“Ai là người thân cận của tôi?” (14.7.2019 – Chúa Nhật XV Thường Niên)

 

“Ai là người thân cận của tôi?”
(
Lc 10, 25-37)

 

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”

36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 1. “Ai là người thân cận của tôi?”

Nếu câu hỏi thứ nhất của người luật sĩ là một câu hỏi rất hay: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”, thì câu hỏi thứ hai mà ông nêu ra: “Ai là người thân cận của tôi?”, phải chăng là một câu hỏi ngớ ngẩn? Vì người thân cận hiển nhiên là người bên cạnh, là người chung quanh, hàng xóm láng giềng!

Có lẽ không phải như vậy, vì người luật sĩ muốn cho thấy đây là một trong những vấn đề lớn ông đang thao thức, và chắc chắc cũng là vấn đề mà nhóm, cộng đoàn, thậm chí dân tộc của ông thao thức. Bởi vì, tuy là gần nhau, nhưng chưa chắc đã là thân cận, tuy ở chung, nhưng chưa chắc đã là anh em, chị em, bởi vì không chỉ có những ranh giới hữu hình, nhưng còn có cả nhiều ranh giới vô hình nữa, phân cách người với người:

  • Công chính và tội lỗi.
  • Ô uế và thanh sạch.
  • Người bệnh và người khỏe mạnh.
  • Nhóm của mình và những nhóm khác.
  • Khác biệt về tôn giáo, quan điểm, tính tình…
  • Dân Do thái và dân ngoại, nam và nữ, tự do và nô lệ, chủ và tớ…

 2. “Hãy đi, ông cũng hãy làm như thế”

Đức Giê-su sẽ giúp cho vị luật sĩ vượt qua cách suy nghĩ lối mòn của mình: thay vì tôi ngồi một chỗ tìm cách định nghĩa người thân cận của tôi là ai, rồi sau đó tôi mới đi thực hành lòng mến đối với họ, Đức Giê-su kể cho ông nghe một dụ ngôn, và sau đó, Người đặt câu hỏi:

Theo ông, ai trong ba người đã là người thân cận của người bị nạn?

Người luật sĩ trả lời một cách dễ dàng:

Đó là người tỏ lòng thương xót đối với anh ta.

Và Đức Giê-su mời gọi ông:

Hãy đi, ông cũng hãy làm như thế.

Nghĩa là hãy làm cho mình trở thành người thân cận của người khác, đặc biệt là người cần đến lòng thương xót. Dụ ngôn của Chúa không xác định một hành vi cụ thể phải cố thực hiện (bởi vì, mấy khi mà chúng ta gặp một tình huống như vậy để thực hành), nhưng diễn tả sức năng động của lòng yêu mến mà luật nói đến:

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.

Năng động tình yêu mà dụ ngôn của Đức Giê-su muốn diễn tả:

  • Không phổ quát giống như những định nghĩa mà những người làm luật cố đưa ra, để xác định ai là người thân cận.
  • Vượt qua các rào cản của lề luật, và của những ranh giới hữu hình và vô hình phân cách người với người, nhóm với nhóm.
  • Và diễn tả sức năng động, thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình, để hướng về người khác, dù người này là ai.

 

3. Thiên Chúa trở nên “người thân cận” của chúng ta nơi Đức Ki-tô

Ngoài ra, dụ ngôn còn có một ý nghĩa khác, hình ảnh người Samari nhân hậu diễn tả cho chúng ta cách tuyệt vời chính cung cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Bởi vì, chúng ta cũng giống như người bị nạn bởi sự dữ, tội lỗi, bởi bạo lực, lòng ghen ghét. Lề luật miễn trừ cho thầy tư tế và thầy Lê-vi không hành động trong trường hợp này, để có thể tiếp tụ lo thánh vụ. Có thể nói, Lề Luật cũng miễn cho Ngôi Lời Thiên Chúa can thiệp; nhưng thay vì Người tránh xa một bên để đi qua, bỏ mặc loài người chúng ta dở sống dở chết, Người chạnh lòng thương, dừng lại để cứu vớt chúng ta; khi làm thế, Người đã vượt qua rất nhiều ranh giới:

  • Thiên Chúa và con người.
  • Trên trời và dưới đất; vĩnh cửu và thời gian.
  • Thánh thiện và tội lỗi.
  • Thanh sạch và ô uế.

Hơn nữa còn hạ mình trở nên giống chúng ta, không chỉ trong thân phận con người, mà con tự đặt mình trong hoàn cảnh bị hại, bởi vì trong cuộc Thương Khó, ngài tự nguyện trở thành nạn nhân, và chịu đóng đinh trên Thánh Giá, để vừa cảm thông với mọi nỗi đau khổ của loài người chúng ta, kể cả cái chết (x. Dt 4, 14-16) và vừa mở đường cho chúng ta đi vào cõi hằng sống. Như lời Thánh Vịnh diễn tả:

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Ngài rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.

(Tv 77, 20)

Xin cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa Tình Yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, được thể hiện nơi Đức Giê-su, để chúng ta sống Tình Yêu này một cách chủ động ngay trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và trong môi trường sống của chúng ta, nghĩa là làm cho mình trở nên người thân cận của người khác, như Thiên Chúa đã làm cho mình trở nên người thân cận của chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 26-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 3, 26-11-2024 (Lc 21,5-11)  Nhân có mấy người nói về …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 24-11-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 24/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Một tầm nhìn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *