Thứ ba, sau CN XIII TN – 28/06/2011

28/06/2011
Thứ ba, sau CN XIII TN

Mt 8, 23-27

– Chúng ta hãy đặt mình trong tình huống này : cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó ĐGS vẫn ngủ!. Chúng ta hãy hình dung ra sự tương phản gần như tuyệt đối : một bên là gió rít sóng gào, một bên là Đức Giêsu, đang ngủ vô tư như em bé (vì chỉ có em bé mới có thể ngủ trong những tình huống như thế); một bên là các môn đệ chạy tới chạy lui hốt hoảng la hét, mất hết lòng tin; một bên là tư thế nghỉ ngơi, an bình, hơi thở nhẹ nhàng, hoàn toàn phó thác của Đức Giêsu.

– Trong TM theo thánh Mác-cô, còn có một chi tiết rất có ý nghĩa: Chúa ngủ ở đàng lái. Giữa sức mạnh của phong ba, bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành, nghĩa là bằng sự tín thác tuyệt nơi Thiên Chúa.

– Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu; thực vậy, trong cuộc TK, Đức Giêsu cũng sẽ đối đầu và chiến thắng sức mạnh của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết bằng sự hiền lành tuyệt đối.

– Đức Giêsu trách các môn đệ: “Những người ít lòng tin, tại sao lại sợ”. Điều này có nghĩa là các môn đệ không được hoảng lên, kêu la và đánh thức Thầy như thế. Đáng lẽ các ông phải “ngồi yên”.

  • Cứ để biển động như thế.
  • Cứ để gió gào như thế.
  • Cứ để sóng thét và vùi dập con thuyền như thế.
  • Và cứ để Ngài ngủ như thế.

– Bởi vì chính Ngài đã lên thuyền và các ông đi theo Ngài. Nhưng nếu các ông cứ để yên thì chuyện gì xẩy ra, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra: sẽ chết hết:

  • Biển sẽ động đến tận cùng khả năng hung hãn của nó.
  • Gió sẽ gào đến hết hơi của nó.
  • Sóng sẽ thi thố hết sức mạnh kinh hồn của nó.
  • Và Đức Giêsu sẽ cứ ngủ bình yên; nhưng ở đây, Ngài sẽ không để mình bị vùi dập, vì chưa đến lúc, và đây không phải là cách Ngài sẽ chết.

– Nhưng Trong cuộc Thương Khó, trên đồi Can-vê, Ngài sẽ để yên cho Biển động, sóng to gió lớn, dập vùi ngài cho đến chết. Ngài muốn để mọi sự diễn ra như thế, để chúng ta tín thác tuyệt đối vào ngôi vị của Ngài, và cũng để kinh nghiệm quyền năng tuyệt đối của Ngài trên Sự Dữ. Quyền năng chỉ bộc lộ mức độ tuyệt đối khi trực diện với thế lực đối lập đã thi thố hết sức mạnh của nó.

– Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta gặp thử thách hay hiểm nguy, chúng ta kêu và Chúa “thức dậy” cứu chúng ta. Nhưng cũng có khi, chúng ta được mời gọi có kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm Thương Khó, nghĩa là hoàn toàn phó thác, để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đi ngang qua bão tổ của thử thách, như Đức Giê-su. Thực ra, dù muốn dù không, đó sẽ là thời điểm của sự chết, tất yếu sẽ đến với mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi sống thực tại này như một Cuộc Vượt Qua.

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *