Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Lễ Các Thánh Nam Nữ, ngày 01-11-2015

1

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 01-11-2015, lễ Các Thánh Nam Nữ, với vài chục ngàn khách hành hương; Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người chú ý cách đặc biệt đến các vị thánh ‘gần ngay bên cửa’. Họ là những người sống sát bên chúng ta và là những gương mẫu sống động để ta noi gương bắt chước. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi sự hòa bình ở Trung Phi khi một làn sóng bạo lực mới lại xảy ra giữa các sắc tộc và giữa các tôn giáo tại đây.

Sau đây là nội dung bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em và mừng lễ với anh chị em!

Trong phụng vụ ngày hôm nay, lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta cảm nhận cách đặc biệt sống động về thực tại mầu nhiệm các thánh thông công, một gia đình rộng lớn, được kết dệt nên từ tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội, bao gồm cả những người người đang còn lữ thứ hành hương trên thế trần và cả những ai – số này đông hơn – đã qua đời và đang tiến bước về Thiên Quốc. Đây chính là “mầu nhiệm các thánh thông công”, một cộng đoàn của tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa.

Bài trích sách Khải huyền gợi nhắc cho chúng ta một đặc tính thiết yếu của các thánh: Họ là những người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Họ được mô tả là một đoàn người đông đảo đã được ‘tuyển chọn’, mình mặc áo trắng và trên trán được đóng ‘ấn của Thiên Chúa’ (Kh 7, 2-4.9-14). Ngang qua những chi tiết đặc biệt này và với ngôn ngữ loại suy, tác giả sách Khải huyền muốn nhấn mạnh rằng các thánh là những người thuộc về Thiên Chúa cách hoàn toàn và độc nhất. Họ thuộc quyền sở hữu và là gia sản của Thiên Chúa. Vậy dấu ấn của Thiên Chúa trên cuộc đời của một người hay trên chính người đó có nghĩa là gì? Thánh Gioan Tông đồ của giải thích: Điều ấy có ý nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta thực sự được trở nên con cái của Thiên Chúa (1 Ga 3, 1-3).

Nhưng chúng ta có ý thức về hồng ân lớn lao được là con cái của Thiên Chúa không? Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có nhớ là đã được ‘đóng ấn’ của Cha trên trời và chúng ta trở thành con của Ngài không? Nói cách đơn giản, chúng ta được mang họ của Thiên Chúa. Tên họ của chúng ta là Thiên Chúa, vì chúng ta là con của Ngài. Chính điều này cho thấy gốc rễ của ơn gọi nên thánh. Các thánh chúng ta kính nhớ ngày hôm nay chính là những người đã sống trong ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy, đã gìn giữ hoàn toàn nguyên vẹn ‘dấu ấn’ khi biết hành xử và sống như con cái của Thiên Chúa, đồng thời cố gắng noi gương bắt chước Đức Giêsu. Bây giờ, các ngài đã tiến về đích, vì cuối cùng ‘Thiên Chúa như thế nào, các ngài đã được chiêm ngưỡng Người như vậy.’

Đặc tính thứ hai, các thánh là những gương mẫu để chúng ta noi theo. Hãy cẩn thận, không chỉ những vị đã được phong thánh; nhưng các thánh còn là tất cả những ai, với ơn Chúa giúp, đã cố gắng thực hành Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Trong số đó, có những người chẳng hề được phong thánh. Nhưng họ là những vị thánh ‘gần ngay bên cửa nhà’ chúng ta. Và trong số đó, có những người chúng ra đã gặp gỡ, có những người còn là thành viên trong gia đình của chúng ta, là bạn bè hoặc là những người ta quen biết. Chúng ta phải biết ơn họ. Trên hết, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã ban họ cho chúng ta, đã cho chúng ta có cơ hội được ở gần, được gặp gỡ họ như là những mẫu gương sống động, và chúng ta cũng đã được thấm nhiễm bởi cách sống và cả cái chết của họ trong niềm tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô và vào Tin Mừng. Có bao nhiêu người tốt lành chúng ta biết trong cuộc đời mà khi gặp gỡ hay trò truyện, chúng ta đã thốt lên: ‘Ôi, người này quả thật là thánh.’Vâng! Chúng ta thốt ra điều ấy hết sức tự nhiên và bộc phát, vì quả thật, có những vị thánh sát bên chúng ta, sống gần gũi với chúng ta mà không nhất thiết phải được tuyên thánh.

Việc noi gương bắt chước những cử chỉ yêu thương và nhân ái của các vị thánh giống như một hành động kéo dài mãi sự hiện diện của các ngài trên thế giới này. Và thật sự, những cử chỉ Tin Mừng ấy là thứ duy nhất có thể chống lại sự hủy diệt của cái chết: một hành động dễ thương, một sự giúp đỡ quảng đại, bỏ thời gian để ân cần lắng nghe người khác, đi thăm viếng, một lời nói tốt lành, một nụ cười dễ mến…v.v. Trong mắt chúng ta, những cử chỉ này dường như chẳng có gì quan trọng; nhưng trước mặt Thiên Chúa, chúng lại trường tồn, vĩnh cửu, vì tình yêu và lòng thương xót mạnh hơn sự chết.

Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các thánh, sẽ giúp chúng ta tin tưởng hơn vào ân sủng của Thiên Chúa để chúng ta bước đi với lòng nhiệt huyết trên con đường nên thánh. Chúng ta hãy phó thác nơi Mẹ những cố gắng dấn thân hằng ngày của chúng ta. Với Mẹ, chúng ta cũng cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, trong niềm hy vọng một ngày kia tất cả chúng ta được gặp lại nhau trong sự  hiệp thông vinh quang vĩnh cửu trên Thiên Quốc.”

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, những biến cố đau thương trong những ngày gần đây làm cho tình hình ở Cộng Hòa Trung Phi trở nên căng thẳng hơn và cũng làm dấy lên trong tôi một sự quan tâm khôn tả. Tôi tha thiết kêu gọi các bên liên quan chấm dứt tình trạng bạo lực đang diễn ra tại đây. Tôi cũng đặc biệt hiệp thông cách thiêng liêng với các cha Dòng Thánh Comboni thuộc giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Bangui, đã chấp nhận một số lượng lớn những người tị nạn. Tôi muốn diễn tả tình hữu nghị đoàn kết của tôi đối với Giáo Hội, với các tôn giáo khác và tất cả moi người ở Trung Phi. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để vượt qua sự chia cắt và quay trở về con đường hòa bình. Và để diễn tả sự liên đới thân mật của toàn thể Giáo Hội với Cộng hòa Trung phi, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong đất nước ấy, tuy đang chịu những đau đớn, khổ cực của chiến tranh bao lực; nhưng luôn cố gắng trở nên chứng tá của lòng thương xót và sự hòa giải. Chúa Nhật ngày 29 tháng 11, tôi dự định sẽ mở Cửa Thánh của thánh đường ở Bangui. Tôi hy vọng sẽ thực hiện được điều đó trong cuộc viếng thăm mục vụ sắp tới.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng gợi nhắc: “Ngày hôm qua ở Frascati, Giáo Hội đã phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Casini, vị sáng lập Dòng Nữ Tu Tận Hiến Thánh Tâm Chúa Giêsu. Mẹ là con người của chiêm niệm và truyền giáo. Mẹ đã dành cả cuộc đời và những việc hy sinh bác ái để cầu nguyện cho các linh mục. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những chứng tá tốt đẹp của Mẹ. Sau đó, Đức Thánh Cha chào thăm nồng nhiệt các phái đoàn hành hương, đến từ Italia và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là từ Malaysia và Valencia (Tây Ban Nha). Đức Thánh Cha cũng chào mừng những người tham gia cuộc chay đua Marathon nhân ngày lễ các thánh được tài trợ bởi tổ chức “Don Bosco thế giới” và hiệp hội ‘Giáo Hội gia đình nhỏ’. Cuối cùng, Đức Thánh Cha thông báo chiều nay ngài sẽ đến nghĩa trang Verano và dâng thánh lễ tại đó để cầu nguyện cho những người đã qua đời.

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *