Tiếp kiến chung ĐTC: Bí tích Rửa Tội là nguồn gốc hiệp nhất giữa các Kitô hữu

REUTERS1215689_ArticoloVATICAN. Tái khởi đầu từ Bí tích Rửa tội là tái khám phá nguồn suối của lòng thương xót, nguồn của hy vọng cho tất cả, bởi vì Lòng thương xót của Thiên Chúa không loại trừ một ai. Tất cả, Công giáo, Chính thống và Tin Lành, chúng ta làm thành một tư tế vương đế và một quốc gia thánh. Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mạng chung, đó là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho tha nhân, bắt đầu từ những ai đói khổ và bị bỏ rơi. Trong suốt Tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất này, chúng ta hãy cầu nguyện ngõ hầu tất cả chúng ta, những môn đệ của Đức Kitô khả dĩ tìm ra phương thức để cộng tác với nhau để gieo vãi lòng thương xót của Thiên Chúa Cha đến khắp mọi nơi trên mặt đất này.

ĐTC đã nói như trên với 8000 khách hành hương trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20.01.2016 tại hội trường Thánh Phaolô 6. Tuần này, ĐTC nói về ý chỉ cho Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:

“Anh chị em rất thân mến

Chúng ta vừa lắng nghe bản văn Kinh Thánh làm kim chỉ nam năm nay để phản tỉnh về Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu, vốn kéo dài từ 18-25.01. Đoạn thư thứ nhất của thánh Phêrô đã được chọn bởi nhóm Đại kết của Lettonia, do sự uỷ thác của Hội Đồng Đại kết của các Giáo Hội và Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất của các Kitô hữu.

Tại trung tâm của Nhà Thờ Chánh Toà Luther ở Riga có một giếng rửa tội vốn được khai sinh từ thế kỷ XII, thời đại mà nước Lettonia được thánh Mainardo truyền giáo. Giếng nước đó là một dấu chỉ hùng hồn cho nguồn cội duy nhất của đức tin vốn được tất cả các Kitô hữu của Lettonia nhìn nhận, người Công giáo, Tin lành và Chính Thống. Nguồn gốc này chính là Bí tích Rửa tội chung của tất cả chúng ta. Công đồng chung Vaticanô II khẳng định rằng: “Bí tích Rửa tội kiến tạo ràng buộc bí tích của sự hiệp nhất vốn hiệu lực cho tất cả những ai được tái sinh nhờ nó” (Unitatis redintegratio, 22). Thư thứ nhất của thánh Phêrô được ngỏ với các Kitô hữu thế hệ tiên khởi nhằm giúp họ ý thức về hồng ân được lãnh nhận từ Phép Rửa và những đòi hỏi mà Phép rửa ấy quy định. Ngay cả chúng ta, trong Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất này, chúng ta cũng được mời gọi để tái khám phá tất cả điều này, và thực hiện nó cùng với nhau, để cùng vuợt qua sự chia rẽ giữa chúng ta.

Trước hết, chung chia một Bí tích Rửa tội có nghĩa là tất cả chúng ta đều là tội nhân và chúng ta cần được cứu độ, chuộc tội, giải thoát khỏi sự dữ. Đây là khía cạnh tiêu cực mà Thư thứ nhất của thánh Phêrô gọi là “tối tăm” khi nói rằng: “Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta ra khỏi miền tối tăm để dẫn đưa chúng ta vào trong ánh sáng diệu huyền của Người”. Đây là kinh nghiệm của sự chết mà Đức Kitô đã trải qua, và đã được biểu tượng hoá trong Bí tích Rửa Tội qua việc nhận chìm trong nước, và sau đó là việc trồi lên khỏi mặt nước, biểu tượng của sự phục sinh cho sự sống mới trong Đức Kitô. Khi những Kitô hữu như chúng ta thừa nhận sự chung chia một Bí tích Rửa tôi duy nhất, chúng ta khẳng đinh rằng tất cả chúng ta – Công giáo, Tin Lành và Chính Thống – chung chia kinh nghiệm được kêu gọi từ bóng tối nhẫn tâm và tha hoá để bước đến diện kiến Thiên Chúa hằng sống, trào tràn lòng thương xót. Rủi ro là tất cả chúng ta thực sự đã kinh nghiệm sự ích kỷ, vốn làm nảy sinh sự chia rẽ, đóng kín, và khinh khi. Tái khởi đầu từ Bí tích Rửa tội có ý nói là tái khám phá nguồn suối của lòng thương xót, nguồn của hy vọng cho tất cả, bởi vì Lòng thương xót của Thiên Chúa không loại trừ một ai.

Sự chung chia ân sủng này khởi phát một mối dây không thể chia lìa giữa các Kitô hữu, đến độ là, nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta có thể xem tất cả thực sự là anh em. Chúng ta thực sự là dân thánh của Thiên Chúa, bất kể, vì nguyên do tội lỗi của mình, chúng ta không còn là một dân hiệp nhất trọn vẹn nữa. Lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn được thi triển trong Phép Rửa, thì mạnh mẽ hơn sự chia rẽ của chúng ta. Chính trong chừng mực này mà chúng ta nhận lãnh ơn sủng của lòng thương xót, chúng ta sẽ luôn trở nên dân thánh của Thiên Chúa ngày một tròn đầy hơn, và chúng ta cũng trở nên khả hữu để loan truyền cho tất cả mọi người về những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa, vốn khởi đi từ dấu chứng huynh đệ và giản đơn của sự hiệp nhất. Kitô hữu chúng ta có thể loan truyền cho tất cả uy lực của Tin Mừng bằng cách dấn thân để chia sẻ những công tác của lòng thương xót về thể lý và thiêng liêng. Đây là một chứng từ cụ thể của sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu chúng ta: Tin Lành, Chính Thống, Công giáo.

Cuối cùng, anh chị em rất thân mến, tất cả Kitô hữu chúng ta, nhờ ân sủng của Phép Rửa, chúng ta đã nhận lãnh lòng thương xót từ Thiên Chúa và chúng ta được kết nạp vào dân riêng của Ngài. Tất cả, Công giáo, Chính thống và Tin Lành, chúng ta làm thành một tư tế vương đế và một quốc gia thánh. Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mạng chung, đó là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho tha nhân, bắt đầu từ những ai đói khổ và bị bỏ rơi. Trong suốt Tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất này, chúng ta hãy cầu nguyện ngõ hầu tất cả chúng ta, những môn đệ của Đức Ki tô khả dĩ tìm ra phương thức để cộng tác với nhau để gieo vãi lòng thương xót của Thiên Chúa Cha đến khắp mọi nơi trên mặt đất này.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ : Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *