CONSTANTINE VÀ SỰ LỚN MẠNH CỦA KITÔ GIÁO
Khi Constantine kế vị Diocletian, ông mang trên mình một yếu tố mới mẻ: mẹ ông là một Kitô hữu. Khi Constantine còn là một người ngoại giáo, ông đã có thị kiến về một trận chiến và ông tin rằng mình sẽ chiến thắng dưới cờ hiệu của Đức Kitô. Sau đó, cùng với đồng minh Licinius, ông đã chiến thắng cuộc chiến và truyền ban sắc chỉ Milan công nhận tự do tôn giáo cho Kitô giáo. Các hoàng đế Rôma thường đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề tín ngưỡng, và Constantine đã áp dụng điều này vào Kitô giáo. Chính ông là người đã qui tụ các giám mục khắp nơi để hình thành công đồng Nicea.
Trong những thế kỷ kế tiếp đã xuất hiện một vài Kitô hữu lỗi lạc. Các giáo phụ đã bắt đầu dấn thân vào những công trình kinh điển nhân danh Giáo Hội. Jerome (ca. 345-420) là một ẩn sĩ đã dịch Kinh Thánh từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ La-tinh. Bản dịch này được gọi là Vulgate và sau đó được công nhận là bản dịch chính thức của Giáo Hội Công giáo.
Giáo phụ có tầm ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội là thánh Augustinô. Xuất thân từ Bắc Phi, Augustinô có cha là người ngoại giáo và mẹ là Mônica, một Kitô hữu. Ngài là một thanh niên thông minh xuất chúng, luôn bị cuốn hút bởi thú vui cuộc đời: cờ bạc, đàn điếm say sưa. Về sau trầm tĩnh lại, ngài ở với một cô nhân tình trẻ, có một người con trai và ngài dạy học tại Milan. Ở Milan, Augustinô gặp được một Kitô hữu vĩ đại là giám mục Ambrôsiô. Vượt qua những chần chừ cũng như chung sống với các tình nhân khác, năm 33 tuổi, Augustinô đã hoán cải và trở thành Kitô hữu dưới ảnh hưởng của người mẹ và giám mục Ambrôsiô. Ngài đã viết một cuốn sách nhằm diễn tả sự biến đổi của mình, được gọi là Tự thú (Confessions) và là một cuốn sách tuyệt vời miêu tả hành trình tâm linh. Augustinô mau chóng được thụ phong linh mục và chẳng mấy chốc ngài được xức dầu tấn phong giám mục thành Híppo. Ảnh hưởng cuối cùng của thánh nhân là trong lĩnh lực thần học. Nhằm tranh luận chống lại những người lạc giáo lúc bấy giờ, Augustinô hầu như đã viết về niềm tin của người Kitô hữu, và những tác phẩm đó vẫn còn ảnh hưởng rất lớn cho đến ngày nay.
Thế kỷ V cũng sản sinh ra một vĩ nhân khác, đó là Đức Giáo hoàng Lêô Cả. Ngài không những là vị lãnh đạo tinh thần nhưng còn là một người đầy quyền uy trong xã hội lúc bấy giờ ở Tây Phương. Ngài không chỉ chủ tọa Công Đồng Chalcedon, nhưng còn mặt đối mặt với Attila, vua của đế quốc Hun. Ngài đã lên tiếng về quyền bính của giáo hoàng, một quyền bính không chỉ liên quan mật thiết đến các vấn đề trong lòng Giáo Hội, nhưng còn đối với cả nhà nước nữa. Khi ngài qua đời, mối liên kết giữa Giáo Hội và nhà nước là không thể tách rời.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Khi được chính quyền Rôma chấp nhận, Giáo Hội đã có được những thuận lợi và bất lợi nào?