Tìm gì? (Ga 1:38)

wallpaper-behold-the-lamb-of-god-which-taketh-away-the-sin-of-the-worldThầy Giêsu quý mến,

Con nghe nói thánh Gioan viết về Thầy cao siêu lắm, khó hiểu lắm. Thế là con tò mò tìm xem Thầy nói điều gì đầu tiên, và câu nói đó có thật sự khó hiểu không. Với đầy bất ngờ, con phát hiện ra Thầy mở lời bằng một câu hỏi: “Các anh tìm gì?” (Ga 1:38). Con băn khoăn không biết sự dàn xếp này của thánh Gioan có ý nghĩa gì.

“Các anh tìm gì?” là một câu hỏi vừa dễ vừa khó trả lời. Nếu có chủ định trước, con sẽ trả lời ngay được; bằng không câu hỏi sẽ đẩy con vào tình thế phải suy nghĩ. Ví như, hôm nay muốn ăn canh chua cá lốc, con sẽ chỉ mất 10 phút đi chợ. Hoặc nếu không biết ăn gì, con sẽ mất 50 phút ở chợ để đi dạo hết hàng này đến quán khác mà cũng chưa chắc mua được món ăn. Thế nên, xem ra câu hỏi “Tìm gì?” mang tính định hướng rất cao.

Muốn định được hướng chắc chắn đòi con phải biết được ước muốn của mình. Điều này thì quá đơn giản, con muốn: iPhone 6, laptop Apple, xe hơi Porsche… Nhưng nghĩ ngợi một chút, con thấy nhiều người khác cũng thích giống con. Vậy điều con đang muốn có phải là của riêng con? Hay điều con đang muốn kia là do xã hội và quảng cáo quy định? Vậy ra, ước muốn của con cũng có nhiều tầng, nhiều lớp. Mà thường những lớp trên bề mặt là do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, chứ chưa thật là điều ước muốn sâu xa nội tại trong con.

Muốn thấy được những gì sâu bên dưới đòi con phải xúc bỏ lớp đất bên trên. Công việc đào bới này cần lòng can đảm và thời gian. Can đảm để dám gạt sang bên những ước muốn chung chung nhưng đầy hấp lực của đám đông xã hội. Can đảm để dám tách bầy hầu tìm kiếm, khám phá một cái gì khác. Can đảm để dám đối diện và đối đầu với những bất ngờ và bất trắc gặp phải trong lúc đào kiếm. Gian nan như thế luôn đòi con phải kiên nhẫn với chính mình. Kiên nhẫn được diễn tả cụ thể nhất qua chiều dài của thời gian.

Với thời gian, con nghiệm ra rằng ước muốn sâu xa thường trồi hiện lên như những khát khao. Trong danh từ “khát khao” có động từ “khát” diễn tả sự thèm muốn được lấp đầy những thiếu thốn nơi con.[1] Những thiếu thốn mang tính vĩnh cửu tâm linh hơn là sự thèm khát cái ăn, cái mặc thường ngày. Những thiếu thốn về Chân lý – Thiện hảo – Mỹ diệu. Cái thiếu thốn đó như đối cực với cái thiếu thốn của Danh – Lợi – Thú. Cái thiếu thốn đó kéo con ra khỏi những hàm hồ để gặp được Chân lý, ra khỏi những hạn hẹp để gặp được Thiện hảo, ra khỏi những hời hợt để gặp được Mỹ diệu. Chính cái thiếu thốn đó mới có sức cứu độ con, mới có sức biến đổi con nên giống hình ảnh Chúa, mới có sức hóa con nên thánh.

Thầy ơi, con thấy Thầy thật cao cơ. Ngay từ đầu Thầy đã chơi bài ngửa với con. Thầy không giấu giếm ý định và ước muốn của Thầy. Thầy muốn con định rõ chính mình trước khi chọn lựa tin Thầy, theo Thầy. Thầy không muốn có những chú chiên ngoan mà bù nhìn. Song Thầy muốn có những chú chiên ngoan sau khi đã nhìn rõ, suy kỹ và quyết chọn. Con chợt nhớ lại lời cụ Simêon nói về Thầy khi Thầy còn bé tí, mới được 8 ngày tuổi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu để những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2:34-35)

“Các anh tìm gì?” quả là một câu hỏi có sức đánh động và khơi ngợi quá lớn. Thế nên chả trách thánh Gioan ghi sâu nhớ lâu đến nỗi khi đặt bút xuống viết về Thầy là viết ngay câu nói ấy. Cầu nguyện đến đây con cảm thấy hiểu thánh Gioan hơn tí tí (mong là hiểu đúng!?). Cám ơn Thầy về câu hỏi. Cám ơn thánh Gioan đã ghi lại câu hỏi ấy.

[1] Đại Từ Điển Tiếng Việt, tr.889 (từ “Khát”); tr.1552 (từ “Thèm”).

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Mến Yêu Hằng Ngày, 22-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 6, 22-11-2024 (Lc 19,45-48)  Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người …

Một bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *