Những lời này của Đức Giêsu trả lời cho câu hỏi đã nhiều lần nảy sinh trong tâm trí chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?”. Thiên Chúa ở đâu khi sự dữ đang tràn ngập thế giới, khi con người đang đói khát, không nhà cửa, bị lưu đày, phải tị nạn? Thiên Chúa ở đâu khi những người vô tội phải chịu chết bởi bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu khi bệnh dịch đã phá vỡ những mối liên kết sự sống và lòng thương cảm? Hay khi các trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị biến thành công cụ hay chịu biết bao đau đớn vì bệnh tật hành hạ? Thiên Chúa ở đâu, giữa những sầu buồn của những ai đang chao đảo và khủng hoảng tinh thần? Có rất nhiều câu hỏi mà ngôn ngữ loài người không thể đưa ra câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Giêsu và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Giêsu là: “Thiên Chúa ở ngay nơi những con người đó.” Đức Giêsu ở ngay đó với họ, Ngài chịu đau đớn trong họ và đồng hoá mình với từng người trong họ một cách sâu thẳm. Ngài liên đới với họ cách gần gũi như thể cùng với họ làm nên “một thân thể”, nói theo một cách nào đó.
Chính Đức Giêsu đã muốn đồng hoá mình với những anh chị em đang chịu đau khổ và sầu buồn khi chấp nhận “con đường thương khó” dẫn đến đồi Can-vê. Qua cái chết trên thập giá, Ngài trao dâng chính mình vào tay Cha, với tình yêu hiến tế, Ngài đã mang vào mình những nỗi đau khổ về thể lý, luân lý và tinh thần của tất cả nhân loại. Ôm lấy cây thập giá, Đức Giêsu đã ôm lấy sự trần truồng, cái đói, cái khát, nỗi cô đơn, nỗi đau và cái chết của con người mọi thời đại. Tối nay, cùng với Ngài và với một tình yêu thương đặc biệt, chúng ta cũng ôm lấy những anh chị em đến từ Syria đang chạy trốn khỏi chiến tranh. Chúng ta chào đón họ với một tình huynh đệ và tình bằng hữu chân thành.
Qua việc bước theo Đức Giêsu trên Con Đường Thập Giá, một lần nữa chúng ta nhận ra được tầm quan trọng của việc noi gương Ngài qua mười bốn công việc bác ái. Những việc này giúp chúng ta mở ra với lòng thương xót của Thiên Chúa, xin ơn nhận ra rằng không có lòng thương xót, chúng ta không thể làm gì được; không có lòng thương xót, cả cha, cả các con cũng như không ai trong chúng ta có thể làm được gì. Trước hết, chúng ta hãy suy xét “thương xác bảy mối”: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng người ốm và tù nhân, chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho nhưng không. Chúng ta được mời gọi để phục vụ Đức Giêsu nơi những ai bị loại trừ ra ngoài lề xã hội, để đụng chạm xương thịt cực thánh của Ngài nơi những ai đang trong hoàn cảnh khó khăn, những người đói khát, nơi kẻ trần truồng và bị bỏ tù, kẻ đau yếu và thất nghiệp, những người bị bắt bớ, những người di cư và tị nạn. Nơi đó chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa của chúng ta; nơi đó, chúng ta đụng chạm được Chúa. Chính Đức Giêsu đã nói với chúng ta điều này khi Ngài giải thích những tiêu chuẩn mà dựa vào đó chúng ta sẽ được phán xét: bất cứ khi nào chúng ta làm điều đó cho những người anh chị em bé mòn này, chúng ta đang làm cho chính Ngài. (X. Mt 25,31-46).
Sau những việc bác ái phần xác là tới những việc phần hồn: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Qua việc đón nhận những người bị loại trừ đang đau khổ về thể lý và đón nhận những kẻ tội lỗi đang đau khổ về tinh thần, chúng ta xác nhận tính khả tín về tư cách người Ki-tô hữu của mình.
Nhân loại ngày nay cần những người nam nữ, đặc biệt là những người trẻ như các con, những người không muốn sống một cuộc sống nửa vời, nhưng sẵn sàng và tự do cống hiến đời mình để phục vụ những anh chị em nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất, noi gương Đức Ki-tô, Đấng đã tự hiến chính mình hoàn toàn vì ơn cứu độ của chúng ta. Trước sự dữ, nỗi đau khổ và tội lỗi, người môn đệ Đức Giêsu chỉ có một lời đáp trả duy nhất là tự huỷ chính mình, ngay cả sự sống của mình theo gương Đức Ki-tô; đó là thái độ phục vụ. Nếu người tự xưng là Ki-tô hữu không biết phục vụ, cuộc sống của họ chẳng để làm gì, ngoài việc chối bỏ Đức Giêsu Ki-tô.
Các bạn trẻ thân mến, tối nay, một lần nữa, Chúa mời gọi các bạn hãy sẵn sàng phục vụ người khác. Ngài muốn biến các bạn trở thành lời đáp cụ thể cho những nhu cầu và đau khổ của nhân loại. Ngài muốn các bạn trở thành những dấu chỉ lòng thương xót của Ngài cho thời đại của chúng ta! Để giúp các bạn có thể thực thi sứ mạng của mình, Ngài đã tỏ cho các bạn thấy con đường dấn thân cá vị và tự hiến. Đó chính là Con Đường Thập Giá. Chặng đàng Thánh Giá là con đường trung thành bước theo Đức Giêsu cho đến cùng, trong từng hoàn cảnh éo le của cuộc sống thường ngày. Đó là con đường không sợ sự thất bại, loại trừ hay cô lập, vì nó đong đầy cõi lòng chúng ta bằng sự tròn hảo của Giêsu. Chặng đường Thánh giá là con đường của lối sống Thiên Chúa, là “phong cách” của Ngài, mà Đức Giêsu đã mang vào nơi từng chặng đường của một xã hội luôn bị chia cắt, bất công và tham nhũng.
Chỉ có Con Đường Thập Giá mới có thể đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết vì nó dẫn tới ánh sáng rạng rỡ trong sự phục sinh của Đức Ki-tô và mở ra những chân trời của một sự sống mới và tròn đầy hơn. Đó là con đường của hy vọng, con đường của tương lai. Những ai bước đi trên con đường này với lòng quảng đại và đức tin sẽ trao tặng niềm hy vọng và một tương lai cho nhân loại.
Các bạn trẻ thân mến, vào hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, nhiều môn đệ đã thất vọng và buồn bã trở về nhà. Những người khác thì đi đến miền đất khác để quên đi cây thập giá. Giờ đây, cha muốn hỏi các con: tối nay, các con muốn trở về nhà, trở về nơi các con trọ với một tâm trạng như thế nào? Tối nay, các con muốn đối diện với chính mình như thế nào? Mỗi người trong các con phải trả lời cho những thách đố mà câu hỏi này đặt ra trước mắt các con.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ