Như Cánh Chim Tìm Về Tổ Ấm

NHƯ CÁNH CHIM

TÌM VỀ TỔ ẤM

Truyện ngắn

Đi Sài Gòn về, ba tôi dắt theo một ông anh mặt mũi lạ hoắc. Trước sự tò mò của mấy anh em tôi, ông tuyên bố: ‘nhà mình sẽ có thêm một thành viên mới’. Thành viên mới có dáng người ốm nhom ốm nhách, nước da trắng nhợt và cặp mắt ướt mèm như con gái. Cặp mắt ướt ấy hướng về phía má tôi, lúng túng với cái giọng rặt xứ Bắc: ‘Con chào mạ!’. Má tôi còn chưa biết phản ứng thế nào thì ba đã bật cười trước vẻ lúng túng của hai người. Ông nói lớn: ‘Thôi, má nó dắt thằng Dưỡng ra nhà sau cho con nó tắm rửa thay đồ. Tối nay tôi sẽ nói chuyện với cả nhà’…

Ba tôi gặp anh Dưỡng ở bến xe Sài Gòn. Trong chuyến hành trình trở về, ông quyết định nhận anh làm con nuôi. Đó là tất cả những gì anh em chúng tôi được biết. Sau đó là chuyện của ba người lớn: ba má tôi và anh Dưỡng. Không biết ba đã nói gì với má, ngày hôm sau tôi thấy má chăm sóc cho anh Dưỡng tận tình và dịu dàng như thể anh đã là một thành viên chính thức của gia đình tôi…

Tôi không thích cặp mắt ướt của anh Dưỡng. Con trai gì mà cặp mắt ướt nhèm, lúc nào cũng như sẵn sàng để khóc. Những ngày mới về, anh ngủ chung giường với tôi. Nửa đêm tôi thường phải giật mình thức giấc bởi tiếng thút thít bên cạnh mình. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, tôi nhận ra cặp mắt ướt đang đăm đăm nhìn lên mái tranh. Cặp mắt đỏ đẫm nước. Cặp mắt ấy ám ảnh tôi hoài, nhất là những lúc nó chuyển từ trong veo óng ánh đến đỏ hoe ngập nước. Lúc đó tôi chưa hiểu rằng người ta có thể đọc được bão tố trong lòng của một người qua những đổi thay của ánh mắt. Ánh mắt sâu thăm thẳm hàm chứa bao điều bí ẩn…

—–+—–

Ba bảo tôi gọi anh Dưỡng bằng anh, vì anh lớn hơn tôi bốn tuổi. Tôi cũng thích, vì từ nhỏ tới giờ có được gọi ai là anh đâu. Tôi chỉ mơ có được một người anh ở cùng phe với tôi, bảo vệ tôi mỗi lúc tôi bị bọn nhóc xóm dưới tấn công.

Nhưng anh Dưỡng chẳng đáng mặt làm anh tí nào. Những ngày đầu về ở nhà tôi, chuyện gì anh cũng không biết. Anh làm gì cũng vụng về lóng ngóng như thể chưa bao giờ anh phải đụng tay đụng chân vào những công việc vặt vãnh trong nhà vậy. Đã thế, anh lại có dáng người yểu điệu, lại hay khóc. Khi tôi giới thiệu anh với mấy đứa bạn, sau một hồi dò xét, tụi nó trề môi: “Anh mày sao giống ‘bóng’ quá!”. Cũng phải, so với mấy đứa nhóc đen nhẻm ở đây, anh dường như chẳng có dáng vẻ gì làm cho chúng nó nể nang cả. Trong khi mấy đứa nhỉnh hơn tôi một hai tuổi thì người đã đen nhẻm cuồn cuộn cơ bắp, anh Dưỡng thì nước da trắng trẻo ẻo lả. Tụi nó ăn to nói lớn, anh thì lúc nào cũng như có vẻ sợ sệt nhát hít.

Dường như anh Dưỡng chẳng thèm để ý đến những lời xầm xì mà bọn nhóc chúng tôi bàn tán về anh. Có đứa cả gan chạy ngang trước mặt anh rồi đột ngột hét lên “Anh bóng!”, anh cũng chỉ cười trừ… Thế mà có một lần anh khóc trước mặt bọn tôi. Đó là lúc thằng Tin, vốn là đứa tinh ranh nhất trong nhóm, sau một thời gian dò hỏi ở đâu đó, nó tuyên bố với cả nhóm “Tao biết rồi, anh Dưỡng mày là người thành phố. Người thành phố ai cũng trắng bóc như cục bột, người thành phố không quen những việc tay chân, chăn trâu thả bò như tụi mình.” Khoái chí với phát hiện đó, tụi nó kéo nhau tới hỏi thăm anh Dưỡng, biểu anh kể chuyện thành phố cho tụi nó nghe… Anh chỉ cười ậm ờ cho qua chuyện. Thằng Tin bực mình chưởi đổng “Đ.m. người thành phố làm sang!”. Anh khóc. Hình như câu chưởi thề của thằng Tin vừa chạm đến một góc mỏng manh nào đó trong tâm hồn anh. Hình như nó vừa khơi dậy điều gì đó chưa kịp ngủ yên trong anh…

Rồi bọn nhóc chúng tôi cũng sớm tha cho anh để quay trở về với những trò chơi mạnh bạo quen thuộc của tụi mình. Anh Dưỡng được tự do để một mình thơ thẩn giữa làng quê.

Ba tôi bảo không khí làng quê trong lành có thể giúp người ta sống khỏe mạnh, đời sống làng quê hiền dịu có thể chữa lành nhiều điều trong tâm hồn người ta. Điều đó đúng với anh Dưỡng. Sau vài tuần đầu bỡ ngỡ, anh Dưỡng nhanh chóng trở nên háo hức với nhiều điều lạ lẫm nơi quê tôi.

Có buổi đang ngủ trưa, anh khoèo chân tôi, bảo ra đồng chơi. Tôi cằn nhằn: “Ra đồng làm gì giờ này chứ?” Anh nói, ra đồng nghe chim cuốc nó kêu. Trời ạ! Mấy con chim cuốc nó kêu buồn thấu gan thấu ruột, có gì hay ho đâu mà nghe! Tôi lại cằn nhằn: “Thì anh cứ thò đầu ra cửa sổ là nghe liền, cần gì phải ra đồng giữa nắng chang chang vầy”… Anh cười hì hì: “Nghe vậy không có… lãng mạn”. Tới nước này thì tôi chịu thua.

Mà đúng là anh Dưỡng lãng mạn thật. Anh có thể thả hồn hàng giờ trên cánh đồng quê tôi. Với tôi, cách đồng quê đã trở nên quá quen thuộc, có gì khác ngoài lúa và gió! Nhưng hình như những người lãng mạn thì có cảm thức khác. Họ biết cách đọc ra cái gì đó đặc biệt từ những cái tưởng như rất tầm thường, bình dị của cuộc sống. Với anh Dưỡng, dần dần tôi học cách khám phá lại những nét tiềm ẩn ngay chính nơi làng quê của mình. Tôi nhắm mắt hít hít để tận hưởng mùi hương lúa, mùi hoa cỏ, mùi gió. Tôi lặng lẽ ngắm những cánh tầm gửi bám vào thân cây chủ để vươn lên. Tôi nằm hàng giờ ngữa mặt lên nền trời để ngắm những cánh diều chấp chới và lặng lẽ gởi những ước mơ của lòng mình theo gió…

Chiều chiều, nhìn những cánh chim bay về núi anh Dưỡng cứ bần thần ngơ ngẩn… Anh bảo con người có khi không bằng một con chim. Chim có tổ, bay đâu thì bay, tới chiều chim luôn quay về nhà mình. Mọi chuyện gác lại đằng sau. Không phải âu lo muộn phiền gì với ngày sống… Còn con người thì khác, có khi họ đi đi hoài mà chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện mơ về chốn cũ. Có khi họ kết thúc một ngày làm việc với bao bận rộn lo toan. Họ vất vả hơn nhiều so với con chim trên trời và cánh hoa ngoài đồng…

—–+—–

Sau một thời gian, anh Dưỡng tham gia giờ kinh tối với gia đình tôi. Anh nói anh thích cái bình dị, yên lành trong hạnh phúc của gia đình tôi. Anh nói anh thích cái nhịp sống nhẹ nhàng mà có gì đó sâu lắng. Anh nói hình như tất cả những bình yên ấy đến từ giờ kinh tối, là những lúc cả gia đình quây quần lại, hiệp ý hiệp lòng trong cái trầm lắng thánh thiêng.

Trong tủ sách nhà tôi, anh Dưỡng thích nhất là quyển “Uống Nước Nhớ Nguồn”, là sách về hạnh tích 117 thánh tử đạo Việt Nam. Có lần khi đang đọc sách, anh buột miệng: “Thánh này ở quê mình”… Tôi chưa kịp chạy lại để xem ông thánh đó là ông thánh nào, nghĩa là quê anh là cái quê nào… anh đã gấp sách lại, thẫn thờ. Dù tò mò muốn biết chuyện của anh, chẳng hiểu sao tôi lại e ngại lắm những lúc thấy anh thẩn thờ. Tôi sợ chạm vào điều gì đó mỏng manh trong lòng anh. Tôi sợ khơi lại điều anh đã muốn quên. Tôi sợ làm anh đau…

Rồi anh cùng bọn nhóc chúng tôi đến nhà thờ mỗi chúa nhật. Hồi đó, từ làng đến nhà thờ, chúng tôi phải đi bộ đến hơn bốn cây số. Mỗi ngày Chúa nhật, con đường nhỏ nối ngôi làng tôi với nhà thờ như vào ngày hội. Con đường rộn vang tiếng cười tiếng nói. Chúng tôi đi dưới những hàng cây rợp bóng, miệng ngâm nga những khúc đồng dao giáo lý đã học được trên nhà thờ…

Ngày anh Dưỡng được rửa tội, mẹ tôi may cho anh chiếc áo sơ mi trắng tinh. Anh gục đầu khóc ngon lành trên vai mẹ tôi. Anh nói đây là lần đầu tiên trong đời anh nhận được chiếc áo từ tay một người mẹ, chiếc áo mẹ tôi đã thức đêm gần một tuần lễ để may cho anh. Bố tôi nói từ nay anh đã là con người mới, cần phải sống cuộc đời mới. Những cái cũ cần được gác lại đằng sau.

—–+—–

Sau năm năm, anh Dưỡng lớn lên thành một chàng trai cứng cáp. Nắng gió làng quê đã nhuộm màu da của anh nên trắng ngà. Cặp mắt ướt ướt đã có chút gì đó cứng cáp và kiên quyết. Anh trở nên một người anh thực sự của tôi.

Một ngày nọ, ba tôi từ xã về mang theo một phong thư. Ông lẳng lặng trao cho anh Dưỡng. Tôi thấy đôi bàn tay anh Dưỡng run run khi bóc lấy phong thư. Anh lặng người, rồi bật khóc… Ba tôi nhìn thẳng vào anh, kiên quyết:

Thằng Dưỡng, con biết mà, đây đâu phải là gia đình của con. Dù cậu thương con như con trong nhà, nhưng cũng đến lúc con phải về lại với gia đình của mình rồi… Thời gian ở với gia đình cậu mợ có đủ để con lớn lên và nhìn vấn đề như một người lớn không? Đã đến lúc con phải đi rồi. Cậu tin tưởng con.

Trưa hôm ấy, anh Dưỡng lại rủ tôi ra đồng. Hai anh em chúng tôi lặng lẽ bên nhau. Cặp mắt anh Dưỡng lặng lẽ dõi về nơi xa thật xa. Trong cặp mắt buồn xa xăm ấy, tôi biết anh đã chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Cặp mắt của anh là cặp mắt mong đợi. Anh yêu mến gia đình tôi. Anh dần thích nghi với nhịp sống ở quê tôi. Anh háo hức khám phá bao điều lạ lẫm trên cánh đồng quê tôi. Nhưng quê hương trong anh vốn là một nơi khác.

_____+_____

Bố anh Dưỡng là một bác sĩ có tiếng ở một thành phố miền Bắc. Con đường công danh của ông càng ngày càng rộng mở thênh thang. Mẹ anh là một giáo chức có giao thiệp rộng. Mỗi người có một thế giới riêng. Họ dành cho nhau sự tôn trọng kỳ lạ, đến độ họ sống dưới cùng một mái nhà, nhưng hai tâm hồn hướng về hai thế giới khác nhau.

Họ có thế giới riêng, và cũng cố tạo nên cho anh một thế giới riêng. Thế giới của những trò chơi điện tử, những Games đắt tiền, những bộ đồ chơi hiện đại… Dường như họ chỉ yêu cầu anh một điều là ở yên trong cái thế giới của mình, đừng làm phiền đến họ…

Dạo ấy, bố anh Dưỡng vắng nhà thường xuyên hơn. Những chuyến công tác của ông cứ ngày một dài ra, có khi là vài tuần, có khi là vài tháng. Ngày ông trở về, bạn bè đến nhậu nhẹt linh đình. Họ ra về, để lại một cô thư ký trẻ đẹp trong căn nhà của gia đình anh. Mẹ bảo cô ấy là trợ lý của bố.

Anh đọc ra trong mắt mẹ chút ganh tỵ. Cặp mắt bà đã bắt đầu có vết nhăn của những dấu chân chim. Anh nể sức chịu đựng âm thầm của mẹ. Anh phục cái bản lĩnh phụ nữ của mẹ. Anh lặng lẽ sống và lặng lẽ ngưỡng mộ mẹ mình.

Một hôm, từ trường trở về nhà đột ngột, anh gặp mẹ đang ngồi lọt thỏm trong lòng của một người đàn ông, là bạn của bố. Có cái gì đó trong anh chợt vụn vỡ tan tành… Anh trân trối nhìn vào mẹ của mình cho tới khi hai hàng nước mắt chảy trào tức tưởi và mọi thứ mờ đi trước mặt anh. Anh cười ha ha và chạy ra khỏi nhà… Suốt ngày hôm đó, anh lang thang mà chẳng biết mình đi đâu nữa. Tối, về đến nhà sau, anh lại gặp bố đang quàng chặt cô thư ký trên lối vào. Có cái gì đó bùng nổ trong anh. Anh với tay lấy con dao trên sàn. Con dao sáng loáng vung lên đập vào người cô thư ký… Bỏ lại sau lưng tiếng hét thất thanh, anh thục mạng chạy băng mình vào đêm tối. Anh chạy mà chẳng cần biết mình chạy về đâu, miễn sao xa căn nhà của mình, xa cái nơi đã từng là mái ấm…

Chuyến hành trình phiêu bạt với những lần bị đi tàu ké, bị đuổi xuống, rồi lại chui lên, anh vào đến Nam. Anh gặp ba tôi trong buổi sáng ấy… khi anh đã mệt lử và e dè khép mình vào trong một góc bến xe…

—–+—–

Từ khi nhận nuôi anh Dưỡng, ba tôi đã âm thầm dò hỏi và liên lạc với gia đình anh. Nhát dao dại dột của anh Dưỡng không giải quyết được vấn đề gì, nhưng dường như nó đủ để làm sực tỉnh một chút gì đó trong tâm hồn của những người đang mê mải trên đường nẻo sai lầm.

Bố anh Dưỡng lâm bệnh. Mẹ anh viết thư, mong anh quay trở về.

Tôi không quan tâm lắm đến chuyện của người lớn. Chỉ biết rằng từ nay, trong những ngày vui của tôi không còn anh Dưỡng nữa. Hình như đó cũng là kết thúc của tuổi thơ tôi…

……

Đưa anh Dưỡng ra xe, tôi hỏi: “Về nhà, lỡ người ta không cho anh theo đạo nữa thì sao?” Anh cười, cầm cây Thánh giá đang đeo trước ngực: “Anh thà tử vì đạo chứ không bỏ đạo đâu, chú em!” Tôi cười, bảo rằng anh bắt chước cái từ tử vì đạo này trong cuốn sách “Uống Nước Nhớ Nguồn”. Anh cười… Anh bảo tôi nhớ cầu nguyện cho anh, cầu nguyện cho gia đình anh. Anh bảo tôi cầu nguyện để khi trở về nhà anh có thể sống được những điều mình đã học từ cuộc sống nơi này… những điều không chỉ được gói gọn trong những cuốn sách…

Leo lên xe, anh quay đầu nhìn lại nhìn chúng tôi bằng cặp mắt ướt đỏ… Tôi biết cái cảm giác đó. Tôi cũng đã từng một lần được leo lên xe khi đi thi trên phố huyện. Tôi thấy như mình bị kéo đi, kéo đi xa mãi, cho đến khi cánh đồng thân quen chỉ còn là một khoảng trời lờ mờ, cho đến khi rặng núi cao ngất bao bọc ngôi làng mình chỉ còn là một đường kẻ mỏng manh, rất mỏng manh…

Nhớ về anh Dưỡng, tôi nghĩ đến cặp mắt trên xe đang ngoái đầu nhìn lại. Cặp mắt đỏ ướt lung linh, sáng cả một vùng trời ký ức.

Roma  – 10.07.2009

Cao Gia An, S.J.

Kiểm tra tương tự

10 điều người đàn ông nên tìm kiếm nơi một người phụ nữ

Nhan sắc bề ngoài quan trọng như thế nào? Dựa theo Kinh Thánh, đó không …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *