Ký giả Hãng thông tấn AFP nói về Đức Giáo Hoàng Phanxicô*

Radio Vatican, 4-9-2014
Linh mục Jean-Pierre Bodjoko, Dòng Tên ghi lại cuộc phỏng vấn

Jean-Louis-de-la-VaissièreThưa ông Jean-Louis de La Vaissière, ông vừa tháp tùng Đức Phanxicô trong chuyến đi Hàn quốc vừa qua, xin ông cho chúng tôi biết cảm tưởng chung của ông về chuyến đi này?

Jean-Louis de la Vaissière: Đây là chuyến đi thành công lớn của Đức Phanxicô, ngài là người Châu Mỹ La Tinh, ngài ít biết về một xã hội có nền văn hóa, giáo dục khác với nền văn hóa, giáo dục của mình, vậy mà ngài đã chinh phục được họ. Ngài đã biết cách chinh phục họ và sự tiếp xúc rất tốt, qua đó ngài đã khuyến khích một Giáo hội thiểu số nhưng rất sống động. Cùng một lúc ngài gởi đi một vài sứ điệp để chỉnh sửa những gì chưa tốt. Một chủ đề rất thiết tha của ngài, đó là một Giáo hội không được nằm trong cơ chế quá. Giáo hội Hàn quốc là một Giáo hội trở nên khá giàu, có tổ chức tốt và chung chung cũng như xã hội Hàn quốc, một xã hội chuộng thành tích, chuộng hiệu năng. Và ngài nhắc lại sứ điệp xã hội trong triều giáo hoàng của mình là gần với những người nghèo nhất, không được cứng ngắt trong cơ chế, không được xa những gì mà giáo dân quan tâm đến. Một sứ điệp cùng một lúc khen ngợi mà cùng một lúc có tính phê phán, sứ điệp này đã được đón nhận. Là một Giáo hội sống động nên Giáo hội Hàn quốc có cả một tương lai trước mặt, một Giáo hội hàng năm có 100 000 người được rửa tội. Đối với người phương Tây chúng ta thì đó là một con số khổng lồ. Và đúng là một phát triển rất lớn, ngược với các châu lục khác, Giáo hội Công giáo thu hút được nhiều tín hữu Tin Lành vì một vài Giáo hội Tin Lành bị vấy bẩn với các vụ tai tiếng tham nhũng, tín hữu của họ qua đạo Công giáo vì đạo Công giáo có uy tín hơn.

Trên chuyến bay trở về Rôma, ông đã hỏi ngài liệu ngài có ủng hộ một sự can thiệp quân đội vào Irak để chận đứng sự xâm lấn của quân phiến loạn Hồi giáo cực đoan. Ông có bằng lòng câu trả lời của Đức giáo hoàng không?

Tôi nghĩ Đức giáo hoàng muốn mọi sự vào khuôn khổ. Có những câu tuyên bố của các vị có trách nhiệm trong Giáo hội có vẻ như muốn nói: “Đúng, chúng tôi ủng hộ các cuộc không tập của quân đội Mỹ.” Tôi nghĩ Đức giáo hoàng muốn uyển chuyển hơn nên đã nói: Đúng, phải ngăn chận kẻ tấn công, nhưng quyết định này phải do Liên Hiệp Quốc đưa ra, có nghĩa là phải có một quyết định của tập thể. Ngài đã nói: Đúng, ngăn chận kẻ tấn công nhưng không được bỏ bom, không được làm chiến tranh. Giới hạn của việc này thì rất mong manh. Theo tôi, đây là một cách nói cho cân bằng.

Và ông bằng lòng với câu trả lời của ngài?

Có, tôi bằng lòng với câu trả lời của ngài vì dù sao ngài tái khẳng định sự không dùng bạo lực của Giáo hội. Đó là tất cả vấn đề mà một cuộc chiến tranh chính đáng phải được đặt ra. Tôi nghĩ câu trả lời này rõ ràng đã được chuẩn bị trước. Ngài cân nhắc từng câu chữ nói ra.

Một câu hỏi có tính cách cá nhân. Nếu Đức Phanxicô quyết định đi Irak, một chuyến đi sẽ rất khó nhọc hơn chuyến đi Hàn quốc vừa qua, ông có đi không?

Có, chắc chắn rồi, tôi sẽ đi theo ngài và tôi xin ơn để Chúa cùng đi theo tôi.

Tích cực quá! Đâu là chuyện bên lề trong chuyến đi vừa qua?

Có một khía cạnh có tính cách rất Đại Hàn mà tôi nhận ra khi nói chuyện với các ký giả Hàn quốc: Ở Hàn quốc có một tai nạn chìm phà ở Sewol làm cho 300 người chết, đa số nạn nhân còn trẻ. Thảm kịch này cho thấy nạn tham nhũng, thiếu điều hành của chính quyền… Cách nào đó các gia đình nạn nhân theo sát chuyến đi của Đức giáo hoàng và cứ mỗi nơi ngài đến, họ đều mong ngài có thái độ đối với thảm kịch này, họ mong có sự ủng hộ của ngài để đối đầu với chính quyền. Và vì thông cảm, Đức Phanxicô đã đóng vai trò này để chia sẻ nỗi đau của các gia đình. Ngài còn mang cả chiếc ru băng màu vàng, màu của các nạn nhận ở Sewol. Đối với chúng ta, đó không phải là một cái gì nổi bật nhưng đối với báo chí Hàn quốc thì đó là một điều rất đáng kể. Và cũng vui khi nói chuyện với các ký giả Hàn quốc, họ muốn biết Đức giáo hoàng có bằng lòng khi đến Hàn quốc không. Tôi, tôi trả lời ngài đã gật đầu khi linh mục Lombardi hỏi ngài. Nhưng đối với họ như vậy chưa đủ. Họ muốn ngài tuyên bố từ miệng ngài nhưng đương nhiên là ngài rất bằng lòng.

Một câu hỏi hiếu kỳ của tôi: bầu khí trên máy bay như thế nào?

Ồ, trên chuyến đi, chúng tôi có thể chào ngài. Chúng tôi rất xúc động, cách ngài tiếp xúc với mỗi người chúng tôi rất cảm động. Ngài ôm hôn người nào ngài quen biết, chúng tôi có thể nói với ngài các suy nghĩ của mình, ngài lắng nghe. Ngài xin chúng tôi giữ một phút thinh lặng để tưởng niệm ký giả Ý Simone Camilli vừa bị giết ở Gaza. Đó là chuyến đi. Còn trên chuyến về thì có cuộc họp báo, ngài hoàn toàn dành hết thì giờ cho chúng tôi và chúng tôi thấy ngài làm chủ tình hình; đúng là một tu sĩ Dòng Tên, ngài biết ngài muốn đạt đến chuyện gì. Thỉnh thoảng ngài dí dỏm nói đùa nhưng chúng tôi biết ngay đó là câu nói đùa. Không bao giờ ngài trệch lối, không bao giờ đi quá. Theo tôi, ngài cực kỳ khéo léo theo nghĩa tích cực của từ này. Ngài biết rất rành làm sao trả lời với ký giả một cách đơn sơ để họ không bắt bẻ.

Vậy mà các câu hỏi này không được chuẩn bị trước?

Thế đó. Nhưng ngài đã suy nghĩ. Chẳng hạn, ngài biết các ký giả sẽ hỏi về Trung quốc và Irak, các vấn đề này thì ngài phải chuẩn bị. Nhưng khi hỏi về sự yêu chuộng của giáo dân đối với ngài, ngài trả lời rất khéo. Ngài nói đó là do lòng quảng đại của dân Chúa, câu trả lời rất hay. Sau đó, có câu hỏi này khi ăn: “Tôi có thể làm việc hai, ba năm nữa, sau đó tôi về nhà Cha”. Đó là câu đã làm cho mọi người bàn tán nhưng ngài nói với một giọng hài hước…

… nhiều người nghĩ ngài tiên đoán trước cái chết của mình!

Vậy đó. Nhưng ngài nói đùa, và đó cũng là nhân cách của ngài, ngài có thể nói với tất cả tấm lòng đơn sơ.

Và ký giả rất thích?

Đúng. Vì với các giáo hoàng trước đây, cũng rất lỗi lạc, rất đáng kính, nhưng có những chủ đề, những chữ không bao giờ từ miệng họ nói ra. Những câu chuyện của Đức Phanxicô thì rất đơn sơ và đây là một trong những điểm mạnh của ngài, chứng tỏ cho thấy ngài hiểu cuộc sống, ngài hiểu giáo dân trong những khó khăn, trong cảnh ngoài lề của họ. Vì ông hỏi về tất cả các ký giả trên máy bay, tôi nghĩ trong số họ, có người có đạo, có người không có đạo, có người đang tìm hiểu đạo, nhưng tất cả đều rất xúc động. Họ đã vỗ tay. Tất cả đều bằng lòng. Đó là một cuộc gặp gỡ đích thực, không phải một cuộc gặp gỡ chuẩn bị trước.

Quyển sách vừa mới xuất bản của ông có tựa đề “Từ Bênêđictô đến Phanxicô, một cuộc cách mạng thầm lặng”, ông đã tự đặt câu hỏi liệu có một cắt đứt hay có một liên tục giữa hai giáo hoàng. Ông có còn giữ tựa đề này nếu ông phải viết lại quyển sách này không vì bây giờ ông đã có thể hiểu Đức Phanxicô hơn rồi?

Cuộc cách mạng không phải quá thầm lặng như vậy! Đã có những chuyện không quá thầm lặng trong giáo triều. Tôi nghĩ, một cách rất nền tảng, Đức Bênêđictô XVI có một tinh thần cực kỳ sắc bén, một nhà quan sát tinh vi về thế giới hiện đại và ngài đã đặt nền móng cho một giáo điều đã được làm thuần khiết, loại bỏ được rất nhiều điều rỉ rét mà bây giờ Đức Phanxicô nói lên các trực cảm này theo cách nói trực tiếp của ngài, qua các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta, một ngôn ngữ rất giản dị mà Đức Bênêđictô XVI không có. Chẳng hạn việc từ chối không sống theo giới thượng lưu, từ chối không lẫn lộn những người giữa Giáo hội và quyền lực chính trị. Đó là những điều rất sâu xa trong giáo huấn của Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô đã chuyển tải rất hay. Ở Hàn quốc, ngài đã đưa ra một sứ điệp rất tận căn: Kitô giáo không đua đòi theo thói thế gian, Kitô giáo phải loại bỏ tai họa này vì nó gắn liền với quyền lực chính trị, với của cải giàu sang… vv.. Tôi nghĩ Đức Bênêđictô XVI đã một phần đặt nền móng và bây giờ Đức Phanxicô rao giảng một cách uy tín. Đó là điều tôi thấy gần gần như vậy. Quyển sách của tôi luôn có tính thời sự, dù khi viết tôi không chờ được như vậy, Đức giáo hoàng đã đi xa như thế trong các hành vi của ngài. Trên khía cạnh này, ngài rất khác với Đức Bênêđictô XVI. Ngài có khả năng thấu cảm, khả năng ôm vào lòng những người đang đau khổ dưới mọi hình thức. Tôi nghĩ nếu ngài có đến Phi châu thì cũng thế, ngài sẽ có những hành vi phi thường. Điều này đã làm cho tôi xúc động vô cùng.

Một câu kết thúc? Một cái gì mà tôi chưa hỏi?

Tôi muốn nói ngay, từ những ngày đầu triều giáo hoàng của ngài, chắc chắn thỉnh thoảng ngài có thể lặp đi lặp lại cùng những câu nói, nhưng ngài đào sâu luống cày của mình. Luống cày của lòng thương xót, luống cày của sự gần gũi với giáo dân. Tôi rất thích câu nói bằng tiếng Ý của ngài: Ra khỏi và đi (Uscire e caminare). Thay vì nói trong hàng trăm bài giảng, con phải làm này, con phải làm kia, ngài nói: “Đi và theo Chúa; Chúa sẽ soi sáng cho con”. Đó là ngôn ngữ của lòng tin tưởng, nhưng nhất là người tín hữu phải biết đi ra khỏi mình để tiến đến với người khác. Và người khác là điều chính yếu để hiểu được Chúa Kitô. Vì qua người khác mà mình hiểu được Chúa Kitô. Đó là những gì tôi thấy.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

* Tựa đề do Truyền thông Dòng Tên đặt

(Quý vị có thể xem nhiều bài viết về Đức Phanxicô tại www.phanxico.org)

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *