SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊSU: CÁC BỮA ĂN, CÁC PHÉP LẠ, LÒNG THƯƠNG XÓT
Đức Giêsu: Triều đại Thiên Chúa nơi Con Người [Đức Giêsu]. Chúng ta đã biết những gì Đức Giêsu nói, thế Ngài đã làm gì? Đức Giêsu đã sống và liên hệ với người khác thế nào? Có thể bạn hoài nghi, giữa lời nói và hành động (sứ vụ) của Đức Giêsu có một tương quan gắn kết với nhau. Sứ vụ của Đức Giêsu được đặt nền trên các tương quan. Ngài không phải là một nhà tổ chức hay một tác giả, cũng không phải là một nhà hoạt động xã hội. Đức Giêsu có một sứ vụ duy nhất vì Ngài có một vai trò độc nhất trong toàn bộ lịch sử. Ngang qua các hành động và tương quan, Đức Giêsu minh chứng ý nghĩa sứ điệp của Ngài. Triều đại Thiên Chúa hiện diện nơi và ngang qua người này, và đó là cách thức hết sức rõ ràng mà Ngài có thể đụng chạm và làm thay đổi lối sống của những người xung quanh.
Trong Tin Mừng Lu-ca, chúng ta nhận thấy bản tóm tắt về sứ vụ của Đức Giêsu. Trở về quê hương Na-da-rét sau khi chịu phép rửa, Ngài vào hội đường trong ngày Sa-bát, và khi được trao cho cuốn sách ngôn sứ Isaia để đọc, Ngài gặp đoạn:
Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa (Lc 4, 18-19).
Đức Giêsu hoàn tất lời ngôn sứ Isaia. Vì người nghèo, kẻ bị giam cầm, người mù lòa, và các tù nhân, mà Ngài đã đến theo một cách đặc biệt. Đức Giêsu đồng hóa chính mình như là người đem “tin vui” cho những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận
Nếu như Đức Giêsu đang dạo quanh trên thế giới này, bạn nghĩ Ngài sẽ làm gì? Giáo Hội nên làm gì để mở rộng sứ vụ Đức Giêsu đối với những người bị xã hội ruồng bỏ?
Giêsu: “Bạn của phường Tội Lỗi.” Một trong những biệt hiệu mà kẻ thù gán cho Đức Giêsu là “bạn của phường tội lỗi.” Chính danh xưng này nói cho chúng ta nhiều điều về Đức Giêsu. Xuyên suốt các sách Tin Mừng, Đức Giêsu luôn đến với người tội lỗi và trao ban cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Những kinh sư thuộc nhóm Pharisiêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mc 2, 16-17).
Việc Đức Giêsu tha tội đóng vai trò hết sức quan trọng giúp chúng ta hiểu Ngài là ai và sứ vụ của Ngài thế nào. Trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta có thể đến với bí tích Thống Hối, nhưng người Do Thái thời Đức Giêsu lại tin rằng, việc một người tha tội cho người khác là một chuyện tày đình.
Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy. Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2, 5-7).
Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi. Khi tha tội cho người khác, Đức Giêsu đã sử dụng quyền năng vốn dĩ thuộc về Thiên Chúa. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng, Ngài đích thực là hiện thân của triều đại Thiên Chúa.
Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận
Nhãn dán trang trí trên một xe viết: “Những người Kitô hữu không phải là những người hoàn thiện, nhưng chỉ là những kẻ được thứ tha mà thôi.” Dường như câu này muốn nói rằng, trở nên người tội lỗi là điều kiện tiên quyết để theo Đức Giêsu. Điều này không có nghĩa là Đức Giêsu cổ võ tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thành thật, tất cả chúng ta phải thú nhận chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong đoạn trích trên, Đức Giêsu nói về Ngài như là thầy thuốc, theo đó, bạn muốn được chữa lành điều gì?
Đức Giêsu và Lương Thực. Đức Giêsu và Lương Thực? Lương thực có liên hệ gì với sứ vụ của Ngài? Tin hay không, đó là một vấn đề lớn.
Trong trích đoạn trên, Đức Giêsu không chỉ bị phê phán vì qua lại với phường tội lỗi, nhưng còn ăn uống với họ. (“Tại sao Ngài lại ăn uống với những người như vậy?”) Những bữa ăn không chỉ là cho đầy bụng, nhưng chúng còn là dấu chỉ của tình bằng hữu và sự liên đới. Nhờ chia sẻ bữa ăn mà Đức Giêsu mở rộng tình thân với họ. Vậy nên, Đức Giêsu không chỉ nói rằng tội họ đã được tha, nhưng chính Ngài đã tha cho họ. Ngài đồng bàn với và trao cho họ mối tình thân ái.
Đức Giêsu cũng ăn uống với những người bạn hữu, người giàu có, bình dân, với những người Pharisêu, và cuối cùng Ngài đã chia sẻ “tiệc vượt qua” với các tông đồ. Trong tất cả những dịp này, Đức Giêsu trao ban một dấu chỉ về bữa tiệc chung cục, tức là triều đại Thiên Chúa.
Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận
Trong thời kỳ của thức ăn nhanh, chúng ta dễ dàng đánh mất ý nghĩa của các bữa ăn. Các bữa ăn có ý nghĩa lớn lao hơn là lương thực thuần túy. Chúng cũng có thể tạo nên một cộng đoàn. Đâu là những bữa ăn “truyền thống” trong chính gia đình của bạn?
Các Phép Lạ của Đức Giêsu. Ngày nay, nhiều người nghi ngờ tính xác thực của các phép lạ. Chúng ta hiểu phép lạ như là một sự kiện trái với luật tự nhiên, tuy vậy, thời Đức Giêsu, người ta chưa biết “luật tự nhiên” là gì. Họ hiểu, phép lạ là “dấu chỉ” của quyền năng Thiên Chúa.
Các phép lạ của Chúa Giêsu là một phần hết sức quan trọng đối với sứ vụ của Ngài. Nếu như Đức Giêsu dùng lời để loan báo triều đại Thiên Chúa đang đến, thì những phép lạ nhằm mặc khải rằng, triều đại đó đến với quyền năng. Các học giả Kinh Thánh tin rằng, một số câu chuyện phép lạ mang tính huyền thoại chỉ nhằm mục đích giáo huấn. Tuy nhiên, ít có ai nghi ngờ Đức Giêsu thực sự là người làm phép lạ. Hầu hết các phép lạ Đức Giêsu thực hiện là những phép lạ chữa lành và xua đuổi ma quỷ. Chúng là những dấu chỉ của triều đại Thiên Chúa vượt trên quyền lực bệnh tật và sự dữ trong thế giới. Các phép lạ là một phần của Tin Mừng Thiên Chúa chăm lo cho con cái mình. Ở trích đoạn dưới đây, Đức Giêsu thực hiện một phép lạ, một “dấu chỉ” cho thấy tình yêu chiếm ưu thế so với việc tuân thủ luật lệ cách khắt khe:
Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sa-bát không, để tố cáo người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liên trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisiêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu (Mc 3, 1-5).
Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận
Nhiều khi chúng ta không nhận thấy sự thật rằng, luật tự nhiên là phép lạ! Hãy liệt kê ra những phép lạ trong đời sống thường ngày.
Những câu hỏi ôn tập
- Hãy giải thích sự khác biệt giữa Đức Giêsu của lịch sử với Đức Kitô của đức tin.
- Đâu là bối cảnh chính trị Palestin thời Đức Giêsu?
- Ý nghĩa nguyên tuyền của danh xưng đấng cứu độ (Mê-si-a) là gì? Và nó đã thay đổi thế nào?
- Hãy nêu định nghĩa: nhóm Pharisêu, kinh sư, Xa-đốc, Samaria, hội đường, ngày Sa-bát và đền thờ.
- Tại sao Mát-thêu và Lu-ca có những trình thuật khác nhau về biến cố giáng sinh của Đức Kitô?
- Đâu là điểm chung trong các trình thuật của hai vị thánh sử này?
- Tại sao Gioan làm phép rửa ở sông Giodan?
- Chủ đề chính trong lời rao giảng của Đức Giêsu là gì?
- Những dụ ngôn về men và kho báu nói gì với chúng ta về triều đại Thiên Chúa?
- Theo Đức Giêsu, hai điều răn lớn nhất là gì?
- Tại sao các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo lại ngạc nhiên về việc Đức Giêsu tha thứ tội lỗi cho người khác?
- Các bữa ăn có liên hệ gì với sứ mạng của Đức Giêsu?
- Mối tương quan giữa lời và các phép lạ của Đức Giêsu là gì?