Tinh thần thơ ấu – Vài nét trong Kinh Thánh giúp đào sâu

Tác giả: L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

Tháng Mân Côi mở đầu với lễ Thánh Nữ Terexa Hài Đồng Giê-su, Tiến Sĩ Hội Thánh. Ta quen dịch chữ DOCTOR là tiến sĩ, mượn từ ngôn ngữ thời xưa, là người được tiến cử để vua đặt làm quan to, phục vụ dân nước. Từ la-tinh có nghĩa là “thày dạy”. Các thánh Tiến sĩ là các vị thánh được tôn phong như thầy dạy trong Hội Thánh, vì các ngài được ơn của Chúa để giúp cả Hội Thánh đi vào những điều giáo lý cao sâu.

Trong bản liệt kê các ơn đặc biệt để phục vụ Hội Thánh, thánh Phao-lô kể : “Trong Hội Thánh,  Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các Thầy dạy.” (1Cr 12, 28). Một nữ tu nhỏ bé trong đan viện Cát Minh ở Lisieux, chết lúc 24 tuổi, lại được phong làm Bổn Mạng các xứ Truyền Giáo, và ngày 19 tháng 10 năm 1997, Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã ghi tên chị vào hàng “Tiến Sĩ Hội Thánh”.

Thật khó tưởng tượng. Một nữ tu Cát Minh, khao khát được sai tới xứ Truyền Giáo, đã được chỉ định để qua sống ở Nhà Kín Saigon, nhưng Chúa lại cất về trước khi lên đường, thế mà làm thánh bổn mạng các xứ Truyền Giáo và Thầy Dạy Hội Thánh. Chúa làm những việc lạ lùng trước mắt chúng ta để chúng ta thấy Tình Yêu và Quyền Năng Thiên Chúa vượt xa đất trời, “muốn làm gì là Chúa làm nên”. Vị thánh nữ trẻ này khao khát được hiến dâng mạng sống mình để muôn người được cứu độ, và đã thành Tiến sĩ [Thày dậy] giúp Hội Thánh khám phá trở lại con đường thơ ấu của Tin Mừng.

Ngồi tại Giê-ru-sa-lem, trong ngày cuối của Lễ Lều, trong bầu khí ngột ngạt của lúc giao mùa từ hè sang thu, tôi không có tham vọng viết một thiên khảo cứu về tinh thần thơ ấu thiêng liêng, chỉ xin mạo muội nêu lên vài nét trong Kinh Thánh để giúp những ai muốn đi vào tận nguồn là Lời Chúa, đào sâu tinh thần thơ ấu thiêng liêng và sống triệt để nhờ sức mạnh của Lời Chúa.

  1. Trong Cựu Ước

Trong Cựu Ước trào lưu suy tư “Đệ Nhị Luật” (đứng đầu là sách Đê Nhị Luật) vén mở cho chúng ta bước khởi đầu của tinh thần thơ ấu thiêng liêng, khi chiêm ngắm nguồn gốc của dân tộc được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập để thiết lập Giao Ước Xi-nai, nhận họ làm dân của Thiên Chúa và chính Ngài là Chúa của họ, Ngài ban cho họ Luật để sống làm dân của Ngài, và cam kết bảo vệ họ, đưa họ vào Đất Hứa  và cho họ sống lâu dài ở đó, với điều kiện họ trung thành sống trong Giao Ước của Ngài.

Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất… Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ điềm thiêng… như Thiên Chúa đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (Đnl 4, 32-34)

Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em và để giữ lời hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập” (Đnl 7, 7-8).

Điều kiện duy nhất để được Thiên Chúa bảo vệ giữ gìn là`: “Anh  em hãy đi đúng con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống  lâu trên đất mà anh em sẽ chiếm hữu” (Đnl 5, 32-33). Chính Thiên Chúa đã giải thoát họ, chính Thiên Chúa đã đưa họ vào Đất Hứa chứ không phải tự sức họ làm được những điều ấy. Vậy thì phải ở lại trong Tình Yêu của Thiên Chúa, bằng cách bước đi theo đường lối của Thiên Chúa, đừng cậy sức mình, đừng theo các thần khác, cũng đừng cậy dựa vào quyền lực nào ở trần gian này. (Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, sẽ mời gọi : Hãy ở lại trong tình yêu của ThầyHãy giữ những điều Thầy truyền [Ga 15, 7-10] ).

Sách Gio-su-ê cho thấy tất cả việc chiếm lãnh Đất Hứa dưới sự lãnh đạo của Giô-su-ê, là do Thiên Chúa thực hiện chứ không phải do sức của dân. Giô-su-ê đã cùng dân ôn lại lịch sử và tuyên lại Giao Ước ở Si -khem, trước khi cho dân tản mác, ai về lều nấy trên phần đất đã được chia cho họ (x. Gs 24).

Sách Thủ Lãnh cho thấy một thực tế phũ phàng là sau khi ông Giô-su-ê chết, rồi cả thế hệ ấy đã qua đi:

Con cái Ít-ra-en đã làm diều dữ trái mắt Đức Chúa, và đã làm tôi các thần Ba-an. Họ đã lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, và họ đã đi theo các thần ngoại lai…                                                                                                                                                               Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Ít-ra-en và trao họ vào tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột…                                                                                                                                   

Khi Đức Chúa cho xuất hiện các thủ lãnh để giúp họ, thì Đức Chúa ở với vị thủ lãnh và Người cứu họ khỏi tay quân thù bao lâu vị thủ lãnh còn sống, vì Đức Chúa động lòng trắc ẩn trước những tiếng than khóc của họ, khi họ bị đàn áp và ức hiếp. Nhưng sau khi vị thủ lãnh qua đời thì họ lại ra hư đốn hơn cha ông họ. Họ chạy theo các thần ngoại lai để làm tôi và sụp lạy chúng, chứ không từ bỏ những hành vi và đường lối ngoan cố của họ.”  (Gs 2, 11-19).

Đến khi họ đã lớn mạnh và thành một vương quốc, các ngôn sứ lại rát cổ bỏng họng tố cáo tội ác, kêu gọi họ tin tưởng vào Thiên Chúa và đi theo đường lối của Thiên Chúa, trung thành với Giao Ước, để được cứu thoát khỏi mọi đe dọa từ các nước láng giềng. Bây giờ thì ngoài tội thờ thần của dân ngoại, họ còn cậy vào sức mình và cậy dựa vào sự liên minh với các cường quốc, bị phía Bắc đe dọa thì họ quay sang dựa vào Ai-Cập ở phía Nam. Bị Ai Cập đe dọa thì họ cầu cứu phương Bắc. Ta hãy đọc vài trích đoạn tiêu biểu.

Ngày ấy các ngươi đã nhìn vào binh khí trong Cung Rừng và thấy thành Đa-vít có nhiều lỗ hổng. Các ngươi trữ nước ở hồ dưới. Các ngươi đếm từng ngôi nhà ở Giê-ru-sa-lem, rồi phá đi một số để củng cố tường thành. Các ngươi xây bể để chứa nước hồ cũ giữa hai lớp tường thành. Nhưng Đấng tác tạo cả thành đô, các ngươi lại không nhìn; Đấng từ lâu làm nên mọi sự các ngươi lại chẳng thấy.” (Is 22, 8-11)

Khốn thay những đứa con phản nghịch, chúng thực hiện kế hoạch, nhưng không phải của Ta, chúng ký kết thỏa hiệp nhưng không theo thần khí của Ta, cứ chồng chất tội này lên tội khác. Chúng đâu thỉnh ý Ta khi lên đường đi xuống Ai-cập, tìm sự che chở của Pha-ra-ô và núp bóng Ai-cập. Nhưng sự che chở của Pha-ra-ô sẽ khiến các ngươi phải thẹn thùng, và việc ẩn núp dưới bóng Ai-cập sẽ làm cho các ngươi phải nhuốc hổ” (Is 30, 1-3).

Khi bị liên minh A-ram và Ep-ra-im đe dọa (Is 7, 1-17),

Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió

Ngôn sứ I-sai-a được sai đến nói với vua:

Chuyện đó sẽ không xảy ra, sẽ không có… Nếu các ngươi không vững tin thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is. 7, 2.9)

Một điều lý thú khi đọc trong bản tiếng Hip-ri là chơi chữ: hai động từ vững tinđứng vững cùng một gốc[1]. Họ có đứng vững được là nhờ Thiên Chúa chứ không phải do sức họ; họ “run như cầy sấy” khi mới nghe tin phe địch đã đóng quân sát nách, vì họ không tin vào Thiên Chúa mà dựa vào sức mình. Ngôn sứ công bố dấu chỉ của Thiên Chúa là “Em-ma-nu-en” sinh ra (Is 7, 14).

Họ được nghe tiếng Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vô hình, họ không thấy được không sờ được. Vì thế vừa nhận Luật Giao Ước xong, trong khi ông Mô-sê lên núi nhận Bia Chứng Ứơc, thì ở dưới họ đã yêu cầu A-ha-rôn làm cho họ một ông thần để dẫn họ đi, nghĩa là một vị thần họ thấy được, sờ được và khiêng đi theo ý họ, muốn đi thì đi, muốn đứng thì đứng (x. Xh 32, 1-6).

Vì thế khi vào Đất Hứa, sống giữa các dân tộc có các vị thần sờ được, thấy được, họ dễ dàng theo các thần “ngoại bang” ấy thay vì nghe lời Thiên Chúa mà họ không thấy, không sờ được. Điều này dễ hiểu, như tục ngữ Việt Nam nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Thậm chí vua Sa-lô-môn cuối đời cũng ngả theo các thần ngoại bang (x. 1V 11).

Ngay lúc Giê-ru-sa-lem đã bị Ba-bi-lon đe dọa, Thiên Chúa còn phải dùng ngôn sứ Giê-rê-mi-a để tố cáo:

Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi được ở lại nơi này. Đừng ỷ vào các lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của Thiên Chúa, Đền Thờ của Thiên Chúa, đã có Đền Thờ của Thiên Chúa!”…

Các ngươi ỷ vào những lời dối trá vô giá trị. Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Ba-an và đi theo các thần lạ các ngươi không biết, rồi lại vào nhà này, nơi Danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: “Chúng ta được an toàn!”, sau đó lại tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì? Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi Danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết.” (Gr 7, 3-11).

Sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a (chỉ có 3 chương ngắn) có thể coi như một mô hình thu gọn của các ngôn sứ thuộc trào lưu Đệ Nhị Luật: mở đầu, ngôn sứ công bố Ngày của Thiên Chúa, rồi hạch tội Giu-đa và kêu gọi trở lại; sau đó ngôn sứ hạch tội các dân chung quanh, rồi quay lại hạch tội Giê-ru-sa-lem; cuối cùng ngôn sứ công bố các lời hứa cứu độ:

« Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa… Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!… Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi chính là Đức Chúa… Ngày ấy người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem: Này Xi-on đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời. » Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi… Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. » (xin đọc hết Xp 3, 12-18).

Thánh vịnh 130/131 đúc kết kinh nghiệm lịch sử thành một thái độ, một con đường sống lòng tin vào Thiên Chúa:

Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi !
Đường cao vọng chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức
chẳng cầu ;
hồn con con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ
nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.

Vài lời giải thích về thánh vịnh này. Lòng tự cao nghĩa là tự đặt mình lên cao, cậy dựa vào bản thân, cho mình là ngon lành, hơn hết mọi người, không cần đến ai. Mắt con chẳng dám tự hào, dịch sát là ngước lên cao, ám chỉ tới việc ngước nhìn lên nơi cao là nơi thờ thần của dân ngoại. Đường cao vọng chẳng đời nào bước, ám chỉ bước theo những quyền lực thế tục. Như vậy thánh vịnh này gợi lại ba điểm tựa mà các ngôn sứ đã tố cáo: dựa vào sức mình, dựa vào các thần ngoại bang (ngoài Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất) và chạy theo quyền lực thế tục. Con đường thơ ấu thiêng liêng cho cả dân tộc và cho mỗi người là cậy dựa vào một mình Thiên Chúa.

Trẻ thơ ở đây, [gamul trong tiếng Hipri], không phải là trẻ còn bú, nhưng là trẻ đã cai sữa[2] (3 tuổi), có thể đi, chạy, chơi một mình, nhưng chưa thể tự vệ, chưa thể tự kiếm ăn, hoàn toàn lệ thuộc cha mẹ để được bảo vệ, nuôi nấng (x. St 21, 8-11, chuyện It-ma-en và I-xa-ác trong ngày cai sữa cho I-xa-ác).

  1. Trong Tân Ước

Trong Tân Ước, chúng ta sẽ chú ý đến các sách Tin Mừng và một số thư của các Tông Đồ.

  • Trong các sách tin Mừng Nhất Lãm

Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta có gương Chúa Giê-su ưu ái trẻ nhỏ và  những lời giáo huấn về  việc đón nhận Nước Trời như trẻ nhỏ.

Tin Mừng Nhất Lãm nhiều lần kể về cách thức và lý do Chúa Giê-su ưu ái trẻ nhỏ.

Người ta dẫn trẻ em đến với Chúa Giê-su… Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10, 13-16; Mt 19, 13-15; Lc 18, 15-17)

Khi các môn đệ thắc mắc trong lòng (Lc 9, 46-48) hoặc bàn tán với nhau (Mc 9, 33-37) xem ai trong các ông là người lớn nhất, hoặc hỏi Chúa Giê-su ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 1-4) thì Chúa Giê-su “gọi một em nhỏ đến, đặt giữa các ông” (Mt), “đem một em nhỏ đặt giữa các ông” (Mc), “đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình” (Lc), rồi trả lời các ông. Trẻ nhỏ là mẫu mực của người lớn nhất giữa các ông, lớn nhất trong Nước Trời.

Mt 18, 3 nêu điều kiện quyết liệt để được vào Nước Trời: “Nếu anh em không trở lại mà nên giống như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

2.1.1  Tin mừng Thời Thơ Ấu trong Lu-ca 1-2 vận dụng lời ngôn sứ Ma-la-khi 3, 1 làm khung tổng thể cho trình thuật so sánh giữa vị Tiền Hô, “sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” và “Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người”. Trình thuật Truyền Tin cho Đức Trinh Nữ, như được dệt bằng sợi rút từ lời hứa về Em-ma-nu-en (Is 7, 14), các lời hứa cho vua Đa-vít (2S 7) và thánh vịnh mời gọi Xi-on vui mừng (Xp 3, 14-18). Lời thiên sứ chào Đức Mẹ, lời thiên sứ loan báo, lời Đức Mẹ hỏi thiên sứ và lời giải thích của thiên sứ về cách thức trinh nữ thụ thai và sinh con, đều rút từ những lời kể trên; đồng thời lời giải thích của thiên sứ còn gợi lên hình ảnh Vinh Quang Thiên Chúa như đám mây phủ đầy Lều Tạm (x. Xh 33, 9-10 và 40, 34-35) và Đền Thờ do Salomon xây (x. 1V 8, 10-11).

Bằng cách “rút sợi” từ lời loan báo và bài thánh vịnh mời gọi Xi-on vui mừng (Xp 3, 12-18), Lc đã cho thấy Đức Trinh Nữ Maria như là hiện thân của Cô Gái Xi-on, thì đồng thời cũng là hiện thân của tinh thần thơ ấu thiêng liêng mà ngôn sứ đã gợi lên: tìm nương ẩn nơi Danh Thiên Chúa. Thiên Chúa làm mọi sự nơi Đức Trinh Nữ Maria, còn Đức Trinh Nữ thì phó nộp hoàn toàn cho Lời Thiên Chúa: “Này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cứ xảy ra cho tôi [= xin Người cứ làm nơi tôi] – như lời thiên sứ đã nói”. Lu-ca trình bày Đức Trinh Nữ Maria như là “hình tượng” (icon) của tinh thần thơ ấu thiêng liêng, để cho ta chiêm ngắm mà học theo.

Đến cuối sách Tin Mừng, Lu-ca lại cho ta chiêm ngắm chính Chúa Giê-su Con Thiên Chúa đã sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, bày tỏ tinh thần con thơ đối với Cha như thế nào qua buổi cầu nguyện ở núi Ô-liu và lời cuối cùng trên thập giá. Ở núi Ô-liu Con Thiên Chúa làm người đã bày tỏ với Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”. “Cầu nguyện xong, Người đứng lên…” đánh thức các môn đệ dậy, thanh thản đón kẻ đến nộp Thầy, và những kẻ đến bắt Người, phanh phui cho họ thấy: “Đây là giờ của các ông, thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22, 39-53). Suốt cuộc Khổ Nạn, Luca cho chúng ta chiêm ngắm một Chúa Giê-su thanh thản và im lặng, làm chủ tình hình, khiến Phi-la-tô, Hê-rô-đê và những kẻ muốn giết Người phải quay cuồng lúng túng. Lời cuối cùng của Chúa trên thập giá biểu lộ tình con thơ phó thác tột cùng: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong Người tắt thở.” (Lc 23, 46). Lời “xin vâng” của Đức Trinh Nữ nhận làm Mẹ của Con Thiên Chúa nghe như “tiếng vọng trước” lời phó thác mà chính Con Thiên Chúa làm người sẽ nói lên bằng môi miệng con người trước khi kết thúc kiếp làm người trên thập giá.

2.1.2 Lu-ca cũng cho chúng ta một kiểu mẫu năng động khác là Si-mon-Phê-rô, ông đã trở lại và nên như trẻ nhỏ, ông đã dâng của lễ đẹp lòng Thiên Chúa theo lời thánh vịnh 51/50: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò Ngài sẽ chẳng khinh chê” (câu 19), và Thiên Chúa đã tạo cho ông một tấm lòng trong trắng và đổi mới tinh thần cho ông nên chung thủy (câu 12). Quả vậy, ngày đầu khi Chúa gọi ông thì ông nhận ra mình là người tội lỗi không đáng Chúa ở gần (Lc 5, 8). Nhưng trên đường đi theo Chúa thì ông lại lớn lên trong sự tin tưởng vào chính mình, dám thách đố cả lời Chúa cảnh báo, cho mình là vững mạnh hơn mọi anh em (x. Lc 22, 31-34), dám theo Chúa vào tận trong sân dinh Thượng Tế, lại còn ngồi chen vào giữa đám tay sai vừa bắt Chúa Giê-su điệu về đây, cùng sưởi với chúng nữa (Lc 22, 54-55)   

Điều phải đến đã đến. Nhưng Chúa đã cầu nguyện cho ông để ông khỏi mất lòng tin và trao cho ông sứ mạng làm cho anh em vững mạnh sau khi ông đã trở lại (Lc 22, 31-32), nên khi ông đã chối Chúa đủ ba lần và có tiếng gà gáy, thì Chúa quay lại nhìn thẳng vào ông, ánh mắt của Chúa đã xuyên qua màn đêm, vào tận đáy lòng ông, “ông nhớ lại Lời Người đã nói với ông, và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22, 56-62).

Sau khi Chúa phục sinh, Chúa đã giữ lời hứa, tạo điều kiện cho ông thi hành sứ mạng làm cho anh em của ông vững mạnh. Anh em tin Chúa đã phục sinh, vì lời Si-mon làm chứng (Lc 24, 33-34).

Si-môn đã trở lại và nên như trẻ nhỏ, khi Chúa để cho ông cảm nghiệm sự yếu đuối của ông tới mức nào, để ông hết còn dám cậy sức mình, nhưng hoàn toàn dựa vào Chúa như trẻ thơ. Chúa đến với ông, ban cho ông tinh thần vững mạnh để ông có thể làm cho anh em của ông vững mạnh. Người đã rửa ông cho sạch bằng chính nước mắt của ông (Tv 51/50, 4).

2.1.3  Tin Mừng theo thánh Mác-cô lại cho ta chiêm ngắm một hình ảnh cô đọng thật huyền bí, khi kể giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập giá: “Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-I, la-ma sa-bác-tha-ni!” nghĩa là “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở…”. Hiệu quả bất ngờ: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy cách Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa.

Một sĩ quan Rô-ma phục vụ dưới trướng Tổng Trấn Phi-la-tô, chưa bao giờ nghe Chúa giảng, chưa bao giờ được thấy Chúa làm một phép lạ. Chỉ huy cuộc hành quyết, ông có nhiệm vụ xác nhận người bị xử đã chết thật sự (Phi-la-tô sẽ gọi ông để xác nhận, khi ông Giu-se A-ri-ma-thi đến xin xác Chúa Giê-su, Mc 15, 44-45). Vì nhiệm vụ ông phải đứng đối diện với Chúa Giê-su đã bị đóng đinh trên thập giá. Ông chỉ thấy cách Người tắt thở mà tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.

Thật là huyền nhiệm. Chúng ta hãy sống lại cảnh này, cùng đứng với viên sĩ quan và hỏi ông: « Làm sao ông có thể nhìn cách Người tắt thở mà nhận ra người, mà chính đội hành quyết do ông chỉ huy đã đóng đinh treo lên thập giá kia, là Con Thiên Chúa? »

Tinh thần con thơ của Chúa Giê-su lộ ra trong hơi thở cuối cùng, đến nỗi một người ngoại đạo có thể nhận ra người bị đóng đinh là Con Thiên Chúa. Đó là cách trình bày độc của Tin Mừng Mác-cô, vận dụng nghệ thuật kể chuyện, đặt chúng ta trước một bức họa và để cho chúng ta nhìn ngắm mà rút ra kết luận.

2.1.4   Tin Mừng theo thánh Mát-thêu đã nêu điều kiện không khoan nhượng để được vào Nước Trời: “Nếu anh em không trở lại mà nên giống như trẻ nhỏ thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).

Lý do đã được nêu ngay trong Bài Giảng Trên Núi: Tám mối phúc:

Thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ… Thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”.

Sáu mối phúc ở giữa, dùng những hình ảnh khác để nói về cùng một thực tại là Nước Trời, và những cách nói khác để diễn tả cùng một thái độ của người bé nhỏ nghèo hèn là chỉ tìm nương ẩn nơi Danh Thiên Chúa (x. Xp 3, 12), đến nỗi có bị bách hại vì sự công chính thì cũng chẳng tìm nương ẩn nơi đâu khác ngoài Thiên Chúa. Được Nước Trời là được chính Thiên Chúa làm gia nghiệp của mình. Mối phúc thứ tám lại được áp dụng trực tiếp cho môn đệ của Chúa: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 12-13). Được Chúa Giê-su là được Nước Trời rồi. Chúa Giê-su sẽ đề nghị với người thanh niên giàu có đầy thiện chí, muốn “hơn nữa”: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện [muốn được trọn vẹn], thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt, 19, 21). Kho tàng của anh ở trên trời lại là con người bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt anh đây, và anh có thể đi theo sau Người, theo sau kho tàng của anh.

Nghiệm cho kỹ thì thấy Tám Mối Phúc là chân dung tự họa (selfie) của Chúa Giê-su, như suốt sách Tin Mừng này cho thấy, vì thế ở chương 11, Chúa Giê-su mời gọi: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (câu 29). Cách tốt nhất để hiểu các mối Phúc là đọc từng mối Phúc và nghiệm lại trong đời sống Chúa Giê-su xem Chúa đã sống điều đó như thế nào. Ngược lại để biết Chúa Giê-su như sách Tin Mừng Mát-thêu trình bày, thì đọc và nghiệm xem qua đoạn vừa đọc, thấy được Chúa đang sống mối Phúc nào.

Bài Giảng Trên Núi nhấn mạnh đến sự thành thật đơn sơ, sống tự đáy lòng, không giả hình: bố thí, cầu nguyện, ăn chay là để phụng thờ Thiên Chúa tự đáy lòng, như trẻ thơ. Phó thác trọn vẹn trong tay Cha, “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ”: “Cha anh em thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó… Vậy anh em đừng lo lắng cho ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo”.

Kết thúc Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su dạy cách trở thành người khôn: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24). Trẻ thơ thì cha, mẹ bảo sao nghe vậy, bảo đi thì đi, bảo đứng thì đứng, bảo làm gì cũng làm, bảo nói gì cũng nói… Đó cũng là điều Thiên Chúa đã đòi ở các ngôn sứ, như Giê-rê-mi-a: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu người cứ đi, Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,7).

  • Tin mừng theo thánh Gio-an

2.2.1 Sách Tin Mừng theo thánh Gio-an lại trình bày cho chúng ta chân dung Chúa Giê-su như người con hiếu thảo, sống bởi Cha, luôn kết hiệp với Cha,Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha”, nói lời của Cha, làm việc của Cha, chỉ làm theo ý Cha và chỉ tìm vinh danh Cha, chỉ muốn tỏ rõ lòng mình yêu mến Cha, kể cả bằng cái chết trên thập giá.  Không có gì là của riêng mình: “mọi sự của Cha là của Con, mọi sự của Con là của Cha”.

Ngay trong Lời Tựa, Gio-an đã cho thấy Ngôi Lời đã làm người chung phần vinh quang của Cha: “Chúng tôi đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Chúa Giê-su tuyên bố: « Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy[3]. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho Người Con thấy mọi diều mình làm…” (Ga 5,19-20)

Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10, 37-38)

Như Chúa Cha là Đấng nằng sống đã sai tôi và tôi sống bởi Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57)

Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8, 26)

Các lờI Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” (Ga 14,10)

Thủ lãnh thế gian này đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó phải xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” (Ga 14,31)

Trong tình yêu mến thì Chúa Cha là mẫu của Chúa Giê-su và Chúa Giê-su là mẫu cho môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong Tình thương của Người.” (Ga 15, 9-10)

Này đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16, 32).

Trong lời cầu nguyện hiến tế, Chúa Giê-su đã cho chúng ta một bản tóm lược về tương quan giữa Người với Cha và giữa Người với các môn đệ:

Những kẻ Cha đã chọn giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho chúng biết Danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.” (Ga 17, 6-8)

Như vậy Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta gương mẫu tuyệt vời để sống như con thơ đối Cha Trên Trời, là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và của chúng ta: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20, 17); vậy thì Thầy đã sống với Cha như thế nào thì anh  em cũng hãy học với Thầy mà sống như thế với Cha.

2.2.2  Sách Tin Mừng Gio-an còn cho chúng ta một gương mẫu về việc “trở lại và nên như trẻ nhỏ”, trong câu chuyện của ông Simôn Phê-rô.

Các Tin Mừng Mt, LcGio-an đều kể việc Chúa Giê-su báo trước rằng các môn đệ sẽ bỏ Chúa một mình, và ông Phê-rô sẽ chối Chúa ba lần trước khi gà gáy (Ga 13, 38; Mt 26,34; Lc 22, 34); Mc thì kể “gà chưa kịp gáy hai lần thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mc 14, 30).

Rồi sau khi ông Phê-rô đã chối đủ ba lần thì tiếng gà gáy (Mt 26, 74-75Mc 14, 72), hoặc cái nhìn của Chúa (Lc 22, 61-62) làm cho ông thức tỉnh, nhớ lại Lời Chúa đã nói và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

Gioan ngưng câu chuyện với tiếng gà gáy (Ga 18, 27), như để cho thấy lời loan báo của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm; rồi kể sang việc Chúa bị điệu ra trước tòa Phi-la-tô, không nhắc tới ông Phê-rô lần nào nữa trong cuộc Thương Khó. Ở chương 20, Gio-an kể việc ông Si-môn Phê-rô cùng với “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” chạy ra mồ, như hai nhân chứng để xác minh lời bà Maria Ma-đa-lê-na hốt hoảng chạy về báo. Họ thấy quả là xác Chúa không còn trong mộ, nhưng khăn liệm và các băng vải còn đó, không để lẫn với nhau, khăn liệm được cuốn lại gọn gàng và để riêng ra một nơi. Tối hôm ấy Chúa Giê-su Phục Sinh đến với các môn đệ.

Tưởng như Gio-an đã quên chuyện ông Phê-rô hối cải. Ở chương 21, Gio-an kể việc Chúa trao cho ông Phê-rô sứ mạng mục tử đối với toàn thể đoàn chiên của Chúa (như Chúa đã tự mô tả chính mình là Mục Tử như thế nào (x. Ga 10, 1-16). Lúc này Gio-an mới kể tiếp cho chúng ta về ông Phê-rô, ví ông với A-đam – E-và trong Vườn Địa Đàng sau khi ăn trái cấm (x. St 3, 7-10)

Câu chuyện mở đầu với chuyến đánh cá đêm trên Biển Hồ Gali-li-lê của ông Phê-rô cùng với sáu bạn môn đệ. Kết quả một đem vất vả: lưới không, thuyền rỗng.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Không!” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”

Người môn đệ Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Phê-rô liền quấn áo ngang lưng [làm khố], vì ông đang trần truồng, rồi nhảy xuống biển…” (Ga 21, 4-7)

Tôi sửa lại bản dịch cho sát bản Hy Lạp, vì đây là một chi tiết then chốt để hiểu câu chuyện. Nhiều người lý luận: chẳng lẽ ông Phê-rô ở trên thuyền với sáu ông khác mà lại trần truồng. Thứ nhất, không nên áp dụng cách thức ăn mặc ngày nay với hai ngàn năm trước của người đánh cá trên hồ; thứ hai là chú ý tới liên hệ giữa hai yếu tố “Vừa nghe nói “Chúa đấy!”… vì ông đang trần truồng”. Người kể chuyện cho thấy là cảm thức “trần truồng” đến với ông Phê-rô khi ông nghe nói “Chúa đấy!” chứ không phải tự nhiên. Tiếp theo là “ông quấn áo ngang lưng và nhảy xuống biển”.

Hãy so sánh với bản văn Hy-lạp của sách Sáng Thế 3, 7 “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới hái lá vả làm dây thắt lưng cho mình. Rồi khi nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn tránh mặt Thiên Chúa”.

Ở trong vườn, thấy mình trần truồng thi hai ông bà hái lá cây vả, là thứ lá cây lớn nhất trong vườn, xâu lại làm thắt lưng (khố). Khi nghe thấy tiếng Đức Chúa thì hai ông bà trốn vào giữa cây cối, tránh mặt Đức Chúa. Ông Phê-rô đang ở giữa Biển Hồ, nghe nói “Chúa đó!” ông như mở mắt ra, vì nãy tới giờ Chúa đứng đó mà ông không nhận ra, tiếng “Chúa đó!” mở mắt cho ông nhận ra Chúa và thấy mình trần truồng. Ông đã có thể mặc áo vào, nhưng ông lại quấn áo làm thắt lưng. A-đam E-và ở trong vườn thì núp vào giữa cây cối, còn ông Phê-rô ở giữa biển thì núp vào đâu? Nhảy xuống biển!

Nhưng việc ông nhảy xuống biển lại như “tiền xướng” nhắc chúng ta nhớ tới thánh vịnh 139/138, chuẩn bị cho ta nghe lời ông Phê-rô tuyên xưng lòng mến sau bữa ăn: “Thầy biết… Thầy biết mọi sự…”

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ…                                                                             Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,                                                                                                 nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. (Tv 139/138, 1.8)

 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa.” Với ông Phê-rô thì quang cảnh này gợi nhớ “than hồng” bọn tôi tớ đã đốt để sưởi trong sân dinh Thượng Tế, và ông đã ngồi vào sưởi ké, rồi chuyện đã xảy ra đêm ấy bên lò than hồng.

Chúa đã hỏi họ: “Không có gì ăn ư?”, họ trả lời cộc lốc “không”. Bây giờ Chúa đã dọn sẵn bữa ăn nóng hổi cho họ, có bánh có cá đặt trên than hồng. Nhưng Chúa nhẹ nhàng gỡ thế lúng túng cho ông Phê-rô: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ, lưới đầy cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như thế mà lưới không rách.

Sau khi các ông đã nghiệm ra hiệu năng của lời Chúa qua mẻ cá, Chúa bảo các ông: Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.”

Bữa ăn này hẳn gợi cho các ông nhớ lại bữa ăn Chúa đãi đám đông hôm nào khi ngồi trên núi (Ga 6, 1-13), Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa đãi tiệc trên núi (x. Is 25, 6-9), vừa là mục tử cho chiên nằm nghỉ “trong đồng cỏ xanh tươi” (x. Tv 23, 2).

Sau bữa ăn trong thinh lặng trước mặt Chúa (như Mô-sê và các kỳ mục trong Xh 24, 9-11), Chúa nói chuyện với ông Phê-rô trước mặt anh em, như xưa Thiên Chúa nói với ông Mô-sê trước mặt dân: “Này Ta sẽ đến với ngươi trong đám mây dày đặc, để khi Ta nói với ngươi, thì dân nghe thấy và cũng tin vào ngươi luôn mãi.” (Xh 19, 9).

Trước hết Chúa long trọng gọi tên đầy đủ của ông Phê-rô, không lẫn vào đâu được: “Này anh Si-môn con ông Gio-an[4], anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giê-su nói với ông:Hãy chăm sóc các chiên con của Thầy.” Chú ý  câu hỏi lần thứ nhất này có so sánh “hơn các anh em này”, hẳn làm ông Phê-rô nhớ tới những lời khẳng khái ông đã thưa với Chúa trước mặt anh  em trong phòng Tiệc Ly, tỏ ra ông cho là mình yêu mến Thầy hơn bất cứ ai trong hàng môn đệ: “Thưa Thầy, sao con lại không đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Ga 13, 37)

Người lại hỏi: “Này anh Si-môn con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cach nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.” (Ga 21,16-19)

Chúa hỏi đến lần thứ ba thì ông Phê-rô buồn. Dễ hiểu, lần thứ nhất Chúa so sánh để nhắc lại cho ông lời cam kết ông đã nói trước mặt anh em, tỏ ra ông yêu mến Thầy hơn bất cứ ai. Chúa hỏi đến lần thứ ba thì ông buồn, vì ám chỉ quá rõ ràng tới việc ông chối Chúa lần thứ ba trước khi gà gáy.

Câu trả lời lần thứ nhất và lần thứ hai, ông dựa vào Chúa: “Thầy biết”; khi trả lời lần thứ ba thì ông nại đến “Thầy biết rõ mọi sự”. Thánh vịnh 139/138 lại vọng bên tai chúng ta: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con  và Ngài biết rõ… Hồn con đây biết rõ mười mươi… Lạy Chúa xin dò xét con để biết rõ lòng con, xin thử cho biết những điều con cảm nghĩ. Xin  Ngài xem con  có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.” (Tv 139/138, 14.23-24). Chúa Giê-su đã dò xét lòng ông và gọi ông đi theo Chúa là “con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14, 6)

Nhìn lại toàn bộ câu chuyện này, chúng ta thấy Chúa đã giúp cho ông Phê-rô nhận ra tự thân ông chẳng là gì, chẳng có gì và chẳng làm được gì: con nhà nghề, rủ bạn cùng nghề đi đánh cá, mà suốt đêm chẳng bắt được gì; ông đã thề sống chết với Chúa, nhưng đã chối Chúa đủ ba lần khi gà chưa kịp gáy. Trước mặt Chúa hôm nay, ông thấy mình như một đứa trẻ, trần truồng, vừa lạnh vừa đói, chưa biết mặc áo, chẳng có gì ăn. Chúa Giê-su đốt lửa cho ông sưởi ấm, nướng bánh và cá cho ông ăn, rồi mặc cho ông áo mới của tình yêu tinh tuyền, hoàn toàn dựa vào Chúa là Đấng thông suốt mọi sự: “Tạng phủ con chính Ngài cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con  được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy…” (Tv 139/138, 13-16).

Chúa làm như đáp lại lời cầu xin trong thánh vịnh 51/50: “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (câu 12). Và coi như Chúa trả lời nỗi thắc mắc của ông trong bữa Tiệc Ly. Khi Chúa bảo: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo”, thì ông thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không đi theo Thầy ngay bây giờ được”. Bây giờ thì Chúa đã cho ông tinh thần vững mạnh để đi theo Chúa, và cho ông biết ông sẽ được theo Chúa tới nơi Chúa đã đi là thập giá, rồi Chúa bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

Chúa trao cho ông cả chiên mẹ chiên con, tức là trọn đoàn chiên mà Chúa đã cứu chuộc bằng cái chết và sự phục sinh của Chúa, như khi Thiên Chúa dẫn đưa dân lưu đầy trở về: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay: Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bày chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40, 11). Bây giờ thì Chúa có thể nhận lời ông Phê-rô đã cam kết sẵn sàng thí mạng sống vì Chúa. Ông sẽ chết dang tay trên thập giá như Chúa, nhưng không phải thí mạng vì Chúa, mà vì đoàn chiên của Chúa, giống như Chúa đã làm. Ông phải là mục tử như Chúa Giê-su: “Hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10, 11) .

Ông Si-môn Phê-rô ở cuối sách Tin Mừng Gioan trở thành hình tượng cho chúng ta chiêm ngắm để biết thế nào là “trở lại mà nên như trẻ nhỏ” (Mt 18, 3).

  • Trong các thư của các Tông Đồ

Trong thư các Tông Đồ, thì các lời khuyên bảo đều hướng về sống trung thành với Thiên Chúa, thi hành ý Thiên Chúa, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Tôi chỉ nêu vài ví dụ. Mỗi người có thể mở các thư, đọc những lời khuyên bảo.

Bản thân thánh Phao-lô cũng đã được ơn mà thánh Phê-rô nhận được ở bên Hồ (x.Ga 21). Ngài diễn tả trong thư thứ nhất Cô-rin-tô: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo màu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào  bằng chứng xác thực của Thần Khí  vá quyền năng Thiên Chúa”(1Cr 2, 1-4).

Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể.” (1Cr 3, 6-7).

Trong thư thứ hai Cô-rin-tô: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 7-10).

Thánh Phao-lô hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa khi thi hành sứ mạng: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa. Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Ki-tô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần.” (Rm 15, 17-19). Ta nghe như vang vọng lời Chúa Giê-su nói về chính mình trong sách Tin Mừng Gio-an.

Trong các thư, thánh Phao-lô truyền đạt kinh nghiệm sống này cho các tín hữu.

Thư gởi tín hữu Rô-ma, trong phần giáo huấn từ chương 12 tới chương 15, thánh Phao-lô mở đầu với “cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa”sống như thể mình là một của lễ toàn thiêu đã được dâng cho Thiên Chúa, “bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo” (x. Rm 12, 1-2). Đó là cốt lõi của tinh thần thơ ấu thiêng liêng mà Thánh Phao-lô quảng diễn trong các chương 12-15 của thư này, giúp ta hiểu thế nào là sống tinh thần thơ ấu một cách thiết thực.

Trong thư Ê-phê-sô và thư Cô-lô-sê, thánh Phao-lô dùng hình ảnh lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, sống đời sống mới trong Đức Ki-tô.  “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương” (Ep 5, 1).

Thư thứ nhất của thánh Phê-rô là một huấn dụ cho những người mới chịu phép rửa, ví người tín hữu “như trẻ sơ sinh, hãy khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ” (1Pr 2, 2). Đoạn cuối phần khuyên nhủ có câu: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người săn sóc anh emThiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô.(1Pr 5,7).

Con đường thơ ấu thiêng liêng nghe thì “thơ” lắm, nhưng không phải là ẻo lả “làm thơ”. Đó là hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần như ngôn sứ I-sai-a kể: “Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa” (Is 11, 3). Sách Giáo Lý kể bảy ơn: khôn ngoan, thông minh, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa.

Vậy thì chỉ có một cách là khiêm tốn xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, xin Thánh Thần tác động trong chúng ta và dẫn dắt chúng ta, như Người đã dẫn dắt Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Thánh Thần làm cho chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha: “Ap-ba, Ba ơi!” (Rm 8, 15; Gl 4, 6). Và thánh Phao-lô dạy: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Gl 5, 25).

Giê-ru-sa-lem ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, 2018

 

 

[1] Từ đó ta có chữ AMEN, nghĩa là đúng như vậy, chắc chắn như vậy trong lời Chúa Giê-su: “Amen, Amen, Ta bảo các ngươi”; trong lời tuyên xưng đức tin; hoặc ước gì được như vậy trong những lời cầu xin. Đọc đoạn này trong I-sai-a, không thể không liên tưởng tới bài thơ lịch sử: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”đã khích lệ tinh thần quân dân Việt Nam đánh tan quân xâm lược phương Bắc, giữ vững độc lập.

[2] Có một bản dịch tiếng Việt khá quen thuộc: “như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ”, nghe thơ mộng nhưng không phải là ý nghĩa của bản văn Hip-ri.

[3] Có lẽ ám chỉ tới kinh nghiệm làm người con ở gia đình Na-da-rét, học nghề với người cha gia đình là thánh Giuse. Chúa Giê-su dùng kinh nghiệm chung của mọi người để nói về tương quan của Ngài với Chúa Cha.

[4] Người Do Thái không có tên họ như Việt Nam, nên muốn xác định căn cước một người thì phải kể lên đời cha, đời ông…

Kiểm tra tương tự

Vầng trăng nối liền những bàn tay và những trái tim

Từ hai tháng nay, qua chương trình trồng cây cải tạo môi trường tại trung …

Xin dạy con đường nẻo của Chúa !

  “Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA, dẫn con đi trên lối phẳng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *