Tính từ thời điểm ĐTC Benedict XVI từ nhiệm cho đến này, toàn thể Giáo Hội đang hướng về Vatican để cầu nguyện cho nguyên ĐTC Benedict XVI, cầu cho Giáo Hội. Trong những ngày này, các Hồng Y đang nhóm họp để chuẩn bị cho Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng sắp tới. Trong bầu khí này, người ta cũng đặc biệt chú ý đến 3 tài liệu quan trọng của Giáo Hội, liên quan đến việc từ nhiệm ĐTC Benedict XVI và Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng, đó là Tông Hiến “Universi Dominici Gregis” (UDG), Tự sắc cuối cùng của ĐTC Benedict XVI “Normas nonnullas” và Giáo Luật. Đâu là điểm khác biệt và đâu là mối tương quan giữa chúng?
Sau đây là bài trả lời phỏng về vấn này của Cha Federico Lombardi, SJ, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, dành cho Đài Phát Thanh Vaticana hôm 7-3 vừa qua. Với một cái nhìn hết sức thiêng liêng và sâu sắc, cha Lombardi đã cho chúng ta thấy được chiều kích thiêng liêng chính là điểm đặc thù của các tài liệu quan trọng này.
H. Thưa Cha. Xin cha cho biết đâu là tầm quan trọng mang tính lịch sử của Tông Hiến “Universi Dominici Gregis” (UDG), Tự sắc “Normas nonnullas” của ĐTC Benedict XVI và Giáo Luật là gì?
Ba tài liệu này hoàn toàn khác nhau. Trong ý nghĩa Giáo Luật là một bộ luật phổ quát của Giáo hội bàn về những khía cạnh nền tảng nhất. Vì vậy, khi nhìn dưới khía cạnh này, chúng ta thấy rằng việc từ nhiệm của ĐTC Benedict XVI được Giáo Luật quy định rõ. Kể cả trong trường hợp điều này chưa bao giờ xảy ra trong thực tế, nhưng thực ra nó là một khả thể được quy định bởi luật phổ quát của Giáo Hội, vốn là một yếu tố quan trọng cần được nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tông Hiến “UDG” bàn về thời gian trống tòa, mật nghị, việc bầu Đức Giáo Hoàng; và dĩ nhiên, đây là một khía cạnh rất quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Do đó, Tông Hiến này rất tinh tế với những quy định có độ chính xác rất cao. Vì thế, các vị Giáo Hoàng chính là những người ban hành các quy luật chính xác, trong những hoàn cảnh cụ thể. Tông Hiến “UDG” do Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II ban hành, và nó đã hướng dẫn Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng sau triều đại giáo hoàng của ngài.
Cuối cùng, Tự sắc “Normas nonnullas”, trong một nghĩa nào đó, là một quy định hoàn thiện một vài khía cạnh nào đó trong Tống hiến “UDG”. Vì thế, nó là một quy định diễn tả những chi tiết rất cụ thể và tương đối nhỏ, nhằm củng cố một vài khía cạnh mà kinh nghiệm quá khứ cũng như các Mật Nghị đã qua mà ngài xét thấy là nên điều chỉnh hoặc thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tóm lại, Giáo Luật là một bộ luật phổ quát của toàn thể Giáo hội, chứa đựng rất nhiều quy luật, bao gồm một quy luật rất cụ thể chính là khả thể từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng; Tông Hiến “UDG” là một quy luật đặc thù liên quan đến thời gian trống tòa và mật nghị; cuối cùng, Tự Sắc “Normas nonnullas” là một bộ luật rất đặc thù nhằm sửa đổi và phát triển Tông Hiến “UDG”.
H. Mục đích của các quy luật này nhắm đến việc điều hành những tiến trình mang tính chất thể chế: chúng có chức năng bảo vệ cho toàn bộ cơ chế của Giáo hội, bao gồm cả các tín hữu không?
Chắc chắn luật của Giáo Hội tồn tại để phục vụ bản chất cụ thể của Giáo Hội là một thể chế với một mục đích, một sứ mạng thiêng liêng, đó là phục vụ Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới. Vì thế, Giáo Luật là một bộ luật mang những nét rất riêng. Nó phải luôn được định hướng đến lợi ích của các tín hữu, tới sứ mạng của chính Giáo Hội. Do đó, giáo luật là một bộ luật được gợi hứng bởi những nguyên lý thiêng liêng. Trong Tông Hiến “UDG”, chúng ta thấy vẻ đẹp tuyệt diệu của sự nối kết giữa chiều kích cầu nguyện, vốn là một yếu tố thiết yếu trong toàn bộ tiến trình của thời gian trống tòa và mật nghị, và những xác định khác. Ví dụ, Mật Nghị là một thực tại được diễn ra sau khi đã cử hành thánh lễ long trọng để cầu nguyện cho việc bầu Đức Thánh Cha, một thánh lễ được cử hành bởi Hội đồng Hồng Y, với sự tham dự của cộng đoàn Dân Chúa. Thánh lễ diễn tả bầu khí cầu nguyện, một bầu khí trong đó diễn ra sự kiện này. Mật Nghị được khai mạc với việc khẩn cầu cùng các Thánh và hát kinh Cầu Chúa Thánh Thần và các Hồng Y sẽ tuyên thệ trước Thiên Chúa. Trong Mật Nghị, trước khi bỏ phiếu và nhóm họp, luôn có thời gian giành cho việc cầu nguyện. Việc đầu tiên của Tân Đức Thánh Cha chính là việc ban phép lành Urbi et Orbi. Vì vậy, tất cả được sống trong bầu khí cầu nguyện và cử hành. Bởi vì có thể nói đây không phải là một cuộc bầu cử chính trị và thế tục, nhưng là một cuộc bầu cử được diễn ra trong bối cảnh thiêng liêng và do đó cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để phục vụ cho đời sống thiêng liêng của Giáo hội và thế giới.
H. Thế thì phải chăng một khuôn khổ pháp lý gặp gỡ chiều kích thiêng liêng…?
Chắc chắn là chúng nối kết chặt chẽ với nhau. Lý do tồn tại của Giáo Luật, nghĩa là luật của Giáo Hội và sứ mạng của nó chính là một sứ mạng thiêng liêng. Một cách tự nhiên, luật cũng quy định về việc cử hành (nghi lễ), nghĩa là có những quy định mà tính đúng đắn và tính quy củ của những cử hành phụng vụ phải phụ thuộc vào chúng. Do đó, luật của Giáo hội và bản chất thánh của nó không thể tách rời nhau.
Từ RadioVaticana, 8-3-2013
Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J., chuyển ngữ và giới thiệu.