Chiêm Niệm Trong Hoạt Động và Việc Hồi Tâm Mỗi Ngày như ‘Sự Chuẩn Bị Trước’

Vũ Uyên Thi S.J

Chiêm niệm trong hoạt động và việc hồi tâm mỗi ngày là hai điều căn bản trong linh đạo I-nhã, và hơn thế đây còn là điều mỗi người theo linh đạo I-nhã thực hiện mỗi ngày. Tuy thế, trên bình diện lý thuyết và thực hành, thật không dễ để lĩnh hội đầy đủ ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của hai điều căn bản ấy, ít là theo kinh nghiệm của người viết – một Giê-su hữu, người được đào luyện trong và sống linh đạo I-nhã hơn kém mười năm.

Trước hết phải thừa nhận rằng ý nghĩa và tầm quan trọng của một điều nào đó, xét tự bản chất, có tính tương đối, nghĩa là điều ấy quan trọng và có ý nghĩa khi so sánh đối chiếu với một điều gì khác. Điều này có nghĩa rằng khi một điều mới được khám phá, ý nghĩa và tầm quan trọng của điều cũ sẽ thay đổi. Ví dụ như rau muống hay tỏi chẳng hạn, chúng là những món ăn bình thường, nhưng khi y học hiện đại khám phá ra đặc tính quan trọng của chúng, chúng trở nên đặc biệt và được đánh giá cao hơn.

Cũng thế, chiêm niệm trong hoạt động và việc hồi tâm mỗi ngày nếu không được hiểu đựa trên những thách đố quan trọng, chúng cũng chỉ là những món ăn bình thường. Chẳng hạn, cầu nguyện đem lại sức mạnh và là điều không thể thiếu, và đời sống tông đồ cần làm việc không thể dành nhiều thời gian cầu nguyện, thế nên phải kết hợp cầu nguyện và làm việc. Hay đi xa hơn, có thể hiểu là thấy Chúa làm việc nơi mọi sự và cộng tác với Chúa, thánh hóa và dâng cho Chúa công việc mình làm. Việc hồi tâm xét mình khi đó cũng được hiểu là nhìn lại trong tâm tình tạ ơn để nhận ra những ân lànhcủa Chúa và những sai xót để sửa chữa.

Có một cách để hiểu sâu hơn hai điều trên đó là đặt ra cho chúng những vấn nạn lớn và căn bản nhất xem chúng có khả năng giải quyết đến đâu, và thiết nghĩ cách hiểu và đánh giá đúng một điều phải dựa vào mức độ chúng giải quyết các vấn nạn lớn có liên quan.

Người viết thấy có hai vấn nạn lớn trong cuộc sống: Thực hành lời Chúa và việc tái sinh thành người mới (thay đổi thói quen). Chúa Giê-su nói khá nhiều về vấn nạn thực hành lời Chúa: dụ ngôn người gieo giống, người khôn ngoan xây nhà trên đá. Đức Phật cũng nói, người nghe những điều hay mà không thực hành cũng giống như người vào nhà hàng xem các món ăn và đi ra, cơ thể không đươc nuôi dưỡng gì cả. Ngày nay ai cũng có thể nghe điều khôn ngoan, bấm internet là có, nhưng vấn nạn ở chỗ ít người đem ra thực hành. Có lẽ nguyên nhân của vấn nạn này nằm ở vấn nạn thứ hai: thói quen. Ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm rơi trở lại thói quen cũ, và sức mạnh của thói quen thiết nghĩ không cần phải nói thêm. Điều cần nói đó là khi gieo một thói quen, sẽ gặt một số phận, nghĩa là trừ khi có một tác động và thay đổi lớn diễn ra, số phận của mỗi người trưởng thành đã được định sẵn với thói quen tương ứng.

Như thế, điều cốt lõi là thay đổi thói quen. Một thói quen chỉ có thể thay đổi khi có biến cố lớn-điều này khó xảy ra; đa số diễn ra ngang qua con đường tiệm tiến mỗi ngày. Sức mạnh của thói quen ở chỗ nó quy định phản ứng trước khi con người kịp suy nghĩ, vì phản ứng này mạnh và liên tục nên con người ta thường sẽ làm theo; thế nên nếu không có sự chuẩn bị trước con người thường thua trận.

Vậy mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ có sự chuẩn bị trước. Theo người viết, nếu phải tóm tắt tinh hoa của linh đạo I-nhã bằng bằng một từ ngữ khác, cụm từ ‘với sự chuẩn bị trước’ chính là câu trả lời.

Sau đây sẽ trả lời hai câu hỏi: tại sao sự chuẩn bị trước lại có thể, và là cách duy nhất, chiến thắng thói quen và tại sao đây là cốt lõi của linh đạo I-nhã và là trọng tâm của việc chiêm niệm trong hoạt động và hồi tâm mỗi ngày.

Sự chuẩn bị trước ở đây được hiểu theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Chiều rộng chính là bức tranh hay cái nhìn về thế giới, Thiên Chúa, mục đích mà một người có. Nói là bức tranh vì đây phải là điều cụ thể, rõ ràng, được lặp đi lặp lại cách sống động. Chiều sâu chính là kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu ấy trong từng giai đoạn, năm, tháng, tuần, ngày, giờ. Câu ‘niệm chú’ quan trọng là niệm chương trình sống này. Với chương trình rõ ràng, và lập lại nhiều lần, khi đối diện với các hoàn cảnh trong ngày, đương sự sẽ thấy thói quen cũ không còn sức mạnh nữa, hơn thế, với thời gian đủ lâu, chính chương trình mới sẽ thành thói quen tốt, gọi là nhân đức.

Câu trả lời này sẽ làm nảy sinh nhiều vấn nạn và vì thế cần câu trả lời thứ hai. Các vấn nạn đặt ra là với câu trả lời thứ nhất con người có mất đi sự hồn nhiên, phó thác, con người có quá duy ý chí, không cậy dựa vào Chúa, kiêu ngạo, có thể lên kế hoạch sai, vân vân và vân vân?

Câu trả lời thứ hai sẽ là: đây chính là nơi thể hiện sự tinh túy của linh đạo I-nhã. Trước hết với bức tranh tổng quát, người theo linh đạo I-nhã không tự tiện vẽ ra, nhưng được vẽ ra trong khung cảnh Linh Thao 30 ngày với những bài cầu nguyện được thiết kế và sắp đặt cách đặc biệt để xác định bức tranh ấy. Thực vậy, đây là lý do tại sao các bài Linh Thao của Thánh I-nhã có ba đặc tính: Giàu hình ảnh, khái quát (và khi khác rất cụ thể), và có tính lập lại. Ba điều này hợp lại cho con người một bức tranh đúng đắn về thế giới. Thế nên không nên quá lo về việc có bức tranh sai lạc, và hơn nữa bức tranh này có thể được bổ sung trong các kỳ linh thao 8 ngày hằng năm, linh thao 30 ngày lần hai.

Dựa trên bức tranh này mà chương trình cụ thể được xây dựng. Chương trình này cũng không phải được thiết kế tùy tiện, nhưng được thiết kế và bổ sung sửa đổi trong cầu nguyện và nhận định, cộng với sự đồng hành thiêng liêng của vị linh hướng. Trong cầu nguyện, đương sự với tâm tình yêu mến và phụng sự Chúa hình dung trước cung cách phản ứng và làm việc sao cho vinh danh Chúa hơn, và dâng cho Chúa khát khao và dự định ấy. Đây chính là lúc cụ thể áp dụng lời Chúa và các điều khôn ngoan vào chương trình sống. Và rồi khi làm việc chính là làm việc dâng hiến lần thứ hai. Cuối ngày người ấy nhìn lại việc dâng hiến để có thể làm tốt hơn trong lần sau đồng thời chuẩn bị cho việc dâng hiến ngày hôm sau. Như thế con người dâng hiến đến ba lần, và sức mạnh của ân sủng nuôi dưỡng tâm hồn cũng là ba lần, vì có ba lần trao và nhận tình yêu.

Việc nhận định giúp cho đương sự bổ sung và uyển chuyển, vì thế không lo duy ý chí hay cứng nhắc. Hơn nữa, với sự chuẩn bị như thế đương sự tràn đầy tinh thần phục vụ, chính tinh thần này tạo chỗ những việc bác ái đột xuất phát sinh, vẫn có chỗ cho người khác.

Còn lo lắng về việc không phó thác ư? Xem ra chúng ta vẫn hay nghĩ Chúa ưa thích sự phó thác nơi con người và không thích sự tính toán hay sắp đặt của họ cho lắm. Sự tính toán và lên kế hoạch vẫn được hiểu, và thực ra cũng có nguy cơ, là việc con người muốn làm chủ lấy vận mạng đời mình, tự mình sắp đặt lấy cuộc đời của mình. Thực ra không phải vậy. Thước đo hay thuốc thử của sự phó thác chính là khả năng làm việc, đầu tư cống hiến, gieo vãi, lên kế hoạch và thực hiện miệt mài. Chính người không có kế hoạch mới là người thiếu niềm tin và phó thác nơi Chúa. Nếu anh nói anh tin nước tôi có môi trường làm ăn tốt mà anh không đầu tư, anh là người không đáng tin. Hơn nữa, điều bảo đảm cho sự phó thác chính là việc cầu nguyện và nhận định, một việc khiến con người luôn đặt mình trước sự hiên diện của Thiên Chúa và làm việc để phụng sự kế hoach lớn lao của Người.

Như thế, khi đặt đối diện với các thách thức lớn và căn bản, chúng ta sẽ dễ thấy hơn, và hiểu đúng hơn, ý nghĩa và vai trò của việc chiêm niệm trong hoạt động và việc hồi tâm. Hai điều này giúp xây dựng một kế hoạch cả đời, và mỗi ngày lập lại kế hoạch ấy như khao khát dâng hiến trong tình yêu. Xem ra một thực hành quan trọng và thú vị, vì có thể làm khi đợi tàu xe, đó là lập lại bức tranh về thế giới, mục đích cuộc đời, các giai đoạn, chương trình sống trong tháng, tuần, ngày. Mới đầu thấy phức tạp, nhưng làm riết cũng quen. Nếu một miếng vải quý phải đắn đo nhiều thợ may mới dám cắt, không lẽ thời gian sống không đủ quý để đắn đo và tính toán trước sao?

Kiểm tra tương tự

05/11 – Mừng kính các Thánh và các Chân phước Dòng Tên

  Giêsu hữu là người được nhận làm bạn đường của Chúa Giêsu. Thánh I-nhã …

Inhaxio Loyola, Linh Thao và Dilexit Nos

    Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Thông Điệp có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *