“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12, 24)
Rạng sáng ngày 3.12.1552, trên đảo Thượng Xuyên, sát cửa biển tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, thánh Phanxicô Xavier trút hơi thở cuối cùng. Nhà truyền giáo nổi tiếng lặng lẽ giã từ cuộc sống. Một thợ gặt linh hồn hoàn toàn buông mình trong tay chủ mùa gặt với ước mơ truyền giáo chưa trọn. Một vị thánh đã hoàn tất hy lễ cuối cùng của cuộc đời mình trong thầm lặng.
Nghĩ về một nhà truyền giáo vĩ đại như thánh Phanxicô Xavier, ta nghĩ đến hàng vạn km đường biển ngài đã vượt qua, hàng trăm giáo đoàn ngài đã thành lập và hàng ngàn người được ngài rửa tội; nhưng ít ai nghĩ đến tâm tình của một hạt lúa được gieo vào lòng đất và phải chết đi. Ta vẫn nghĩ đỉnh cao của đời thánh hiến là những thành công, những hoa thơm quả ngọt tông đồ, ít ai nghĩ đỉnh cao đời thánh hiến lại là một cuộc tận hiến hoàn toàn qua cái chết. Bởi vì, như một linh mục của Chúa, ngài không còn dâng lên Thiên Chúa của lễ là ‘hoa quả ruộng đất và công lao con người’ nữa mà lấy chính sự sống mình làm hy lễ, của lễ hoàn toàn và sau hết. Để được như vậy, Thiên Chúa đã muốn ngài phải ‘vét rỗng’ cho đến cạn cùng.
Hiến mình hoàn toàn cho sứ mạng
Trong sứ mạng truyền giáo, thánh Phanxicô Xavier không phải là người được chỉ định chính thức; trớ trêu thay, ‘người thay thế’ lại là người duy nhất chạy đến cùng đường. Năm 1540, theo thỉnh nguyện của vua João III, nước Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha Phaolô III yêu cầu thánh Inhã cho hai người trong Đoàn Giêsu đi sứ vụ Ấn Độ. Vì các anh em tản mát khắp nơi thi hành sứ vụ, chỉ có Thánh Inhã, cha Rodrigues, cha Bobadilla và thánh Phanxicô vừa mới khỏi bệnh có mặt ở Roma, nên thánh Inhã trao sứ mạng ấy cho cha Rodrigues và cha Bobadilla. Tuy nhiên, đến phút cuối, cha Bobadilla đau nặng, vậy là thánh I-nhã chỉ định thánh Phanxicô đi thay. Với tinh thần ứng trực, ngài mau mắn lên đường.
Trong thời gian chờ tàu đi Ấn Độ, các ngài hoạt động tông đồ ở Lisbõa. Công việc thành công đến nỗi, vua João III muốn giữ các ngài ở lại luôn. Nhưng sau khi cầu nguyện và cân nhắc, chỉ một mình cha Rodrigues ở lại, còn thánh Phanxicô lại tiếp tục lên đường. Vậy là cả hai người được chỉ định chính thức lần lượt từ giã sứ mạng truyền giáo, chỉ còn ‘người thay thế’ trở thành sứ giả của Tin mừng cho vùng đất Á Châu rộng lớn.
Kể từ khi nhận sứ mạng, thánh Phanxicô dấn thân không biết mệt mỏi. Ngài đã “vất vả ngày đêm” nhằm mục đích “chinh phục các dân ngoại” (Linh thao 93), từ Ấn Độ, Nhật Bản cho đến những giây phút cuối đời trên đảo Thượng Xuyên, cửa ngõ bước vào lục địa Trung Hoa rộng lớn. Có thể nói ngài là một con người luôn “hướng về phía trước”, bất chấp những nguy hiểm chực chờ. Như một người hiến mình hoàn toàn cho sứ mạng, ngài đã ‘vét cạn’ ý riêng để chỉ còn một con người say mê phục vụ tin mừng. Trong những bút tích còn lưu lại của thánh nhân, chúng ta đọc thấy những tâm tình ấy của ngài:
“Có những người thật là ngược đời: cố lôi kéo Thiên Chúa đến nơi họ thích, chứ không chịu đến nơi Thiên Chúa mời gọi họ tới” (Bút tích 6,4). “Ai chết đi mỗi ngày, đi ngược lại ý riêng, không tìm những điều thuộc về mình, nhưng là những điều thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô, sẽ được bình an biết bao (Bút tích 15,15). “Xin Chúa ban sức mạnh cho chúng ta ở đời này, để chúng ta phục vụ Chúa trong mọi sự, như Chúa truyền dạy, và chu toàn thánh ý Chúa ở đời này” (Bút tích 15, câu kết; hoặc Bút tích 20, câu kết; 48, câu kết).
Hy lễ cuối cùng.
Cuối tháng 8 năm 1552, thánh Phanxicô Xavier đến đảo Thượng Xuyên ngoài khởi tỉnh Quảng Đông Trung Hoa, trên chiếc thuyền mang tên Santa Cruz. Vì “lệnh cấm ở Trung Hoa ngặt đến nỗi không ai được vào nếu không có phép của nhà vua, mà vua đã cấm người nước ngoài không ai được vào…’, (Bút 131,3.6). Dầu vậy, ngài nhất quyết vào Trung Hoa bằng bất cứ cách nào. Cuối cùng, một người lái buôn Trung Hoa đồng ý đưa ngài vào Quảng Đông với giá 1200 kg hạt tiêu. Tuy nhiên, ngày hẹn đã đến mà người hẹn thì bặt vô âm tín. Người tu sĩ trẻ đồng hành với ngài là Alvaro Ferreira cũng quyết định bỏ ngài vì sợ. Vừa kiệt sức, vừa chán nản, lại không quen khí hậu, ngài ngã bệnh và qua đời.
Nhìn vào ba tháng cuối đời của thánh Phanxicô, từ khi lên đảo cho đến lúc chết, ta có cảm tưởng như ngài thất bại, tự “giam mình” trong một kế hoạch hoàn toàn vô vọng, tương lai bấp bênh, mông lung, tuyệt vọng. Nếu so với những gì ngài đạt được ở Ấn Độ, hay Nhật Bản, rõ ràng khung cảnh hoàn toàn trái ngược. Liệu chờ đợi mỏi mòn có khiến ngài ngã lòng, có làm ngài chán nản? Như hạt lúa được gieo và phải chết đi, ngài có cảm thấy nơi mình một nỗi chênh chao? Ngài có tiếc nuối cho những ước mơ chưa trọn? Tác giả Hoàng Sóc Sơn nói rằng: “Ngài loay hoay mở cánh cửa truyền giáo vào Trung Hoa cho Thiên Chúa, nhưng đâu ngờ Thiên Chúa đang mở cánh cửa Thiên Đàng để đón ngài vào”. Những ngày tháng cuối đời, dường như Thiên Chúa muốn lấy khỏi ngài mọi hào quang tông đồ đời này, lấy khỏi ngài ước muốn tông đồ còn dang dở, để ngài dâng hy lễ cuối cùng, hy lễ trọn vẹn. Ta nghe vang vọng nơi cái chết của ngài ứng nghiệm từng lời kinh mà anh em Giê-su hữu hằng tâm niệm: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ước muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con. Con xin dâng lại Chúa hết thảy, tất cả là của Chúa…Chỉ xin tình yêu và ân sủng Chúa, vì được như thế là đủ cho con.”
“Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30), tác giả Tin Mừng thứ tư dùng hình ảnh rất sâu sắc này để nói về giây phút sinh thì của Chúa Giê-su trên thập giá. Khi trút hơi thở, Chúa Giêsu trao lại Thần khí tác sinh cho nhân loại. Và Thần Khí ấy đã thấm đượm vào trong thế giới cũ để bắt đầu cho một cuộc sáng tạo mới, một thế giới mới sắp được tác sinh trong Đấng Phục Sinh. Với những ai sống trong Thần Khí, họ trút hơi là để gởi lại đời thần khí, gởi lại đời một tinh thần sống. Họ như cây sáo rỗng đã vét cạn đời mình để cho Thần Khí Chúa tấu lên giai điệu của Ngài. Và khi họ trao sự sống, họ tiếp tục để cho tinh thần của mình thấm đượm và làm sống động thế giới. Thánh Phanxicô Xavier qua đời, nhưng tinh thần của ngài đã tiếp lửa cho bao nhiêu thế hệ anh em Giê-su hữu dấn thân cho những cánh đồng truyền giáo. Cha Polanco, thư kí của thánh Inhã, khi nhận được tin ngài qua đời đã viết: “Thiên Chúa nhân hậu (đã gợi lên nơi cha Phanxicô) những ước muốn ấy để ngài được thêm công phúc, nhưng nhất là chính ngài đã muốn bắt chước Chúa Giê-su chết đi như một hạt lúa được gieo xuống đất, ngay cửa ngõ Trung Hoa, để những người khác đến gặt hái hoa quả dồi dào hơn” (A. Ravier, La Compagnie de Jesus sous le gouvernement d’Ignace de Loyala (1541-1556), Desclee de Brouvwer, coll. “Christus”, 1991, trang 203).
(Đaminh Vũ Chí Kiên, SJ)