Sự Hiện Diện Vô Điều Kiện Của Thiên Chúa (2/2)

sách luật Cựu Ước

Hành động tặng không mà Thiên Chúa đã thực hiện hết sức hiệu quả trong lịch sử dân Israel luôn có kèm theo việc cam kết thực thi giao ước, do Thiên Chúa đề nghị và được dân Israel chấp nhận. Trên núi Sinai, sáng kiến của Thiên Chúa đã trở thành cụ thể qua giao ước của Ngài với dân Ngài, và kèm theo đó là Mười Điều Răn do Chúa mạc khải (x. Xh 19-24). “Mười Điều Răn” ấy (Xh 34,28; x. Đnl 4,13; 10,4) “diễn tả nội dung bao hàm những việc thuộc về Chúa khi ký kết giao ước. Sống có luân lý chính là một cách đáp trả sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là sự tri ân và tôn kính dành cho Thiên Chúa, đồng thời là sự thờ phượng trong tâm tình biết ơn. Đó cũng là cộng tác vào kế hoạch mà Thiên Chúa đang theo đuổi trong dòng lịch sử”[1].

Mười Điều Răn tạo nên một con đường sống đặc biệt và an toàn nhất để được tự do khỏi bị nô lệ tội lỗi – cũng là một cách diễn đạt đặc biệt của luật tự nhiên. Mười Điều Răn “dạy chúng ta biết thế nào là làm người thật sự. Chúng chỉ cho chúng ta thấy những nghĩa vụ thiết yếu, và do đó, một cách gián tiếp, chúng cho chúng ta thấy những quyền căn bản nằm trong bản tính con người”[2]. Chúng mô tả cho chúng ta biết luân lý chung của con người là gì. Trong Tin Mừng, chính Đức Giêsu đã nhắc nhở chàng thanh niên giàu có rằng Mười Điều Răn (x. Mt 19,18) “chính là những quy luật thiết yếu cho mọi đời sống xã hội”[3].

Từ Mười Điều Răn ấy, chúng ta thấy mình phải cam kết không những trung thành với một Thiên Chúa chân thật duy nhất, mà còn phải có những mối quan hệ xã hội thế nào giữa dân giao ước với nhau. Đặc biệt những mối quan hệ này được quy định bởi điều được gọi là quyền của người nghèo: “Nếu người nào trong các ngươi nghèo, một người trong anh chị em các ngươi”, các ngươi không được đóng lòng hay khoá tay lại, mà phải mở rộng tay với người ấy và cho người ấy vay đủ cái người ấy cần” (Đnl 15,7-8). Những điều này cũng áp dụng cho cả người ngoại quốc: “Khi có người ngoại quốc cư ngụ với các ngươi trên đất các ngươi, các ngươi không được làm hại người ấy. Người ngoại quốc cư ngụ với các ngươi cũng được coi như người bản xứ như các ngươi, các ngươi sẽ yêu thương người ấy như chính mình; vì các ngươi cũng đã từng là người ngoại quốc trên đất Ai Cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,33-34). Như thế, việc ban tự do và Đất Hứa, ban Giao Ước trên núi Sinai và Mười Điều Răn, tất cả những ân huệ ấy đều được gắn liền với những bổn phận sẽ chi phối quá trình phát triển xã hội Israel, trong công bằng và liên đới.

Trong số nhiều chuẩn mực diễn tả cách cụ thể sự cho không của Thiên Chúa và việc chia sẻ sự công bằng như Chúa đã thôi thúc, luật Năm Sabat (cứ bảy năm một lần) và luật Năm Toàn Xá (cứ năm mươi năm một lần)[4] được coi là những chỉ dẫn quan trọng cho đời sống xã hội và kinh tế của dân Israel “ dù rất tiếc chúng không bao giờ được thực hiện cách hoàn toàn hữu hiệu trong lịch sử. Không kể việc yêu cầu để ruộng đồng nghỉ ngơi, luật còn đòi người Israel xoá hết nợ nần và tha bổng cho cả người lẫn của cải: ai nấy được tự do trở về nguyên quán của mình và lấy lại những tài sản đã được thừa kế một cách tự nhiên.

Luật này nhằm bảo đảm cho thấy biến cố cứu độ Xuất Hành khỏi Ai Cập và việc trung thành với Giao Ước không chỉ là nguyên tắc làm nền cho đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, mà còn là nguyên tắc hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan tới sự nghèo đói về kinh tế và các bất công xã hội. Nguyên tắc này thường được viện đến mỗi khi người ta muốn canh tân đời sống của dân Giao Ước, từ bên trong và liên tục, hầu làm cho đời sống của họ phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Để loại trừ sự kỳ thị và những bất bình đẳng về kinh tế do những sự thay đổi trong kinh tế và xã hội gây ra, cứ bảy năm, người ta nhớ lại biến cố Xuất Hành và Giao Ước bằng những hành vi xã hội và pháp lý, nhằm trả lại ý nghĩa sâu xa nhất cho những khái niệm về nghèo đói, nợ nần, vay mượn và của cải.

Các luật cử hành Năm Sabat và Năm Toàn Xá chính là một hình thức “học thuyết xã hội” thu nhỏ [5]. Chúng cho thấy các nguyên tắc của công lý và liên đới xã hội đã được cảm hứng thế nào từ hành vi cứu độ vô vị lợi của Thiên Chúa. Chúng không chỉ có giá trị sửa chữa những tập tục bị chi phối bởi các quyền lợi và mục tiêu ích kỷ, mà còn như một lời tiên tri cho tương lai, chúng đã trở thành những điểm tham khảo mang tính quy phạm mà mỗi thế hệ Israel phải tuân thủ nếu muốn trung thành với Thiên Chúa của mình.

Những nguyên tắc này cũng trở thành tiêu điểm cho các ngôn sứ nhắm tới khi giảng dạy, bằng cách giúp người ta đưa chúng vào nội tâm. Theo lời dạy của các ngôn sứ, Thần Khí Thiên Chúa, được đổ vào tâm hồn con người, sẽ làm cho những tình cảm về công lý và liên đới ấy, từng hiện diện trong tâm hồn Đức Chúa, bám rễ trong lòng mọi người (x. Gr 31,33 và Ez 36,26-27). Lúc ấy, ý muốn của Thiên Chúa “ được diễn tả trong Mười Điều Răn mà Ngài đã ban cho họ trên núi Sinai “ sẽ bám rễ trong nơi sâu xa nhất của con người. Nhờ tiến trình nội tâm hoá này mà các hành vi xã hội của con người có được chiều sâu và được hiện thực nhiều hơn, có thể làm cho các thái độ đối với công lý và liên đới dần dần trở thành những thái độ phổ quát, mà dân Giao Ước được mời gọi thi hành đối với hết mọi người trong mọi quốc gia và dân tộc.

 (Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 22-25)

 Cầu nguyện

Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.

Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.

Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,

thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.

Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.

Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.

Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
Không còn vương trọng tội.

Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Ðấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài. (Tv 19,7-15)

(Ban Tông đồ Xã hội)

………………..

 [1] x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2062.

[2] Ibid., 2070.

[3] Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 97: AAS 85 (1993), 1209.

[4] Những luật này có thể tìm thấy nơi sách Xh 23, Đnl 15 và Lv 25.

[5] x. Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 13: AAS 87 (1995), 14.

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *