Chữa bệnh và tha tội (13.1.2017 – Thứ sáu, sau Chúa Nhật I Thường Niên)

 

Chữa bệnh và tha tội
(
Mc 2, 1-12)

 

1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.

4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? “8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn?

10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! “12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! “

 

Lành bệnh và tha thứ đều quan trọng cho sự sống con người: lành bệnh liên quan đến sức khỏe; tha thứ liên quan đến tương quan với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác. Con người không thể sống bình an, thậm chí sống mà như chết, nếu những tương quan này bị tổn thương.

Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của con người mang hai chiều kích thể lý (chữa bệnh, cho ăn, hồi sinh) và tương quan, nhưng luôn hướng ơn chữa bệnh đến ơn tha thứ, vốn thiết yếu cho sự sống hôm nay, diễn tả và hướng đến sự sống đích thật.

Tuy nhiên, trong trình thuật chữa lành kẻ bại liệt, tương quan giữa hai ơn huệ, ơn chữa bệnh và ơn tha thứ, trở nên phức tạp hơn bình thường : lúc cần chữa bệnh, thì Đức Giê-su ban ơn tha thứ, lúc nói về năng quyền tha tội, thì Ngài lại chữa bệnh !

 

  1. Một kẻ bại liệt có bốn người khiêng (c. 1-3)

Người ta sống không chỉ bằng sức khỏe, nhưng còn bằng tương quan liên đới nữa. Vì thế, khi hình dung ra những gì mà bài Tin Mừng kể lại, chúng ta không thể không được đánh động bởi hình ảnh một người bại liệt, được bốn người khiêng ; và chắc chắn chung quanh còn có nhiều người nữa. Và điều đánh động chúng ta nhất, có lẽ không phải là tình cảnh người bại liệt, nhưng là sự liên đới của nhiều người đối với người bại liệt. Hình ảnh này vẫn còn rất phổ biến trong đời sống của chúng ta, nhất là ở bệnh viện và ở những trung tâm hành hương : người bệnh không bao giờ đi một mình và cũng không thể đi một mình ; và cũng không nên, hay thậm chí không được, để người bệnh đi một mình.

Và trong cuộc sống, chúng ta cần tình liên đới biết bao ; thậm chí, chúng ta không thể sống mà không có tình liên đới. Thật vậy, trong cuộc sống, nhất là trong đời sống gia đình và cộng đoàn, chúng ta được mời gọi mang vác nhau, nhất là mang vác những người thân yêu, những anh em, chị em đau yếu, và rộng hơn, những anh em hay chị em yếu đuối, yếu kém hay chịu thiệt thòi do hoàn cảnh hoặc thân phận hơn. Và một ngày kia, và ngày này không thể tránh được, chính chúng ta cũng sẽ được những người thân yêu, anh em hay chị em của chúng ta mang vác, mang vác đi « loanh quanh » (đến thầy thuốc hay bệnh viện để chữa bệnh), và rồi cuối cùng, mang vác chúng ta đến đặt trước mặt Đức Giê-su (trong Nhà Thờ để cầu nguyện tiễn biệt) ! Và lúc ấy, chúng ta chỉ còn có thể cậy vào lòng tin của mọi người, nhất là của những người thân yêu mà thôi.

Thực ra, mỗi người trong chúng ta cũng đã từng được mang vác đấy thôi, khi chúng ta còn bé hay những lúc đau yếu ; và chúng ta vẫn được Chúa và anh em, chị em, những người thân yêu mang vác mỗi ngày ; có điều là chúng ta nhiều khi mù quáng không nhận ra. Sự liên đới này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng và đã khiến cho Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, phải động lòng, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại. Và một ngày kia, trong cuộc Thương Khó, chính Đức Giê-su cũng sẽ để cho người khác mang vác Người, để Người cảm thông và dẫn chúng ta vượt qua đau khổ và sự chết trong tín thác và hi vọng.

Trong bài Tin Mừng, không chỉ có tình liên đới, nhưng còn có lòng tin ; và chính lòng tin tạo ra tình liên đới trong lời kêu cầu, trong ơn chữa lành và ơn cứu độ. Và một lòng tin mãnh liệt đến độ sáng tạo ra những phương thế lạ lùng và táo bạo, khi gặp trở ngại :

Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống !

Đó một lòng tin mạnh đến độ có thể nhìn thấy được. Và quả thực, Đức Giê-su đã nhìn thấy lòng tin của họ. « Lòng tin của họ », nhưng họ là những ai ? Là những người khiêng vác người bại liệt, là những người tỏ tình liên đới với người bại liệt. Như thế, lòng tin không chỉ có thể cứu chính mình, như Đức Giê-su hay nói : « lòng tin của con đã cứu con » (Lc 7, 50), nhưng còn có thể cứu người khác nữa, như trường hợp ở đây, và nhiều trường hợp khác nữa trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, những người còn sống, cũng như những người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa. Như thế, đau khổ bệnh tật thuộc về thân phận phải chết của con người, nhưng trong thực tế, lại là cơ hội làm phát sinh tình liên đới, tình thương, sự hòa giải và hiệp nhất. Đó chính là điều Chúa mong chờ để thi ân và bày tỏ tình yêu và lòng thương xót.

 

  1. Ơn lành bệnh và ơn tha thứ (c. 4-9)

Nhưng còn có một điều đáng ngạc nhiên khác nữa, mà bài Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh, đó là ơn tha thứ Đức Giê-su ban cho người bại liệt : « Này con, tội con đã được tha tội rồi » ; trong khi tất cả mọi người, trong đó có người bệnh và cả chúng ta nữa hôm nay nghe bài Tin Mừng này, đều chờ đợi một điều khác, đó là phép lạ chữa lành thể lí. Hơn nữa, chữa lành thể lí mới là khẩn cấp và gây ấn tượng cho người xem. Ngoài ra, nếu Đức Giê-su chữa lành ngay, thì sẽ không gây cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án : « Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? »

Bình thường, Đức Giê-su chữa bệnh rồi mới tha tội ; nhưng trong trường hợp này, tại sao Ngài cố ý tha tội trước rồi mới chữa bệnh, và lại còn so sánh hai hành động này nữa :

Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn?

Trong bài Tin Mừng, không có câu trả lời, chính là để cho người đọc thuộc mọi thời trả lời, trong đó có chính chúng ta hôm nay. Quả thực, có người mau mắn trả lời, bảo người bại liệt đứng dậy mà đi thì khó hơn, vì đó là phép lạ làm thay đổi thực tại khách quan mà không tuân theo qui luật tự nhiên, còn tha tội thì chỉ là một lời nói, diễn tả tâm tình của người nói dành cho người nghe, không phải là “phép lạ”. Hiểu như thế, đó là vì người này chưa thực sự có kinh nghiệm về ơn tha thứ và chưa hiểu hết được sự lạ lùng nhân linh và thiên linh của lời tha thứ.

 

 

Sự sống của người
Sức khỏe
(bệnh tật)- Bệnh tật, đến từ sự bất toàn của thể xác, liên quan đến sức khỏe. 

 

 

 

 

– Để được chữa lành, không nhất thiết cần tương quan.

 

 

– Sức khỏe cần thiết cho cuộc sống những sẽ qua đi.

Tương quan
(tội lỗi)- Tội lỗi, đến từ sự dữ, là thứ bệnh vô hình (vô ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị…), nhưng làm ô nhiễm tâm hồn, gây ra bầu khí chết chóc, ảnh hưởng đến các mối tương quan làm nên cuộc sống, tương quan với Chúa, với bản thân và với người khác, và có hậu quả cụ thể và rộng lớn.- Ơn tha thứ đòi hỏi lòng tin : « Lòng tin của chị đã cứu chị » (Lc 7, 50) và dẫn đến hành trình chữa lành hay tái sinh lâu dài trong việc đón nhận ơn huệ tha thứ và sống ơn huệ tha thứ.

– Thiết yếu cho sự sống hôm nay, bền vững và diễn tả và hướng đến sự sống đích thật.

Trước hết về thiên linh, qua lời tha tội, Đức Giê-su mặc khải chính căn tính thần linh của mình, chính tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa. Đúng như những người Pha-ri-sêu và luật sĩ đã nghĩ : « Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? » ; và Đức Giê-su công bố : « Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội ». Chúa đánh liều chính sự sống của mình khi phục hồi sự sống nhân linh, nghĩa là sự sống, được nuôi dưỡng bởi tương quan liên vị, của người bệnh.

Về nhân linh, chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Như thế, ơn tha thứ không thể là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ (x. Tv 51, 12-21). Để được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong cuộc sống như là ơn tái sinh : « Con ta đã chết, nay sống lại » (Lc 15, 24). Và đây là một việc lâu dài và rất khó khăn : chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa ? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ? Nếu không, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha tội (x. Mt 18, 23-35 : người tôi tớ, được tha thứ, nhưng lại độc ác với bạn của mình).

Và giả như, phép lạ chữa lành có xẩy ra, thì sức khỏe đâu có tồn tại mãi. Người bại liệt được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị « liệt » trở lại, và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được.

 

  1. Ơn tái tạo (c. 10-12)

Vì thế khi nhìn ngắm hình ảnh người bại liệt đứng dậy vác giường đi về nhà, bằng lời của Đức Giê-su : « Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà », đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhận ra một ân huệ lớn hơn là ơn huệ chữa lành thể lí, mà Chúa muốn ban cho mỗi người chúng ta. Bởi vì chính chúng ta cũng đã từng bị và có thể đang bị bại liệt, trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Bại liệt này vô hình, nhưng lại có hiệu quả hữu hình : chúng ta im lặng, tiêu cực, lẩn trốn, đóng kín, tính toán, tẩy chay… Chính Lời bao dung tha thứ của Chúa làm cho chúng ta đứng dậy, chữa lành, tái tạo chúng ta để chúng ta có sức mạnh và tình yêu để đảm nhận gánh nặng (hình ảnh tự vác giường, thay vì để cái giường nó vác mình), đi về nhà, nghĩa là tái hòa nhập với những người thân yêu trong hòa giải và hiệp nhất.

Đức Giê-su đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Và sự sống đích thực này được trao ban cho chúng ta, không phải bằng những phép lạ chữa bệnh (xét cho cùng, con người làm được chuyện này bằng nền y học càng ngày càng hiệu quả), nhưng là bằng lời tha thứ, lời tái tạo, lời phục hồi :

Này anh, anh đã được tha tội rồi.

Và Lời này chỉ có thể đến từ Thiên Chúa mà thôi. Lời tha thứ tái tạo, tuy vô hình, nhưng lại có những hiệu quả hữu hình, khi làm cho chúng ta hòa giải với bản thân, với người khác và với Thiên Chúa, qua đó, làm cho chúng ta sống dồi dào ngay trong thân phận con người và ngay trong những hoàn cảnh đầy thách đố, sinh lão bệnh tử.

* * *

Khi ban ơn tha thứ cho người bại liệt, Đức Giê-su muốn dẫn anh đi xa hơn việc tìm lại được sức khỏe, đó là đi vào trong sự sống đích thật ; đồng thời, Ngài cũng mặc khải chính căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng khi làm như thế, Ngài đánh liều chính sự sống của mình, và sẽ đánh liều đến cùng bằng cái chết trên Thập Giá, để tha thứ và chữa lành chúng ta một cách bền vững và tận căn.

Chúng ta được mời gọi đi theo Đức Giê-su và cũng dám đánh liều sự sống, ĐƯỢC CHÚA BAN VÀO NGÀY MẸ SINH RA, và cuộc đời để phục vụ sự sống, qua đó « ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta » (Linh Thao, số 23), trong ơn gọi thánh hiến, độc thân hay gia đình Chúa ban cho mỗi người chúng ta, như Đức Giê-su.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 7, 23-11-2024 (Lc 20,27-40) Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc …

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *