CUNG CÁCH HÀNH XỬ CỦA CHÚNG TA
ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương
(Jesuit Conference of Asia Pacific – JCAP/3-2011)
Hiệu đính vào tháng 8-2012
Vào tháng 8-2010, Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương (JCAP) đã cùng với các giáo dân-những cộng sự viên tông đồ- đưa ra Chiến lược và Kế hoạch hành động sinh thái nhằm đạt đến một cuộc “Hòa giải với công trình tạo dựng”, rút từ những những bàn thảo của Tổng hội 35 của Dòng Tên về nghị quyết liên quan đến sứ mạng
Vùng đã nhận thấy nhu cầu cần tìm kiếm những cách thức, qua đó, các kinh nghiệm của chúng ta có thể tương tác với các cơ sở của chúng ta, và nhờ đó, việc nghiên cứu và biện hộ của chúng ta có thể có những lợi ích thực tiễn và chiến lược cho xã hội và môi trường. Hòa giải với công trình tạo dựng là một mối bận tâm của toàn Vùng, và Vùng tìm kiếm sự diễn tả qua cách chúng ta sống và việc chúng ta làm.
Nhóm chuyên trách về sinh thái của Vùng Châu Á Thái Bình Dương đã gặp nhau vào tháng 02-2011 và đã hoàn tất tài liệu “Cung cách hành xử của chúng ta đối với môi trường”. Đây là tài liệu dẫn nhập quan trọng giúp chúng ta nối kết những nỗ lực đa dạng của chúng ta trong những mối tương quan liên hệ đến sinh thái, đồng thời đặt nền cho những giá trị của chúng ta. Tài liệu này bén rễ trong linh đạo của chúng ta, là linh đạo tìm kiếm những tương quan sâu xa hơn với công trình tạo dựng. Tài liệu này được dùng như yếu tố nền tảng thúc đẩy cho chiến lược và kế hoạch hành động sinh thái của chúng ta.
MỘT THÁCH ĐỐ HÀNH ĐỘNG ĐỐI VỚI TRÁCH NHIỆM SINH THÁI NGÀY NAY
1] Chúng ta biết rằng có nhiều vấn đề và nhiều tình trạng quản lý tồi tệ trong cách thức chúng ta, xét như là những xã hội loài người, ảnh hưởng lên sinh thái trái đất. Trong lúc nhiều chuyên gia đang phân tích những nguyên nhân và hậu quả của những mô hình sinh thái đang thay đổi của thế giới, chúng ta, xét như những cá nhân, trong các cơ sở và trong các cộng đoàn, biết rằng mình phải thay đổi lối sống và chịu trách nhiệm cho những hành động của chúng ta. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người dám chắc chúng ta nên bắt đầu từ đâu để đi những bước cụ thể, là những bước giúp chúng ta cùng nhau tạo nên sự khác biệt.
MỘT THÁCH ĐỐ XA HƠN VIỆC GIẢI QUYẾT “VẤN ĐỀ SINH THÁI”
2] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi một cuộc “hoán cải đối với sinh thái”. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI một lần nữa xác nhận tuyên bố này trong phát biểu nhân Ngày Thế giới Hòa bình 2010: “Nếu bạn muốn vun đắp cho hòa bình thì hãy bảo vệ công trình tạo dựng.” Điều này đưa chúng ta đến chiều kích sâu xa hơn của những tương quan nơi công trình tạo dựng chứ không chỉ đơn giản là những bận tâm về sinh thái. Khi kinh nghiệm công trình tạo dựng như là nền tảng hỗ trợ và ca ngợi sự sống, chúng ta nhận ra rằng công trình tạo dựng là một quà tặng đang diễn tiến trong những mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Hoạt động sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa đã thiết lập mọi sự tốt lành, và trong giao ước ký kết giữa chúng ta với Thiên Chúa như những người đồng sáng tạo, chúng ta tiếp tục duy trì sự sống này. Đức Kitô – công trình tạo dựng mới – đã hứa rằng Ngài ở với chúng ta, tìm kiếm thiết lập triều đại hòa bình của Thiên Chúa trên mặt đất, và ban ơn cứu độ cho cả công trình tạo dựng. Chúng ta cần tham gia vào hoạt động sáng tạo đang tiếp diễn này của Thiên Chúa.
MỘT THÁCH ĐỐ ĐÁP LẠI
3] Một cách khiêm tốn, chúng ta nhìn nhận những giới hạn của mình, và qua việc tham dự vào sứ mạng của Tổng hội 35 của Dòng, chúng ta lấy lại chủ đề chính về việc hòa giải với công trình tạo dựng, với tha nhân, và với Thiên Chúa.
* Chúng ta khởi đi từ lòng biết ơn sâu xa đối với quà tặng sự sống.
* Chúng ta thừa nhận rằng những quyết định, chứng tá, cam kết cá nhân của chúng ta nhằm thiết lập những mối tương quan đúng đắn không đơn giản là nhằm giữ chúng ta trong vùng thoải mái của mình. Điều này còn mang đến cho chúng ta niềm khích lệ để tìm kiếm những người cộng tác trong việc chăm sóc trái đất của chúng ta.
* Chúng ta duyệt xét lại cảm thức của chúng ta về trái đất “của chúng ta” đang hiện hữu, và về thái độ chúng ta cần phải có trong mối tương quan này. Chúng ta đã học biết rằng chúng ta không chiếm hữu trái đất nhưng chúng ta thuộc về trái đất.
* Mối quan hệ thuộc về này có tính nền tảng và năng động, và khi đề nghị chúng ta lưu tâm, mối quan hệ này bộc lộ ra bản chất nhân loại sâu xa nhất của chúng ta.
4] Hòa bình và sinh thái bền vững là sự đan kết chặt chẽ của việc hòa giải nhân loại chúng ta với công trình tạo dựng, và cho phép chúng ta dấn thân bênh vực cho việc chữa lành. Những đặc tính này đòi một sự thay đổi trong cách chúng ta sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, là những điều đã trở nên nguồn gốc xung đột có tính quốc tế, và là nguồn gốc của những cuộc chiến tranh.
5] Sự tiếp cận này liên tục với việc chữa lành xã hội, mở rộng đến chỗ bằng cách nào mà người ta sinh sống trên đất và với mọi sinh vật, mở rộng đến nơi những mối tương quan đã được làm cho phong phú, được tìm thấy ngang qua ý thức thiêng liêng, qua sự toàn vẹn của nhân loại và qua việc chăm sóc cho công trình tạo dựng. Tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, chúng ta nghĩ đến những dân tộc đa dạng, các nguồn tài nguyên, các tín ngưỡng, các hoàn cảnh và các kiến thức. Có nhiều người đang sẵn sàng làm việc với lòng chính trực sâu xa và với những tương quan đúng đắn trong lãnh vực này. Tuy nhiên, đối với tất cả chúng ta là những Giêsu hữu, trước tiên, người ta đòi nơi chúng ta tính khả tín trong chính các nhà và các cơ sở của chúng ta, như một nền tảng cho việc dấn thân hiệu quả hơn trong trách nhiệm sinh thái to lớn hơn đối với những người khác.
THIẾT LẬP CUNG CÁCH HÀNH XỬ CỦA CHÚNG TA NHẮM ĐẾN “CUỘC HOÁN CẢI ĐỐI VỚI SINH THÁI”
6] Cha Pedro Arrupe, S.J. đã nói về “cung cách hành xử của chúng ta” (our way of proceeding) như được nhắc đến trong Tổng hội 34: Nghị quyết 26, số 1-9. Đi theo lối tiếp cận này, chúng ta đưa ra bảy điểm đào sâu lời đáp trả của chúng ta đối với những thách đố là hòa giải với công trình tạo dựng trong đời sống và trong những cơ sở của chúng ta.
1. Chúng ta nhìn nhận Đấng tạo dựng mọi sự sống, và dành những giờ khắc thinh lặng nào đó trong ngày để đón nhận điều này với lòng biết ơn.
2. Xét như một tổ chức, chúng ta nỗ lực suy tư, nói về điều chúng ta kinh nghiệm và nhận định về tương quan và trách nhiệm của chúng ta đối với các hệ thiên nhiên của trái đất.
3. Chúng ta biết rằng trẻ em và người trẻ mà chúng ta nhìn thấy hôm nay sẽ thừa hưởng thế giới sinh động này nếu giờ đây chúng ta chọn duy trì nó qua việc tìm kiếm Thiên Chúa đang làm việc trong mọi sự và chủ động thúc đẩy chúng.
4. Trong tình liên đới và hy vọng, chúng ta nỗ lực vươn tới những người nghèo, là những người mà sinh kế và sự bền vững sinh thái của họ đang ngày một bị mất đi, và chúng ta cố gắng đưa những mối bận tâm của họ vào việc chăm sóc mạng lưới sự sống của chúng ta.
5. Chúng ta ủng hộ những hoạt động tốt đẹp của nền văn hóa đương thời, và khám phá những lựa chọn cần thiết để rồi quyết định nhờ phối hợp với người khác nhằm mở rộng khả năng của chúng ta trong việc biến đổi các thái độ và những mối tương quan liên hệ đến môi trường.
6. Chúng ta nhắm đến lợi ích lớn hơn, đó là tìm xem người ta có thể làm việc với các quà tặng của công trình tạo dựng như thế nào; chúng ta sống đời mình như một sứ mạng, để chữa lành và chia sẻ cho người khác sự viên mãn của cuộc sống.
7. Chúng ta chấp nhận thách đố sống bền vững trong thế giới này.
1. Chúng ta nhìn nhận Đấng tạo dựng mọi sự sống, và dành những giờ khắc thinh lặng nào đó trong ngày để đón nhận điều này với lòng biết ơn.
7] Nếu chúng ta muốn thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu thì chúng ta cần có một kinh nghiệm sâu xa về lòng biết ơn và hy vọng. Là những Giêsu hữu và những cộng sự viên, chúng ta khởi đi với thái độ tìm Thiên Chúa ngang qua công trình tạo dựng, như chính thánh I-nhã đã làm. Chúng ta cố gắng hiểu, như các vị giáo phụ tiên khởi đã hiểu, về mối liên hệ sâu xa giữa sách Khải huyền (Kinh Thánh) và “sách Tự nhiên” (công trình tạo dựng của Thiên Chúa chung quanh chúng ta), nơi mà chúng ta cảm nhận sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa như đang tuôn trào trong dòng chảy cuộc sống.
8] Kinh nghiệm này đến từ một tình yêu cá vị sâu xa với Chúa Giêsu Kitô, một quà tặng đi ngược lại với nền văn hóa tiêu thụ, và nỗ lực tìm kiếm những tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, với tha nhân và với công trình tạo dựng. Chúng ta tiếp tục dựa vào sự dồi dào phong phú và tái sinh liên tục của đất liền và biển cả. Chúng ta tìm thấy những mối tương quan đúng đắn này trong công trình tạo dựng nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng thêm cho chúng ta sức mạnh để – trong niềm hy vọng – chúng ta đọc kỹ các dấu chỉ thời đại của việc chăm sóc mọi sự sống.
9] Chúng ta cần cảm nghiệm với lòng biết ơn về quà tặng là các cơ sở của chúng ta. Chúng ta hoạt động nhờ các cơ sở phục vụ cho việc học hỏi, nghiên cứu và huấn luyện thiêng liêng, không phải vì nhờ những nỗ lực riêng của chúng ta, nhưng như là kết quả của ân sủng, một lịch sử làm việc với người khác và với những nguồn lực đã được ban cho.
10] Khoa học đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu và quản lý môi trường, tuy nhiên, nó không thể bao gồm toàn bộ kinh nghiệm của con người. Khi chúng ta hướng đến việc hòa giải với công trình tạo dựng, chúng ta cần tập dành thời gian để thưởng thức những ngày đẹp trời, ngắm nhìn lũ trẻ chơi đùa dưới trời mưa, thưởng ngoạn một cây anh đào đang trổ hoa. Tôn trọng sự sống nhờ có kinh nghiệm thần bí, chúng ta sẽ nhìn thấy mọi sự sống đều kết nối với nhau. Các nền văn hóa Châu Á Thái Bình Dương của chúng ta đã được bén rễ trong sự hiểu biết mang tính thần bí này, và là nguồn cho chúng ta có thể kín múc trong việc làm mới lại thái độ của chúng ta, đào sâu cam kết của chúng ta, cũng như định hướng cho tri thức nhân loại.
11] Đáp trả của chúng ta đối với những cuộc khủng hoảng sinh thái, cấp địa phương hay toàn cầu, đều không đơn giản đến từ sức mạnh của những giải pháp, chính sách và ứng dụng mang tính kỹ thuật. Chúng ta cần nhìn nhận sự bấp bênh của điều tương lai nắm giữ và nhìn nhận sự tương thuộc của tất cả các hệ thống, sinh thái cũng như xã hội. Vấn đề này không nên được khoán trắng cho các chuyên gia. Đúng hơn, tất cả chúng ta được mời gọi tìm kiếm một sự hiểu biết nhiều hơn về thiên nhiên, và cảm nghiệm về mối tương liên chúng ta có, cũng như về lòng biết ơn sâu xa hơn đối với ý nghĩa cuộc sống.
2. Xét như một tổ chức, chúng ta nỗ lực suy tư, nói về điều chúng ta kinh nghiệm và nhận định về tương quan và trách nhiệm của chúng ta đối với các hệ thiên nhiên của trái đất.
12] Suy tư về những kinh nghiệm đã được chia sẻ của chúng ta sẽ giúp hình thành nơi chúng ta một ý thức, nối kết chúng ta trong sự hiệp nhất và dẫn đưa chúng ta đến những hoạt động đã được chia sẻ và phân định xuyên suốt mọi sứ vụ của chúng ta. Chính từ kinh nghiệm về lòng biết ơn, chứ không phải quyền lực trên công trình tạo dựng, mà những thái độ và mong chờ của chúng ta mới thay đổi, và chúng ta học cách dấn thân với một sức bật mạnh mẽ hơn.
13] Tất cả chúng ta sống trong mối liên hệ với thế giới thiên nhiên ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều này. Nhiều người trong chúng ta bị cản trở nên không thể nhận ra sự phản hồi tức khắc về ảnh hưởng của lối sống chúng ta. Các hệ thống phức hợp đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng dựa trên các nguồn tài nguyên đến từ các khu vực địa lý xa xôi, nơi chúng ta có thể không ý thức về tác động xã hội và sinh thái có tính tập thể mà chúng ta gây ra. Khả năng tiêu thụ nhanh (ngắn hạn) trở thành nền tảng cho “sự phát triển nguồn cung cấp” (resource development) và thành nguyên nhân cho những mối tương liên lớn hơn bị đánh mất. Chúng ta cần phải dấn thân sâu hơn vào giới kinh doanh, bàn bạc với họ về những mối quan tâm môi trường và chất lượng sống, đặc biệt chất lượng sống của người nghèo.
14] Bày tỏ lương tâm là một suy tư về sự trung tín của chúng ta đối với một thế giới được chia sẻ và được chăm sóc. Việc này ràng buộc chúng ta với người khác, củng cố ý thức làm việc và những ngày lễ của chúng ta. Đây là một mối dây liên kết đưa chúng ta đi xa hơn chủ nghĩa tiêu thụ và thoải mái, và đưa chúng ta vào trong sứ mạng của Chúa Kitô, và đi vào việc phục vụ mọi người. Điều này cho phép chúng ta để ý đến người khác một cách sâu xa hơn khi chúng ta chia sẻ các mục tiêu, các quyết định và những hoạt động trên thế giới. Khi làm điều này, chúng ta chia sẻ cho nhau niềm hy vọng và mưu cầu trách nhiệm với lòng khiêm nhường.
15] Suy tư về cách làm việc của chính chúng ta bằng phương pháp Linh thao của thánh I-nhã, sẽ giúp chúng ta thấy những xung đột giữa cách chúng ta sống – trong đời sống cá nhân, cộng đoàn, cơ sở, và trong xã hội – với điều giờ đây chúng ta biết cần phải làm. Chúng ta đi đến chỗ hiểu biết hơn sự công bằng cơ bản và những mối tương quan đúng đắn cần thiết, và biết rõ hơn người khác đang làm việc cho một môi trường tốt hơn như thế nào, và biết rõ hơn những lựa chọn mà chúng ta có thể cùng làm với nhau. Chúng ta tìm ra sức mạnh cho điều chúng ta thực sự cảm thấy cần làm, nhờ làm việc cho cùng một mục đích để đảm nhận lấy trách nhiệm đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới.
3. Chúng ta biết rằng trẻ em và người trẻ mà chúng ta nhìn thấy hôm nay sẽ thừa hưởng thế giới sinh động này nếu giờ đây chúng ta chọn duy trì nó qua việc tìm kiếm Thiên Chúa đang làm việc trong mọi sự và chủ động thúc đẩy chúng.
16] Chúng ta khao khát nghiệm thấy Thiên Chúa đang hoạt động trong toàn thể công trình tạo dựng, sao cho chúng ta có thể sống kinh nghiệm này và sống những mối tương quan này trong tất cả mọi việc chúng ta làm. Bằng cách này, chúng ta nhận ra quà tặng cuộc sống và sự thiện hảo của cuộc sống, và nhận ra mình phải làm việc như thế nào, và biết rằng việc chúng ta nghĩ ra các sáng kiến là nhờ Thiên Chúa. Thiên Chúa đang hoạt động, và đã luôn hoạt động từ khi tạo dựng đến nay, và sự tinh tế này khiến cho con người đưa ra lời đáp trả, vượt quá những lợi ích tức thời, và liên quan đến mọi người và mọi thế hệ. Điều này cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa ngay khi chúng ta đang tìm cách giải quyết vấn đề chứ không chỉ vào lúc tạ ơn khi vấn đề đã được giải quyết.
17] Vì Chúa Kitô làm việc trong thế giới này, nên chúng ta chọn tham gia vào việc ấy cho tha nhân. Chúng ta nhìn nhận rằng thế giới này không phải của riêng chúng ta, và nhìn nhận rằng chúng ta sống hôm nay không chỉ cho riêng mình nhưng còn cho những người chung quanh và cho các thế hệ kế tiếp. Chúng ta học biết rằng bất kỳ điều gì chúng ta lấy thì không được lấy từ kẻ khác hay từ sự bền vững của đất liền và biển cả hoặc từ sự bền vững của con cái chúng ta và con cái của họ.
18] Người trẻ thường bày tỏ tự do khi đặt ra những câu hỏi có tính vén mở sự thật nhất, nhưng nhiều người trong họ lại rất dễ dàng bị thu hút bởi những sự thế gian và bởi những lối sống và lối thông tin không lành mạnh. Họ đang mất dần đi sự quen thuộc với tất cả những gì liên quan đến việc đồng áng và các kinh nghiệm về thiên nhiên. Ngày nay, năm mươi phần trăm dân số thế giới đã được đô thị hóa. Người trẻ đang dần trở nên xa lạ với công trình tạo dựng vì sự nối kết giữa các thế hệ đã bị đánh mất.
19] Khi chúng ta làm việc để củng cố chiều kích sinh thái trong cuộc sống của chúng ta thì đây là cơ hội then chốt cho chúng ta đồng hành với người trẻ, bằng cách củng cố ý thức về sự nối kết và về lương tri của họ trong thế giới này. Khi chúng ta lắng nghe họ một cách sâu lắng, chúng ta có thể khích lệ họ tìm kiếm điều đem lại cho họ sức sống và ủng hộ những sự thay đổi thực sự cần thiết để duy trì thế hệ của họ và các thế hệ nối tiếp.
4. Trong tình liên đới và hy vọng, chúng ta nỗ lực vươn tới những người nghèo, là những người mà sinh kế và sự bền vững sinh thái của họ đang ngày một bị mất đi, và chúng ta cố gắng đưa những mối bận tâm của họ vào việc chăm sóc mạng lưới sự sống của chúng ta.
20] Nhu cầu của người nghèo rất lớn, và khi hòa giải với công trình tạo dựng, một lần nữa, chúng ta tìm cách làm hòa với người nghèo, hiểu về tác động của họ lên trên đất đai, và lưu tâm đến các nhu cầu hằng ngày và niềm hy vọng của con cái họ. Thế giới này, đặc biệt là người nghèo, người trẻ và những ai đang vật lộn với cuộc sống, cần đến niềm hy vọng. Với niềm hy vọng và trung tín, chúng ta dấn thân từ chiều sâu thiêng liêng là nhận ra Đức Kitô nơi dân tộc và nơi đất nước của chúng ta, khi chúng ta lắng nghe câu chuyện lịch sử của họ và nhìn xem cách thức họ theo đuổi công bình và tìm kiếm một sự hòa giải mới ra sao.
21] Mối quan tâm dành cho môi trường đã dẫn đến một sự đáp ứng có giới hạn, nhưng hiện nay người ta vẫn bị ảnh hưởng do sự suy thoái môi trường: sự ô nhiễm, nạn hạn hán, lũ lụt. Tuy nhiên, gánh nặng này không được trải đều ngang nhau, vì người nghèo vẫn mang gánh nặng lớn hơn khi họ sống dù ở các thành phố quá đông đúc hay nơi những môi trường nông thôn vùng biên.
22] Tình trạng ô nhiễm đô thị tại nhiều thành phố lớn của chúng ta là một điều gì đó được chấp nhận như một quy luật. Tình trạng chất lượng không khí tồi tệ, ách tắc giao thông đô thị, và việc dùng bãi rác làm nơi sinh sống cho hàng ngàn con người đang lan rộng. Chất lượng nhà ở và các dịch vụ không thích hợp để duy trì cuộc sống xứng với phẩm giá cho đa số người nghèo ở thành thị. Chúng ta không những thiếu quyền ưu tiên xã hội và nguyện vọng chính trị nhưng còn thiếu cả về những tương quan kinh tế hộ gia đình-thị trường (household-to-market economic relations), và thiếu trách nhiệm giải trình để biến đổi một cách tập thể chất lượng sống ở đô thị cho tất cả mọi người.
23] Các môi trường vùng biên (marginal environments) thường có năng suất kém, nhưng lại là nguồn quan trọng cho những dịch vụ sinh thái có ảnh hưởng đến đời sống đô thị. Tình trạng xuống cấp rừng, lượng mưa gia tăng, sự đa dạng sinh học mất dần, xói mòn đất, tình trạng quản lý khai thác quặng mỏ yếu kém, và sự di cư của cộng đồng thường được chấp nhận như cái giá phải trả cho việc sản xuất và sự cạnh tranh thị trường, nhưng người ta lại không tính đến giá trị kinh tế trong toàn bộ việc sản xuất.
24] Chúng ta được mời gọi liên đới với những người đang sống trong tình trạng đô thị xuống cấp và với một nửa thế giới đang sống ở vùng nông thôn, và thường là những nơi môi trường vùng biên.
25] Chúng ta đang học hỏi về sự kết nối giữa các môi trường bị suy thoái, các rủi ro có thể xảy đến, các thiên tai đang gia tăng, các xung đột liên quan đến tài nguyên, các dịch vụ sinh thái đang bị xấu đi, tình trạng thiếu an toàn trong sinh kế, mất an toàn và chất lượng thực phẩm, và tình trạng di dân cưỡng bức. Người nghèo mang lấy phần lớn gánh nặng này. Chúng ta biết rằng nhiều hệ thống kinh tế của chúng ta đã sản sinh và duy trì sự nghèo đói và sự suy thoái trên khắp thế giới, và đây là một trong những gánh nặng nề nhất chúng ta để lại cho thế hệ tương lai.
26] Một trong những nguồn quan trọng về tương quan với công trình tạo dựng đến từ những dân tộc bản địa. Những dân tộc này đang càng lúc càng bị gạt ra bền lề do những đòi hỏi toàn cầu về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản ngày một gia tăng; tại nhiều nơi trên thế giới, họ cũng bị gạt ra bên lề vì sự thiếu hụt trong việc phân phát những dịch vụ và an ninh cơ bản của cuộc sống; và người ta cũng không quan tâm đúng mức đến ngôn ngữ, văn hóa và mối liên hệ của họ với đất đai.
27] Sự huấn luyện và những kỹ thuật của các cơ sở của chúng ta đang bắt đầu tập trung vào việc đáp ứng lại những nhu cầu của người nghèo. Chúng ta có một chặng đường dài để đi liên quan đến việc thiết lập những hệ thống sử dụng các nguồn lực hỗ trợ sự sống trong xã hội của chúng ta. Để làm điều này thì điều căn bản là cam kết của chúng ta cho các cộng đồng, nhằm nâng cao ý thức của họ về ý nghĩa trong cuộc sống và gia tăng khả năng phục hồi của họ trên đất đai, ngang qua những thực hành có tính bền vững và việc tham gia thị trường.
5. Chúng ta ủng hộ những hoạt động tốt đẹp của nền văn hóa đương thời, và khám phá những lựa chọn cần thiết để rồi quyết định nhờ phối hợp với người khác nhằm mở rộng khả năng của chúng ta trong việc biến đổi các thái độ và những mối tương quan liên hệ đến môi trường.
28] Đây là biên cương nơi chúng ta tìm kiếm một sự dấn thân mạnh mẽ hơn cho trách nhiệm giải trình về sinh thái trong một nền văn hóa đang tiếp diễn.
29] Ngày nay, chúng ta đang sử dụng tất cả những phương tiện của con người để hiểu biết về hệ thống sinh thái của trái đất, về những môi trường địa phương và tính bền vững của những môi trường này. Chúng ta chịu thách đố để dấn thân một cách chăm chút và phát triển những hệ thống và tiến trình mang tính tổ chức tập trung vào những hệ thống sinh thái. Chúng ta được mời gọi làm mới lại ý thức về căn tính khi chúng ta biến đổi các tương quan giữa chúng ta với môi trường, điều chỉnh dấu ấn sinh thái (ecological footprint) trong việc tiêu thụ, học cách lắng nghe người khác và cho đời sống thường nhật của chúng ta một ý nghĩa sâu xa hơn.
30] Các dịch vụ xã hội và mục vụ của Dòng Tên và tất cả các sứ vụ của Dòng được đưa vào cuộc đối thoại để thay đổi này, ngang qua xã hội dân sự và các chính phủ. Nhiều sáng kiến của Giêsu hữu chúng ta ở trình độ giáo dục bậc cao đang đang cộng tác vào việc học hỏi này, và củng cố những lãnh vực có đóng góp quan trọng cho việc quản lý môi trường. Trong chiều hướng đó, các trường trung học của chúng ta đang nâng cao ý thức và trách nhiệm giải trình nhiều hơn về sinh thái cho các học sinh, sinh viên, các giáo viên và các bậc phụ huynh. Chúng ta chịu thách đố tham gia và nâng cao trách nhiệm về môi trường. Các nỗ lực quản lý môi trường và rác thải của chính những cơ sở của chúng ta đang trở thành một ví dụ về điều có thể thực hiện được liên quan đến các hoạt động mang tính thay đổi, đó là những hoạt động thúc đẩy những tương quan đúng đắn đối với mọi sự.
31] Việc tự nguyện làm chứng ngang qua những lựa chọn cá nhân trong một nền văn hóa chung giúp cho người khác dấn thân vào những cơ hội hành động mới mẻ, chẳng hạn như giảm tiêu dùng cá nhân khi thấy thái quá. Vì các thái độ cá nhân và thái độ chung thay đổi, và vì đã có chứng tá và tính khả tín của những hoạt động cá nhân hay tổ chức, nên ảnh hưởng do lối sống cũng thay đổi, việc huấn luyện và các chương trình hầu chắc cũng gia tăng nhiều hơn và kết nối với nhau hơn.
32] Chúng ta tìm kiếm sự cộng tác và một mạng lưới lớn hơn giữa các cơ sở của Dòng. Chúng ta khích lệ việc đối tác với các tổ chức khác và với những chiến lược xã hội khác nhằm mở rộng khả năng của chúng ta để tác động trên trật tự xã hội và sinh thái cao hơn, nghĩa là chúng ta tiếp tục dấn thân cho công bình. Ngang qua những chương trình dấn thân, cùng với người trẻ, chúng ta hiểu rõ về cuộc sống của người nghèo. Chúng ta học cách lắng nghe và đồng hành với họ trong lãnh vực nâng cao năng lực, và trong những lựa chọn liên quan đến sinh kế nhằm tìm kiếm một thế giới an toàn và bền vững hơn.
33] Đặc biệt, ngang qua cuộc đối thoại của chúng ta với những dân tộc bản địa, chúng ta học biết về những mối quan hệ sâu xa với đất đai và sự tôn trọng dành cho công trình tạo dựng. Điều này cho phép chúng ta học hỏi những giá trị về sự đa dạng văn hóa và sinh học, và theo đuổi những sáng kiến mới nhằm mang lại sự an toàn về sinh thái và văn hóa lớn hơn.
6. Chúng ta nhắm đến lợi ích lớn hơn, đó là tìm xem người ta có thể làm việc với các quà tặng của công trình tạo dựng như thế nào; chúng ta sống đời mình như một sứ mạng, để chữa lành và chia sẻ cho người khác sự viên mãn của cuộc sống.
34] Con người, các cộng đồng và trái đất cần sự chữa lành. Vai trò của những người cao tuổi và những người thông thái trong vùng Châu Á Thái Bình Dương của chúng ta thường là vai trò chữa lành và nêu gương đức độ chứ không đơn giản là vai trò dạy dỗ. Chúng ta phải cắm rễ trong đức tin các giá trị và các thái độ có tính chức năng của chúng ta. Chúng ta phải đảm bảo rằng người nghèo có được những chọn lựa nhằm thúc đẩy sinh kế bền vững và sự an toàn môi trường. Chúng ta cần dấn thân để cho việc những sản phẩm được bày bán ngoài thị trường không cám dỗ chúng ta rơi vào cái bẫy, đó là sự phản ứng vội vã, có vẻ như dễ dàng nhưng lại thiển cận.
35] Trong sứ mạng chữa lành chung giữa chúng ta, chúng ta sử dụng kiến thức của mình rút ra những kinh nghiệm văn hóa khác nhau, tìm kiếm ân sủng của Thiên Chúa, vui sống và hân hoan sử dụng những điều này cho các thế hệ hiện nay. Chúng ta chia sẻ sứ mạng tìm kiếm lợi ích lớn hơn và tìm kiếm những cách thức mới để sống sự thách đố của việc hòa giải.
36] Đây là đặc sủng tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự được làm mới lại. Đặc sủng này không thể tách khỏi đặc sủng và cam kết của chúng ta dành cho công bình và hòa bình. Nếu chúng ta phải chăm lo cho công ích, chúng ta không thể nào tiến đến điều đó mà không có đặc sủng này ở trong bối cảnh của công trình tạo dựng, mà không nhận ra nhu cầu cần phải quản trị và quản lý cho tốt các tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản của trái đất.
37] Sứ mạng hòa giải với công trình tạo dựng hiện diện trong tất cả những lãnh vực, nơi chúng ta đang đối mặt với sự thay đổi: trong công việc xã hội, văn hóa và mục vụ của chúng ta, trong những sáng kiến của chúng ta cho người trẻ, và người bị cưỡng bức phải di tản, và trong những biên cương về giáo dục, tri thức và tổ chức của những hoạt động của chúng ta. Khi đối mặt với nhiều giới hạn, chúng ta biết rằng chúng ta phải học biết một lối sống mới xét như một cộng đồng và như một xã hội. Có nhiều Giêsu hữu và nhiều cộng sự viên đang làm việc tại các biên cương đã làm chứng cho việc chăm sóc công trình tạo dựng. Trong bối cảnh những nền văn hóa khác nhau trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, chúng ta cần chia sẻ một cách rộng rãi và sâu xa hơn nhiều lời chứng sinh thái ý nghĩa và đặt trên niềm tin. Chúng ta cần chia sẻ điều này với những ai đang chịu đau khổ và những ai đang mong mỏi hòa bình cho mọi nơi.
7. Chúng ta chấp nhận thách đố sống bền vững trong thế giới này.
38] Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với một tương lai bấp bênh. Với niềm hy vọng, chúng ta chấp nhận thách đố biến đổi các thái độ và hành động có ảnh hưởng tiêu cực trên môi trường, trên những lựa chọn của người nghèo và những người thuộc các thế hệ tương lai. Niềm hy vọng và khả năng phục hồi của chúng ta đến từ sự hiểu biết những tác động này và cách thức làm việc tốt hơn trong cộng đồng và xã hội với công trình tạo dựng, trong khi chia sẻ tinh thần của mọi sự sống với tất cả mọi người. Sự đáp lại của chúng ta được bén rễ trong một ao ước sâu xa về một xã hội công bình và được chăm lo, và về sự hòa giải với Thiên Chúa, với tha nhân và với công trình tạo dựng.
39] Kết quả là, chiến lược về sinh thái của chúng ta là sự quan tâm của toàn Vùng và chiến lược này cần được diễn tả:
* Qua các cơ sở và lối sống của chúng ta,
* Qua việc huấn luyện người trẻ, giáo dân và các học viên,
* Qua việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản.
40] Cung cấp hành xử của chúng ta đối với môi trường là một lời mời gọi có tính thiêng liêng và xã hội. Nó mời gọi chúng ta lấy ba chủ đề này làm nền tảng cho việc tiến đến chiến lược và mối tương quan về sinh thái của chúng ta đối với đất đai.
(Philipphê Trần Thanh Minh, S.J, dịch từ bài “Our Environmental Way of Proceeding” trong tài liệu “Reconciliation with Creation”-Jesuit Conference of Asia Pacific (JCAP)-Task Force on Ecology, 2013, pp. 175-185)