Ngày Về

NGÀY VỀ

 

Tôi cho xe chạy chậm lại, quẹo vào con đường trải nhựa mới tinh dẫn đến nhà ngoại. Đột nhiên ba bốn bóng người xuất hiện ngáng trước đầu xe tôi. Một bàn tay tóm lấy cổ áo, như muốn nhấc bổng tôi ra khỏi chiếc xe. Một gã thanh niên gằng giọng:

–  Mày ở đâu tới đây, hả?

Ánh đèn bin chói lòa chiếu thẳng vào mặt tôi. Một giọng khác hằn học:

–  Cho nó một trận để đừng bao giờ nó dám mò vào đây nữa.

Tôi chưa biết phải phân bua thế nào thì giọng lúc đầu lại cất lên:

–  Khoan đã, ai như là anh Nhân… anh Nhân phải không?

–  Ừ tôi là Nhân..

–  Anh Nhân, em nè, Hải nè, Hải ông địa nè!

Trong ký ức tôi chợt hiện lên cái tên Hải. Phải rồi, Hải ông địa.

–  Hải ông địa… sao lại thế này hả em?

—&&&—

Tôi trở về thăm quê sau gần mười năm gia đình mình chuyển đi làm ăn xa. Mười năm trên đất lạ quê người là cuộc hành trình dài cả gia đình tôi đi tìm con đường sống. Mười năm trong lòng tôi luôn da diết nỗi niềm hoài hương. Mười năm hì hục với việc học hành và xây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Thật không ngờ, ngày trở về tôi phải đối diện với quá nhiều đổi thay. Tôi đã làm người lữ khách trên xứ lạ quê người, nuôi sống tâm hồn mình bằng thao thức hồi hương. Thế mà khi được trở về, đặt chân trên mảnh đất quê hương, tôi lại thấy mình vẫn chẳng khác một lữ khách. Lữ khách ở ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Ngày đó quê tôi còn là một ngôi làng nghèo nhỏ bé nằm dưới chân núi Touka thâm nghiêm hùng vĩ. Từ nhà tôi, phải băng qua một cánh đồng thật xa và dài thì mới có thể đến chân núi. Thế mà dáng núi vẫn nỗi lên sừng sững như ở ngay sau lưng nhà. Mỗi sáng sớm, mặt trời từ từ nhô lên trên đỉnh núi. Những áng mây hồng lờ lững trôi trên cánh đồng. Ánh sáng đầu ngày dần trở nên rực rỡ trong suốt, làm nổi bật cả rặng núi to cao ngất. Mỗi chiều, ánh sáng dát vàng trên cánh đồng lộng gió. Rồi ánh sáng càng lúc càng nhạt dần, bỏ lại ngọn núi từ từ lui vào cái vẽ thâm u lờ mờ đầy huyền bí.

Hồi nhỏ tôi thích ngắm những cánh chim chiều bay về núi, thích hình ảnh những bác nông phu vác cuốc chậm rãi đi về làng, thích những làn khói chiều mỏng manh bay lờ mờ trong ánh hoàng hôn. Tôi mơ ngày chóng qua, thời gian chóng đến, để tôi cũng trở thành một bác nông phu thứ thiệt. Tôi mong được hít thở hương đồng gió nội cho căng đầy lồng ngực, rồi phì phà thở ra những lọn khói thuốc lãng đãng bay tít lên cao rồi tan loãng giữa trời quê…

Trên cánh đồng sau nhà tôi nổi lên nhiều gò mối xanh um rậm rịt dây leo. Biết bọn trẻ chúng tôi hay trốn ngủ trưa ra đó chơi, người lớn thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rùng rợn về con ma núi. Nào là nó hay xuất hiện vào giữa trưa tròng bóng, hay hớp hồn người ta bằng tiếng hú u u như tiếng gió. Nào là nó hay dẫn người ta đi lòng vòng cho chóng mặt rồi đem dấu vào những gò mối rậm rịt… Bất chấp lời cảnh báo của người lớn, những gò mối mát rượi vào buổi trưa vẫn luôn hấp dẫn trí tò mò của bọn nhóc chúng tôi. Trong khi mấy đứa nhóc thích chạy nhảy la hét ầm ĩ trên cánh đồng, tôi lại thích ngồi một mình ngắm cánh đồng giữa trời trưa và hít thật sâu mùi thơm của đồng lúa. Tôi thích lặng lẽ để nghe tiếng cuốc đồng kêu buồn thê thảm. Những trưa hè, tôi lại mê tiếng tu hú gọi mùa trong nắng vàng của cánh đồng lúa chín… Những âm vọng từ cánh đồng vừa vang vang kỳ bí vừa gần gũi đến lạ lùng.

Dù không phải là người hiếu động, tôi vẫn là thủ lãnh của bọn nhóc trong xóm. Ban ngày chúng mặc sức chạy nhảy khắp mọi nơi trên cánh đồng, chẳng đoái hoài gì đến tôi. Buổi tối, chúng tôi thường tụ tập trước khoảng sân banh của làng. Sau khi la hét thỏa thuê và chơi đủ thứ trò chơi dân dã, đứa nào cũng háo hức chờ nghe tôi kể chuyện. Tôi hấp dẫn bọn nhóc nhờ những câu chuyện cổ tích tôi nghe được từ bà nội, từ ba má tôi, và cả những câu chuyện mà tôi tìm đọc được trong chồng sách cũ của ông nội. Mỗi câu chuyện bao giờ cũng được tôi kết lại bằng một bài học làm người, có khi là những điều tôi nghe được từ người lớn, có khi là những điều do tôi tưởng nghĩ ra.

Lớn lên một chút, chúng tôi có nhiều cơ hội để khám phá núi rừng. Thì ra để đi từ cánh đồng sau nhà tôi đến ngọn núi Touka còn phải băng qua một cánh rừng nhỏ. Ven khu rừng, người ta phát hoang để trồng những vườn rau xanh tươi bạt ngàn. Mỗi vườn rau được bao quanh bởi dòng suối quanh co và những hàng tre gai xanh trĩu bóng. Tôi thích một mình lang thang trong cánh rừng nhỏ đầy bí ẩn. Dù không có cảm giác được an toàn giữa bốn bề cây cối, tôi vẫn không thể cưỡng lại được ham muốn khám phá bí ẩn đằng sau những bụi rậm, những hốc cây. Tôi ngỡ ngàng và ngưỡng mộ sức sống âm thầm mà mãnh liệt của rừng xanh. Tôi yêu cái âm điệu rì rào của gió rừng, yêu cái âm thah lạo xạo của lá rừng rộn đều dưới mỗi bước chân qua. Càng đi vào sâu, cánh rừng càng lên cao, như để vươn mình gặp gỡ với ngọn núi. Tôi thích một mình len lỏi vào giữa những bụi cây hoang dại, để mỗi lúc một lên cao hơn, để được chiêm ngưỡng trước mắt mình cả không gian bao la thấp thoáng, để thấy cả cánh đồng trải dài dưới chân, để thấy cả cuộc sống như bé nhỏ bất động…

Dần dần, tôi trở thành vừa là một người bạn chí thân, vừa là một chủ nhân ông của cánh rừng nhỏ. Mỗi lần có cơ hội dẫn đám nhóc đi dạo chơi trong rừng, tôi tự hào giới thiệu với chúng nào là những con suối nhỏ nước trong veo, nào là những hốc rừng bí ẩn có thể treo võng nằm cả ngày mà không bị nắng, nào là những cây cà chí đã đến mùa trái chín đỏ có thể ăn được… Có lần chúng tôi rủ nhau đi xuyên qua cả cánh rừng, đến tận chân ngọn núi. Đứa nào cũng háo hức ngửa cổ để chiêm ngưỡng ‘tận mặt’ ngọn núi cao vút. Nhưng không đứa nào dám nghĩ tới chuyện leo lên núi. Chúng tôi sợ như sợ phải phạm vào điều gì đó vừa vĩ đại vừa thánh thiêng…

—&&&—

Nhà thằng Hải ở cạnh nhà tôi. Hồi nhỏ, có một lần nó bị đau quai bị, mặt sưng lên như ông địa. Nó chết danh ‘Hải ông địa’ từ đó. Thằng Hải sống với mẹ, từ nhỏ đã không biết mặt bố. Mẹ thằng Hải nói rằng bố nó đi làm ăn xa. Chẳng ai biết bố nó làm ăn xa là ở đâu. Mẹ nó là bạn thân của mẹ tôi. Mỗi lần tôi hỏi mẹ về bố thằng Hải, mẹ lại gắt: ‘chuyện của người lớn, con nít hỏi làm gì?’.

Không có bố cũng không có anh chị em, từ nhỏ thằng Hải đã quấn quýt lấy tôi như một người anh của nó. Có chuyện gì nó cũng một tiếng anh Nhân ơi, hai tiếng anh Nhân à. Gần gũi với nó nhiều, nên tôi cũng cưng nó nhất. Những tối mẹ nó bận đi công việc, nó qua nhà nằm nghe tôi kể chuyện. Rồi hai anh em ôm nhau lăn ra ngủ khì cho tới sáng. Tôi thường bảo vệ nó và sẵn sàng xách lỗ tai đứa nào dám gọi nó là thằng không cha.

Ngày gia đình tôi dọn nhà ra đi, thằng Hải ôm lấy tôi mà khóc. Lòng tôi cũng buồn vô hạn khi phải xa lìa mảnh đất thân yêu đã nuôi dưỡng tuổi thơ mình. Tôi không biết mấy đứa nhóc trong xóm sẽ lớn lên, sẽ được học hành như thế nào, nhưng chắc một điều là tụi nó sẽ có cơ hội để làm một bác nông phu trên cánh đồng quê. Còn tôi, ước mơ từ thuở nhỏ dường như đã vuột khỏi tầm tay của tôi rồi.

—&&&—

Có một dạo, người ta phát hiện ra tiềm năng làm du lịch của ngọn núi Touka. Nhiều người trên thành phố đổ xô xuống mua đất trong những ngôi làng dưới chân núi. Nhiều người không cưỡng lại được cái giá cao ngất ngưỡng đã lần lượt bán đi gần hết thổ cư nhà mình. Nhiều nhà chỉ còn giữ lại đủ đất cho một ngôi nhà xây mọc lên. Những con đường trải nhựa thẳng tắp chạy qua làng, nối quốc lộ vào đến chân núi. Hàng quán mọc lên, điện đường sáng choang. Đến lúc ấy dân làng mới giật mình phát hiện mình trở thành những người xa lạ ngay chính trên xứ sở của mình. Làng như cô gái đỏng đảnh bỗng vụt lớn thành nàng thiếu nữ điệu đàng. Làng nhanh chóng vứt đi những dấu tích của ngày thơ. Nhanh đến độ người ta không còn nhận ra nữa. Nhanh đến độ mỗi sáng giật mình thức dậy người ta không còn biết phải thay đổi thói quen sống của mình như thế nào, và mỗi tối khi đèn đường sáng lên người ta cứ tưởng mình đang còn ở trong một cuộc hành trình xa lắm, chưa được về nhà.

Rất sớm trong những ngày đổi thay ấy, mẹ thằng Hải tìm được một người đàn ông cho nó gọi là bố, dù đó không phải là người sinh ra nó. Người đàn ông xa lạ bỗng dưng dọn về ngôi nhà của hai mẹ con đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời và tương lai của nó. Một năm sau ngày thằng Hải có bố, giấy tờ đất đai đều được chuyển sang tên ông với tư cách là chủ hộ. Một tháng sau khi chuyển chủ, mẹ con nó phát hiện ra mảnh đất của gia đình đã bị bán cho người khác. Một ngày sau đó, ông bố hờ của thằng Hải biến mất khỏi làng, nhanh chóng và bí ẩn cũng như lúc ông đến.

Hải và một nhóm nhóc nhóc trong xóm trở thành ‘bảo kê’ cho mấy quán cà-fê mới mọc lên. Thì người ta cũng phải kiếm chuyện gì đó cho đám choai choai tụi nó làm chứ. Có tụi nó là dân bản địa làm bảo kê, mấy cái quán cà-fê vừa được an ninh, vừa thoát khỏi cái nạn phiền nhiễu bị ném đá mỗi tối, mà không cần bảo thì ai cũng biết tụi nó chính là tác giả của mấy trò phá phách con nít ấy. Người ta đâu có biết tụi nó vừa làm bảo kê, vừa gây sự với khách. Làng nó trở thành điểm thu hút khách từ nhiều nơi khác đến, để bao cái vẽ đẹp đẽ hiền hòa tiềm ẩn bỗng trở thành điểm chú ý của những cặp mắt tò mò xoi mói trơ trẽn. Người ta ùn ùn trèo lên ngọn núi Touka, trầm trồ, bàn tán, khen chê. Người ta đến rồi đi, thỏa mãn óc tò mò, rồi rũ xoành xoạch bụi bẩn để tiếp tục tìm đến một nơi nào khác hấp dẫn hơn. Người ta người ta săm soi, tính toán, chạy trước đón đầu để xem có còn chút tiềm năng nào của vùng đất này chưa được khai thác, chưa được sinh lợi.

—&&&—

Nếu có điểm nào để tôi và thằng Hải có thể nói chuyện với nhau trong ngày gặp lại, đó là những kỷ niệm của tuổi thơ. Chìm vào thế giới của hồi niệm, hiện lên trước mắt tôi là một thằng Hải ông địa dễ thương, khác hoàn toàn với cái vẻ bề ngoài lầm lì bặm trợn lúc này. Tôi miên man với những câu chuyện vừa thực vừa mơ lục được từ trong kho ký ức của mình, từ chuyện người, chuyện làng, chuyện rừng núi, chuyện những mơ ước của hai anh em thời còn là trẻ con… Rồi bằng cái giọng ngùi ngùi, thằng Hải tiếp tục dòng ký ức êm đềm ấy với những đổi thay biến động. Nó kết thúc: Hình như cuộc đời không thể nào có kết cục đẹp như trong những câu chuyện cổ tích anh Nhân ạ. Khi ông bà ngoại không còn giận mẹ em nữa thì mẹ đã mất rồi. Khi em biết yêu quý và kính trọng mẹ mình thì mẹ đã không còn nữa… Nhìn lại, hình như em đã sống uổng phí những ngày có mẹ.

Tôi trở về, để chứng kiến một khoảng trời mơ đang từ từ vụn vỡ giữa lòng mình. Nhưng hình như sự xuất hiện của tôi lại vô tình làm sống dậy một khoảng trời mơ tưởng đã bị vùi chôn và lãng quên trong lòng thằng Hải.

Tôi lại đi, nó vẫn là người ở lại. Hình như nó được sinh ra để gắn chặt đời mình với mảnh đất này, bất chấp những thăng trầm đổi thay, bất chấp bao phong ba nghiêng ngã. Tôi mong một ngày nó thực sự vươn vai lớn dậy, như cây còng còn sót lại ở đầu làng, rễ vẫn bám sâu vào đất mẹ, hiên ngang ngạo ngễ.

Học Viện Dòng Tên – Thủ Đức 11.2007

Cao Gia An, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *