Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Mình Máu Thánh Chúa thật là cao trọng, nhưng cũng lại thật bình thường, đến nỗi đôi khi hay có thể nói là thường xuyên chúng ta không ý thức trong việc cử hành Thánh Lễ và Thánh Thể. Hơn nữa, nghi thức cử hành Thánh Lễ luôn đồng nhất và trở thành một điều gì rất “bình thường” trong đời sống thường ngày của người Công Giáo, nên sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa cũng được nhìn trong lăng kính “bình thường”.
Thật vật, vì “bình thường” quá, nên con người hiếu động và hiếu kỳ đôi khi hay rất thường xuyên coi Thánh Lễ với 01 tiếng đồng hồ, 60 phút, là thời gian nhàm chán nhất trong cả tuần lễ, nghĩa là trong 168 tiếng đồng hồ của tuần lễ sống.
Thành thật với bản thân, chúng ta nên nhìn lại xem 167 giờ còn lại trong tuần lễ, Thiên Chúa trao ban cho chúng ta như một món quà và Ngài không rời bước trên con đường của chúng ta. Hãy tự tra vấn chính mình xem có biết bao ơn lành chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa. Vậy khi chúng ta chỉ dành một giờ trong mỗi tuần cho việc thờ phượng Đấng Tạo Hóa với tất cả tâm hồn của mình, lại chẳng là điều phải đạo và chính đáng sao? Còn 167 giờ khác chúng ta dùng để ngủ nghỉ, ăn uống, vui chơi, làm việc chúng ta vẫn còn cảm thấy ít sao? Hơn nữa, dành một giờ cho Chúa ngày Chúa Nhật, để rồi Chúa chúc phúc cho 167 giờ còn lại trong tuần. Đó là sự khôn ngoan của những người con sống ý thức của Thiên Chúa. Vì thế, nên chuẩn bị thật chu đáo cho một giờ của Thánh Lễ, để rồi chúng ta đón nhận biết bao nhiêu điều tốt lành và phúc lành của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxico có lần nói rằng: “Nhưng hãy nghĩ coi: khi bạn đi tham dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Thế mà bạn lại lo ra, quay qua quay lại… Đó là Chúa! Chúng ta phải nghĩ tới điều này! “Thưa cha, vì các thánh lễ nhàm chán quá! – “Mà bạn nói gì thế, rằng Chúa là nhàm chán à!” – “ Không, không. Thánh Lễ không, các linh mục thì có”. Ôi, ước chi các linh mục hoán cải, nhưng mà Chúa ở đó nhé! Anh chị em đã hiểu chưa? Xin đừng quên điều ấy! Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa”.
Như thế, sự nhàm chán là do yếu tố con người, do chính vị Linh Mục cử hành Thánh Lễ, do chính người tham dự hay cùng dâng Thánh Lễ không chú tâm và ý thức chuẩn bị tâm hồn mình. Đôi khi chúng ta còn đổ lỗi sự nhàm chán cho người này người khác, cho yếu tố bên ngoài, còn tâm hồn bên trong của chúng ta thì sao? Bình thường con người cảm thấy nhàm chán trong Thánh Lễ, vì con người đã và đang ấp ủ sự nhàm chán của chính mình, nghĩa là con người đang có vấn đề và không biết sống thế nào, để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nói khác đi, con người đang thiếu Chúa trong tâm hồn, trong cuộc sống thì mới thấy đời mình nhàm chán.
Thật vậy, nơi nào có Chúa thì không bao giờ nhàm chán.
Bất cứ khi nào có Chúa, dù trong những dịp đặc biệt hay trong thường ngày với sự bình thường và đơn điệu, thì cuộc sống vẫn luôn mang một giá trị sâu sắc.
Hơn nữa, chúng ta chắc chắn ngạc nhiên, khi nhận ra rằng, Chúa Giê-su với Mình Máu Thánh của Ngài đã bước vào cái đơn điệu và bình thường của cuộc sống hằng ngày. Điều này hoàn toàn tương hợp với chính cách thức Ngài chọn lựa để trao ban chính Mình Máu Thánh của Ngài cho chúng ta. Đó là tấm bánh mì được làm nên từ các hạt lúa miến quen thuộc do chính tay của con người làm nên trở thành Mình Thánh. Đó là ly rượu từ các trái nho bình dị trở thành Máu Thánh.
Thật vậy, trong cái bình thường, bình dị nhất của cuộc sống con người, Chúa Giê-su đang hiện diện sống động. Điều đó có ý nghĩa gì vậy?
Có nghĩa là Chúa Giê-su khiêm tốn đón nhận những gì thật bình dị đơn sơ của đời sống hằng ngày. Ngài khiêm tốn ẩn mình trong hình hài của tấm bánh trắng tinh do chính con người làm nên, và hơn nữa Ngài tự ban chính Mình Ngài qua tấm bánh trắng đó cho con người.
Karl Rahner nói rằng: “Chúa Giê-su đã tự ban chính Mình Ngài cho chúng ta nơi chính tạo vật đơn hèn mà Ngài đã tạo nên. Ngài đang hiện diện sống động cho chúng ta, trong giây phút chúng ta đón nhận Tấm Bánh Thánh từ bàn thờ. Vâng Ngài đang ở đó: Nơi một tạo vật đơn hèn Sự Vĩnh Cửu của Thiên Chúa đã bước vào. Đó là nơi chật hẹp của cuộc sống thật giới hạn của chúng ta”.
Thật vậy, trong sự chật hẹp của cuộc sống con người, trong cái tầm thường và quen thuộc của tạo vật đơn hèn Mình Máu Thánh Chúa đang hiện diện, nghĩa là Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường, Đấng yêu thương con người cho đến cùng đang hiện diện. Ngài đang hiện ở đó và chờ chúng ta, Ngài muốn gặp gỡ chúng ta nơi bình thường, bình dị nhất, nơi không có gì là hào nhoáng.
Karl Rahner viết thêm: “Thân mình con người đang cúi xuống trên tấm bánh nhỏ bé được nhìn như là tấm bánh mì – lương thực hằng ngày, cánh tay con người đang giang ra cầm lấy chén Thánh, chén mà bình thường chỉ đựng một chất liệu rất đơn hèn của đất thấp, chính lúc đó mọi chuyện cao trọng xảy ra với mục đích sâu xa tiềm ẩn bên trong: Thiên Chúa và trái tim của những người tin “tan vỡ ra”, mỗi bên theo cách riêng của mình, nhưng xuyên suốt qua tất cả mọi bức tường ngăn cách mà bình thường không thể nào bị xuyên thấu, để rồi hai bên được gặp gỡ nhau…
Ôi, mỗi ngày chúng ta được phép cử hành mầu nhiệm của sự sống vĩnh cửu trong một thời gian đầy giới hạn, vâng mỗi ngày đấy!…
Thật vậy, luôn luôn là hồng ân, hồng ân với phúc lành từ Thiên Chúa, để chúng ta đến và cử hành bữa tiệc hồng ân ở bàn tiệc của Ngài. Dù chúng ta chỉ đến với Chúa bằng thân xác lê lết của chúng ta, dù chúng ta mang theo một khuôn mặt rầu rĩ hay dáng vẻ lê thê nhàm chán, dù chúng ta đến với hình dáng của kẻ mệt nhọc và khổ đau, Chúa vẫn đón nhận chúng ta. Vâng, Chúa cũng đón nhận chúng ta, khi Ngài không tìm thấy bất cứ tia sáng hoan lạc vui tươi nào trên đôi mắt của chúng ta.
Chúa đã bước vào vực thẳm sâu nhất của trái đất này. Không có gì làm cho Ngài nhụt chí, dù cho Ngài phải bước vào trong chỗ tối tăm và hẹp hòi nhất trong trái tim của chúng ta, nơi mà chỉ có một tia sáng thật nhỏ của tình yêu đang hiện diện, nơi mà chỉ có một chút ước ao đang âm ỉ hồng lên. Bí tích cao trọng nhất luôn hiện diện trong sự kiên nhẫn, và sự kiên nhẫn này Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thật vậy, Bí Tích cao trọng nhất cũng là bí tích của đời sống bình thường hằng ngày của chúng ta”.
Henri Nouwen cũng có suy tư tương tự: “Thánh Thể là hành vi bình thường và thần linh nhất ta khó có thể hình dung. Đó là sự thật về Chúa Giê-su. Rất con người nhưng cũng rất Thiên Chúa; rất quen thuộc nhưng cũng rất huyền nhiệm; rất gần gũi nhưng cũng rất có tính mạc khải! Nhưng đó là câu truyện của Chúa Giê-su, Đấng “dẫu là Thiên Chúa, nhưng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã huỷ mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế, lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và là cái chết thập giá” (Pl 2,8-11).
Đó cũng là câu truyện của Thiên Chúa Đấng muốn gần gũi ta, gần đến độ ta có thể thấy Thiên Chúa bằng con mắt của ta, nghe tiếng Thiên Chúa bằng lỗ tai ta, đụng chạm được Thiên Chúa bằng đôi tay ta; gần đến độ chẳng có gì ngăn cách ta với Ngài, chẳng có gì chia cắt, chẳng có gì có thể tạo nên khoảng cách”.
Thật vậy, Thiên Chúa gần gũi chúng ta, nhưng chúng ta có gần gũi Chúa khi chúng ta đến với Chúa trong Thánh Lễ không?
Nhìn lại đời mình, chúng ta tự hỏi xem Thánh Lễ nào là Thánh Lễ quan trọng nhất của tôi, để lại cho tôi một dấu ấn khó quên?
Cũng như khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, thì tôi đã sống như thế nào với Mình Máu Thánh Chúa cao trọng trong ngày thường của tôi?
Ôi thật tuyệt vời, Thiên Chúa cao trọng nhất nhưng luôn khiêm tốn, Ngài ẩn mình, Ngài nhập thể vào trong những gì rất bình thường của chúng ta. Càng hiểu được điều này, chúng ta càng cần phải ý thức chuẩn bị đến với Mình Máu Thánh Chúa bằng tất cả tâm hồn và thân xác chúng ta, để nhờ đó mà cuộc gặp gỡ giữa Chúa Thánh Thể và mỗi người chúng ta mới có thể trở nên cuộc gặp gỡ quý báu nhất trong ngày thường của cuộc sống.