01.01.1994, khắp các cánh đồng nhà nhà vang tiếng nguyện cầu, hơn 100 thợ gặt vào mùa. Tôi và một người bạn, từ Phước Long qua, vòng xuống con đường đất mới mở, từ Sao Bọng tới Thống Nhất rồi trở ra hông chợ, gặp một bạn đường đi ngược chiều, anh cũng đã bước những bước đầu tiên của hành trình loan báo Tin Mừng như bao người bạn khác, anh vừa từ nhà một lương dân bước ra, nhìn thấy tôi, anh cười rất tươi, nhưng bước chân mới mẻ sao khỏi vụng về, chia tay anh trong lời nguyện lên đường, tôi gặp một cụ già đang chăn bò, đến lượt tôi cũng vụng về không kém, chỉ biết hỏi thăm, trao cho ông vài cái kẹo, hỏi tên ngôi làng rồi đi tiếp.
Chúng tôi đã phân chia nhau đi khắp nơi, anh em Sơn Hoà, Sơn Lang qua các xã Đoàn Kết, Đồng Nai, Thống Nhất; anh em Bù Đưng đi Minh Hưng, Bù Trang rồi BamBo; anh em Đăng Lang đi khắp vùng Dak Nhau, anh em Quảng Tín đi Dak Min và tới tận Dak gâl; anh em sóc Bù Jrah vượt sông Đồng Nai đi Cát Tiên; anh em Kiến Đức, Quảng Tân và Dak Tich đi Quảng Trực rồi Dak Bù So; anh em Bu Kôl đi vào Quảng Khê; anh em Quảng Sơn đi Quảng Phú. Ngày này qua tháng khác với những bước chân miệt mài, ngôi làng ông già tôi gặp ngày ấy đã lãnh nhận phép rửa mấy đợt rồi…
Sóc Bù Kroi có đôi vợ chồng trẻ, anh chồng mỗi lần ngang qua nhà thờ Bù Đăng phải chạy rất lẹ vì sợ tượng ông Chúa đứng sừng sững giữa sân, thế rồi khi đây đó lác đác có người trở lại đạo, anh dò hỏi và được biết vào đạo Chúa không cần phải giết heo bò cúng tế, Đấng Thiên Chúa là tình yêu giầu lòng thương xót chứ đâu có thù vặt như ma Rừng hay ma núi, và anh đã tự tìm đến nhà người thợ săn ở Bù Đưng xin được tiếp nhận, sau đó xin theo học khóa đào tạo Giáo Lý Viên tại. Ngày anh em cất bước lên đường, anh đứng ra tiếp nhận bà con, chỉ một tháng trời mà đã có gần hai chục gia đình. Có người vào đạo là phải tìm nơi họp nhau đọc kinh cầu nguyện, anh bàn bạc với mọi người, và thế là miệng nói tay làm, bà con kéo nhau vào rừng chặt tre và cắt tranh, tuy nhiên căn nhà mới vừa lợp xong mái đã nhận được lệnh phải rỡ bỏ, vì làm nhà để ở thì lớn cách mấy cũng được chứ nhà nguyện dù nhỏ xíu cũng phải xin phép, cái khó ló cái khôn, anh đã cùng vợ kê giường xuống bếp ở để dành trọn căn nhà của mình cho bà con họp nhau sinh hoạt. Hôm nay, nhà bếp của anh đã được nới rộng thành nhà ở, và nhà ở cũng được bà con góp sức dựng lại thành nhà nguyện. Thế là từ một cặp vợ chồng son, Tin Mừng được công bố cho cả làng. Nơi suối nước rửa tội, thể xác bà con trở thành cung thánh, và ngôi nhà ở trở thành nhà nguyện là lẽ đương nhiên, đời Kitô hữu là thế.
Một chàng trai ở sóc Bù Lôn, đã theo đạo từ năm 1972, nhưng suốt thời gian ly loạn, anh không còn nhớ gì hết, mãi tới tháng 6 năm 1993, anh tìm đến nhà thợ săn xin trở lại và được gửi đi học khóa giáo lý và cầu nguyện, và anh đã lên đường ngay sau ngày 8 tháng 12/1993, nghĩa là khi vừa nhận được lệnh ấn định ngày khởi hành, tương tự như vậy, tại Dak Nhau, anh em cũng đã đi trước một bước, tới đúng ngày 1/1/1994, con số báo về đã là 31 gia đình.
Bù Đang Srêy một ngôi làng nằm ngay bên đường, 3 năm trời đi ngang qua, chưa tìm được cơ hội để vào, thì chiều nay 1.1.1994, tôi đã có thể đặt chân tới, một bạn đường từ nhà thôn truởng bước ra, mặt đỏ gay, vui vẻ dắt tôi vào nhà, anh không ngờ cánh cửa nhà này sẵn sàng đến thế. Bước đầu gặp gỡ, chưa nói được gì, thì cứ lấy ly rượu làm đầu câu chuyện, cả hai gặp gỡ thân tình. Thế rồi chỉ ít tháng sau, anh chàng thợ săn Bù Đưng đã đưa thôn trưởng trở về. Thói quen của bà con sắc tộc bấy giờ còn sống chung đại gia đình trong những ngôi nhà tranh dài và rộng, nhà thôn trưởng chỉ có hai anh em, hai gia đình chung một mái nhà với 2 bếp lửa ở hai đầu, chàng thợ săn đã gặp gỡ gia đình ông em, sau khi cả nhà thuận lòng theo Chúa, anh đã đốt tất cả những đồ thờ cúng và rảy nước thánh khắp phần nhà của chú em, thôn trưởng thấy vậy, sợ tà ma chạy qua nhà mình, hai ngày sau cũng tìm gặp thợ săn và xin vào đạo, và cả nhà đón nhận Tin Mừng. Ngặt một nỗi thôn trưởng số đào hoa có tới 3 bà vợ, năm đó được 6 đứa con, tất cả sống chung vui vẻ, đầm ấm, biết làm sao bây giờ. Mười năm sau, ngôi nhà này đã có thêm 4 đứa con nữa, một chàng rể và một cháu ngoại, tất cả vẫn trong vòng tay của Thiên Chúa giầu lòng thương xót, và tôi cũng thường ngủ qua đêm tại đây như nhà của mình.
Chàng thợ săn nhận nhiệm vụ đi tới Bù Có, ngôi làng có ông già tôi đã gặp trên đường, anh còn có duyên nợ với Bù Trang và Bambo. Hôm nay khi ngồi ôn lại chuyện xưa, tôi hỏi tại sao có những làng tôi hối thúc anh hoài mà vẫn không nhúc nhích, Bu Dăng Srêy chẳng hạn, nghe anh trả lời, tôi mới thấy anh ta khá tài tình, anh nói trước khi trao Lời Chúa phải phát quang đã chứ, những sợi giây chằng chịt mê tín, những món nợ thần linh phải đợi bà con trả xong. Năm 1991 khi gặp anh, lúc đó anh mới có 2 đứa con, năm nay anh đã có cháu nội. Đó là một chàng trai lanh lẹ, vừa lo việc đạo vừa có chân trong tổ an ninh thôn ấp. Trong sóc, anh còn là già làng. Gia đình anh theo đạo từ trước năm 1975 nhưng chưa được rửa tội, tới năm 1989, anh được một người bạn săn người Kinh giới thiệu với nhóm anh em truyền giáo Long Điền, và thế là không chỉ riêng nhà anh, vì anh là già làng, mà là cả sóc tin theo. Từ sóc nhà, hai vợ chồng anh đi tiếp sóc Bù Dôh, ngày đầu truyền giáo, anh chị vào nhà bà thím, gặp ngay lúc bà đang rảy máu gà trong kho lúa vì hồi sớm sơ ý đánh rơi mấy hạt lúa vào lửa, sợ thần lúa nổi giận, mùa tới không chịu cho lúa về nhà thì đói mất, và thế là anh chị có dịp để nói về Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và ban hoa màu ruộng đất cho con người, bà thím cùng gia đình liền tin theo, cứ thế, từ nhà này lần la qua nhà khác, chồng thì giải thích, vợ thì lo dậy kinh bằng tiếng Kohor đã thuộc trước kia. Năm 1991, khi tôi đặt chân tới đây, số bà con trở lại đã được quá nửa sóc, và còn lan qua sóc Đak Lah mấy gia đình nữa.
Anh thợ săn của chúng ta đã lên đường từ dạo ấy, bước đầu miệt mài, nhưng mấy năm sau này anh hững hờ lắm. Cái gì đã làm anh xa dần sứ vụ, anh làm việc với thôn xã, quen biết nhiều, ưa uống rượu rồi say sưa, có phải con ma men đã ngăn chận bước chân anh, dù lửa nhiệt tình chưa tắt trong tim. Thực ra, ma men chỉ cản trở một phần, còn lại gánh nặng gia đình, nguyên việc lo cho đứa em trai vợ lập gia đình rồi đưa vợ về cũng đòi nhiều công sức: anh phải làm nhà mới để cậu em về có nhà ở, phải lo trả của cho gia đình nhà sui, tốn kém cũng nhiều. Năm vừa qua gia đình anh lại gặp đại nạn: đứa con dâu bị khối u ở não, bệnh viện chê rồi vẫn không an lòng. Nỗi ám ảnh bùa ngải làm anh lo chạy thầy chạy thuốc tứ tung, cuối cùng con mất còn chất thêm nợ. Sau đó ít tháng thêm đứa cháu, con của em vợ bị ung thư máu, thêm một cái tang, gia đình mẹ vợ và cậu em hoảng quá, bỏ ngôi nhà anh đã dày công gây dựng từ năm 1991. Đây là ngôi nhà gỗ đầu tiên của sóc này, ban đầu lợp tranh, sau thay ngói, rồi xây nền lát gạch tàu, phải mất cả chục năm mới hoàn chỉnh, giờ lại phải dựng một ngôi nhà mới, nhỏ hơn nhưng người ở an lòng, vì bà mẹ vợ già chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh vẫn hằng đeo đẳng bà con trước đây mỗi khi trong gia đình có người đi vào bên kia thế giới, sợ rằng người chết tìm được đường trở về nhà thì khổ. Thói quen của bà con xưa kia là hễ trong nhà có người chết thì đốt bỏ luôn ngôi nhà, và phải đốt trọn 7 ngày, nhưng đấy là thời du mục sống dưới các mái nhà tranh tre nứa, chứ nay nhà gỗ vững vàng thì ít có chuyện gỡ bỏ, bán cho nơi khác. Con chết, cháu chết, còn bị gia đình sui gia trách móc, và bị người này người nọ mỉa mai, đúng là họa vô đơn chí.
Khi đứng ra cử hành phụng vụ Lời Chúa đưa tiễn đứa cháu, tôi đã cống bố Tin Mừng thánh Gioan đoạn Ngôi Con cất tiếng gọi Cha: “Cha ơi, con đến cùng Cha” (Ga 17, 11) và tôi đã đặt lời này vào miệng đứa trẻ, và xin mọi người đặt con trẻ vào vòng tay Cha, để tiếng khóc đau thương hôm nay trở thành tiếng reo vui vì một người con của sóc vừa đến cùng Cha và đang được Cha ôm vào lòng.
Đứng nhìn anh thợ săn đưa tiễn cháu gái, tôi thấy thương anh qua chừng, chỉ một thời gian ngắn mà anh phải vượt qua bao thăng trầm, gánh chịu nhiều lo toan, nhiều phen mệt mỏi rã rời cả tinh thần lẫn thể xác, có người thấy anh xa dần sứ vụ buông lời trách móc, và tỏ ý tiếc cho một con người bước đầu là thế mà nay sao quá lạnh nhạt, thế nhưng trước mắt tôi, anh vẫn dễ thương, bố con gặp nhau, lần nào cũng vậy, con nấu cháo gà, bố đùa vui rồi khích lệ, nhưng đúng là có những lúc nếu chỉ dựa vào sức riêng thì anh phải cố gắng lắm mới lê nổi tấm thân và gia đình. Anh đã bước đi giữa cái phi thường với bình thường và tầm thường, ai chả vậy. Anh đã nhiều lần quyết tâm, nhưng chưa nhúc nhích là mấy, dù sao, vào mùa truyền giáo lần này, trước tiếng gọi ngàn năm, anh đã xin được tiếp tục hành trình dang dở, và anh đã lên đường.
Các sóc người Stiêng vào những năm 1991 còn có nhiều người chơi ngải, cứ coi như một loại độc dược để phòng thân, người khỏe mạnh không nói làm gì, nhưng trẻ con và người yếu đau là dễ nhiễm độc, Giáo Lý Viên truyền giáo tới đâu, bà con nộp ngải độc tới đó, có những củ ngải chính chủ nhân không dám thiêu hủy, chỉ có Giáo Lý Viên là người dám đốt tất cả, từ những đồ thờ cho đến ngải độc, người đi loan báo Tin Mừng còn đóng vai sứ giả của Hội Thánh, cầu nguyện cho người yếu đau và cầu nguyện khi tiếp nhận người mới trở lại, nếu bà con đã quen mời thày cúng mỗi khi trong nhà có người đau yếu, thì nay, trong bước đầu mới trở lại, bà con thường mời Giáo Lý Viên tới cầu nguyện, thế có nghĩa là một khi cất bước lên đường, công việc của gia đình nhiều khi phải xếp lại, có khi vừa vác rựa ra tới rẫy đã có người đuổi theo xin anh đi tới sóc mình cầu nguyện. Chưa hết, đi đã vậy, về lại có những người sóc mới theo chân anh về nhà chơi để nghe anh giảng giải thêm và để tập đọc kinh, anh đi trước, kéo thanh niên theo sau, rồi thanh niên các sóc mới lại theo về, cứ thế, khắp các buôn làng bỗng dưng bừng sống dậy trong lời kinh và thánh ca cùng với tiếng hò reo sinh hoạt.
Suốt 3 năm đầu vào sứ vụ trên vùng đất này, tôi đến các buôn làng đã có người theo đạo trước 1975, đi từ làng này tới làng kia, chỉ làm một việc là thăm viếng và cầu nguyện, và thế là tất cả thức giấc trong lời kinh tạ ơn và chúc tụng. Nhớ lần đầu tiên tới Dak Nông, tìm đường tới Buôn Kôl, tôi và một người bạn đi trúng phải con đường rừng heo hút, lầy lội và hoang vắng, tới một ngã ba, chúng tôi đi đường bên phải, may quá cuối cùng lộn đường mà cũng tới. Con đường chúng tôi đi nằm bên kia suối của sóc, hai cô gái đang ngồi giặt đồ, thấy khách lạ cứ trố mắt nhìn chứ đâu ngờ đấy lại là bố mình. Tôi đã ở lại đây một buổi chiều và một buổi sáng. Cùng với các thanh niên, chúng tôi vào từng nhà, sau mấy lời thăm hỏi, chủ nhà kể sơ qua về hoàn cảnh của mình, có ngươì còn xưng thú cả những lỗi lầm yếu đuối nữa, tôi đón nhận tất cả, đem đặt tất trong vòng tay Thiên Chúa giầu lòng thương xót và hướng ý cầu nguyện, tất cả đọc kinh lạy Cha, thầm thĩ dâng lời nguyện cho gia đình, hát một bài kết, rồi đi tiếp nhà khác. Rời Buôn Kôl, chúng tội đi ngược về Bù Jrah, rồi Bù Dốp và Finao, khắp nơi, chỉ thăm hỏi và cầu nguyện, và thế là lần tiếp theo sẽ có thêm một số gia đình, thêm những làng mới có người tin theo.
Vào làng, ở với bà con, thăm viếng có nghĩa là phải ngủ lại qua đêm, kể cũng hơi liều đấy, nhưng không thể làm khác được, đến mà đi liền bà con sẽ nói đi thăm bẫy chứ có thăm gì ai. Biết mình là người của Hội Thánh, được sai đến với bà con, có nghĩa là thuộc về bà con, tôi đâu thể tính toán theo ý mình. Lần đầu tiên vào Bù Jrah, ông bố thì muốn đi lặng lẽ, con cái vui quá, châu đầu mấy xe gắn máy rọi đèn diễn văn nghệ, chiều hôm sau, qua Bù Đốp (thôn 4 Nhân Cơ), bà con kéo tới đông đặc, ồn ào, ở lâu e không tiện, xin bà con cho đi sớm, cố giải thích là phải khôn ngoan để lần tới còn trở lại, anh Giáo Lý Viên đứng lên nói một cách thản nhiên: “Bố đến đây, chúng con không bảo đảm gì hết, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng đâu ngoài ý Chúa”, và thế là tôi đành phải ở lại, bất chấp tất cả. Chiều hôm sau, qua Finao, cả đám thanh niên đi theo, tưởng gì, tối đến bà con đốt đuốc cắm quanh sân diễn văn nghệ, đêm nay bà con ca múa rất khuya, tôi vui quá, chẳng còn đầu óc để dè chừng những bất trắc có thể xảy ra, hơn nữa ngủ lại Bù Đốp đêm qua đã làm tôi mạnh dạn hơn rồi.
Vòng trở lại Buôn Kôl, tôi quyết định đi Quảng Khê, một xã khó khăn không cho anh em Giáo Lý Viên Buôn Kôl tới đây truyền giáo. Tôi đi cùng với bác sĩ K’Tông người sắc tộc quê vợ ở đây. Tới nơi, cái điểm tôi nghĩ là khó khăn nhất lại dễ nhất, gặp CA xã, tôi xin được ở lại, anh nói một mình không thể quyết định, phải mời thêm bí thư và chủ tịch nữa, tất cả gặp nhau ở nhà bố vợ K’Tông, chúng tôi đã thức thâu đêm suốt sáng để trò chuyện và ca hát, thực tế là để làm quen, cũng nhờ đêm nay mà anh chàng CA trở thành đứa con yêu dấu của tôi, còn lại những người khác thì rất thân thiết. Vì đây là một xã có nhiều thôn, do đó tôi chỉ gặp gỡ và cầu nguyện với bà con ở những điểm chung, chứ không thể đi từng nhà cầu nguyện.
Rời Quảng Khê, tôi trở về Buôn Kôl và hôm sau nữa đi vào Quãng Sơn. Chiếc xe gắn máy của tôi lần này chở 3, đến nơi mới nhìn thấy cái vỏ đã nứt cả vòng tròn, hãy đợi đấy! Cứ vui vẻ gặp gỡ bà con đã. Gặp công an xã, tôi vẫy chào xin phép ở lại, rồi theo thói quen, tôi được dẫn vào từng nhà để thăm hỏi và cầu nguyện, đến 8 giờ đêm đang ngồi chơi uống rượu cần thì có người lạ tới ngồi cạnh hỏi thăm, và sau đó nửa giờ 2 công an huyện tới, nhưng vì tránh không muốn bà con xôn xao nên anh để tôi tiếp tục ở với bà con đêm nay, sáng mai mới gặp lại. Nói vậy thôi chứ tránh sao khỏi xôn xao, và tôi cũng thấy lòng nôn nao, khuya về nằm trằn trọc lo nghĩ trong khi cái bụng lại dở chứng ọc ạch suốt. Đêm nay trăng sáng quá, hay mình bỏ trốn, vì 2 anh công an huyện giờ này được công an xã rủ đi giăng câu rồi, mấy Giáo Lý Viên can ngăn ngay vì làm thế sẽ gây khó khăn cho bà con sau này. Tôi chỉ dọ ý vậy thôi, chứ ông bố nỡ lòng nào bỏ đi để gánh nặng cho con.
Sáng hôm sau chúng tôi vẫn họp nhau cầu nguyện, bắt tay nhau như thể chia tay, có nước mắt của các bà các cô, rồi các già làng dẫn tôi ra xã làm việc. Tôi bước đi và cảm thấy lòng mình thanh thản hơn bao giờ hết, vì cũng hơn bao giờ hết, tôi biết rằng mình là người của Chúa và đang bước đi trong tay Ngài, biết rằng “ông chẳng có quyền gì trên tôi nếu từ trên không ban cho”. Chúng tôi đã ngồi nói chuyện gần hết buổi sáng để đôi bên hiểu nhau và thông cảm cho nhau, tôi nói rõ mình đến đây chỉ là để thăm hỏi bà con, và để khích lệ bà con vững tin vào Chúa, Đấng giải thoát bà con khỏi mê tín lạc hậu, khỏi những ám ảnh thần linh lẫn lộn với ma quái để rồi phải giết heo bò cúng tế tốn kém, làm cho cuộc sống bà con đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Anh hỏi lại rằng theo lời khai của tôi thì mỗi nơi tôi chỉ ghé một ngày, làm sao bà con có thể vững tin hơn được. Tôi chỉ tủm tỉm cười nói rằng chuyện này anh không tài nào hiểu nổi đâu. Làm việc xong xuôi, công an xã mời tất cả về nhà làm mồi nhậu. Trưa nay, một buổi trưa rất vui, có 2 anh và có tất cả Giáo Lý Viên vùng này cùng xoay vần ly rượu, sau đó tôi tiếp tục gặp bà con thôn 1 đầu xã, cầu nguyện và ăn uống xong xuôi mới cất bước ra đi. Tôi cứ đi, có ngờ đâu phía sau tôi, anh công an xã lặng lẽ đi theo cho đến khi tôi rời Dak Nông mới thôi, vì anh sợ tôi có thể bị chặn lại trên đường. Quả thực, người đã sai thiên thần canh giữ tôi mà tôi đâu có hay, cũng từ kinh nghiệm này, tôi nhận biết rất rõ ràng Chúa ở với mình, ở với người môn đệ trên đường loan báo Tin Mừng, như lời Người đã hứa (Mt 28, 20).