Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (15.11.2014 – 21.11.2014)

gia dinhĐTC BÊNH VỰC QUYỀN CỦA TRẺ EM ĐƯỢC LỚN LÊN TRONG GIA ĐÌNH CÓ CHA CÓ MẸ

VATICAN. ĐTC đã tuyên bố như trên hôm 17.11.2014, khi Ngài chủ tọa phiên họp đầu tiên của hội nghị quốc tế về gia đình truyền thống, nhóm tại Vatican từ ngày 17 đến 19.11.2014 về chủ đề ”sự bổ túc của người nam và người nữ cho nhau”. Hội nghị do Bộ giáo lý đức tin tổ chức và diễn ra tại Hội trường Thượng HĐGM thế giới ở nội thành Vatican, với sự tham dự của 365 người, trong số này có hơn 30 diễn giả đến từ 23 quốc gia và thuộc nhiều hệ phái Kitô cũng như thuộc các tôn giáo như Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Lão giáo, Jaina và đạo Sikh. Trong số các tham dự viên, đặc biệt có Đức Cha Charles Chaput, TGM giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ, là nơi sẽ diễn ra Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới vào tháng 9 năm 2015.

THANH HIENKHAI MẠC NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

VATICAN. Sáng chúa nhật 30.11 tới đây, Chúa Nhật thứ I mùa vọng , ĐHY Joâo Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, đại diện Tòa Thánh, sẽ nhân danh ĐTC chủ sự thánh lễ lúc 10 giờ tại Đền thờ thánh Phêrô, để khai mạc Năm Đời sống Thánh Hiến. ĐTC không có mặt ở Roma ngày hôm đó, vì ngài viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28 đến 30.11. Ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC cho biết các HY, GM, có thể đồng tế trong thánh lễ này. Các LM, nếu có vé của Bộ Tu Sĩ, thì cũng có thể đồng tế.

TIỆP KHẮC KỶ NIỆM 25 NĂM TÌM LẠI ĐƯỢC TỰ DO

PRAHA. Trong những ngày này, tại Cộng Hòa Tiệp và Slovak đang có những buổi lễ kỷ niệm 25 năm tìm lại được tự do sau khi chế độ cộng sản Tiệp Khắc sụp đổ với cuộc cách mạng “êm như nhung”. Hôm thứ bảy, 15.11, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Nhà thờ chính tòa thánh Vito ở thủ đô Praha. Trong bài giảng, ĐHY Parolin đã chào mừng những cố gắng của đất nước Tiệp Khác trong việc “tái lập tự do và dân chủ”. Tại cộng hòa Slovak, cũng hôm 17.11, bắt đầu các lễ nghi kỷ niệm 25 năm tìm lại được tự do. Tổng thống Andrej Kiska đặt vòng hoa tại cổng thành tự do ở thủ đô Bratislava, và Đức Cha Józef Halko GM Phụ tá cử hành thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa thánh Martino.

TÒA THÁNH BÃI BỎ LỆNH CẤM TRUYỀN CHỨC LM CHO NGƯỜI CÓ GIA ĐÌNH

VATICAN. Tòa Thánh đã bãi bỏ lệnh cấm truyền chức LM cho người có gia đình thuộc các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương bên ngoài lãnh thổ truyền thống của các Giáo Hội liên hệ. Trên đây là nội dung sắc lệnh mang chữ ký ngày 14.06 năm nay của ĐHY Leonardo Sanđri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, sau khi được ĐTC phê chuân, và sau đo được đang trên Công báo của Tòa Thánh (AAS). Sắc lệnh nói rằng ĐTC Phanxicô chấp thuận cho các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, bên ngoài lãnh thổ Giáo Hội liên hệ, được cấp năng quyền mục vụ cho hàng giáo sĩ đông phương có gia đình và truyền chức cho các ứng sinh có gia đình trong các giáo phận hoặc hạt đại diện tông tòa thuộc quyền, tuy rằng các vị phải thông báo trên giấy tờ cho vị GM Công Giáo la tinh ở địa phương, để được biết ý kiến của ngài và những thông tin quan trọng liên hệ.

nicaraguaĐHY TGM MANAGUA KÊU GỌI CHÍNH QUYỀN NGHE DẨN

MANAGUA. ĐHY Leopoldo Brenes, TGM giáo phận thủ đô Managua, kêu gọi chính quyền Nicaragua mở cuộc đối thoại với các cộng đồng nông dân đang phản đối từ 2 tháng nay chống lại dự án đào kênh liên đại dương va họ bị đe dọa trục xuất khỏi đất đai của họ. Theo hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, có hàng ngàn nông dân sống dọc theo lộ trình do Công ty HKND của Trung Quốc vạch ra để thực hiện kênh đào dài 278 cây số nối liên Thái bình dương va Đại tây dương. Từ tháng 9 năm nay, họ phản đối chống lại hiệp định giữa chính phủ Nicaragua và công ty Trung Quốc, đe dọa truất hữu đất đai của họ để đào kênh. Theo báo chí Nicaragua, hơn 2 ngàn người đã biểu tình chống lại dự án trên đảo Ometepe trong hồ Cocibolca nơi mà kênh đào sẽ đi qua. Hồ này là nguồn nước ngọt quan trọng nhất ở Trung Mỹ.

ĐTC LÊN ÁN BẠO LỰC TẠI THÁNH ĐỊA

VATICAN. Tình hình tại Thánh Địa tiếp tục ở trong tình trạng căng thẳng. Chính phủ Israel tuyên bố xây cất thêm các gia cư trên phần đất của người Palestine, bất chấp sự phản đối của quốc tế. Nơi người Palestine và Israel đều có những người cực đoan, càng làm cho tình trạng căng thẳng gia tăng. Trong bối cảnh đó đã xảy ra vụ 2 người Palestine Arập tấn công khủng bố tại một Hội đường Do thái ở Jerusalem hôm 18.11 làm cho 7 người thiệt mạng trong đó có 4 Rabbi. ĐTC đã bày tỏ lo âu vì tình trạng này. Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ tư, 19.11, ngài nói: “Tôi lo âu theo dõi sự gia tăng bạo lực đáng báo động tại Jerusalem và những vùng khác ở Thánh Địa, với những vụ bạo lực không thể chấp nhận được, không kiêng nể cả những nơi thờ phượng. Tôi cầu nguyện đặc biệt cho tất cả các nạn nhân của tình trạng bi thảm này.”

23 GIA ĐÌNH KI TÔ PHẢI TRẢ THUẾ HỒI GIÁO

RAQQA. 23 gia đình Kitô tại thành phố Raqqa ở mạn bắc Siria, đã phải trả thuế nặng cho Nhà nước Hồi giáo để được bảo vệ. Theo hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, tại Raqqa trước đây có 1.500 gia đình Kitô trước chiến tranh ở Syria và từ những tháng đầu năm nay, thành bị lực lượng IS Nhà Nước Hồi giáo hoàn toàn chiếm đóng và cai trị. Những gia đình Kitô nào muốn ở lại thì phải trả thuế nặng nề cho nhà nước Hồi giáo để được vệ, nếu không thì phải di tản đi nơi khác. Thuế này gọi là Jizia. Hầu hết các gia đình Kitô buộc lòng phải tị nạn tới miền khác, vì không có phương tiện tài chánh, lại già yếu. Thuế Jizia hiện nay là 535 mỹ kim, một số tiền quá lớn đối với các gia đình Kitô nghèo túng vì chiến tranh.

HƠN 100 NGÀN TÍN HỮU CÔNG GIÁO NIGERIA DI TẢN

ABUJA.  Hơn 100 ngàn tín hữu Công Giáo Nigeria đã buộc lòng di tản khỏi những vùng do lực lượng khủng bố Boko Haram kiểm soát ở miền Bắc nước này. Cha Gideon Obasogie, đặc trách truyền thông của giáo phận Maiduguri, thủ phủ bang Borno ở miền bắc Nigeria , tuyên bố với hãng tin Fides của Bộ truyền giáo hôm 18.11 vừa qua. Sau khi thành phố Mubi bị nhóm Boko Haram chiếm đoạt, tổng số những thiệt hại giáo phận Maidurugi phải chịu là: hơn 100 ngàn tín hữu di tản, hơn 2.500 tín hữu bị giết, 26 trên tổng số 46 LM hoạt động trong giáo phận cũng phải tị nạn đi nơi khác. Trên 200 nữ sinh bị bắt cóc. Hơn 50 giáo xứ bị phá hủy trong khi 40 giáo xứ khác bị bỏ đi và nhóm Boko Haram chiếm. Trong số 5 tu viện của giáo phận có 4 tu viện bị bỏ đi. Một số lớn tín hữu Công Giáo bị buộc lòng phải cải đạo theo Hồi giáo.

FAOĐTC VIẾNG THĂM TỔ CHỨC LƯƠNG NÔNG QUỐC TẾ

ROMA. Trong cuộc viếng thăm tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) sáng 20.11, ĐTC kêu gọi các tổ chức quốc tế và các chính quyền đặt con người ở trung tâm mọi nỗ lực và đừng lấy lợi lộc và tiền bạc làm tiêu chuẩn quyết định mọi chính sách của mình. ĐTC phát biểu tại Hội nghị quốc tế kỳ 2 về dinh dưỡng, diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Lương nông quốc tế ở Roma, từ ngày 19 đến 21.11.2014 về đề tài ”Một sự dinh dưỡng tốt hơn, đó là một chất lượng tốt hơn cho cuộc sống”. GH Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 viếng thăm tổ chức FAO. Vị đầu tiên là Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô 6 ngày 16-11 năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức quốc tế này. ĐGH Biển Đức 16 đã đến thăm tổ chức Fao hồi tháng 11 năm 2012 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực.

ĐTC KHUYẾN KHÍCH ĐẨY MẠNH MỤC VỤ DI DÂN

VATICAN. ĐTC khuyến khích các cộng đoàn Giáo Hội đẩy mạnh việc đón tiếp và mục vụ cho người di dân, thăng tiến các dự án loan báo Tin Mừng và tháp tùng người di dân. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 21.11, dành cho 300 tham dự viên vừa kết thúc Hội nghị quốc tế kỳ 7 về mục vụ di dân. Trong bài huấn dụ nhân dịp này, ĐTC nói đến vai trò của Giáo Hội và khẳng định rằng: “Giáo Hội vẫn có một lời nói mạnh mẽ về vấn đề di cư. Thực vậy cộng đồng Kitô liên tục dấn thân đón tiếp và chia sẻ với những người di dân những hồng của Thiên Chúa đặc biệt là Hồng ân đức tin. Giáo Hội thăng tiến các dự án trong việc loan báo Tin Mừng và tháp tùng người di dân trong toàn thể hành trình của họ…đặc biệt quan tâm đáp ứng các nhu cầu tinh thần của họ qua việc huấn giáo, phụng vụ và cử hành các bí tích”.

 

Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Tiến Khải, SJ.

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *