Chúa nói gì với người thừa sai?

Hand-of-God-Genetics

Muốn biết Chúa nói gì với người thừa sai, nói cách khác, muốn biết Chúa căn dặn gì người thừa sai trước lúc lên đường truyền giáo, tôi thiết tưởng chúng ta nên đọc lại đoạn “Mc 6:7-13” là một trong số các đoạn Tin Mừng thuật lại những lời căn dặn của Chúa dành cho các môn đệ.

Khung cảnh đoạn “Mc 6:7-13” là bài sai của Thầy Giêsu dành cho mười hai tông đồ. Chúng ta có thể tưởng tượng khung cảnh nhộn nhịp, hồ hởi, phấn khởi… của các tông đồ sau chuỗi ngày học Thầy loan báo Tin Mừng, nay chính thức được sai đi thi hành sứ mạng. Cũng có thể chúng ta sẽ bắt gặp một vài ánh mắt ngại ngùng, chau mày khó chịu bởi vì không thích sứ mạng được trao, không thích người bạn đường của mình.

Chúng ta xin Chúa ban ơn biết ghi khắc lời nhắn nhủ của Người trong con tim mỏng manh và hèn yếu của mình như một khí cụ thiêng liêng để đi tới những biên cương mới.

Bây giờ chúng ta bắt đầu lắng nghe những lời nhắn nhủ của Chúa dành cho các tông đồ, các bạn nhé!

Chúa sai Nhóm Mười Hai cứ từng đôi một ra đi loan báo Tin Mừng (Mc 6:7). Đi đôi, đi hai người với nhau là nét văn hóa của người Do Thái. Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh hai người môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24:13-35). Hai người đi với nhau để trò chuyện thiêng liêng và giảm đi nỗi buồn tẻ trên đường sứ mạng, để bảo vệ nhau, nâng đỡ nhau và truyền lửa cho nhau. Ngày nay, nếu người tông đồ ra đi một mình, thì đó chỉ là “một mình” về thể lý mà thôi, bởi vì họ là tông đồ của Chúa, nên họ ra đi với Chúa, có Chúa cùng đồng hành với họ. Sách Sáng Thế ký có nói rằng “con người ở một mình thì không tốt” (St 2:18) nhưng nếu ở với Chúa thì sẽ tốt và không bao giờ phải ở một mình.

Có một câu chuyện xin phép kể lại cho các bạn nghe về sự đồng hành của Chúa dành cho mỗi người môn đệ. Có một chàng thanh niên nọ thường hay đi dạo với Chúa trên bờ biển với niềm hạnh phúc luôn trào dâng trong tâm hồn. Bãi cát dọc bờ biển trở nên con đường thân thuộc luôn in hằn những dấu chân của anh và của Chúa. Rồi một ngày kia, anh rơi vào trạng thái sầu khổ, bế tắc, cảm giác cô đơn và buồn tủi vây kín tâm hồn anh. Bỗng nhiên anh nhìn xuống con đường thân thuộc trên bãi biển và chỉ thấy có một dấu chân của anh mà thôi. Anh hụt hẫng, gào thét: “Lạy Chúa, sao Ngài nỡ bỏ con, sao Ngài để con đi một mình?” Thế rồi, có một tiếng nói thì thầm bên tai anh, tiếng nói rất quen thuộc, tiếng nói nhẫn nhục và đấy lòng thương cảm, tiếng ấy thế này: “Ta có bao giờ bỏ rơi con đâu. Con tự nghĩ thế ấy chứ! Sở dĩ con chỉ thấy có một dấu chân trên bãi biển là vì con đang được Ta ẵm trên tay. Dấu chân ấy là của Ta.”

Có một câu chuyện khác mà tôi kinh nghiệm được khi một mình một bóng bước đi trên cánh đồng sứ vụ. Số là tôi bước đi mà chẳng biết đi đâu, chẳng biết phải làm gì. Thế rồi, tôi đành phó thác đoạn đường ấy cho Chúa. Tôi nói với Chúa rằng “Chúa muốn con đi đâu, gặp ai thì tùy Chúa định đoạt nhé!” Đoạn tôi bước đi, đi vào cánh đồng lạ hoắc, chẳng quen biết ai, chẳng biết rẽ lối nào. Có một sự thúc đẩy và một tiếng nói trong sâu thẳm cõi lòng mách bảo tôi “Hãy rẽ lối này!”. Và tôi rẽ theo lối ấy, rồi tiếp tục đi. Lại một tiếng nói thầm thì vang lên trong tâm hồn, kèm theo một lực cản: “Hãy dừng lại ở nhà này, gặp họ và làm quen với họ đi!” Tôi dừng lại và làm theo lời chỉ dẫn. Tôi được tiếp đón. Người này dẫn tôi làm quen với người khác. Tôi trở thành bạn của họ. Họ mời tôi dùng bữa vì mặt trời đã đứng bóng. Một kinh nghiệm nhỏ nhưng đem lại niềm an ủi lớn lao và lòng tín thác tuôn trào.

Một hình ảnh quen thuộc khác chúng ta thường gặp, đó là hình ảnh Mẹ Maria lên đường đi thăm bà Ê-li-da-bét. Sau khi nghe sứ thần của Thiên Chúa loan báo cho biết về kế hoạch yêu thương của Người dành cho nhân loại, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng người chị họ của mình. Sự “vội vã” của Mẹ Maria ám chỉ một trạng thái gấp gáp và cấp bách. Vì thế, Mẹ chẳng có nhiều thời gian để chuẩn bị hành trang cho chuyến đi xa. Hơn nữa, sự vội vã này thể hiện một tinh thần tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, nên Mẹ không cần chuẩn bị những phương tiện vật chất. Vậy, hành trang chính yếu của Mẹ là gì? Hơn nữa, sự vội vã của Mẹ có ý nghĩa ra sao trong đời sống làm chứng tá cho Tin Mừng Cứu Độ của chúng ta? Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh hai chị em gặp nhau, điều gì đã xảy ra? Vừa gặp người em gái thì bà I-sa-ve (còn gọi là Ê-li-da-bét) và đứa con vừa thành hình trong dạ mẹ được sáu tháng (Gioan) đã nhảy mừng. Vì sao họ vui mừng như thế? Vì họ được gặp gỡ Hài Nhi Giê-su – Đấng Cứu Độ vừa được sai vào cung lòng của Mẹ Maria – được nhận biết lòng nhân hậu và ơn cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1:41-42). Rõ ràng hành trang chính yếu của Mẹ Maria là Hài Nhi Giêsu, là Thánh Thần Đấng rợp bóng trên Mẹ, và lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Chúa cũng không quá thử thách người môn đệ của Người, vì trước khi ra đi, Chúa còn trao cho họ phương tiện để làm việc bằng cách trao ban năng quyền cho họ. Phương tiện thiêng liêng chứ không phải là phương tiện vật chất, tiền bạc, ngựa quý, áo quần bảnh bao, v.v.. Như thế, người tông đồ được Chúa sai đi, chứ không phải tự ra đi, được Chúa ban năng quyền để có thể phục vụ tốt hơn, chứ không phải lạm dụng năng quyền ấy để làm điều trái ngược với lời căn dặn của Chúa.

Chúa chỉ thị, nói đúng hơn là nhắn nhủ, các tông đồ rằng không được mang gì đi đường (như lương thực, bao bị, tiền, hai áo), ngoại trừ cây gậy và đôi dép. Tin Mừng Máccô ghi lại lời nhắn nhủ của Chúa khác với Tin Mừng Luca và Mátthêu, bởi vì trong hai Tin Mừng này Chúa dặn các tông đồ và môn đệ của Người rằng đừng mang gậy và dày dép (x. Mt 10:10, Lc 9:3, Lc 10:4). Bản thân tôi, khi chiêm ngắm hình ảnh này, tôi thích lời nhắn nhủ của Chúa trong Tin Mừng Máccô hơn, bởi vì theo sự hiểu biết của tôi và dưới cái nhìn thiêng liêng, cây gậy và dày dép là biểu tượng của người mục tử, của người sống trong tự do.

Cây gậy, trong văn hóa Do Thái, dành cho người chăn dắt chiên cừu. Từ đó, khi minh họa chân dung Người Mục Tử Nhân Lành là chính Đức Giêsu, người ta vẫn khắc họa hình ảnh một Giêsu cầm chiếc gậy. Đây cũng là lý do ngày nay các Giám Mục đều có gậy này, cây gậy người mục tử, có bổn phận chăn dắt đàn chiên của Chúa.

Đôi dép, trong văn hóa Do Thái, cũng thể hiện tinh thần tự do, thoát khỏi kiếp người nô lệ. Chúng ta hãy nhớ lại mệnh lệnh Người Cha Nhân Lành truyền cho các đầy tớ đi lấy dép xỏ vào chân con trai của ông, người con hoang đàng không còn dép để đi (x. Lc 15:11-32). Người nô lệ không được đi dép và cũng chẳng có dép để đi. Người con trở nên một kẻ nô lệ, quay về gặp cha, nhờ tình thương và lòng nhân hậu của cha, anh được phục hồi phẩm giá của người con, thoát khỏi kiếp nô lệ, được sống trong tự do, được trao quyền bính (“xỏ nhẫn vào tay cậu”). Trong Tin Mừng Máccô, người tông đồ của Chúa được cho phép đi dép như muốn nhắc nhớ rằng các ngài đừng làm nô lệ cho bất cứ ai, bất cứ điều gì, chẳng hạn như tiền bạc, bao bị (phương tiện để chứa đựng của cải vật chất trở nên giàu sang phú quý), cơm áo (ăn nhậu, ăn mặc xa hoa), v.v., và hãy tự do với tất cả những thứ ràng buộc bản thân, với những quyến luyến lệch lạc.

Sau khi căn dặn cẩn thận về những phương tiện trên đường sứ vụ, Chúa chỉ dạy các tông đồ về cách thức loan báo Tin Mừng, đó là ở lại với bà con và giúp bà con nghe lời thông truyền Tình Thương và Sự Sống, lời kêu gọi sám hối và mở lòng đón Chúa, lời đem lại ơn giải thoát cho bà con (x. Mc 6:11). Như vậy, người tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng không nhất thiết phải giúp bà con có “cơm dư gạo thừa”, nhưng công việc trước tiên là hãy đi vào trong văn hóa của bà con và nói Lời Chúa cho bà con nghe, sau đó mới giúp đỡ bà con được khỏe mạnh phần xác như xức dầu, trừ quỷ, chữa lành bệnh tật.

Bạn thân mến,

Đoạn “Mc 6:7-13” như một lời nhắn nhủ, một lời chỉ dạy đầy tình yêu và sự quan tâm của Thầy Giêsu dành cho các tông đồ trước lúc lên đường loan báo Tin Mừng. Đoạn Tin Mừng này cũng phần nào giải đáp cho câu hỏi chúng ta đã nêu ra ở trên: “Chúa căn dặn người thừa sai những gì trước lúc lên đường?” Chiêm ngắm toàn bộ đoạn Tin Mừng này, tâm hồn bạn được đánh động điều gì nhất? Chúa mời gọi bạn phải sống thế nào trong ơn gọi Kitô hữu? Bạn có nghe thấy lời sai đi của Chúa dành cho bạn không? Bạn cần chuẩn bị gì trước lúc đáp lời mời gọi lên đường loan báo Tin Mừng của Chúa? Chúa dặn bạn mang gì khi đi truyền giáo?

Cầu chúc bạn tìm gặp được lời giải đáp thỏa đáng nhất cho bản thân khi làm tông đồ của Chúa.

Kiểm tra tương tự

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *