu tố này cũng có thể áp dụng để xét xem một người đã có ý thức trưởng thành về công bình hay chưa (The Way, 44/2[April 2005]113 – 133). Bốn yếu tố của một nền linh đạo trưởng thành là:

1. Nhắm vào kinh nghiệm có tính cá vị.

2. Yêu cầu một sự cam kết có ý thức vào trong một kế hoạch.

3. Một nguyên tắc hội nhất đời sống

4. Hướng về nguồn gốc siêu việt của giá trị và ý nghĩa tối hậu.

 Tôi đề nghị các thành viên của CLC có thể phản tỉnh, cá nhân hay cộng đoàn, về những yếu tố này và coi đó như là một tiêu chuẩn đánh giá cho những cam kết của mình về công bình.

 1. Kinh nghiệm có tính cá vị

Không gì có thể thay thế cho kinh nghiệm cá nhân. Tất nhiên, một người có thể có những lập trường về vấn đề công bình mà không cần đến kinh nghiệm cá nhân, tuy nhiên, cam kết sâu xa nhất của chúng ta đến từ những cuộc gặp gỡ mang tính cá vị. Đó là lúc một người gặp gỡ Chúa Giêsu, được Ngài thúc đẩy để cùng lao tác với Ngài, để có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những ai đang bị đối xử bất công, và để Ngài giúp mình giữ vững những cam kết lâu dài trong việc thực thi công bình. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải có khả năng chỉ ra những tình trạng bất công, nơi mà chúng ta có được kinh nghiệm trực tiếp và cá vị.

Câu hỏi giúp phản tỉnh:  Đâu là những nơi tôi đã có kinh nghiệm cá vị và trực tiếp về sự bất công?

 2. Một sự cam kết có ý thức vào trong một kế hoạch

Điều này có ý muốn nói rằng đời sống cầu nguyện và cam kết của một người cho việc thăng tiến công bình không phải là một cam kết tùy hứng hay rời rạc, nhưng đó phải là một cam kết có tính nhất quán và rộng mở trong những hành động cụ thể. Không một ai trong chúng ta có thể duy trì một mức độ cam kết như nhau về những vấn đề công bình, vốn rất đa dạng. Những vấn đề công bình đòi hỏi chúng ta phải có những lựa chọn về nơi chốn chúng ta sử dụng thời gian. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta không thể nắm giữ những lập trường về tính đa dạng của những vấn đề công bình. Chúng ta có thể và nên làm như vậy. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta, một cách tự nhiên, được cuốn hút vào một vấn đề cụ thể, giống như khi chúng ta được lôi cuốn bởi một hình thức cầu nguyện nhất định nào đó. Chống lại việc sử dụng mìn đối với một số người là chuyện quan trọng, trong khi những người khác có thể cảm thấy một lời mời gọi mãnh liệt để làm việc với những nạn nhân của bạo lực trong đất nước. Mục đích của việc cam kết có ý thức là ở chiều sâu của việc dấn thân vào một mục tiêu chứ không phải ở bề mặt, thậm chí là hời hợt, thiển cận đối với một loạt những vấn đề công bình.

Những câu hỏi giúp phản tỉnh: Tôi đã thực hiện một cam kết có ý thức vào một vấn đề công bình nào chưa? Hay tôi chỉ liên quan trong nhiều vấn đề trong khi lại không cho đi trọn vẹn chính mình vào bất kỳ mục tiêu nào?  Khi nghĩ về những vấn đề công bình, vấn đề nào đã thực sự lôi cuốn phản ứng đáp trả tình cảm sâu xa nhất trong con người tôi?

 3. Một nguyên tắc hội nhất đời sống

Linh đạo quy Kitô là một nguyên tắc hội nhất đời sống, một nguyên tắc xác định, trong một mức độ rộng lớn, cách thức một người tương quan với chính mình, với người khác, và với thế giới nói chung. Tương tự như vậy, khi chúng ta đưa ra một cam kết cho công bình, và bắt đầu xem xét về những cơ cấu và hệ thống xã hội sai trái đang đè nén người dân, điều đó thay đổi cách thức chúng ta tương quan với những người sống bên cạnh mình, với môi trường xung quanh, và với chính chúng ta. Chúng ta trở nên nhạy bén hơn với việc chúng ta tiêu thụ các nguồn tài nguyên (dầu, nước, điện) hoặc chúng ta trở nên ý thức hơn về những người sống ở giữa chúng ta (những người di dân).

Câu hỏi giúp phản tỉnh: Có phải cam kết của tôi cho công bình là một nguyên tắc hội nhất đời sống? Khi tôi có một lập trường về một vấn đề công bình, điều này đã thay đổi cách thức tôi tương quan với chính mình, với người khác, và với thế giới như thế nào?

 4. Hướng về nguồn gốc siêu việt của giá trị và ý nghĩa tối hậu

Điều này yêu cầu rằng đời sống thiêng liêng của chúng ta phải nhắm đến một ai đó hay một điều gì đó, là nền tảng cho tất cả mọi sự hiện hữu. Đối với các Giêsu hữu và những người sống linh đạo Inhã, Chúa Giêsu chính là nguồn gốc siêu việt của tất cả ý nghĩa và giá trị. Như Ronald Rohlheiser, tác giả của những sách thiêng liêng, viết rằng: “Chúng ta có một vị Thiên Chúa bằng xương bằng thịt!”, Ngài là Đấng mà chúng ta hiến dâng đời sống mình, và trong Ngài, chúng ta tìm thấy ý nghĩa và giá trị. Tương tự, một cam kết cho công bình phải mang lại cho một người ý nghĩa và giá trị.

Câu hỏi giúp phản tỉnh:  Những cam kết dấn thân cho công bình của tôi hướng đến Thiên Chúa hay quy về chính mình? Những cam kết này có giúp tôi tìm thấy ý nghĩa và giá trị không?

 Tom Greene, S.J

Philipphê  Trần Thanh Minh, S.J chuyển dịch từ Promotio Justitiae, n108, 2012/1



[*] Ban đầu, bốn yếu tố này được phát triển bởi sơ Sandra Schneiders, dòng Các Nữ Tu Tôi Trung Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria (Sisters, Servants of the Immaculate Heart of Mary – IHM).

Kiểm tra tương tự

Chúa Nhật của Niềm Vui – Suy tư TM CN 3 Mùa Vọng năm C

  Bạn có bao giờ cảm thấy buồn sầu? Nỗi buồn ấy không chỉ là …

Khai hoang tâm hồn (Lc 3, 1-6) | Suy tư TMCN 2 mùa Vọng năm C

KHAI HOANG TÂM HỒN (Lc 3, 1-6)   Bạn đã bao giờ có kinh nghiệm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *