LTS: Nhóm Sinh Viên Công Giáo Thanh Hóa tại Hà Nội sẽ tổ chức lễ Truyền thống lần XVIII vào ngày 18/04/2015, tại giáo xứ Kẻ Nghệ, giáo phận Hà Nội, với chủ đề là “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22,10).
Dưới đây là một cách hiểu về chủ đề đã chọn của một thành viên nhóm:
“Dòng đời ngược xuôi, Chúa ơi con biết về đâu?”
Ở từng ngã rẽ cuộc đời, nơi được xem như những bước ngoặt để bạn và tôi lớn lên về thể lý, tâm lý và thiêng liêng, chúng ta đều phải lần lượt đối diện với câu hỏi quan trọng này: “Tôi phải làm gì?” Lời đáp cho câu hỏi này đòi bạn và tôi khai phá, lắng nghe, tìm ra những việc làm cụ thể, phù hợp với giai đoạn sống mới thuộc về tương lai. Thế mà tương lai lại được che dấu cách nhiệm mầu trong dự định của Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin và yêu. Ở trong niềm tin và yêu này, câu hỏi trên kia không còn đứng trơ trọi một mình, và được hỏi do một con người cũng một mình trơ trọi nữa; câu hỏi ấy đã có Chúa là Đấng chúng ta gửi về, để bây giờ nó trở thành: “Lạy Chúa, con phải làm gì?”
Cách chúng ta gần 2000 năm, chàng thanh niên Sao-lô đã từng thốt lên câu hỏi này, và rồi cuộc đời của “chàng trai năm ấy” đổi khác từ đó.
Đọc sách Công vụ Tông đồ chương 7 và 8, chúng ta sẽ bắt gặp một Sao-lô, quê ở Tác xô, là người Do-thái trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái và Hy Lạp. Vốn là một biệt phái nhiệt thành, Sao-lô thường đi lùng sục bắt bớ đạo Chúa, tham gia vào vụ giết thánh Tê-pha-nô và, sau khi nhận được thư giới thiệu của vị thượng tế, anh ấy rong ruổi trên mọi đường thành Đa-mát để truy bắt các Ki-tô hữu đem về Giê-ru-sa-lem trị tội.
Thế mà sau cú ngã ngựa trên đường đi Đa-mát (x. Cv 9, 1-19), Sao-lô được biến đổi để trở thành vị Tông đồ dân ngoại lừng danh, chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Từ đây cuộc đời của thánh Phao-lô đã viết nên thiên anh hùng ca, đó là thiên anh hùng ca của vị Tông đồ Dân Ngoại, đã sống và đã chết cho Đức Ki-tô.
Cuộc đời thánh Phao lô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn trong một lần xuất thần, ngài được đưa lên tầng trời thứ 3; hay khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin mừng nơi nghị viện Hy-lạp; hoặc khi ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn … Nhưng có lẽ nét đẹp nhất nơi Phao lô là cú ngã ngựa định mệnh ở tại Đa-mát. Vậy tại sao Giáo hội lại xem cú ngã ngựa là hình ảnh đẹp hơn cả trong cuộc đời thánh Phao-lô? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, có thất bại và thành công.
Nửa đời trước, ngài là Sao-lô, bị ám ảnh bởi một lòng “ghen tương” tôn giáo, ngày ngày cưỡi ngựa lao vút đi, bắt bớ và giao nộp những người đã dám bỏ đạo Do-thái để tin vào một ông Giê-su nào đó. Nửa đời sau ngài là Phao-lô, đã trở thành một kênh chuyển ơn cứu rỗi của Đức Giê-su đến cho các linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo. Nửa đời trước là một biệt phái chính cống; nửa đời sau là một vị tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu rỗi các linh hồn. Nửa đời trước, ngài là một Sao-lô mù quáng hận thù; nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Ki-tô bao phủ, ngài đã bị choáng ngợp đến độ bị mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.
Câu nói đầu tiên của thánh Phao-lô sau cú ngã ngựa – “Lạy Chúa, con phải làm gì” – khiến cho nhiều người trong chúng ta phải suy ngẫm. Từ cú ngã ngựa ấy, từ câu hỏi quan trọng ấy, Chúa đã biến đổi Sao-lô, từ một kẻ thù trở thành một người bạn, một người môn đệ, một người sẵn sàng sống chết vì công việc nhà Chúa, đến độ ngài phải thốt thành lời: “Khốn thân tô nếu tôi không rao rảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16)
Nhìn vào cuộc đời của thánh Phao lô, để rồi mỗi người chúng ta hãy tự soi vào cuộc đời của chính mình. Đã bao giờ ta phải ngã ngựa? Đã bao giờ ta tự thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa con phải làm gì?” Con phải làm gì giữa một xã hội hiện đại mà tình người thì ít đi, trong khi giả trá mưu mô giăng đầy? Con phải làm gì khi ở quê hương con Tin mừng chưa lớn? Con phải làm gì khi cuộc sống con quá chật chội và bon chen, chất đầy thù hận? Con phải làm gì khi anh em con chưa tìm ra lẽ sống, bao gia đình còn mãi chia ly?…
Là một người sinh viên Công Giáo, con cảm thấy những việc mình làm cho Chúa còn quá ít ỏi. Xung quanh con có biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, và con thiết nghĩ họ chính là anh em của chúng con, là hiện thân của Chúa ở trần gian này. Như vậy làm những việc bé nhỏ an ủi và xua đi phần nào nỗi mệt nhọc hằn trên cuộc sống của họ cũng là một việc đáng để chúng con làm phải không Chúa? Gia đình con là nơi ươm ấp ước mơ, và cha mẹ là những người mà Chúa gởi đến để chăm sóc con, lo lắng cho con. Sống đúng đạo làm con cũng là một việc mà con nên làm phải không Chúa?
Còn nữa Chúa ạ, Ngài đã cho chúng con được ăn học, được có kiến thức và như thế là đã quá đủ, và con cảm thấy mình quá may mắn so với nhiều người. Cánh đồng truyền giáo hôm nay rất cần những người có trí thức, để đem Tin Mừng đến mọi nơi, cho mọi người.
Ước ao được cảm nghiệm Chúa yêu thương mời gọi lên đường, háo hức mong cho con tim từng người chúng con trở thành kênh chuyển tải tình thương cứu độ cho mọi người có phải là điều Chúa mong chúng con làm ở đây và bây giờ không?
Xin Ngài luôn đồng hành để chúng con tiếp tục hoàn thành sứ mạng này!
Bùi Bảo Uyên – nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội
làm sao con có thể nghe được Tiếng Chúa hướng dẫn cuộc đời con?