Sáng Chúa nhật 13-3-2016, tại Học Viện Dòng Tên, cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. đã chia sẻ với các bạn sinh viên Công Giáo Thủ Đức về chuyên đề: “Đức Tin và Giới Trẻ”. Cha giải đáp nhiều thắc mắc của các bạn trẻ. Chúng tôi xin trích nơi đây những bận tâm ấy.
Hôn nhân khác đạo
Một bạn nhóm Sư Phạm Kỹ Thuật hỏi:
Trong giờ lễ con nghe cha giảng: Đừng bắt ép người ta vào đạo rồi mới chịu cưới, cứ để họ tự do đạo ai nấy giữ sẽ tốt hơn. Con phân vân vì thấy những gì cha giảng khác với những gì ba mẹ con vẫn nói. Cho con hỏi như thế nào mới đúng?
Con phải trả lời thế nào khi được hỏi: Hai người khác đạo yêu nhau, sao người Công giáo không theo đạo khác, mà (buộc) người kia phải theo đạo Công giáo?
Cha chia sẻ:
Đạo Công giáo tôn trọng tự do tôn giáo, nên không ép buộc ai gia nhập đạo nếu người ấy không muốn và không tin. Dù lấy người cùng đạo với mình là một điều quan trọng cho hạnh phúc gia đình, nhưng ta không được đặt điều kiện: phải vô đạo mới được cưới.
Đạo Công giáo cho phép người Công giáo kết hôn với một người không-Công giáo, với điều kiện là người kia phải tôn trọng đời sống đạo của người Công giáo, và phải cho con cái được rửa tội trong đạo. Theo Quy Định về Thủ Tục Hôn Phối ở Tổng Giáo Phận Sài Gòn, cả người Công giáo và người không-Công giáo (dù không muốn theo đạo) đều phải học giáo lý Hôn nhân tối thiểu ba tháng, mục đích để sau này dễ cảm thông với nhau hơn. Cũng cần viết Đơn xin Phép chuẩn Hôn phối khác đạo, để cha xứ xác nhận và đệ trình Tòa Giám Mục chấp thuận (cha xứ của bên nữ cũng có thể nhận hồ sơ xin Phép chuẩn). Nghi thức Hôn phối khác đạo được cử hành trong nhà thờ, nhưng ở ngoài Thánh Lễ. Nếu con muốn rõ hơn tiến trình để kết hôn với một người không-Công giáo, xin hỏi cha xứ của con.
Lội ngược dòng đời
Một bạn nữ nhóm Khiết Tâm hỏi:
Thưa cha, cách sống để có thể giữ vững đức tin trong một xã hội mà mọi người đều chạy theo vật chất là gì ạ?
Cha chia sẻ:
Ta cần chạy theo chiều ngược lại, nghĩa là chạy ngược chiều với thế gian, dù có khi phải chạy một mình! Để giữ đức tin trong một xã hội chạy theo vật chất, ta cần chạy theo những giá trị tinh thần cao quý mà xã hội lắm khi coi nhẹ, đó là sự thành thật, sự trong sạch, hy sinh, bao dung, công bằng, bác ái…
Tổ tiên loài người
Một bạn nhóm Khiết Tâm hỏi:
Thưa cha, sách Sáng Thế nói Adam và Evà là tổ tiên của cả loài người. Mình nên hiểu như thế nào?
Cha chia sẻ:
Sách Sáng Thế được viết cách đây khoảng hơn 2500 năm. Tác giả dùng lối diễn tả gợi hình, dễ hiểu, để trình bày đức tin của tác giả vào Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên con người. Ngài đã dựng nên nguyên tổ (nghĩa là tổ tiên cao nhất) là một ông và một bà. Từ ông bà này sinh ra mọi con người khác.
Đức tin của chúng ta hôm nay vẫn không khác với đức tin của tác giả viết sách Sáng Thế ngày xưa. Chúng ta tin Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự trong vũ trụ, và đã tạo dựng nên con người cao cả vượt trên mọi sinh vật khác. Con người là sinh vật có khả năng đối thoại và có tương quan cá vị với Thiên Chúa. Ngài dựng nên phái tính (nam và nữ) để hai người khác phái có thể yêu nhau và sinh sản con cái, sống bình đẳng trong một mái ấm.
Tuy nhiên, cũng có những chi tiết trong sách Sáng Thế mà chúng ta không cần phải tin. Thí dụ: Thiên Chúa dựng nên vũ trụ trong sáu ngày, hay Thiên Chúa đã nặn đất sét và thổi hơi vào mũi để làm ra Ađam, rồi lấy xương sườn của ông để làm nên bà Eva. Thật ra Thiên Chúa có thể dựng nên con người bằng cách giúp cho một nhánh của sinh vật cấp cao nào đó thực hiện một bước nhảy vọt mà tự sức nó không thể làm được. Bởi đó giả thuyết tiến hóa có thể phù hợp với đức tin, nếu chúng ta vẫn nhìn nhận chính Thiên Chúa là nguồn gốc của sự tiến hóa đi lên của cả vũ trụ.
Biên tập: Tứ Quyết, SJ