Hoạt động

Bạn thân mến,

Nếu chúng ta có dịp chiêm ngắm một Đức Giê-su thinh lặng cầu nguyện, thì chúng ta cũng không thể không nhìn thấy một hình ảnh khác trái ngược nhưng cũng rất Giê-su – hình ảnh về một con người hoạt động không mệt mỏi. Hai hình ảnh này nằm ở hai thái cực tưởng chừng như chẳng dung hợp nhau, nhưng Đức Giê-su đã hiện thực hóa cả hai thái cực này trong cuộc sống của Ngài một cách tự nhiên. Hơn nữa, Ngài còn chuyển lại lối sống này cho những ai muốn bước theo Ngài.

Trừ một vài lần hiếm hoi, người ta đọc thấy trong Tin Mừng Đức Giê-su ở trong nhà, còn hầu hết những trình thuật kể chuyện về Đức Giê-su đều diễn ra ở trên đường. Một anh thanh niên hớn hở chạy theo xin làm môn đệ Đức Giê-su, Ngài cũng cho anh biết trước: “con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Dĩ nhiên, câu này cần phải được hiểu trên tinh thần, nhưng nếu muốn hiểu theo nghĩa đen thì cũng không hẳn là không thích hợp với Đức Giê-su. Lòng hăng say không cho phép Ngài chọn cho mình một chỗ cho yên thân.

Đức Giê-su làm việc trên đường đã đành, ngay cả ở trong nhà Ngài cũng chẳng ngồi không. Dân chúng có lần ngồi chật cứng trong nhà để nghe Ngài giảng, đến nỗi người ta muốn khiêng anh bại liệt đến gần Ngài cũng không được; buộc lòng họ phải dỡ mái nhà mà thả anh xuống. Dù bài giảng bị cắt ngang, dù thấm mệt vì phải làm việc liên tục bởi nhu cầu của dân chúng, nhưng Chúa Giê-su đã không từ chối những sáng kiến ngộ nghĩnh của họ. Nhu cầu và lòng khao khát của người khác vẫn quan trọng hơn đặc quyền và lợi ích của riêng Ngài.

Cũng vì quan tâm đến người khác mà Ngài lại bắt đầu công việc dù đã đến giờ nghỉ. Sau một ngày lăn lộn làm việc vất vả, Đức Giê-su dẫn các môn đệ lui về nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Ai ngờ dân chúng vẫn chạy theo. Các môn đệ thì xin Thầy “giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Còn Đức Giê-su thì lại nghĩ đến hiện trạng của họ nên không nỡ làm theo ý ngay lành của môn đệ. Ngài lại bắt đầu công việc, và Ngài bắt các môn đệ cũng lại tiếp tục làm việc với Ngài. Những dịp như thế chắc hẳn không bao giờ phai nơi lòng của các môn đệ.

Đức Giê-su làm việc, nhưng không phải vì công việc. Ngài làm vì con người và vì Cha. Theo luật thì người ta không được chữa bệnh trong ngày sa-bát. Còn Đức Giê-su thì trong ngày sa-bát, sau khi chữa bệnh cho một phụ nữ bị còng lưng, Ngài chất vấn những kẻ lên án Ngài: “ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao (Lc 13, 14-17)? Quả là một lý do quá chính đáng! Hơn thế nữa, Ngài còn có một lý do khác mạnh mẽ hơn. “Người Do-thái chống Đức Giê-su vì Ngài hay chữa bệnh ngày sa-bát, nhưng Ngài đáp lại: ‘Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc’” (Ga 5, 17). Ngài tự tin trả lời họ vì Ngài không làm việc vì lợi lộc riêng tư, nhưng Ngài làm những việc có ích; hơn nữa, Đức Giê-su đã lấy mẫu là chính Cha.

Bạn có để ý những người làm việc hăng say với động lực mưu cầu lợi ích cho tha nhân? Họ làm mà quên rằng mình đã lỡ giấc ngủ trưa, hay quên mất giờ cơm của họ đã quá bữa. Dĩ nhiên, làm việc thì cũng cần có thời biểu và hoạch định rõ ràng, nhưng trong những trường hợp bất trắc, người ta sẽ nhận ra tấm lòng của người đang đảm trách công việc; trong khi nếu người ta chỉ làm việc vì ích lợi cá nhân, họ không có được.

Với tư cách là một sinh viên, công việc chính của bạn là học hành. Bạn tìm thấy động lực nào cho việc học của bạn, cho thăng tiến bản thân hay cho những người sau này cần đến bạn?

Với tư cách là một nhân viên trẻ, sự dấn thân hăng say của bạn trong công việc có được ướp bởi lòng nhiệt thành đối với tha nhân?

Những công việc của chúng ta tưởng chừng như không liên quan gì đến Thiên Chúa, thực ra lại gắn liền với công việc của Thiên Chúa. Làm việc trở nên một hoạt động được Thiên Chúa chúc phúc. Qua công việc, chúng ta tháp nhập vào công trình sáng tạo của Ngài. Hãy nhìn cung cách làm việc của Chúa Giê-su, Ngài làm việc một cách hồn nhiên và hăng say; và cũng chính lúc ấy Ngài biết rằng Cha đang làm việc với Ngài. Đến lượt chúng ta, Chúa Giê-su cũng mời gọi: “không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15, 5). Vì thế, Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta (x. Mt 28, 20) để cùng làm việc với chúng ta.

Thiên Chúa đã chúc lành cho công việc thường ngày của chúng ta. Vì thế, những công việc ấy đáng được đứng ở vị trí tốt lành và ích lợi. Thực tế, lắm lúc, ta phung phí thời gian và sức lực để làm những việc vô bổ và cũng chẳng mấy tốt lành. Nếu chúng ta để mình chiêm ngắm công việc của Chúa Giê-su và cách mà Ngài làm công việc ấy, thì ắt hẳn cách làm việc của chúng ta sẽ dần dần được biến đổi.

Được làm việc là niềm vui của đời người. Ước gì chúng ta biến những công việc hằng ngày, dù to tát lớn lao hay chỉ những việc nhỏ nhặt không tên, chúng ta đều thấy mình đang tháp nhập vào công trình lớn lao của Cha trên trời!

DOWNLOAD MP3

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *