Tài dùng binh của Nguyễn Huệ – Kỳ II: Nguyễn Huệ với lối hành quân vũ bão

NGUYỄN HUỆ VỚI LỐI HÀNH QUÂN VŨ BÃO.

Đánh nhanh đánh mạnh, đó là điểm đặc biệt về phép dụng binh của Quang Trung. Nếu như Hưng Đạo Vương sở trường về lối đánh “đoản binh” để chống lối “rường trận” hay Lê Lợi với phép “dĩ dật đãi lao”, chuyên đánh du kích thì Quang Trung trái hẳn, rất sở trường lối đánh “trường trận”. Đó là lối đánh “vận động chiến”, “trận địa chiến”. Đó là lối đánh của một kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Quang Trung luôn tỏ ra thế mạnh.

Thế mạnh là nhờ ở quân số, hỏa lực, phương tiện và mưu kế (chiến thuật chiến lược).

Trước hết về quân số, Nguyễn Huệ thật có tài huấn luyện rất mau chóng các tân binh để biến thành các chiến binh có khả năng chiến đấu cao.

Khi ra Bắc đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ đã qua Nghệ An và Thanh Hóa lấy thêm quân lính đến tám vạn người (1).

Với hơn 10 ngày tuyển binh và kể từ ngày bắt đầu tuyển (ngày 29 tháng 11 Mậu Thân tới Nghệ An) cho tới ngày ra trận, trong vòng chỉ khoảng 01 tháng trời, đồng thời phải chuyển quân một khoảng đường dài hàng mấy trăm cây số mà lính ấy ra trận đánh giặc lại hay, như vậy thực là ngoài sức tưởng tượng. Giáo sĩ Le Roy đã tả đạo quân Quang Trung thì gồm cả người già lão, trẻ con trông giống một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh. Ấy thế mà đạo quân khốn khổ ấy lại tàn sát được đạo quân Trung Hoa (2).

Hồi Lê Lợi khởi nghĩa, Ngài cũng tuyển lính tráng ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Nhà nào có ba người thì một người làm quân, thuế khóa giao dịch đều miễn trong ba năm” (3). Sang đời Lê Thánh Tông phép tuyển binh rất rõ ràng chu đáo:

Cứ ba năm thì làm hộ tịch một lần gọi là tiểu điển, 6 năm 1 lần gọi là đại điển. Sai quan đi các xứ, dùng nội thần và văn võ mỗi hạng một viên, dựng lập tuyển trưởng để duyệt dân binh, chia làm các bực tráng hạng, quân hạng, dân hạng, lão hạng, cố hạng, cùng hạng, nhà nào có 3 đinh thì 1 người bổ vào hạng lính tráng, 1 người bổ hạng quân và 1 người bổ hạng dân. Nhà có 4 đinh thù 2 người bổ vào hạng dân. Nhà có 5, 6 người trở lên thì 2 người bổ hạng lính, 1 người bổ hạng quân để ứng vụ. Hạng lính thì kể riêng, Hạng lão nhiều và tàn tật thì khai riêng. Những người phiêu lưu trốn biệt thì bỏ ra ngoài sổ. Trưởng thành đến 18 tuổi thì vào sổ. Trước hết tuyển những người cường tráng làm binh lính, rồi đến dân tráng sung vào hạng quân, ở nhà làm ruộng, khi nào có thải người yếu thì chiếu theo thứ tự lấy bổ sung vào. Cứ mở sổ mà lấy binh, không cần phải đòi bắt mà có đủ ngay (4).

Còn Nguyễn Huệ thì việc tuyển binh có phần gắt gao hơn. Trong bức thơ đề ngày 12-5-1787, giáo sĩ Longer gửi ông Blandin viết: “Người bạn đồng sự trẻ của chúng tôi bắt buộc phải chạy bởi người ta bắt tất cả mọi người phải đi đánh nhau từ 15 tuổi trở lên. Những người già, đàn bà góa, và con gái cũng bắt đi sửa cầu, đường xá” (5).

Một giáo sĩ khác viết: “Họ (quân Nguyễn Huệ) đã phá hủy ở đây tất cả những ngôi nhà thờ đẹp nhất của chúng ta cùng tất cả những ngôi chùa và bắt các sư tăng cầm khí giới ra trận (6).

Việc kiểm soát đi lại rất gắt gao và khoa học nên sự trốn lính rất khó khăn. Giáo sĩ Doussaint gửi thư cho ông Blandin ngày 16-6-1788 viết:

“Rất khó đi lại, kẻ nào không có “thẻ” sẽ bị bắt giữ và bị tù: mõ làng bắt buộc phải dựng lên 2 hay 3 căn nhà nhận dấu (tay) của người qua lại. Với phương tiện này, họ bắt được hết tận suất đinh (7).

Với cách tuyển binh như trên, nên quân của Nguyễn Huệ lúc nào cũng có quân số đông đảo, hàng trăm ngàn người, rất cần thiết để dùng lối đánh vũ bão.

Về hỏa lực, Quang Trung có khí giới lợi hại nhất là ống phun lửa tục gọi là Hồ lửa và lực lượng xung kích lợi hại nhất là voi trận (8). Chính Tôn sĩ Nghị trước khi tiến quân sang đã ban 8 điều quân luật để dặn dò quân sĩ. Trong đó có nói: “Người Nam đánh trận hay dùng sức voi. Lối đó nội địa (Trung Hoa) không quen, nên hễ gặp phải, ắt phải chạy trước để tránh…”

Họ chỉ dùng các “ống phóng” làm lợi khí. Thứ lợi khí ấy cũng gọi là Hồ lửa. Trong khi 2 bên giáp nhau, trước hết họ dùng vật ấy đốt cháy quần áo người ta, để cho người ta phải lui…” (9).

Về loại ống phun lửa từ đời Lê Thái Tổ đã thấy nói đến. Mỗi về trang bị ống lửa hạng đại tướng quân 1 cái, hạng lớn 10 cái, hạng nhỏ 80 cái (10). Chắc loại ống phun lửa này còn sơ khai không tân tiến được như loại “Hổ lửa” sau này.

Ngoài ra các khí giới khác chắc cũng dùng như khí giới ở thời Lê Trung Hưng như kiếm, kích, giáo, mộc, đao, súng, thuốc đạn. Hoặc như nỏ bắn đá, súng báng gỗ, súng bọc da, tên lửa thuốc lửa, đạn lửa, thuốc mù (11).

Về súng, quân đội Quang Trung trang bị các loại súng tay như súng chim (12), súng đại bác.

Các súng đại bác dùng để phòng thủ, hay dùng để tấn công bằng cách cho voi chở như lời Ngụy Nguyên chép trong sách Thánh Vũ Ký: “Giặc (Tây Sơn) đều chở đại bác bằng voi mà xông vào trận.” (13)

Súng đại bác đã được chúa Nguyễn ở Nam Hà dùng từ lâu và đã nhờ người Bồ Đào Nha lập xưởng đúc súng ở Phú Xuân. Trong một tập du ký viết về Nam Hà vào năm 1749, ông Le Poivre có cho biết chung quanh phủ chúa Nguyễn có tới 1200 khẩu đại bác mà phần lớn là súng của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Súng thì (không bắn được tới 6 phát và phần lớn đạn không cùng một cỡ (14). Mỗi khẩu đội gồm 6 người (15)…

Voi có nhiều ở Cao Nguyên Trung Phần. Tây Sơn cũng như Nguyễn Huệ ở gần đất có voi, nên việc lập tượng binh rất dễ dàng. Các triều đại trước kia cũng phần lớn lấy voi ở miền đất giáp Chiêm Thành để làm voi chiến, “Hiến Tông, (Lê) năm Cảnh Thống thứ hai (1499), ra lệnh cho quân dân địa phương Quảng Nam, (16) ai bắt được voi công thì báo cho  ba ty khám thực, cứ bắt được 1 con thì được kể 20 người công đầu và 20 người công phụ mà thưởng cho theo thứ bực” (17). Xem thế, việc bắt voi làm voi trận vào thời Lê này còn khó khắn lắm. Thời Trịnh Nguyễn phân ranh, Chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía nam, gồm các vùng Cao Nguyên, nên việc kiếm voi rất dễ dàng. Vì thế, Chúa Nguyễn lúc nào cũng có sẵn hàng trăm voi trận như giáo sĩ Delacourt có nói ít nhất là 400 voi trận (Ar-M. E, Coch 740, tlđd). Lực lượng tượng binh của Nguyễn Huệ không rõ cả thảy được bao nhiêu, nhưng cũng phải tới hằng trăm thớt voi trận. Sách Liệt Truyện chép: “Binh đắc thắng được hơn 10 vạn, voi trận mấy trăm thớt.” Vua Quang Trung duyệt binh sĩ ở trên doanh. Vua Quang Trung thân cỡi voi ra doanh trại ủy lạo quân sĩ rồi hạ lệnh tiến phát (18).

Dùng voi trận rất lợi nhưng cũng rất hại. Vì nếu không khéo, chính voi ấy lại giết quân mình dễ dàng, làm quân mình thua trận mau hơn. Như trận Tập kích Bích Kê, quân Tây Sơn la hét, gây tiếng động làm voi quân chúa Nguyễn có tới hơn 40 con sợ hãi, chạy tán loạn, đạp lên quân sĩ Chúa Nguyễn chết nhiều hơn là quân Tây Sơn giết. (19)

Thời đó, người ta thấy hầu như Nguyễn Huệ chỉ sử dụng voi trận ở chiến trương miền Trung và Bắc, còn miền Nam thì không. Sử sách không thấy nói tới việc mang voi vào đánh Gia Định. Có lẽ vì những lần mang quân vào đánh Gia Định, Nguyễn Huệ điều đi bằng đường biển, không tiện mang theo voi, một phần vì voi trận chỉ thích hợp với chiến trường miền nhiều rừng núi, chứ không hợp với miền nhiều đồng lầy như ở miền Nam.

Nguyễn Huệ ít khi dùng ngựa mà luôn luôn cỡi voi, lúc đưa đám ma vua Lê Hiển Tông cũng cỡi voi, lúc duyệt binh rồi đến khi ra trận cũng vậy.

Vì thích dùng voi, nên Nguyễn Huệ đã tạo ra tượng binh rất lợi hại. Sách Cương mục chép về Nguyễn Huệ dùng voi đánh quân Thanh: “Hồi trống canh năm sớm hôm sau, Văn Huệ xăn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, bỏ chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc lại lùa voi xong đến, quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong đồn lũy để cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc dùng những bó rơm to lớn để che đỡ mà lăn xả vào rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy. Giặc đến được đồn Nam Đồng, thừa thắng, ập lại giết chết quân Thanh bị chết bị thương đến quá nửa.” (20)

Voi trận của Nguyễn Huệ thật là một lực lượng xung kích rất lợi hại, chẳng khác nào như lực lượng “xe tăng thiết giáp” thời nay, khiến cho quân Nguyễn Huệ thêm dũng mãnh.

(còn tiếp)

  1. Cương mục, sđd, tr. 61.
  2. Thư Le Roy viết cho Blandin hồi tháng 6 năm 1789.
  3. Lịch triều… q XXXIX, sđd, tr. 16.
  4. Lịch triều… q. XXXIX, tr. 17.
  5. Thư của Longer gửi cho Blandin ngày 3.5. 1787.
  6. Thư của La Bartette gửi cho Blandin ngày 25.6.1786.
  7. Thư của Doussaint gửi cho Blandin ngày 16.6.1788.
  8. Voi trận phải huấn luyện rất công phu. Phải tập voi chiến đấu, phải cho voi quen đi không sợ lửa, không sợ tiếng súng lớn. Phải dùng tới 2 quản tượng. Khi voi gần địch quân, một trong những người điều khiển voi, lấy que chọc vào vòi khiên svoi dùng vòi quật ngã tất cả những gì gặp phải khi đi qua, những ngời cỡi trên voi đều mặc một loại áo giáp bắn không thủng.
  9. HLNTC, tr.236.
  10. Lịch triều, sđd, tr. 25.
  11. Lịch triều, sđd, tr. 25.
  12. Súng chim hay súng điểu thương được sử dụng vào thời kỳ này. Trong thời kỳ đáng nhau với Nguyễn Huệ, Thực Lục ghi : « vua ra trận giỏi dùng súng chim. Mỗi khi đánh nhau với giặc, hễ bắn là trúng… ». Năm Tân Hợi (1791), Nguyễn Ánh gửi mua ở Bồ Đào Nha một vạn súng chim, 2000 cỗ súng gang, mỗi cỗ nặng 100 cân. 2000 viên đạn tổ, đường kính 10 tấc (Thực Lục, sđd, tr. 137).
  13. Hoàng Xuân Hãn, Việt Thanh chiến sử, SĐ, số 9 và 10, tr. 6.
  14. Ar. N C1, fol. 173/2.
  15. Ar. N C1, fol. 40.
  16. Quảng Nam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 là đất từ Hải Vân trở vào gồm có đất Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên.
  17. Lịch triều, q. XXXIX, sđd, tr. 25.
  18. ĐNCBLT, sđd, tờ 32b.
  19. Giáo sĩ Diego de Jumilla kể trong bức thư gửi cho giáo sĩ Jean Salguero về trận tập kích của quân Chúa Nguyễn đóng trên sườn núi, trùng hợp với trận Bích Kê mà Liệt Truyện nói tới.
  20. Cương mục, sđd, tr. 62.

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *