Thế thì ai có thể được cứu

16/08/2011
Thứ ba, tuần XX mùa TN

Mt 19, 23-30

1. “Thế thì ai có thể được cứu”

– “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Câu nói này của Đức Giê-su dường như chỉ liên quan đến “những người giàu có”, chẳng hạn người thanh niên giàu có khước từ lời mời gọi đi đem tài sản, phân phát cho người nghèo và đi theo Đức Giê-su, chứ không liên quan đến chúng ta, vốn không phải là “những người giàu có”.

– Tuy nhiên, trên bình diện sở hữu, làm sao có thể xác định được ai giàu và ai không giàu? Vì thế, lời của Đức Giê-su không xét đoán của cải, vì của cải tự nó không phải là điều xấu hay sự dữ, nhưng liên quan đến tương quan gắn bó của con tim đối với của cải, mà “những người giàu có” rất dễ mắc phải. Nhưng vì vấn đế là tương quan với của cải, chứ không phải của cải, nên lời của ĐGS liên quan tất cả mọi người: người có của, người có ít của, và kể cả người không có của. Người thanh niên, tuy đã giữ tất cả Lề Luật từ nhỏ và giữ một cách hoàn hảo, nhưng lòng anh lại gắn bó mật thiết với điều anh có, vốn là đối tượng mà Lề Luật không thể đụng chạm tới được. Bằng lời mời gọi thật triệt để dành cho anh cách đích danh, ĐGS cảm thương anh (x. Mc 10, 21) và muốn giải thoát anh khỏi sự quyến luyến lệch lạc và hướng lòng anh tới “kho tảng trên trời”.

– Các môn đệ, dường như hiểu ra được vấn đề là sự gắn bó của con tim đối với của cải, vốn liên quan đến mọi người, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có thể được cứu?” Và ĐGS đã xác chuẩn cách hiểu này và hướng lòng các môn đệ tới sức lôi cuốn mạnh mẽ của chính TC, được thể hiện nơi ngôi vị của ĐKT (x. Phi 3, 7-6), khiến chúng ta có khả năng tự do với những điều chúng ta có, và thậm chí với chính sự sống của chúng ta: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Điều này có nghĩa là, TC có khả năng làm cho “con lạc đà chui qua lỗ kim” được! Đó là điều TC đã và đang làm với các môn đệ của Ngài thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.

2. “Chúng con đã bỏ lại mọi sự…”

– Với một vài khác biệt, cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại câu nói của thánh Phêrô: “Chúng con đây (nghĩa là không như anh thanh niên có nhiều của cải), chúng con đã bỏ lại tất cả và chúng con đi theo Thầy”. Câu nói này của Phêrô, nói nhân danh các môn đệ, và nhân danh cả chúng ta nữa, gợi lại quyết định đi vào đời tu.

– Khi tường thuật, TM Mc dừng lại đây (Mc 10); TM Lc thêm một chi tiết: “tất cả những gì thuộc về chúng con” (Lc 18), còn TM Mt mà chúng ta vừa nghe, thì thánh Phêrô nói thêm: “vậy chúng con sẽ được gì?” Ba cách tường thuật hơi khác nhau, diễn tả những tâm tình và những kinh nghiệm khác nhau của từng người chúng ta, dù tất cả chúng ta đều thực hiện cùng một quyết định: “bỏ lại tất cả” để “sang bờ bên kia” theo tiếng gọi của Đức Giêsu.

– Câu trả lời của Đức Giêsu có hai phần, phần dành cho 12 tông đồ và phần dành cho tất cả mọi người. Trong phần dành cho tất cả mọi người, Đức Giêsu đều kể ra những gì mà Phêrô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tất cả tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh và rất đỗi thân thương: căn nhà, tất cả những người ở trong nhà và đất đai chung quanh nhà; nói cách khác, đó là hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng”! Như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm, hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng” rất đỗi thân thương này, chúng ta không thể từ bỏ một lần là xong, nó thường hay trở lại, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn trong đời tu.

3. Gấp trăm

– Về câu hỏi: “vậy chúng con sẽ được gì?”, câu hỏi này có vẻ hàm chứa sự tính toán về quyền lợi và lương bổng. Nhưng Đức Giêsu cũng trả lời. Theo TM Mt mà chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu trả lời chung chung và ở thì tương lai: “thì sẽ được gấp bội”. Nhưng theo TM Mc, câu trả lời của Đức Giêsu rất cụ thể và ở thì hiện tại: “Bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được gấp trăm; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất.

– Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những chị em hay anh em cùng chia sẻ một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời, đó là tương quan hiệp thông và chia sẻ.

  • Hiệp thông trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Trưởng Tử, và như thế, mọi người là anh chị em.
    • Chia sẻ những gì mình có, và đón nhận những gì mình được chia sẻ.

– Nhưng không thể không có những khó khăn, như mọi người chúng ta, dù lớn hay bé trong ơn gọi, đều có kinh nghiệm. Có khó khăn, và cả những ngang trái nữa, đòi rất nhiều sự hi sinh và sức chịu đựng, bởi vì đó là kinh nghiệm tái sinh: để đi vào một gia đình mới, vào những tương quan mới, chúng ta phải được sinh ra lại trong Hội Dòng và trong Nước Trời.

– Thế mà cuộc sinh ra nào mà lại không có khó khăn, hi sinh, chịu đựng và nhất là cho đi. Chúng ta không có kinh nghiệm làm mẹ, nhưng tất cả chúng ta đều có mẹ! Và điều đó đủ để chúng ta nhận ra thế nào là sinh ra và thế nào là được sinh ra.

– Và ơn tái sinh còn đòi hỏi hi sinh hơn thế nữa, vì đó là cuộc tái sinh trong mầu nhiệm Chịu Chết và Sống Lại của Đức Kitô. Nhưng ĐGS hứa rằng, chúng ta sẽ “được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”.

Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *