Đức Kitô và Lề Luật – Mt 5, 43-48

Ngày 14/6/2011
Thứ ba, sau CN XI TN

Đức Kitô và Lề Luật

Mt 5, 43-48

1. Đức Giê-su hoàn tất Lề Luật

Trong Bài Giảng Trên Núi, theo Mt, để giúp chúng ta hiểu cách Ngài hoàn tất lề luật (Mt 5, 17), Đức Giê-su trình bày năm minh họa ; và mỗi minh họa đều được bắt đầu bằng công thức sau đây : « Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em » (c 21, 27, 33, 38 và 43). Như thế, từ giờ trở đi, lời của ĐGS sẽ thay thế cho Luật của Thiên Chúa ; hay nói cách khác, Thiên Chúa giờ đây không còn dạy dỗ chúng ta bằng Lề Luật nữa, nhưng bằng lời của ĐGS, bằng chính ngôi vị của Đức Giê-su. Đây chính là biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ ; và tương quan của ĐGS với Lề Luật thuộc về biến cố trọng đại này. Sau đây là năm trường hợp, minh họa cho cách ĐGS hoàn tất lề luật :

  • Luật chớ giết người
    • Luật chớ ngoại tình
    • Luật chớ bội thề
    • Luật ngang bằng, nghĩa là luật « mắt đền mắt, răng đền răng », mà chúng ta đã nghe trong bài TM hôm qua.
    • Và luật « yêu đồng loại và ghét kẻ thù », mà chúng ta vừa nghe trong bài TM.

Những minh họa mà ĐGS đưa ra, chỉ liên quan đến năm điều luật, nhưng là những điều luật thiết yếu giúp cho sự sống của con người được duy trì và phát triển. Và trường hợp thứ năm, mà chúng ta vừa nghe trong bài TM, là điểm tới và là đỉnh cao không chỉ của các minh họa, những của cả toàn bộ Lề Luật được Đức Kitô hoàn tất. Bởi vì, tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những minh họa trước đó, chẳng hạn minh họa thứ tư mà chúng ta nghe hôm qua. Nhưng ở đây, tình yêu được nêu ra một cách minh nhiên và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của Cha trên trời.

Đức Giêsu mời gọi người môn đệ sống nguyên tắc “Cha nào con nấy”, như chính Ngài đã sống. Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

2. « Cha nào con nấy »

Thật ra, giới luật: “hãy ghét kẻ thù” mà Đức Giêsu trích dẫn không hề có trong bộ Ngũ Thư (Torah). Người ta có thể tìm thấy những lời tương đương, nhưng chỉ áp dụng cho một dân tộc đặc thù (x. Đnl 23, 4), chứ không áp dụng cho kẻ thù nói chung. Sự oán ghét không bao giờ là đối tượng của một giới luật, nhưng chỉ là một hệ quả thực tế của nguyên tắc: “bạn của anh là bạn của anh, kẻ thù của anh là kẻ thù của anh, anh cứ theo đó mà ứng xử”. Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan đến kẻ thù, dù không có trong Torah, vẫn diễn tả cách trung thực giới luật: “anh hãy yêu mến người thân cận”  được diễn giải và được sống trong thực tế.

Chìa khóa để hiểu những lời này của Đức Giêsu vẫn là hành động khởi đi từ điểm khởi đầu, là con tim yêu mến, và từ nguồn gốc, là TC tình yêu; nghĩa là, thay vì yêu mến “những người yêu mến anh em”, thì anh em đừng chờ đợi để yêu mến. Anh em hãy khởi đầu, hãy yêu mến trước, và đừng biến tình yêu của mình thành gương soi của tình yêu mà anh em chờ đợi hay nhận được. Cha ở trên trời luôn hành xử như thế đối với chúng ta!

3. Lời của Đức Giêsu là “luật của tự do”.

(1) Để có thể tồn tại, xã hội loài người đã phải thay đổi những luật lệ của mình. Nhưng đã đủ chưa khi có những bộ luật mới?

(2) Phải chăng những lời này của Đức Giêsu là lề luật? Nếu đó là những điều luật như những điều luật khác, thì người ta sẽ phải khắc chúng xen vào tảng đá Mười Điều Răn! Có nhiều người đã hiểu luật của Đức Giêsu như thế đấy: chỉ có nội dung thay đổi, còn cách thức vẫn vậy. Nếu hiểu lời của Đức Giêsu theo nghĩa vật chất (material) như thế, người ta sẽ lấy đâu ra sức mạnh để tuân giữ? Và hậu quả sẽ thật lệch lạc và chết chóc.

(3) Ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo giao ước mới và luật của giao ước mới sẽ không còn được khắc trên đá nữa, nhưng trong tận đáy lòng con người. Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của ngài gợi ra, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất. Chính Đức Giêsu đã hoàn tất toàn bộ “luật của Ngài” trong cuộc Thương Khó; nhưng chúng ta không thấy Ngài hành xử đúng theo từng chữ những gì mà Ngài đã giảng dạy. Thậy vậy, bị vả má này, Ngài đâu có đưa má kia ra đâu; nhưng đã hỏi: “Tại sao anh tát tôi?” (Ga 18, 23; đọc thêm Cv 23, 2-5)

Vì thế, lời của Đức Giêsu không thể được tuân giữ do áp đặt từ bên ngoài. Dù sao, nghe những lời này của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta có lý để than vãn: quá khó để thực hành những gì Ngài muốn; nhưng thật ra, hiểu cũng đã khó quá rồi! Vậy làm sao tìm ra “lối đi”. Chính Chúa Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta đạt tới đích trong tự do; vì áp đặt sẽ làm hỏng luật của Đức Kitô tận gốc rễ.

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *